Tấn công khủng bố tại tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là một vụ “tấn công khủng bố” và cáo buộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức bị cấm hoạt động ở nước này - đứng sau vụ tấn công chết người. Đáng chú ý, vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh giới chức Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang nghiêng về giải pháp chính trị, thông qua đàm phán cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ với lực lượng dân quân người Kurd.
Chuyện gì đã xảy ra?
Gần 4 giờ chiều (13:00 GMT) ngày 23/10, tiếng súng và tiếng nổ đã vang lên tại trụ sở của TUSAS. Một đoạn video từ hiện trường do phương tiện truyền thông địa phương phát sóng ban đầu cho thấy những đám khói lớn và một đám cháy lớn, trong khi cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã nhanh chóng đến hiện trường.
Trong một bài đăng trên X, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya đã xác nhận vụ tấn công trên. “Một cuộc tấn công khủng bố đã được thực hiện nhằm vào các cơ sở của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông viết.
Đoạn phim được camera an ninh ghi lại cho thấy, ba người trên một chiếc taxi màu vàng đến một trong những lối vào của khu phức hợp. Một trong những kẻ tấn công đã xâm nhập vào tòa nhà và nổ súng. Một vụ nổ xảy ra bên cạnh một bốt an ninh và có thể đã khiến nhân viên an ninh bị thương.
Các nhân chứng cho biết, những kẻ tấn công đã quen với cách bố trí của tòa nhà và các vụ nổ có thể xảy ra ở các lối ra khác nhau khi nhân viên đang rời khỏi nơi làm việc trong ngày. Họ nói thêm rằng, chính quyền đã đưa nhân viên vào bên trong tòa nhà đến nơi trú ẩn và không ai được phép rời đi trong vài giờ.
Phóng viên Sinem Koseoglu của Al Jazeera đưa tin từ Ankara cho biết: “nhiều chuyên gia cho rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch chiến lược”.
Vụ tấn công khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, gồm 1 nhân viên kiểm soát chất lượng, 1 kỹ sư cơ khí, 1 nhân viên, 1 bảo vệ TUSAS và tài xế taxi - người đã bị những kẻ tấn công sát hại sau khi chúng lên xe của anh tại một trạm taxi rồi giấu xác của anh trong cốp xe.
Vụ việc xảy ra ở đâu?
Vụ tấn công xảy ra tại trụ sở của TUSAS ở Kahramankazan, khu vực phía bắc thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Được thành lập vào năm 1973, TUSAS đã phát triển Kaan, máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ cùng một loạt máy bay không người lái, vệ tinh và trực thăng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Tình báo và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành các hoạt động xuyên biên giới nhắm vào các thành viên PKK ở miền Bắc Syria và Iraq bằng máy bay không người lái do TUSAS sản xuất. Công ty này thuộc sở hữu chung của Quỹ Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ và có khoảng 15.000 nhân viên.
Ai đứng sau vụ việc?
Hình ảnh từ camera an ninh ghi lại vụ việc được phát trên truyền hình cho thấy, một người đàn ông mặc thường phục mang theo ba lô và cầm một khẩu súng trường tấn công, cùng một người phụ nữ cũng mang theo một khẩu súng trường tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya xác nhận rằng, một trong những kẻ tấn công là phụ nữ. “Hai tên khủng bố, gồm một phụ nữ và một người đàn ông đã bị tiêu diệt”, ông Ali Yerlikaya nói.
Cho đến nay, chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Phát biểu với báo giới vào tối 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cáo buộc PKK về vụ tấn công. “Khi so sánh với các cuộc tấn công tương tự trước đây, chúng tôi có quan điểm mạnh mẽ rằng đó là tổ chức khủng bố PKK. Nhưng, như tôi đã nói, điều đó sẽ trở nên chắc chắn khi danh tính của những kẻ tấn công được xác định, điều mà chúng tôi sẽ công bố với công chúng”, ông Yasar Guler nhận định.
Còn theo phóng viên Sinem Koseoglu của Al Jazeera, Đảng Giải phóng Nhân dân Cách mạng cực tả của Thổ Nhĩ Kỳ (DHKP-C) cũng nằm trong tầm ngắm.
Thổ Nhĩ Kỳ - PKK: cuộc đối đầu đẫm máu
Tổng thống Erdogan, người hiện đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga, gọi vụ việc này là một “cuộc tấn công khủng bố tàn bạo”.
“Vụ tấn công khủng bố nhằm vào TUSAS, một tổ chức đầu tàu trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ,” đã nhắm vào “hòa bình của quốc gia chúng ta,” ông Erdogan cho biết trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội X. “Cuộc chiến của chúng ta chống lại mọi loại mối đe dọa khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng sẽ tiếp tục với quyết tâm không lay chuyển và một cách tiếp cận toàn diện”.
Chỉ vài giờ sau vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu của Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria, phá hủy 32 mục tiêu của PKK và khiến nhiều thành viên PKK thiệt mạng.
Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo (SDF), hoạt động ở Đông Bắc Syria cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích vào thành phố Kobani và thành phố Tal Rifa'at, phía bắc Aleppo. Ông Farhad Shami, người đứng đầu phương tiện truyền thông của SDF cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 23/10 rằng, các cuộc tấn công đã khiến 2 thường dân thiệt mạng và 6 người khác bị thương.
Trong khi đó, tại Iraq, thị trưởng quận Mawat ở tỉnh Sulaymaniyah, ông Kamiran Hassan, nói với CNN rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hai cuộc không kích vào khu vực Núi Asos.
Cộng đồng người Kurd hiện có khoảng 30 triệu người, sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran. Họ có cùng văn hóa và nói một trong hai phương ngữ chính của tiếng Kurd. Dù số lượng lớn, nhưng người Kurd là một trong những dân tộc lớn nhất thế giới không có nhà nước.
Suốt từ năm 1923 tới nay, người Kurd luôn đấu tranh để thành lập nhà nước của riêng mình và phải đối mặt với những cuộc trấn áp từ các chính phủ. Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1924 còn không cho phép sử dụng ngôn ngữ của người Kurd ở những nơi công cộng và thậm chí các từ “Kurd” và “Kurdistan” cũng bị cấm.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd chiếm gần 1/5 dân số gồm 79 triệu người, cư trú chủ yếu ở vùng núi Đông Nam. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Ankara coi các lực lượng người Kurd là một mối đe dọa, khi PKK đặt đại bản doanh ở miền Bắc Iraq và đã sử dụng vùng lãnh thổ này để tiếp sức cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara xung đột với PKK kể từ sau khi lực lượng này phát động một phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980, chiến đấu vì mục tiêu giành độc lập cho một quốc gia mới mang tên Kurdistan. Năm 1984, xung đột vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã biến thành cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và phương Tây đều coi PKK là tổ chức khủng bố. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên mở chiến dịch chống nổi dậy và càn quét, tấn công căn cứ của PKK ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, các chiến binh người Kurd vẫn được xem là đồng minh quan trọng của phương Tây và Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Syria và Iraq. Thậm chí, trong khá nhiều giai đoạn của cuộc chiến ấy, họ chính là lực lượng đối đầu trực diện với IS trên tuyến lửa.
Tiến trình hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã đổ vỡ vào năm 2015 và nhóm này cùng các chi nhánh đã thực hiện một số vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm tiếp theo, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng an ninh tiến hành các hoạt động chống lại PKK ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ở Iraq và Syria. Số vụ tấn công ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh kể từ năm 2017.
Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ tử vong do xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ vào năm 2015. Bạo lực lắng dịu phần lớn là do lệnh ngừng bắn do PKK tuyên bố vào đầu năm 2023 sau các trận động đất tàn khốc tại nước này. Tuy nhiên, PKK đã chấm dứt lệnh ngừng bắn vào tháng 6.
Vụ tấn công mới nhất xảy ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Đảng Phong trào Dân tộc, một đồng minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Devlet Bahceli, đưa ra một tuyên bố chưa từng có, theo đó gợi ý rằng thủ lĩnh PKK Abdullah Ocalan, người đang bị cầm tù từ năm 1999, có thể được phép phát biểu tại quốc hội nếu ông này chấm dứt cuộc nổi loạn và giải tán tổ chức của mình - một dấu hiệu cho thấy tiến trình hòa bình có thể được phục hồi.
“Hãy để họ chứng tỏ rằng họ khát khao tình anh em, chứ không phải máu”, ông Bahceli nói, trong những bình luận làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK.
Theo một số chuyên gia, vụ tấn công ngày 23/10 có thể là một thông điệp cho thấy PKK không muốn hạ vũ khí và bình thường hóa quan hệ với chính phủ.
“Đây giống như một thông điệp cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị nhắm mục tiêu và bị tổn hại”, Omer Ozkizilcik, thành viên không thường trú tại Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. “Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, việc nhắm mục tiêu vào nó có ý nghĩa tượng trưng to lớn”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cuộc tấn công không được phép cản trở các nỗ lực hòa bình mới. “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép tiếng nói của những người muốn hòa bình bị đàn áp lần này, bất kể tiếng nói đó đến từ ai”, ông Selahattin Demirtas, một luật sư nhân quyền và là cựu đồng chủ tịch của một đảng đối lập lớn ủng hộ người Kurd, cho biết trên mạng xã hội X.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại thành phố Kazan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công và gọi đây là hành động khủng bố.
Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng lên án vụ tấn công và cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Erodgan trong khi cam kết rằng liên minh quân sự này sẽ sát cánh cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã “mạnh mẽ” lên án vụ tấn công, đồng thời nói thêm “chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng và gia đình của họ, và tất nhiên, cho cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm vô cùng khó khăn này”.
Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0