Số phận người Palestine tại Dải Gaza trên bàn cờ chính trị

Dải Gaza tiếp tục là điểm nóng xung đột, nơi hàng triệu người Palestine phải đối mặt với bạo lực, phong tỏa và khủng hoảng nhân đạo. Trong khi các cường quốc liên tục đưa ra những tuyên bố ngoại giao, số phận của người dân Gaza dường như đang bị cuốn vào những toan tính chính trị.

Vào tối ngày 4/3, Hội nghị thượng đỉnh Arab khẩn cấp đã diễn ra tại Ai Cập, nhằm thảo luận về vấn đề khủng hoảng nhân đạo, cũng như việc tái thiết tại Gaza. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các quốc gia Ả Rập thể hiện quan điểm phản đối kế hoạch cưỡng ép di dời 2,3 triệu người dân Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại vùng đất bị bao vây này. Hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ quốc gia các nước thành viên Liên đoàn Arab, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Antonio Costa, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức sau khi Israel phong tỏa nguồn viện trợ cho người Palestine, khiến khu vực này rơi vào khủng hoảng nhân đạo do thiếu lương thực trầm trọng. Trước đó, đã có hy vọng về một giai đoạn hòa bình tạm thời khi Israel và lực lượng Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau hơn 460 ngày chiến tranh (từ tháng 10/2023 đến giữa tháng 1/2025).

Lãnh đạo các nước Arab tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về Gaza tại Cairo, Ai Cập, ngày 4/3.
Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, sau khi giai đoạn một của thỏa thuận kết thúc, Israel đã phong tỏa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, coi đây là một chiến thuật quân sự và đàm phán nhằm cưỡng ép Hamas phải nhượng bộ.

Cụ thể hơn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel nói rõ: động thái này nhằm gây sức ép buộc Hamas chấp nhận một loạt các điều khoản ngừng bắn mới, trái ngược với thỏa thuận mà hai bên đã đạt được vào tháng 1/2025. Hành động ngăn chặn nguồn viện trợ bên ngoài đang đẩy người dân Palestine tại Dải Gaza vào “không gian sinh tồn” ngày càng bó hẹp.

Theo lời phát biểu của Tổng thống Ai Cập el-Sisi tại hội nghị: “nhân loại đã đánh mất lương tri tại Dải Gaza”.

Thậm chí, đứng trước hành động ngăn chặn nguồn viện trợ của Israel, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng: “viện trợ nhân đạo không phải là một công cụ trong các cuộc đàm phán mà phải được triển khai như một điều hiển nhiên” nhằm cứu giúp dân thường trong cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Về kết quả cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, các nước Ả Rập đã thành công nhất trí về một kế hoạch tái thiết Gaza trong 5 năm với tổng trị giá 53 tỷ USD mà không phải di dời người Palestine. Điều này hoàn toàn trái ngược đối với kế hoạch di dời được đề xuất bởi Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập do Ai Cập tổ chức ngày 4/3. Ảnh: Reuters.

Đứng trước kế hoạch được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Brian Hughes cho rằng: “Đề xuất hiện tại không giải quyết được thực tế là Gaza hiện không thể ở được và người dân không thể sống hạnh phúc trên một vùng lãnh thổ đầy mảnh vỡ và bom đạn chưa nổ. Tổng thống Trump ủng hộ kế hoạch tái thiết Gaza không còn Hamas. Chúng tôi mong muốn có thêm các cuộc đàm phán để mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Dải Gaza”.

Thậm chí, Tổng thống Donald Trump đã từng đăng tải một video do AI làm về một Gaza được xây dựng cùng với sự tham gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Elon Musk. Một đoạn cắt hình ảnh từ video của Trump thể hiện tính đồng minh cao trong quan hệ giữa Mỹ và Israel liên quan đến vùng đất tại Dải Gaza.

Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu Trung Đông (IMEU) ghi nhận, Trump tuyên bố sẽ đóng băng viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, Israel sẽ là một ngoại lệ. Theo IMEU, ông Trump đã cắt giảm viện trợ đối với những người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nạn đói và bệnh tật, bao gồm cả việc cắt giảm viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Trong khi đó, ông vẫn quyết định phê duyệt hơn 11 tỷ USD vũ khí cho Israel.

Khung cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel vào một tòa nhà ở thành phố Jabalia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 5/3, Tổng thống Donald Trump không đề cập nhiều đến các vấn đề liên quan đến Dải Gaza. Đặc biệt, ông không nhắc đến Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập bất thường diễn ra vào tối ngày 4/3, nơi các nhà lãnh đạo Ả Rập vừa mới đề xuất một kế hoạch hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn của ông. Điều này gây chú ý vì trước đó, trong những tuần đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump thường xuyên nhắc đến kế hoạch di dời người Palestine.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập kết thúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, ông Oren Marmorstein đăng một bài viết trên Twitter ghi rằng: Tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp không giải quyết được thực tế của tình hình sau ngày 7/10/2023 (thời điểm Hamas tấn công Israel) và có những quan điểm vô lỗi thời. Trong 77 năm, các quốc gia Ả Rập đã sử dụng người Palestine như quân cờ chống lại Israel, khiến họ mãi mãi rơi vào cảnh sống như những người tị nạn.

Người dân Palestine di tản khu vực phía Đông Gaza sau các cuộc không kích của Israel hôm 18/3.
Ảnh: AFP.

Diễn giải phát ngôn của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Israel cho thấy, các nước Ả Rập đang không thực sự giúp đỡ người Palestine mà thay vào đó, lợi dụng họ như một công cụ chính trị để chống lại Israel. Ngoài ra, phát ngôn trên cũng đề cập vấn đề rằng, tại sao các quốc gia Ả Rập như Ai Cập không tiếp nhận người tị nạn Palestine. Do đó, các quốc gia Ả Rập cũng có lỗi đối với tình hình của người Palestine bây giờ. Đây là góc nhìn riêng biệt đến từ nhà nước Israel về vấn đề Palestine.

Bất chấp các hành vi của Israel tại Dải Gaza bị lên án là tội ác diệt chủng, Oren Marmorstein vẫn cáo buộc: "Việc Hamas cai trị vùng đất này đang ngăn cản mọi cơ hội an ninh cho Israel và các nước láng giềng. Do đó, vì hòa bình và ổn định, Hamas không thể tiếp tục nắm quyền. Israel kêu gọi các quốc gia khu vực có trách nhiệm thoát khỏi những ràng buộc trong quá khứ và hợp tác để tạo ra một tương lai ổn định và an ninh trong khu vực”.

Xung đột giữa Israel và Palestine là bài toán lịch sử nan giải liên quan đến số phận của mỗi dân tộc. Cả hai bên đều cho rằng mình là nạn nhân và hành động của mình là chính đáng. Tuy nhiên, như mọi cuộc xung đột khác, những toan tính chính trị và sự xung đột lợi ích của các bên thường là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc kéo dài dai dẳng các cuộc xung đột.

Nhìn về lịch sử nguồn gốc xung đột

Vào năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 181 đề xuất chia Palestine thành hai nhà nước: một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả Rập.

Người Do Thái chấp nhận kế hoạch này, trong khi cộng đồng Ả Rập bác bỏ. Đến năm 1948, nhà nước Israel tuyên bố độc lập, dẫn đến chiến tranh Ả Rập - Israel (1948) do các nước Ả Rập lân cận tấn công Israel nhằm ngăn chặn sự hình thành của nhà nước này. Trong cuộc chiến, khoảng hàng trăm ngàn người Palestine phải rời bỏ quê hương - hay còn được gọi là sự Nakba (thảm họa). Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Israel, đây là ngày được gọi là “cuộc chiến giành độc lập”.

Kể từ đó, căng thẳng và xung đột giữa hai bên tiếp tục leo thang qua nhiều thập kỷ và vẫn kéo dài đến ngày nay.

Thánh địa Jerusalem tranh chấp giữa người Palestine và người Do Thái.

Như mọi cuộc chiến tranh, dân thường luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt tại Dải Gaza, hàng nghìn người đã thiệt mạng hoặc mất nhà cửa, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Vào ngày 28/10/2023, Giám đốc Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc, Craig Mokhiber đã gửi một bức thư đến Cao ủy Nhân quyền chỉ ngay sau vài ngày lực lượng Hamas tấn công quân sự Israel.

Bức thư viết rằng: “Tôi viết vào thời điểm đẩy sự đau đớn cho thế giới, cũng như cho nhiều đồng nghiệp của chúng ta. Một lần nữa, chúng ta đang chứng kiến một cuộc diệt chủng diễn ra trước mắt và tổ chức mà chúng ta phục vụ dường như bất lực để ngăn chặn nó. Cao ủy, chúng ta lại thất bại rồi. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân quyền, tôi biết rõ rằng khái niệm 'diệt chủng' thường bị lạm dụng vì mục đích chính trị.

Những cuộc tấn công hàng loạt nhằm vào người Palestine bắt nguồn từ tư tưởng thực dân định cư theo chủ nghĩa dân tộc. Đây là sự tiếp nối của nhiều thập kỷ đàn áp và trục xuất có hệ thống. Đồng thời, những tuyên bố công khai từ các lãnh đạo chính phủ và quân đội Israel đã cho thấy rõ ý định tấn công của họ. Điều này không cần phải tranh cãi hay nghi ngờ gì nữa”.

Đống đổ nát tại trại tị nạn Nuseirat (miền Trung Dải Gaza) sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP.

Đây chỉ là một trong nhiều minh chứng cho thấy người Palestine tại Dải Gaza đang phải chịu cảnh tàn sát, đàn áp do cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Palestine xảy ra hàng thập kỷ qua.

Có thể nhận thấy rằng xung đột giữa Israel và Palestine vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Bởi lẽ, cả hai bên đều xác định mục tiêu, lợi ích hoàn toàn khác nhau, thậm chí là xung đột nghiêm trọng.

Israel không muốn Hamas trở thành lực lượng lãnh đạo tại Dải Gaza vì mối lo ngại an ninh bị đe dọa, cũng như không mong muốn sự hiện diện với mật độ cao của người Palestine tại khu vực.

Ngược lại, Palestine và các quốc gia Ả Rập vẫn khẳng định đây là vùng lãnh thổ của người Palestine.

Các xung đột, tranh chấp về lãnh thổ giống như trò chơi tổng bằng không. Lợi ích của bên này sẽ là bất lợi đối với bên khác. Vậy làm thế nào để dung hòa lợi ích của cả hai bên đây? Đây sẽ là câu hỏi hóc búa cho tương lai và định mệnh của người Palestine, cũng như người Israel.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa thị sát cuộc thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) cảm tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

NATO cho biết chưa xác nhận được tình trạng các binh sĩ bị mất tích trong tập trận ở Lithuania và quá trình tìm kiếm họ vẫn đang diễn ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã kêu gọi người dân Palestine ở Gaza tiếp tục sơ tán và yêu cầu lực lượng Hamas phải từ bỏ việc quản lý dải đất này.

Công dân Liên minh châu Âu nên dự trữ đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm để duy trì trong ít nhất 72 giờ, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể giảm thuế với Trung Quốc nếu đạt được thỏa thuận liên quan đến mạng xã hội TikTok.

Phản ứng lúng túng từ Nhà Trắng về sự cố để lộ thông tin quân sự nhạy cảm vào ngày 24/3 đã khiến dư luận lên tiếng trái chiều.