Tác động toàn cầu của lệnh giải thể USAID

Việc đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) không chỉ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dừng lại của nhiều chương trình nhân đạo quan trọng trên khắp thế giới, mà còn có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới, với những hệ quả sâu rộng về địa chính trị.

Quyết định gây sốc

Trong một thông báo gây bất ngờ, ông Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ ngày 2/2 đã gọi USAID là một “tổ chức tội phạm”. Trong bài đăng tiếp theo, ông Musk tiếp tục công kích cơ quan này, cáo buộc USAID đã dùng tiền thuế của người dân Mỹ để tài trợ nghiên cứu vũ khí sinh học, trong đó có Covid-19 khiến hàng triệu người chết. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của mình.

Vị CEO của Tesla và SpaceX cũng nhấn mạnh, USAID “không thể sửa chữa được nữa” và cần phải đóng cửa, đồng thời cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump trong việc giải thể USAID và chuyển những phần còn lại vào Bộ Ngoại giao.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cũng lên án USAID, cho rằng cơ quan này “được điều hành bởi những kẻ điên cuồng cực đoan” và nhấn mạnh giới chức Mỹ đang xem xét tương lai của USAID.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố, USAID sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của ông. Ông Rubio cho rằng, USAID “lâu nay không còn thực hiện sứ mệnh ban đầu là thúc đẩy lợi ích của Mỹ một cách có trách nhiệm ở nước ngoài” và ông đang xem xét cải tổ cơ quan này.

Tôi là Giám đốc tạm quyền của USAID. Tôi đã ủy quyền cho một người nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với người đó. Vì vậy, có rất nhiều chức năng của USAID sẽ tiếp tục, sẽ là một phần của chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng nó phải phù hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Marco Rubio – Ngoại trưởng Mỹ.

Trước đó, văn phòng trụ sở chính của USAID tại Thủ đô Washington, D.C. đã bất ngờ đóng cửa vào sáng ngày 3/2 (theo giờ địa phương). Các nhân viên làm việc tại cơ quan này đã nhận được thư điện tử thông báo rằng, họ không nên đến làm việc. Vào ngày 1/2, trang web của USAID đã bị đóng và tài khoản của cơ quan này trên X cũng đã ngừng hoạt động.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp toàn diện, tạm dừng mọi khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, dẫn đến tình trạng hỗn loạn lan rộng, sa thải lao động và đóng cửa các dự án viện trợ của USAID. Thậm chí Giám đốc và Phó Giám đốc an ninh của USAID cũng nằm trong số hàng chục quan chức USAID đã bị cho nghỉ việc.

Thách thức quyền lực của Quốc hội

Theo các chuyên gia pháp lý, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, một cơ quan hành pháp mà không thông qua Quốc hội, là một động thái khác chưa từng có của tân chủ nhân Nhà Trắng. Ông Trump đã thử thách giới hạn chức vụ của mình kể từ khi nhậm chức cách đây hai tuần, bằng cách thách thức các nguyên tắc pháp lý và chính trị lâu đời. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối kế hoạch này đã lên tiếng báo động về các động thái của chính quyền, một số người gọi đây là hành động bất hợp pháp và cho biết sẽ phản đối nó tại tòa án.

Ngày 2/2, Tổng thống Trump tuyên bố, ông không cần Quốc hội để đóng cửa hoàn toàn USAID. Nhưng tuyên bố của ông Trump lại trái ngược với vai trò riêng biệt của Quốc hội trong việc thành lập và đóng cửa các cơ quan liên bang.

Tòa án tối cao thường xuyên công nhận rằng, Quốc hội có đặc quyền lập pháp và trong phạm vi quyền lập pháp đó, có thể thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan. Tổng thống không thể đơn phương bãi bỏ một cơ quan do Quốc hội thành lập. Điều đó cần có một đạo luật của Quốc hội và việc làm như vậy rõ ràng là vi hiến.

Ông Matthew Kavanagh - Đại học Georgetown, Mỹ.

Cùng với USAID, Tổng thống Trump từng cam kết sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục. Theo giới quan sát, nếu lần này ông Trump thành công trong việc đóng cửa USAID thì đây sẽ không phải là cơ quan cuối cùng mà ông Trump đóng cửa theo cách này.

Ngày 3/2, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã tham gia cuộc biểu tình, phản đối nỗ lực đóng cửa USAID bên ngoài văn phòng trụ sở tại Thủ đô Washington.

Hai thượng nghị sĩ Brian Schatz và Chris Van Hollen cũng tham gia cuộc biểu tình. Cả hai cho biết sẽ phản đối động thái chống lại USAID bằng cách cản trở việc phê chuẩn các đề cử của ông Trump liên quan đến Bộ Ngoại giao.

Tác động toàn cầu của lệnh giải thể USAID

Mỹ là quốc gia cung cấp nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới, ngay cả khi nước này dành chưa đến 1% tổng chi tiêu ngân sách hằng năm cho viện trợ. Washington đã cung cấp 72 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho gần 180 quốc gia vào năm 2023, trong đó hơn một nửa được giải ngân thông qua USAID.

USAID là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phân phối viện trợ dân sự và hỗ trợ phát triển của Mỹ cho các quốc gia trên toàn cầu. Chính bởi vậy, lệnh giải thể USAID sẽ gây ra tác động trên khắp thế giới.

USAID là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm quản lý viện trợ nước ngoài dân sự và hỗ trợ phát triển. Được thành lập vào năm 1961 bởi Tổng thống John F. Kennedy, sứ mệnh của USAID là thúc đẩy phát triển toàn cầu, các nỗ lực nhân đạo và quản trị dân chủ. USAID hoạt động tại hơn 100 quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực như y tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, ứng phó thảm họa và cải cách dân chủ.

USAID trước đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy các lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua sức mạnh mềm. Việc đóng cửa USAID sẽ tạo ra những tác động đáng kể ở trong và ngoài nước Mỹ.

Trước hết, hàng nghìn nhân viên USAID sẽ mất việc làm, kéo theo sự sụp đổ của nhiều chương trình viện trợ vốn phụ thuộc vào cơ quan này. Theo Tiến sĩ Atul Gawande, cựu Giám đốc Y tế Toàn cầu của USAID, động thái nhắm vào cơ quan này là bước đi “nguy hiểm cho nước Mỹ và nhân loại”.

Họ đóng cửa một cơ quan và không biết gì về công việc cơ quan đó đang thực hiện. Tôi là người đứng đầu Y tế toàn cầu tại USAID, và tôi có thể nói rằng, đây là nơi có những chương trình tác động đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Atul Gawande - Cựu Giám đốc Y tế Toàn cầu của USAID.

Trong một loạt bài đăng trên X, Tiến sĩ Atul Gawande đã đăng một danh sách các ví dụ cho thấy, việc tạm dừng viện trợ nước ngoài có thể tác động đến ngành y tế toàn cầu, bao gồm dừng các hoạt động đối phó với đợt bùng phát Marburg gây tử vong ở Tanzania, đợt bùng phát rộng rãi của biến thể mpox khiến nhiều trẻ em ở Tây Phi thiệt mạng, những công việc quan trọng để xóa sổ bệnh bại liệt, cũng như việc theo dõi cúm gia cầm ở 49 quốc gia.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội phi đảng phái, việc đóng băng tài trợ cho USAID sẽ gây ra hậu quả rộng rãi. Châu Phi cận Sahara, nơi đã nhận được hơn 6,5 tỷ đô la viện trợ của Mỹ vào năm ngoái, dự kiến sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các phòng khám do USAID tài trợ cho các bệnh nhân HIV hiện đã đóng cửa.

Ở Mỹ Latinh, tình hình cũng đang trở nên tồi tệ hơn. Tại Mexico, một nơi ở tạm cho người di cư đã mất đi bác sĩ duy nhất. Trong khi đó, tại các quốc gia như Colombia, Costa Rica, Ecuador và Guatemala, “Văn phòng di chuyển an toàn” giúp người di cư nộp đơn xin nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ cũng buộc phải đóng cửa.

Tại Ukraine, quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất từ USAID trong năm 2023, quyết định dừng viện trợ phát triển của Tổng thống Donald Trump đã gây ra những khó khăn lớn cho người dân nước này khi Kiev đang phải dựa vào viện trợ nước ngoài để trả lương hưu và tiền lương của khu vực công, cũng như để tài trợ cho các dự án xã hội và nhân đạo.

Đại diện "Veteran Hub", một tổ chức hỗ trợ cựu chiến binh Ukraine và gia đình của họ cho biết: “Chúng tôi không thể trả lương hoặc bất kỳ khoản chi phí nào kể từ ngày 24/1. Điều này có nghĩa là chúng tôi không được phép yêu cầu mọi người đến làm việc. Đây là cú sốc lớn đối với nhóm của chúng tôi. Không có bất kỳ cảnh báo nào cho thấy điều này sẽ ảnh hưởng đến các dự án”.

Với việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đứng trước nguy cơ bị đóng cửa và nguồn viện trợ bị đóng băng, hiện các tổ chức viện trợ đang phải vật lộn để đánh giá toàn bộ tác động của những diễn biến này, khi hàng nghìn chương trình đã dừng lại và vô số người lao động đã mất việc làm.

Mối đe doạ đối với vị thế toàn cầu của Mỹ

USAID được thành lập vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, như một phần công nhận của Tổng thống John F. Kennedy và người kế nhiệm Lyndon B. Johnson, về viện trợ nhân đạo như một hình thức ngoại giao. Với việc cơ quan này tồn tại lâu hơn Chiến tranh Lạnh và các mối đe dọa mới đối với lợi ích của Mỹ đang nổi lên, giới quan sát cảnh báo, việc ông Trump cắt giảm viện trợ và giải thể USAID sẽ đe dọa khả năng cạnh tranh của Mỹ trước các đối thủ chính trị tại khu vực chiến lược châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Đông Âu.

USAID không chỉ là một tổ chức viện trợ, mà còn là một công cụ quyền lực mềm của Mỹ, giúp Washington duy trì ảnh hưởng trên toàn cầu. Việc đóng cửa USAID có thể khiến Mỹ mất đi một phần khả năng chi phối các quốc gia đang phát triển, nơi viện trợ từ USAID từng là đòn bẩy quan trọng trong quan hệ đối ngoại.

Thống kê cho thấy, USAID đã cung cấp 42% tổng số viện trợ nhân đạo được Liên hợp quốc theo dõi vào năm 2024. Trong năm 2023, Ukraine là quốc gia nhận được nhiều nhất viện trợ từ USAID, với 14,4 tỷ đô la. Đứng thứ hai là Jordan với 770 triệu đô la viện trợ kinh tế. Yemen và Afghanistan lần lượt nhận được 359,9 triệu đô la và 332 triệu đô la. USAID không phải là cơ quan duy nhất của Mỹ giải ngân viện trợ nước ngoài, nhưng là cơ quan giải ngân số tiền lớn nhất với 42,45 tỷ đô la, tiếp theo là Bộ Ngoại giao với 19 tỷ đô la.

Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà quan sát đang lo ngại việc Mỹ ngừng tài trợ có thể gây tổn hại đến các đồng minh, tạo ra khoảng trống mà các đối thủ của Washington có thể tìm cách lấp đầy.

Mỹ đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh gay gắt và ngày càng dữ dội, một cuộc cạnh tranh địa chiến lược với các đối thủ trên khắp thế giới để hợp tác với các nước đang phát triển. Vì vậy, việc thực hiện các bước đi quyết liệt và hà khắc liên quan đến viện trợ nước ngoài này thực sự có thể khiến Mỹ phải nhường lại chiến trường hoặc sân chơi, và những người khác sẽ rất nhiệt tình lấp đầy khoảng trống đó. Ảnh hưởng và vị thế của Mỹ trên toàn thế giới có thể dễ dàng bị suy giảm bởi điều này.

Ông Noam Unger - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế.

Quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ tạo ra một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ, không chỉ tác động đến hàng triệu người trên thế giới mà còn có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tại nhiều quốc gia, khu vực có vị trí chiến lược mà các siêu cường đang cố gắng gây ảnh hưởng.

Liệu đây có phải là bước đi hiệu quả của chính phủ Mỹ trong các nỗ lực thay đổi chính sách quản trị quốc gia, hay sẽ là một sai lầm lịch sử khiến Mỹ mất đi vị thế toàn cầu? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.

Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.