Sẽ bỏ quản lý công chức theo ngạch, bậc
Bộ Nội vụ đang xin ý kiến về dự thảo tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức, thay vào đó quản lý công chức theo vị trí việc làm.
Đây là bước tiến trong cải cách hành chính công vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Bộ Nội vụ, tại Điều 5 Luật Cán bộ, công chức quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.
Khái niệm vị trí việc làm trong Luật Cán bộ, công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức. Bộ Nội vụ đánh giá các quy định này dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức (tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các cơ quan, tổ chức trong cùng ngành, lĩnh vực, không rõ về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc).
Việc quản lý công chức theo ngạch, bậc đang phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.
Do đó, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi mới nhất, Bộ Nội vụ đã bỏ hoàn toàn các quy định về ngạch công chức, thay vào đó, dự thảo đưa vào nội dung mới là bố trí công chức theo vị trí việc làm.
Các nội dung được đề nghị bỏ bao gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; Chuyển ngạch công chức; Nâng ngạch công chức; Tổ chức thi nâng ngạch công chức; Các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung một chương quy định riêng về vị trí việc làm, trong đó sửa đổi khái niệm vị trí việc làm là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời bỏ nội dung "gắn với cơ cấu và ngạch công chức" và "để xác định biên chế" để khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế.
Để quản lý công chức theo vị trí việc làm, Bộ Nội vụ bổ sung các quy định về phân loại, nội dung vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; hệ thống vị trí việc làm; bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Nguyên tắc xác định vị trí việc làm phải phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.
Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.
Theo TTXVN


Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (VNeID), không phải xuất trình giấy tờ, sao y, công chứng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Lực lượng chức năng TP. HCM đã truy vết và xác minh danh tính cô gái mặc áo yếm, lái xe như diễn xiếc trên đường phố và mời lên làm việc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Huỳnh Quốc Trung (tỉnh Long An) liên quan đến hành vi đe dọa, ép buộc ngư dân bán sản phẩm với giá rẻ.
Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng tới miền Bắc, từ đêm nay, khu vực này chuyển lạnh, đề phòng mưa lớn kèm dông lốc ở nhiều nơi.
Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, đơn vị đang cho cán bộ xác minh clip ô tô đầu kéo quay đầu đi ngược chiều ở hầm chui Trung Hòa và mời tài xế lên làm việc.
0