Tái sinh những đôi guốc mộc truyền thống

Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.

Hình ảnh đôi guốc mộc không chỉ đi vào thơ ca, mà với nhiều người đó còn là ký ức đẹp như truyện cổ tích trong các câu chuyện của bà, của mẹ. Theo thời gian, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thời trang, những mẫu mã giày dép mới ra đời, guốc mộc dần được ít người biết đến và tưởng chừng sẽ ngày càng mai một đi.

Với quan niệm "trân trọng ký ức, đánh thức tương lai", một nhà thiết kế trẻ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay với những hoa văn, họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao. Đó là cô gái trẻ Hoàng Huệ, hay còn gọi là Lily Hoàng - người sáng lập dự án "AmReborn - Tôi tái sinh".

Ban đầu, Lily Hoàng cùng những người bạn của mình thực hiện dự án tái sinh quần áo, vải, chăn cũ,… thành váy áo và phụ kiện thời trang. Một khách hàng khi nhìn thấy cửa hàng của Lily Hoàng trưng bày những chiếc áo dài được tái chế từ vải cũ, đã ngỏ ý giới thiệu cho Lily cách phối áo dài với guốc mộc. Chính điều này đã nhen nhóm ý tưởng tái sinh guốc mộc trong cô gái trẻ. Sau đó, Lily Hoàng bắt đầu hành trình tìm hiểu và tái sinh guốc mộc.

Dẫu từ nhỏ không được tiếp xúc nhiều với guốc mộc, ấn tượng về guốc mộc đối với nhà thiết kế Lily Hoàng chỉ dừng lại ở những hình ảnh xuất hiện trên truyền hình, những câu ca của văn chương nghệ thuật. Nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, mong muốn vẽ màu sắc mới cho những đôi guốc truyền thống, nhà thiết kế trẻ đã tìm về ngôi làng Yên Xá, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nơi đây từng được ví như "kinh đô" của nghề guốc mộc.

Nhiều năm trước, làng thường cung cấp một lượng guốc lớn cho Hà Nội, các vùng trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay nghề làm guốc mộc nổi tiếng một thời từng làm nên tên tuổi của làng Yên Xá có nguy cơ bị mai một khi người tiêu dùng không còn mặn mà với guốc

Để hoàn thiện một đôi guốc mộc có hai công đoạn chính là làm khuôn guốc (hay còn gọi là đế guốc) và chế tác quai guốc. Để làm nên những chiếc khuôn guốc với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, chị Lily Hoàng đã tìm đến sự giúp đỡ của nghệ nhân Trương Công Đức - người cuối cùng còn theo nghề làm guốc mộc ở làng Yên Xá.

Guốc mộc truyền thống lúc di chuyển sẽ phát ra tiếng "lộc cộc" đặc trưng của gỗ, để hạn chế điều này và giữ cho guốc không bị trơn trượt, chị Lily Hoàng đã lót thêm một lớp cao su cho đế guốc. Quai guốc sẽ do chính chị Lily Hoàng và các nhân viên của AmReborn làm thủ công hoàn toàn từ những vật liệu tái chế.

Từ tiếng gõ guốc trong miền ký ức, nhà thiết kế trẻ Hoàng LiLy đã thổi hồn vào những đôi guốc nhỏ xinh để guốc mộc không chỉ là một phụ kiện trang phục mà trở thành đồ trang sức mang gu thẩm mỹ và cá tính riêng. Câu chuyện về guốc mộc cũng được chị kể cho các bạn nhỏ khi tổ chức những buổi trải nghiệm làm guốc mộc.

Tìm đến guốc từ ý tưởng cho đến thực tế, để làm một dự án đó là một con đường rất xa, rất dài và nhiều khó khăn. Chia sẻ về hành trình hơn hai năm gắn bó với guốc mộc, với chị Lily Hoàng nó là chặng đường đầy thử thách nhưng nhiều niềm vui.

Hồi sinh đôi guốc mộc cũng là hành trình tái sinh của cả một làng nghề truyền thống. Hiện nay, ở làng guốc mộc Yên Xá chỉ còn một nghệ nhân duy nhất theo nghề làm khuôn guốc là nghệ nhân Trương Công Đức. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của chị Lily Hoàng, là sự thách thức đối với "nghề tái sinh guốc mộc" của AmReborn và cũng là nỗi trăn trở của chính người nghệ nhân cao tuổi làm sao giữ lửa cho cái nghề truyền thống đang dần mai một.

"Em nghĩ em sẽ còn tiếp tục được nhiều năm nữa, chưa thấy điểm dừng. Đó là một sự may mắn. Đến hiện tại thì có một cái khó đấy là bác Đức tuổi ngày càng cao cũng hay ốm đau mà gần như làng Yên Xá chỉ còn lại mỗi bác, thậm chí gia đình bác cũng chưa có ai nối nghiệp guốc mộc. Em còn có khao khát, ước muốn là tìm được những bạn trẻ và nhờ bác Đức đào tạo, hướng dẫn lại để khi bác già yếu rồi không làm được thì có người nối tiếp nghề", chị Lily Hoàng bày tỏ trăn trở.

"Trân trọng ký ức, đánh thức tương lai", theo nhà thiết kế Lily Hoàng, guốc mộc chính là một phần ký ức rất đẹp của dân tộc. Với thế hệ tương lai, đó không phải là chuyện thích hay không, mà còn là trách nhiệm cần phải giữ gìn và phát huy.

Thời gian xoay vần, thị hiếu của con người cũng thay đổi theo. Những đôi guốc mộc quen thuộc với người phụ nữ xưa tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng thì nay những sản phẩm guốc thực sự đang được hồi sinh, với một cuộc đời mới. Giờ đây, trung bình mỗi tháng nghệ nhân Trương Công Đức làm cho dự án guốc mộc tái sinh từ 150 - 200 đôi.

Thời điểm cận Tết, mọi người tìm về đặt guốc rất nhiều, các đơn hàng dịp cuối năm cũng tăng lên đáng kể. Nhờ sự hỗ trợ của nghệ nhân làng nghề guốc mộc truyền thống, những đôi guốc được hồi sinh thực sự là một sản phẩm hoàn hảo, thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, với nhiều kiểu dáng tinh tế, độc lạ, mỗi đôi guốc sau khi được hoàn thiện có giá thành vừa túi tiền, trung bình từ 200-500 nghìn đến 1 triệu đồng (tùy theo mẫu hoặc theo đơn đặt hàng).

Trong không gian ấm áp của "AmReborn - Tôi tái sinh" chất đầy hoài niệm về một thời xa xưa pha trộn với sắc màu hôm nay. Dường như, qua đôi bàn tay khéo léo cùng với tình yêu văn hóa truyền thống của nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng, những đôi guốc mộc bước ra từ quá khứ, khoác lên mình phong cách hiện đại hơn để tiếp tục tồn tại cùng năm tháng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.