Sự khó đoán của ông Trump và những hệ lụy khó lường

Sự khó đoán và phong cách lãnh đạo đầy kịch tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ là ngẫu nhiên mà dường như là một chiến lược có chủ đích. Tuy nhiên, điều từng mang lại lợi thế cho ông trong kinh doanh lại có thể trở thành rủi ro khi điều hành một quốc gia và định hình chính sách toàn cầu.

Một ngày nọ, Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan trừng phạt lên Canada và Mexico. Nhưng ngay hôm sau, ông bất ngờ tạm hoãn mức thuế này trong một tháng, sau khi nhận ra rằng nó có thể phá hủy một ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt tại Phòng Bầu dục để ký một thỏa thuận về khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên, ông Zelensky lại bị rời Nhà Trắng với hai bàn tay trắng và một cuộc tranh cãi nảy lửa, khiến các nhà lãnh đạo châu Âu mất nhiều ngày để cố gắng khắc phục hậu quả ngoại giao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 28/2/2025. Ảnh: Saul Loeb/AFP/Hình ảnh Getty.jpg

Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk - đồng minh thân cận của ông Trump, tiếp tục cuộc "thanh trừng" của mình trong bộ máy hành chính, sa thải hàng loạt nhân viên và khiến nhiều cơ quan chính phủ rơi vào hỗn loạn. Hệ lụy là hàng triệu người dân và doanh nghiệp - những đối tượng phụ thuộc vào các khoản thanh toán từ chính phủ, lâm vào tình trạng bấp bênh ngay khi nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và dễ tổn thương trước những cú sốc lớn.

Ban đầu, sự quyết liệt của ông Trump trên nhiều mặt trận mang đến cảm giác mới mẻ, khi ông liên tục ký sắc lệnh hành pháp và xua tan sự trì trệ trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Nhưng chỉ sau 6 tuần, khi ông Trump bắt đầu đặt lại vấn đề về các thỏa thuận an ninh quốc gia hậu Chiến tranh Lạnh, hệ thống thương mại tự do toàn cầu và bộ máy liên bang - những trụ cột đã giúp Mỹ trở thành siêu cường, nhiều người mới nhận ra một thực tế: không hề có kế hoạch cụ thể nào cả.

Những nỗ lực hỗn loạn nhằm kiến tạo hòa bình ở Ukraine, khôi phục ngành công nghiệp nặng bằng chính sách thuế quan kiểu thế kỷ XIX và cắt giảm quy mô chính phủ của ông Trump đều mang tính ngẫu hứng. Một lần nữa, thế giới lại phải đối mặt với những quyết định bất chợt và nỗi ám ảnh của vị tổng thống theo chủ trương "Nước Mỹ trên hết".

"Có quá nhiều sự bất ổn và hỗn loạn tại Nhà Trắng ngay lúc này", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nhận định hôm 5/3. Bà mô tả chính sách thương mại của Mỹ như một "vở kịch tâm lý" mà Canada không thể cứ 30 ngày lại phải đối phó một lần.

Sự lãnh đạo theo bản năng: Hiệu quả hay phản tác dụng?

Các đồng minh của Mỹ thường bối rối trước những gì ông Trump thực sự muốn đạt được.

Chẳng hạn, hôm 5/3, ông Trump chỉ trích Canada vì "không làm đủ" để ngăn chặn dòng fentanyl qua biên giới, dù thực tế lượng thuốc này nhập từ Canada rất ít. Đôi khi, Nhà Trắng phàn nàn về làn sóng người di cư không có giấy tờ từ phía Nam, dù con số thực tế không đáng kể. Ông Trump cũng muốn kéo ngành sản xuất từ Canada trở lại Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi một số quan chức ở Ottawa lo ngại rằng, ông đang tìm cách làm suy yếu Canada để mở đường cho một sự sáp nhập dễ dàng hơn.

Xe tải vào Mỹ từ Ontario, Canada qua cầu Ambassador ở Detroit vào ngày 3/2. Ảnh: Paul Sancya/AP

Dù vậy, chiến lược đối ngoại dựa trên áp lực và đe dọa của ông Trump đôi khi cũng đem lại hiệu quả. Khi ông tức giận vì một công ty có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) sở hữu hai cảng chiến lược ở hai bờ kênh đào Panama, điều này đã tạo động lực để tập đoàn đầu tư Mỹ BlackRock vào cuộc mua lại. Mặc dù tuyên bố của ông Trump rằng, Trung Quốc kiểm soát tuyến đường thủy này không hoàn toàn chính xác, nhưng việc thay đổi quyền sở hữu vẫn có thể giúp Mỹ củng cố vị thế chiến lược.

Tương tự, dù nhiều lần coi nhẹ liên minh xuyên Đại Tây Dương - nền tảng của hòa bình thế giới suốt 80 năm qua, ông Trump lại chính là người thúc đẩy một chương trình tái vũ trang chưa từng có trong khối NATO, điều mà các tổng thống tiền nhiệm đã kêu gọi suốt nhiều năm. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, ông Trump dường như quan tâm đến quyền lực cá nhân hơn là theo đuổi một chiến lược dài hạn có tính toán.

Michael Froman, cựu đại diện thương mại Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định trên CNN rằng, dù thuế quan thường gây thiệt hại nhiều hơn lợi ích, chúng vẫn có thể là công cụ đàm phán hiệu quả. Điều này từng phát huy tác dụng với Mexico - quốc gia có quan hệ biên giới phức tạp hơn nhiều so với Canada. Nhưng ông cũng cảnh báo: "Bạn phải biết rõ mình muốn họ làm gì thì đòn bẩy mới thực sự có ích".

Bản chất của chủ nghĩa Trump

Ở một mức độ nào đó, sự hỗn loạn không chỉ là hệ quả mà còn là một phần trong cách tiếp cận của ông Trump. Với một tổng thống yêu thích những màn thể hiện chính trị, sự kịch tính không chỉ là công cụ, mà còn là yếu tố tạo nên sức hút của ông.

Đối với một số người ủng hộ phong trào MAGA, với tôn chỉ "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", cách ông Trump thách thức đảng Dân chủ, giới truyền thông và các chính phủ nước ngoài không đơn thuần là một chiến lược chính trị - đó còn là điều họ mong đợi ở ông. Còn với những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, việc gây xáo trộn ở Washington và thu hẹp quyền lực của các cơ quan quản lý được xem là một cách để định hình lại bộ máy hành chính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 4/3/2025. Ảnh: Win McNamee/Pool/Reuters.

Chiến lược này không phải là sự tình cờ, mà đã được ông Trump rèn giũa từ những ngày còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại văn phòng mang tên mình ở Manhattan.

Trong kinh doanh, ông học cách tạo lợi thế bằng những yêu cầu bất ngờ, những cuộc đối đầu căng thẳng và những thay đổi lập trường đột ngột để khiến đối thủ mất phương hướng. Khi bước vào chính trường, ông tiếp tục áp dụng chiến thuật này, sử dụng sự khó đoán để khẳng định quyền lực và giữ thế chủ động.

Tuy nhiên, điều giúp ông Trump thành công trong thế giới kinh doanh lại trở thành một thách thức khi điều hành một quốc gia, một nền kinh tế và thậm chí cả thế giới - nơi mà sự ổn định và khả năng dự đoán luôn là yếu tố quan trọng.

"Nó cứ lặp đi lặp lại và thực sự rất mệt mỏi", Julian Vikan Karaguesian, cựu quan chức Bộ Tài chính Canada nhận xét về chính sách thuế quan thay đổi liên tục của ông Trump. "Cảm giác gần như siêu thực. Nó có thật không? Lần này có thật không?".

Karaguesian, hiện đang giảng dạy tại Đại học McGill ở Montreal cho rằng: "Có lẽ điều ông Trump thực sự hướng tới không chỉ là thuế quan hay một chính sách cụ thể nào, mà là tạo ra sự bất ổn. Ông ấy dường như cố ý khiến mọi thứ trở nên khó đoán và đầy biến động".

Tạm hoãn áp thuế ô tô: Bước lùi chiến lược hay toan tính thị trường?

Quyết định tạm hoãn áp thuế ô tô trong một tháng - chỉ một ngày sau khi tuyên bố mức thuế 25% đối với Canada và Mexico, cho thấy rằng đôi khi Tổng thống Trump cũng cân nhắc lại những động thái cứng rắn của mình.

Có thể chính thị trường chứng khoán - chỉ số mà ông đặc biệt quan tâm, đã tác động đến quyết định này. Hai ngày liên tiếp, chỉ số Dow Jones lao dốc, nhưng ngay sau thông báo tạm hoãn thuế, thị trường đã phục hồi gần 500 điểm.

Theo CNN, ông Trump thay đổi lập trường sau cuộc trao đổi với các CEO của ba “ông lớn” ngành ô tô Mỹ. Thư ký báo chí của ông, Karoline Leavitt cũng cho biết, Tổng thống sẵn sàng xem xét “các miễn trừ bổ sung”.

Hình ảnh chụp từ máy bay không người lái về cơ sở lắp ráp Chrysler Windsor của Stellantis tại Windsor, Ontario, vào ngày 4/2/2025. Ảnh: Carlos Osorio/Reuters

Việc các CEO có thể tận dụng mối quan hệ với chính quyền để giành được những ưu đãi đặc biệt, trong khi người dân bình thường không có cơ hội tương tự, đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Trump từ lâu đã không ưu tiên các hệ thống dựa trên luật lệ, vốn được thiết lập để hạn chế sự bảo trợ và tham nhũng.

Cách tiếp cận của ông Trump cũng có thể phản ánh chiến lược “đe dọa thuế quan” thay vì thực sự áp đặt chúng. Tuy nhiên, việc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn rồi tạo ra sự hoài nghi về tính bền vững của chúng có thể khiến môi trường kinh doanh trở nên bất ổn. Các doanh nghiệp cần sự chắc chắn để hoạch định chi phí và chuỗi cung ứng, trong khi người tiêu dùng có thể thắt chặt chi tiêu - một yếu tố có thể làm suy yếu nền kinh tế.

"Có quá nhiều sự không chắc chắn về những gì chính quyền đang làm, đến mức viễn cảnh về thuế quan đang trở thành một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế", Bharat Ramamurti, cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden nhận định trong một cuộc họp báo hôm 3/3. "Mối đe dọa về các mức thuế đáng kể đối với đồng minh của chúng ta đã khiến doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và đẩy giá cả lên cao, mà cuối cùng, chính các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.

Sự khó đoán của ông Trump và những hệ lụy khó lường

Việc Tổng thống Trump liên tục gây sức ép lên các đồng minh, trong khi dường như lại tạo điều kiện cho đối thủ truyền thống có thể khiến vị thế của Mỹ suy yếu trong dài hạn.

"Đồng USD đã giảm mạnh trong tuần này", Ruchir Sharma, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Breakout Capital nói với Richard Quest trên CNN International. "Điều đó cho thấy phần còn lại của thế giới đang tìm cách thích nghi… và các nhà đầu tư cũng bắt đầu cân nhắc những điểm đến khác, nhất là khi chính sách của Mỹ ngày càng trở nên khó đoán".

Nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ là nếu ông Trump tiếp tục duy trì cách tiếp cận thất thường trong bốn năm tới, cục diện toàn cầu có thể thay đổi theo hướng bất lợi cho chính Mỹ, đẩy Washington vào thế bị cô lập.

Mexico và Canada không thể thay đổi vị trí địa lý, nên thương mại với Mỹ vẫn là lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, nếu các chính sách bảo hộ của ông Trump tiếp tục gây bất lợi, họ hoàn toàn có thể mở rộng quan hệ với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Mỹ. Tương tự, Liên minh châu Âu, vốn đang chuẩn bị tinh thần cho các đợt thuế quan từ Washington cũng có thể tìm kiếm những đối tác thương mại mới.

Dù các đồng minh phương Tây đã đầu tư rất nhiều vào quan hệ với Mỹ và không mong muốn mối quan hệ này rạn nứt, họ vẫn phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Canada khó có thể đối đầu trực diện với Mỹ trong một cuộc chiến thương mại, nhưng sự kiên nhẫn của họ trước các chính sách khó lường của ông Trump đang dần cạn kiệt.

Doug Ford, Thủ hiến Ontario - tỉnh có nền kinh tế lớn nhất Canada, khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là ông Trump phải gỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế, thay vì chỉ miễn giảm theo từng ngành như trường hợp thuế ô tô.

"Chúng ta lại rơi vào vòng xoáy bất ổn một lần nữa. Và người gây ra điều đó hôm nay chính là Tổng thống Trump", ông Doug Ford nói với CNN.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo đã triển khai chiến dịch trên bộ tại thành phố Rafah nhằm mở rộng vùng đệm an ninh ở phía Nam Dải Gaza.

Người đứng đầu lực lượng Hamas ngày 29/3 cho biết, lực lượng này đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn mà họ nhận được hai ngày trước từ Ai Cập và Qatar.

Thủ tướng Thái Lan đã ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra về vụ sập tòa nhà 30 tầng ở nước này do chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar.

Chiếc xe limousine Aurus Senat trị giá 275.000 bảng Anh, thuộc đội xe chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được cho là đã phát nổ và bốc cháy trên một con phố ở Moscow.

Lực lượng cứu hộ Myanmar vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau hơn một ngày xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ richter.

Đến nay Myanmar đã ghi nhận hơn 1.640 người thiệt mạng, hơn 3.400 người bị thương cùng 139 người vẫn còn mất tích sau động đất xảy ra vào trưa ngày 28/3.