Tại sao cần coi trọng kinh tế tư nhân?
Cuối tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn ra phiên đấu giá cổ phần lớn nhất lịch sử 24 năm, đó là thương vụ Becamex IDC chào bán 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với giá khởi điểm gần 70.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, quy mô phiên đấu giá lên tới gần 21.000 tỷ đồng.
Becamex IDC là một doanh nghiệp đặc biệt. Xuất phát điểm là một doanh nghiệp Nhà nước, hiện đã cổ phần hóa và niêm yết nhưng đại diện là UBND tỉnh Bình Dương vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ trên 95% cổ phần công ty.
Becamex là một trong những doanh nghiệp đầu ngành mảng bất động sản khu công nghiệp với hàng nghìn héc-ta khu công nghiệp ở Bình Dương. Ngoài ra, Công ty hợp tác với đối tác Sembcorp đến từ Singapore để triển khai mô hình khu công nghiệp VSIP trên khắp cả nước.
Phiên đấu giá này lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt bởi quy mô lớn, đặc biệt, đây là phiên đấu giá lần hai, với một cổ phiếu đã niêm yết và không phải là IPO - đấu giá lần đầu khi đưa một doanh nghiệp lên sàn.
Đáng chú ý, trong thương vụ này nếu UBND tỉnh Bình Dương không tham gia, tỷ lệ sở hữu của họ sẽ giảm xuống còn 75% do pha loãng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương có lẽ sẽ không tham gia bởi không có tiền, đặc biệt khi họ đã có chủ trương giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%.
Việc Nhà nước rút chân dần khỏi các doanh nghiệp vốn mang đậm chất Nhà nước như Becamex IDC là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp tư nhân đang được tạo điều kiện để tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, những dự án đòi hỏi nguồn lực lớn, từ tài chính đến đất đai…
Khi nói về Becamex IDC, nhiều khán giả thắc mắc, bán vốn như vậy là thất thoát vốn Nhà nước, sở hữu của Nhà nước sẽ bị giảm và như thế là mất vốn, là thất thoát.
Thực tế, không có gì thất thoát cả. Khi Nhà nước muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại một doanh nghiệp, thường có hai cách:
Thứ nhất, Nhà nước bán bớt vốn, thu tiền về. Tiền đó hoàn toàn thuộc về Nhà nước.
Thứ hai, chính là cách Becamex IDC đang dự kiến làm, đó là phát hành thêm cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống. Tiền thu về đó không trực tiếp thuộc sở hữu của Nhà nước mà thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tiền đổ về doanh nghiệp để họ đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh nên Nhà nước với vai trò là cổ đông sẽ được hưởng lợi từ đó, ít nhất là nhận cổ tức đều đặn hàng năm.
Thực tế cho thấy, không phải lúc nào Nhà nước cũng nên nắm giữ những ngành kinh doanh "ăn nên làm ra". Doanh nghiệp tư nhân với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, thường sẽ tự mình tìm ra mô hình vận hành hiệu quả nhất cho các vấn đề. Doanh nghiệp tư nhân thường ra quyết định nhanh hơn khi lãnh đạo doanh nghiệp là doanh nhân chứ không phải là viên chức Nhà nước với rất nhiều ràng buộc về mặt hành chính, pháp lý.
Vì được tự do và linh hoạt trong vận hành, doanh nghiệp tư nhân thường mạnh dạn hơn trong việc đưa ra những chế độ phúc lợi tốt cho người lao động, nhờ đó mà thu hút được nhân tài. Thu hút nhân tài cũng là một cách đầu tư hiệu quả giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Nhà nước chịu giảm tỷ lệ sở hữu tại một doanh nghiệp lớn và nhiều tiềm năng như Becamex IDC, đặc biệt qua giải pháp bán đấu giá cổ phần phát hành thêm, điều này cho thấy tư duy và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo công ty, cũng chính là lãnh đạo của UBND tỉnh Bình Dương.
Khi một doanh nghiệp mang tính nhà nước còn kinh doanh, việc các nguồn lực bị lấn át, phân phối không hiệu quả rất dễ xảy ra. Các doanh nghiệp tư nhân khác cùng lĩnh vực vô hình trung sẽ bị đối xử thiếu công bằng, từ đó nền kinh tế sẽ "méo mó", khối tư nhân bị "èo uột".
Doanh nghiệp tư nhân không chỉ cần ủng hộ, cần trao quyền, họ cần được tự do hơn trong vận hành mà trước hết là việc Nhà nước cần rút dần đi trong các lĩnh vực kinh doanh không đặc thù.


Nhiều doanh nghiệp lớn như Masan, Hoàng Anh Gia Lai, CII và MWG... đã đồng loạt lên tiếng trấn an cổ đông, khẳng định hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng và đã có sẵn các chiến lược ứng phó hiệu quả trước chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Quý I/2025 chứng kiến đà tăng chững lại của giá chung cư tại Hà Nội sau 8 quý tăng phi mã. Thông tin này được đơn vị nghiên cứu Bất động sản CBRE công bố sáng 9/4.
Mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực vào trưa 9/4 giờ Việt Nam. Nhiều chuyên gia lo ngại, mức thuế 46% có thể ảnh hưởng tới làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng, lên sát 102 triệu đồng một lượng trong ngày 9/4.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố ấn phẩm kinh tế thường niên: “Báo cáo Triển vọng châu Á tháng 4/2025” vào sáng 9/4, duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam nhưng chính sách thuế quan của Mỹ đang đặt ra nhiều thách thức lớn.
Giá vàng trong nước sáng 9/4 tăng nhẹ, hiện vàng miếng SJC vẫn giữ vững mốc trên 100 triệu đồng/lượng.
0