Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản: Tính lại thách thức
Sách trắng quốc phòng năm 2025 của Nhật Bản có mức độ quyết liệt trong những đánh giá về thực trạng và thách thức chính trị an ninh đối với Nhật Bản.
Trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật Bản không những chỉ điểm danh rất cụ thể những thách thức an ninh mà còn xác định rõ ràng bản chất mới của chúng. Theo đó, môi trường chính trị an ninh và đối ngoại hiện tại của Nhật Bản bất lợi nhất cho Nhật Bản kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trong nửa đầu của thế kỷ trước đến nay, ngập tràn hiểm nguy và thách thức với chiều hướng biến động ngày càng thêm bất lợi đối với Nhật Bản, đòi hỏi Nhật Bản phải có định hướng ứng phó và đối phó khác trước.
Trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật Bản cho rằng cục diện và cán cân sức mạnh toàn cầu đã thay đổi rất cơ bản và sâu rộng bởi ba nguyên nhâm chính là các quốc gia, đặc biệt các đối tác lớn, cạnh tranh chiến lược với nhau quyết liệt, bởi châu Âu đắm chìm trong chiến tranh và đối địch và bởi chính quyền mới ở Mỹ lơi lỏng quan tâm tới các khu vực khác trên thế giới để tập trung ngày càng nhiều hơn tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc chi phối rất quyết định chiều hướng và mức độ biến động của tình hình trên mọi phương diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sách trắng quốc phòng năm nay của Nhật Bản đi xa hơn so với một số năm trước khi cho rằng cộng đồng quốc tế đã bước vào "thời kỳ khủng hoảng mới", coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" mà Nhật Bản từng phải trực diện, nhìn nhận tương quan lực lượng quân sự ở vùng xung quanh Đài Loan đã dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Sách trắng gắn thách thức an ninh từ Trung Quốc đối với Nhật Bản với những thách thức an ninh từ Nga và Triều Tiên, từ sự liên thủ về chính trị và quân sự giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, khẳng định khu vực Biển Đông động chạm trực tiếp tới lợi ích an ninh của Nhật Bản. Bản chất mới của những thách thức an ninh hiện tại chính ở đấy.
Thách thức mới đòi hỏi cách tiếp cận ứng phó mới và đối sách cụ thể. Việc định tính lại thách thức thể hiện nhận thức mới của Nhật Bản về Trung Quốc, Nga và Triều Tiên lại vừa là cách giúp hợp lý hoá những biện minh cho những định hướng chính sách và biện pháp ứng phó được đề ra.
Qua đó, có thể đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ mà không bị mang tiếng là luỵ Mỹ hay phục vụ lợi ích của Mỹ. Thách thức nghiêm trọng vậy và môi trường chính trị an ninh và đối ngoại bất lợi mới dễ thuyết phục quốc hội, xã hội và dư luận chấp nhận tăng mạnh mẽ ngân sách quốc phòng, hiện đại hoá và tăng cường nhân lực cho quân đội.