Tác động mạnh mẽ của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Tại sao Mỹ tiếp tục tăng thuế với Trung Quốc?
Giải thích lý do cho quyết định không hoãn thuế đối ứng với riêng Trung Quốc, mà ngược lại là tăng thêm, ông Trump cho biết trên Truth Social rằng, hiện có hơn 75 quốc gia đã bày tỏ ý định đàm phán lại mức thuế quan mới với Washington, riêng Trung Quốc vẫn “thiếu tôn trọng đối với thị trường toàn cầu”. Động thái này cũng là để đáp trả việc Trung Quốc áp thuế trả đũa với Mỹ.
“Tôi đã tạm dừng 90 ngày đối với những nước không trả đũa vì tôi đã nói với họ, nếu các bạn trả đũa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi. Và đó là những gì tôi đã làm với Trung Quốc vì họ đã trả đũa. Vì vậy, chúng ta hãy xem mọi chuyện diễn ra như thế nào”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong các vấn đề thương mại. Theo ông, chính sách thuế quan là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, phục hồi sản xuất trong nước và đưa việc làm trở lại Mỹ. Ông Trump tin rằng, Bắc Kinh cần phải chịu trách nhiệm cho các hành vi thương mại không công bằng, điều này đã làm tổn hại nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm qua.
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu leo thang từ ngày 3/2, khi ông Trump áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, bên cạnh các mức thuế được áp dụng từ nhiệm kỳ đầu của ông.
Ngày 5/3, ông Trump tăng gấp đôi thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, lên 20%.
Tiếp theo, hôm 2/4, ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với hơn 180 nền kinh tế, trong đó áp thuế bổ sung 34% đối với Trung Quốc, cộng thêm mức thuế 20% đã được áp trước đó, Trung Quốc phải hứng chịu mức thuế quan lên tới 54%.
Đáp lại, Trung Quốc áp thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ. Trung Quốc cũng đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về mức thuế đối ứng nói trên. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đáp trả mạnh mẽ như vậy, trong khi các quốc gia khác thận trọng hơn và ưu tiên đàm phán.
Chỉ trong vài ngày gần đây, hai nước liên tục tăng mức thuế đáp trả nhau. Ngày 7/4, ông Trump tuyên bố tăng thêm 50% thuế đối với Trung Quốc, nâng mức thuế mà Trung Quốc phải chịu lên 104% nếu Trung Quốc không rút lại thuế trả đũa với Mỹ.
Tới ngày 9/4, Trung Quốc không những không rút lại thuế quan với Mỹ, mà con tăng thuế này lên mức 84%. Đáp lại, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan bổ sung với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.
Trước đó, năm 2018 cũng đã chứng kiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, tuyên bố tăng thuế lên mức 25% trên 34 tỷ USD giá trị hàng hóa với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm công nghệ. Đáp trả lại, ngay lập tức Trung Quốc áp dụng mức thuế 25% lên 34 tỷ USD giá trị hàng hóa với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Sau đó, hai nước liên tục áp bổ sung các mức thuế 10 - 25% vào hàng hóa của nhau, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và cuộc đối đầu dai dẳng về lĩnh vực công nghệ giữa hai nước.
So với năm 2018 thì những mức thuế mà hiện nay Mỹ và Trung Quốc áp lẫn nhau cao hơn rất nhiều và phạm vi cũng rộng hơn, cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn của cuộc đối đầu thuế quan Mỹ - Trung lần này.
Cuộc chiến thuế quan lần này là đỉnh điểm của hơn một thập kỷ mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng xấu đi và là dấu hiệu cho sự sụp đổ của một nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm ngăn chặn căng thẳng bùng phát thành một cuộc chiến thương mại toàn diện - hoặc có khả năng tồi tệ hơn nhiều - giữa hai cường quốc.
Trung Quốc sẽ đáp trả thích đáng
Trước những động thái áp thuế của Mỹ, phía Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng, đó là những “sai lầm”, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Điều này được cụ thể hóa bằng con số 84% thuế quan mà Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng đối với hàng hóa Mỹ cho đến nay.
Ngày 9/4, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành vi áp thuế vô căn cứ của Mỹ và sẽ có những biện pháp trả đũa.
"Phía Mỹ vẫn đang gây áp lực cực độ lên Trung Quốc bằng cách áp thuế vô căn cứ. Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận hành vi ngạo mạn và bắt nạt như vậy. Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên thể hiện thái độ bình đẳng, tôn trọng và có đi có lại. Nếu Mỹ coi thường lợi ích của cả hai nước và cộng đồng quốc tế và nhất quyết tiến hành chiến tranh thuế quan và chiến tranh thương mại, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm
Khi công bố đợt áp thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào ngày 9/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố rằng, Bắc Kinh “có ý chí kiên định và nguồn lực dồi dào để thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết và sẽ chiến đấu đến cùng” với những quyết định áp thuế của Trung Quốc.
"Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố rằng các biện pháp được gọi là 'thuế quan đối ứng' của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO. Việc tăng thuế quan 50% vào thời điểm này là một sai lầm nghiêm trọng so với một sai lầm hiện có, làm nổi bật bản chất bắt nạt đơn phương của các hành động của Mỹ. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo các quy tắc của WTO và kiên quyết duy trì hệ thống thương mại đa phương và trật tự kinh tế và thương mại quốc tế".
Người dẫn chương trình Gang Qiang, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc
Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo, lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng, việc Mỹ tăng thuế quan sẽ không giải quyết được vấn đề của chính họ. Thay vì giải quyết vấn đề, động thái này sẽ gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính, đẩy áp lực lạm phát ở Mỹ lên cao, làm suy yếu nền tảng công nghiệp của Mỹ và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, điều này cuối cùng sẽ chỉ phản tác dụng".
Bắc Kinh bảo vệ các mức thuế quan của mình và khẳng định chúng nhằm bảo vệ "chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển" của Trung Quốc, cũng như duy trì sự cân bằng trong thị trường thương mại quốc tế.
"Điều chúng ta đang chứng kiến là cuộc thi gan xem ai có thể chịu đau tốt hơn. Chúng ta không còn bàn về những lợi ích tiềm năng nữa. Dù tăng trưởng chững lại, Trung Quốc "vẫn sẵn sàng đối đầu, không khuất phục trước cái họ gọi là sự gây hấn từ Mỹ".
Bà Mary Lovely, Chuyên gia thương mại Mỹ - Trung tại Viện Peterson, Mỹ
Mặc dù các nhà phân tích nhận định rằng, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đang đối diện nhiều áp lực từ xã hội nên việc ứng phó với thuế quan và các rào cản thương mại của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với thời điểm xảy ra cuộc chiến thương mại năm 2018. Trung Quốc đã nhận thấy rõ ràng nhiều mức thuế quan được áp từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump vẫn được duy trì trong thời cựu tổng thống Biden. Điều đó đã gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh rằng, họ cần phải bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở lại của ông Trump và các chính sách thuế quan của Mỹ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu của mình, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu với Mỹ.
Nhiều chuyên gia thậm chí còn tin rằng, Trung Quốc có thể có nhiều công cụ và nguồn lực hơn Mỹ để giảm thiểu thiệt hại từ một cuộc chiến tranh thương mại.
Ngày 7/4, Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với thuế quan của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc sẽ hình thành mô hình phản ứng chung, đặt việc ổn định tình hình kinh tế ngắn hạn lên hàng đầu (trong đó có ổn định thị trường chứng khoán và ổn định đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hạ lãi suất và dự trữ bắt buộc càng sớm càng tốt để giải phóng thanh khoản; cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà xuất khẩu và người tiêu dùng. Một kế hoạch quan trọng là Trung Quốc sẽ thúc đẩy mở cửa, tập trung vào ASEAN, các nước EU, thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại tự do RCEP; tiến hành cải cách cơ cấu theo định hướng thị trường cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong giai đoạn này.
Cả hai bên cùng thiệt
Bất chấp những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã kéo dài nhiều thập kỷ qua, Washington và Bắc Kinh vẫn là hai đối tác thương mại lớn của nhau. Vì vậy việc áp thuế trả đũa qua lại sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ với cả hai nền kinh tế này.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, năm 2024, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ, tổng kim ngạch hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới khoảng 585 tỷ USD. Trong đó, Mỹ đã nhập khẩu 438,9 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc. Con số này tương đương khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Năm 2024, danh mục hàng hóa xuất khẩu lớn nhất từ Mỹ sang Trung Quốc là đậu nành. Mỹ cũng đã xuất khẩu dược phẩm và dầu mỏ đến Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhập khẩu khối lượng lớn đồ điện tử, máy tính và đồ chơi và một lượng lớn pin xe điện từ Trung Quốc.
Với việc áp thuế trả đũa lẫn nhau, tất cả các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ trở nên đắt hơn đáng kể đối với người tiêu dùng Mỹ. Nếu mức thuế tăng lên 100% đối với tất cả các mặt hàng thì tác động có thể lớn hơn gấp 5 lần.
Bên cạnh thuế quan, Trung Quốc cũng có thể áp đặt các rào cản thương mại với các sản phẩm kim loại quan trọng cho ngành sản xuất công nghiệp ở Mỹ, từ đồng và lithium đến đất hiếm. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất tại Mỹ.
Ở chiều ngược lại, thuế quan cũng khiến hàng hoá Mỹ nhập vào vào Trung Quốc sẽ tăng giá tương tự, cuối cùng sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng Trung Quốc. Washington cũng có thể thắt chặt lệnh phong tỏa xuất khẩu đối với các loại vi mạch, vốn rất quan trọng đối với các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo, mà Trung Quốc vẫn chưa thể tự sản xuất. Cố vấn thương mại của ông Trump, Peter Navarro, cũng đã gợi ý rằng Mỹ có thể gây áp lực lên các quốc gia khác không được giao dịch với Trung Quốc nếu họ muốn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ.
Đối với kinh tế toàn cầu, nếu các sản phẩm của Trung Quốc không thể vào Mỹ nữa, có nguy cơ là các công ty Trung Quốc sẽ tìm cách "bán phá giá" chúng ra nước ngoài, trong đó thép là một ví dụ. Mặc dù điều này có thể có lợi cho một số người tiêu dùng, nhưng nó cũng có thể làm suy yếu các nhà sản xuất ở những quốc gia khác.
Nhóm vận động hành lang ngành thép UK Steel đã cảnh báo về nguy cơ thép dư thừa có khả năng được chuyển hướng sang thị trường Anh. Một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu khi các hành động bảo hộ thương mại leo thang.
Theo các nhà kinh tế, không có người chiến thắng thực sự nào trong một cuộc chiến thương mại. Tác động lan tỏa của một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được cảm nhận trên toàn cầu và hầu hết các nhà kinh tế đánh giá rằng tác động này sẽ rất tiêu cực.
Mức độ leo thang trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng khi không bên nào chịu nhường bên nào. Có nhà phân tích cho rằng đây không còn là vấn đề thuế quan nữa, mà là một cuộc thử thách ý chí giữa hai cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định dù căng thẳng đến mức nào, tình thế đối đầu Mỹ - Trung sớm muộn gì cũng sẽ phải thay đổi, bởi thuế quan cao như vậy nếu kéo dài sẽ gây tổn thất nặng nề cho cả hai nền kinh tế. Mỹ và Trung Quốc vẫn có những lợi ích chung để đối thoại. Bắc Kinh nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết tranh chấp qua thương lượng hòa bình, còn Washington cũng coi thuế quan là công cụ lợi hại để buộc đối phương ngồi vào bàn đàm phán. Vấn đề chỉ là khi nào hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán mà thôi.


Giới chức Israel cho biết, nước này không loại trừ khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong những tháng tới, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lưu ý với Thủ tướng Israel Netanyahu rằng, Mỹ hiện không muốn ủng hộ động thái như vậy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tạm dừng giao tranh với Ukraine trong dịp lễ Phục sinh, dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 19/4 đến nửa đêm ngày 21/4 (giờ Moscow).
Sau khi giải phóng khu định cư Oleshnya, quân đội Nga chỉ còn phải đánh bật lực lượng Ukraine khỏi khu định cư Gornal để hoàn tất việc giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Kursk.
Chính phủ Ukraine ngày 18/4 đã công bố bản ghi nhớ về ý định hoàn tất một thỏa thuận chính thức, trao cho Mỹ quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này.
Theo các số liệu tổng hợp mới nhất, vụ Mỹ không kích cảng nhiên liệu Ras Isa do lực lượng Houthi kiểm soát ở miền Tây Yemen đã khiến 80 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương.
Nhật Bản sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để giải quyết các vấn đề về thuế quan trong tháng 4/2025 - Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nhật Bản, ông Akazawa Ryosei cho biết.
0