Sơn Tây - Trái tim xứ Đoài
Sơn Tây - Miền di sản xứ Đoài
Là vùng phên giậu quan trọng của Thăng Long - Hà Nội, Thành cổ Sơn Tây vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc.
Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Về mặt văn hóa, hàng trăm năm qua, thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được “vốn liếng” dầy dặn. Đây là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Làng văn hóa Du lịch Việt Nam...
Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm là một quần thể với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, Sơn Tây còn là vùng đất của huyền thoại. Những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Phùng Hưng, ngôi đền Và ghi dấu Đức Thánh Tản Viên… đều là những tiềm năng mạnh mẽ giúp Sơn Tây đặt nền móng cho phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
GS.TSKH. NGND Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Những yếu tố này không chỉ tạo nên một nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch văn hóa và tâm linh, mà còn thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp độc đáo của Sơn Tây”.
Trân quý di sản Nhà Cổ - Làng Đường Lâm
Nhà văn Hà Nguyên Huyến cảm thấy vô cùng may mắn khi gia đình mình được sở hữu ngôi nhà cổ vô cùng quý giá, à nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú.
Trải qua hơn nửa thế kỷ với bao thăng trầm của cuộc sống, từ việc chống chọi với khí hậu khắc nghiệt đến những khó khăn trong mưu sinh, việc gìn giữ ngôi nhà gỗ mái ngói gần như nguyên vẹn là một minh chứng cho sự hy sinh và nỗ lực của gia đình ông.
Với tâm huyết và lòng yêu mến truyền thống, ông Huyến đã nảy ra một ý tưởng đầy sáng tạo để bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi nhà. Ông dự định biến ngôi nhà cổ thành một không gian văn hóa sống động, không chỉ bảo tồn kiến trúc cổ xưa mà còn kết hợp với các hoạt động văn hóa hiện đại.
Nhà văn Hà Nguyên Huyến, Xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây cho biết: "Chúng tôi không làm cho khách vãng lai, một là khi du khách tới thăm, chúng tôi sẽ đối đãi họ tận tình, thứ hai, chúng tôi hạn chế số lượng khách tới thăm. Tôi muốn khi khách du lịch tới đây, họ sẽ được thưởng thức các món ăn trong không khí đã 300 năm tuổi".
Ngôi nhà cổ này là của gia đình bà Dương Thị Lan, ở thôn Mông Phụ. Bà Lan cho biết khi về Đường Lâm để giúp chính quyền và người dân nơi đây trùng tu, bảo tồn những ngôi nhà cổ, các chuyên gia của tổ chức Jica Nhật Bản còn trực tiếp đào tạo những người nông dân, hướng dẫn họ biết cách làm du lịch, biết cách giới thiệu đến du khách các đặc sản của làng để có được nguồn thu nhập ổn định.
Nắm bắt những lý thuyết đơn giản ấy, Đường Lâm đã và đang chuyển mình trước cơ hội cải thiện cuộc sống nhờ du lịch.
Bà Dương Thị Lan, Xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây cho biết: "Lúc đầu chỉ có nhà tôi làm dịch vụ, nhưng dần gần như ai trong làng cũng bắt đầu làm dịch vụ. Có người bán những sản phẩm nông nghiệp, có người hướng dẫn khách du lịch. Tôi thấy điều đó rất là tốt".
Làng cổ Đường Lâm, một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, nổi bật với những nét văn hóa đặc sắc và truyền thống độc đáo.
Là một quần thể dày đặc các di tích và giá trị văn hóa, Đường Lâm vẫn giữ nguyên những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa, như đình làng, cây đa, bến nước và chùa miếu. Chính nhờ những giá trị nghệ thuật đặc sắc này mà Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn trong hành trình du lịch Hà Nội.
Sau gần 20 năm được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, Đường Lâm đã trở thành một “điểm sáng” trong công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Với mục tiêu nâng tầm Làng cổ Đường Lâm thành Di tích quốc gia đặc biệt và tiến tới công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành phố Hà Nội đang tích cực xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035.
Đường Lâm hiện đang tập trung vào việc phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng cao, bao gồm: xây dựng các tuyến đi bộ tham quan Làng cổ gắn với không gian kiến trúc, cảnh quan và dịch vụ, phát triển mô hình cư trú và sinh hoạt xưa trong nhà cổ, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống và văn hóa phi vật thể.
Mùa thu này, Đường Lâm khoác lên mình vẻ đẹp trầm mặc và yên tĩnh của những ngôi chùa, tạo nên một không gian thanh bình và lắng đọng.
Chỉ cách đô thị nhộn nhịp của Thủ đô Hà Nội một quãng đường ngắn, ngôi làng cổ này vẫn giữ gìn những giá trị xưa cũ và truyền thống bao đời, là niềm tự hào và sự quý giá đối với mọi người.
Nét đẹp văn hóa tâm linh của xứ Đoài
Đền Và được xây dựng từ những năm thế kỉ thứ 16. Ban đầu chỉ dựng bằng tre, nứa sau nhiều lần trùng tu nay đền có diện tích lên tới 2000 mét vuông được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc.
Nổi bật là bức tường đá ong đặc trưng cổ kính, rêu phong. Cửa đền có tam quan rộng, xây theo hướng Bắc - Nam với mái lợp ngói cổ trên đình đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt.
Xung quanh đền Và là rung lim rộng khoảng 5,7 ha, hiện còn gần 250 cây lim cổ thụ. Trong số đó có gần 100 cây được công nhận là cây di sản.
Ngoài những giá trị tiêu biểu kiến trúc với những hoa văn chạm khắc từ thời nhà Mạc, đền Và còn lưu giữ nhiều di vật, bức hoành phi, câu đối cổ.
Trải qua nhiều lần tôn tạo, nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm và là địa điểm tâm linh hấp dẫn nhiều du khách. Năm 1964 đền Và được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
Sơn Tây đón chào 100 năm thành lập
Thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được trầm tích văn hoá, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo. Mùa Thu lịch sử này, Sơn Tây tưng bừng đón nhiều ngày hội lớn.
Đó là Tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024), 70 năm Ngày giải phòng Sơn Tây (3/8/1954-3/8/2024), 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469-2024) gắn với các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Điểm hẹn của các lễ mừng những mốc son lịch sử lớn lao đó chính là Lễ kỷ niệm, tại không gian tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Chương trình sẽ có màn trình diễn nghệ thuật “Sơn Tây - ngời sáng miền đất cổ” sử dụng công nghệ trình chiếu hiện đại 3D mapping.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết: "Đây là cơ hội để chứng minh Sơn Tây không chỉ là một thị xã nghèo vượt khó, mà còn luôn hướng đến thủ đô, triển lãm này tượng trưng cho tình cảm của chúng tôi hướng đến thành phố Hà Nội".
Các sự kiện kỷ niệm là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng trong năm 2024 nhằm ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của thị xã qua các thời kỳ, qua đó, tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất, con người Sơn Tây trong quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn trong lịch sử đất nước và Thủ đô. “Triển lãm Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Cổ vật” vưa khai mạc để tôn vinh những nét đẹp văn hóa ấy.
Ông Vũ Đức Quân, Giám đốc TT Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thị xã Sơn Tây cho biết: 'Triển lãm này là để tri ân lịch sử hào hùng của cha ông ta, đồng thời tiếp cận đến thế hệ trẻ, thanh niên bây giờ".
Ông Kiều Đức Tùng, Hội Cổ vật Thị xã Sơn Tây cho biết: "Những hiện vật ở đây đều là những giá trị tinh hoa, những cái gì đẹp nhất, tinh túy nhất của Sơn Tây".
Chùa Vạn Niên, ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm yên bình bên bờ hồ Tây đang là một điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội.
Triển lãm tranh “Hồn Dó” vừa khai mạc tại không gian nghệ thuật B&C Maison d'Art tại Thủ đô Hà Nội. Với nguồn cảm hứng bất tận từ chất liệu giấy dó - một loại giấy làm từ chất liệu thủ công đồng quê của Việt Nam - nghệ sĩ Ngô Đức Hoàng đã thổi hồn vào những tác phẩm mang đậm chất văn hóa Á Đông, được các nhà nghệ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao.
Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), tối 18/11, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
Từ việc đầu tư vào kịch bản, dàn dựng đến các hình thức quảng bá, các sân khấu kịch TP.HCM không ngừng nỗ lực thổi luồng sinh khí mới, mang đến trải nghiệm gần gũi và hấp dẫn hơn.
Xuất phát từ tình yêu đối với văn chương, một dự án cộng đồng mang tên “Rubik văn chương” đã ra đời và trở thành nơi trao đổi các kiến thức văn học bổ ích của những bạn trẻ.
Từ nay đến hết ngày 30/11, công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước khi đến với không gian Aqua Art, 44 phố Yên Phụ, sẽ được thưởng lãm nhiều tác phẩm tranh vẽ về Hà Nội cùng các workshop về hội họa độc đáo.
0