Sinh mệnh dài bao lâu?
Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người ngắn khoảng mấy chục năm. Có người nói đời người giống như hoa cỏ. Mùa xuân thì đâm chồi nảy lộc rực rỡ như gấm, mùa đông thì héo úa tàn khô. Có người lại còn ví đời người giống như sinh vật phù du, như giọt sương sớm mai tinh khôi và đẹp đẽ, nhưng chỉ cần mặt trời ló dạng chiếu sáng, trong nháy mắt đã tan biến.
Có một lần, có người nói với tôi, đời người dường như rất dài nhưng cũng lại rất ngắn, chỉ gói gọn trong một hơi thở. Khi ta thở ra rồi hít vào, khoảnh khắc này gọi là sự sống. Nhưng khi thở ra và không hít trở lại được, giây phút này gọi là cái chết. Quả thực, tôi cũng cảm thấy sinh mệnh của chúng ta không phải 30 năm, không phải 70 năm, mà chỉ dài bằng một hơi thở. Cuộc sống ngắn ngủi là vậy, làm thế nào để có thể trân trọng và nâng niu từng phút giây đang có, để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy niềm vui?

Tôi lên Hồ Gươm vào những buổi sáng sớm, thường thấy những cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn tập các động tác thể dục hoặc chậm rãi, thư thả dạo bộ, vừa đi vừa trò chuyện trong khung cảnh tinh khôi của Hồ Gươm. Dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ là những nhóm thanh niên với những bài tập Erobic đầy hứng khởi. Những tốp người tuổi trung niên cả nam và nữ, đạp xe quanh bờ hồ, thư thái và tràn đầy năng lượng. Tôi có cảm giác những con người ấy, dù tuổi tác không giống nhau, nghề nghiệp khác nhau, có cuộc sống riêng, số phận riêng, nhưng họ có một điểm chung, đó là đã biết bỏ lại những lo toan từ guồng quay của cuộc sống để tĩnh tâm, để chăm sóc bản thân và được là chính mình. Họ đang biết nắm bắt từng phút giây, từng khoảnh khắc của cuộc sống. Ẩn sâu trong những con người ấy, chắc hẳn sẽ là sự cần cù, can đảm, tinh tấn, lạc quan và yêu đời. Đó cũng là những điều mà tôi luôn hướng tới và mong muốn đạt được.

Cuộc sống là hữu hạn, chính vì thế nó mới trở nên vô cùng quý giá. Độ dài và chiều sâu của cuộc sống phụ thuộc vào sự kiểm soát của chúng ta. Không ai có thể nói cho ta biết làm thế nào để sử dụng cuộc sống của mình một cách đầy ý nghĩa. Không ít người trong chúng ta luôn tiếc nuối về quá khứ và lo lắng về tương lai. Nhưng quá khứ thì đã trôi qua không thể thay đổi. Tương lai còn chưa đến, không thể đoán định. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt và kiểm soát hiện tại. Do đó, việc duy nhất mà chúng ta có thể làm là trân trọng hiện tại để trong tương lai không phải hối tiếc. Nhưng dường như, đó lại đang là một điều rất khó khăn với bạn, với tôi.
Sau một ngày vất vả, kiệt sức và làm việc quá giờ, tôi thường mong muốn mình có thể dừng lại, để xem xét bản thân. Lúc đó tôi thường nghĩ, mục đích của sự bận rộn như vậy là gì? Ý nghĩa cuộc sống của tôi như thế nào và giá trị cuộc sống của tôi là gì? Tôi chợt nhận ra rằng, biết trân trọng và tận hưởng mọi thứ mình đang có chính là ý nghĩa của cuộc sống. Trên đời này sẽ không ai có thể gây phiền phức cho ta, ngoại trừ chính ta. Có người đã cho tôi một lời khuyên, đời người ngắn ngủi, đừng hoài niệm, u buồn với quá khứ, cũng đừng lo lắng về tương lai, xem nhẹ được mất thì niềm vui và hạnh phúc sẽ tự nhiên theo về./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0