Sắc xanh cây cối hồi sinh sau bão

Hơn 1 tháng trước, cơn bão số 3 - bão Yagi quét qua Hà Nội, gây thiệt hại về người và tài sản, làm hàng loạt cây xanh bị gãy đổ. Cây nào cứu được đã được cứu, cây nào dựng lại được đã được dựng, cây đưa đến vườn ươm đã phục hồi, bén rễ, xanh chồi…

Ngay khi bão vừa tan, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã đến hiện trường, kịp thời chỉ đạo: “Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu; dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc; bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ. Vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”.

Người đứng đầu chính quyền - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã thể hiện tinh thần rốt ráo, cụ thể: “Đối với cây xanh cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra đánh giá và trồng dựng lại ngay, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc, trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn”.

Hồi sinh cây xanh sau bão

Sau cơn bão Yagi, 2 cây sưa trước cổng Bộ Ngoại giao đã được trồng lại, cắt tỉa gọn cành, rào thêm khung để chống đỡ cho cây không bị gãy đổ. Mọt tháng sau, những mầm non đã bắt đầu vươn mình, xanh mướt.

Cây sưa đỏ ven hồ Thiền Quang cũng đã được công ty cây xanh trồng lại, tỉa gọt các cành gãy và rễ bị dập nát. Sau 1 tháng được cứu chữa, những cành nhỏ đã bắt đầu đâm chồi mơn mởn, sự sống đã hồi sinh.

Cây xanh khắp thành phố đang dần hồi sinh.

Vũ Khánh Vân (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: "Hôm nay mình với bạn đến đây để chụp ảnh thì thấy là khuôn viên đã  xanh hơn và mầm xanh đã đâm chồi, thành phố đã quay trở lại sau cơn bão".

Tại công viên Thống Nhất, cây đa Bác Hồ cũng đã bị hư hại nặng sau bão. Công viên Thống Nhất đã huy động lực lượng thu dọn, kịp thời đưa ra phương án cứu cây tối ưu, nên giờ đây cây đa lịch sử này đã ra nhiều cành lá xanh tốt.

Ông Nguyễn Trọng Tưởng (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) nhận xét: "Đợt vừa rồi, cơn bão số 3 hoành hành như thế, được cái là các tổ công tác cùng anh em nhân viên công viên đã chống đỡ, dựng lại những cây xanh xung quanh, đặc biệt phục hồi được cây đa Bác Hồ".

Chị Nguyễn Thị Thuỷ Chung (thành phố Vinh) chia sẻ: "Sau bão thì có khá nhiều cây bị đổ, nhưng mà đã được khắc phục rất nhanh chóng, và được dựng lại rất là chỉn chu. Lúc đầu mình nghĩ sau bão thì công viên sẽ rất hoang tàn, nhưng mà không ngờ cây phục hồi nhanh thế. Mình cảm giác rằng sau bão như có một sự tái sinh mới".

Ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết: "Đối với những cây to thì khắc phục rất là khó khăn, đây là một trách nhiệm lớn đối với các công ty cây xanh nói chung và Sở chúng tôi nói riêng. Bởi vì chỉ để khắc phục một cây thì trang thiết bị, con người, kỹ thuật đi theo đó là rất lớn để đảm bảo sao cho cây sống được".

Mầm xanh từ cây đổ

Cơn bão số 3 đã làm gần 12 ngàn cây xanh do thành phố Hà Nội quản lí bị gãy đổ, cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây và cây mang về vườn ươm để cứu là 608 cây.

Cây cứu được được đưa về công viên Chu văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Số cây này hầu hết khỏe mạnh, được chăm sóc tốt, đã bám rễ và ra mầm xanh trở lại.

Được biết, để ươm được một cây bóng mát đủ tiêu chuẩn trồng trong đô thị phải cần 5-7 năm. Cây đó, sau khi trồng, tùy theo đặc điểm sinh trưởng của mỗi loại cây nhanh hay chậm, có thể mất thêm 10 năm nữa hoặc thậm chí lâu hơn để có bóng mát.

Cây “đứng dậy” vươn chồi xanh

Sau đêm bão Yagi quét qua, người Hà Nội bàng hoàng khi sớm hôm sau ra đường đi tới đâu cũng thấy cành gãy, cây đổ, tan tác, ngổn ngang.

Tại những vị trí bị cắt, chồi non bắt đầu vươn ra mang lại hy vọng và sức sống mới.

Thế mà rồi từ những thân cây mang đầy thương tích ấy, những chồi non tươi mơn mởn vươn lên, như một lời khẳng định mạnh mẽ về sức sống.

Mỗi mầm xanh sống dậy không chỉ chứng tỏ khả năng phục hồi của thiên nhiên mà còn là chỉ dấu cho lòng kiên trì của con người.

Với sự chung tay của cả cộng đồng, Hà Nội đã hồi sinh. Chẳng bao lâu nữa, rồi cây sẽ xòa cành rủ lá, Hà Nội sẽ lại mát xanh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nằm trong kế hoạch tổng kiểm tra các bãi trông giữ xe trường học nhằm phát hiện, xử lý tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tới trường, sáng nay, 11/11, Đội CSGT đường bộ số 6, CATP Hà Nội tiếp tục đột xuất kiểm tra một số trường học.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ chia sẻ cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện cho lực lượng CSGT để tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bắt đầu từ hôm nay, 11/11, đến hết ngày 17/11, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM sẽ chạy thử 100% công suất, với tốc độ và tần suất giống như khi đưa vào khai thác thương mại.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết đang vào cuộc điều tra vụ va chạm giữa hai ô tô, khiến một xe bốc cháy vào khoảng 9h sáng 11/11, tại Km 91+ 600 đường cao tốc hướng Hà Nội – Hải Phòng.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa và xử lý triệt để những vi phạm ở một số thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị về tăng cường phổ biến cho tài xế xe buýt, xe taxi... tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.