Quốc hội thảo luận cơ chế khoán 10 cho nhà khoa học
Nhiều ý kiến cho rằng, luật cần tạo đột phá thực chất về cơ chế tài chính, quyền lợi cho nhà khoa học, cũng như hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các đại biểu đoàn Hà Nội đã nêu những kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” từ thực tiễn, từ đó phát huy nguồn lực khoa học cho sự phát triển đất nước.
Cơ chế khoán 10 – thúc đẩy nhà khoa học xem nghiên cứu là đầu tư sinh lợi
Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng, điểm mấu chốt để thúc đẩy khoa học công nghệ chính là cơ chế phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Theo ông, điểm mới của Luật như “khoán 10” trong nông nghiệp: “Tối thiểu 30% sau thuế, sau trừ chi phí. Đây là cơ chế khoán 10 đối với nhà khoa học. Lợi ích cho đất nước, cho bản thân nhà khoa học, cho cả con cháu nhà khoa học”, ông Lê Quân nêu rõ.

Cơ chế này, theo đại biểu Quân, sẽ giúp tăng động lực sáng tạo, tạo thu nhập ổn định cho nhà khoa học – giống như một tác giả âm nhạc có thể nhận nhuận bút lâu dài. Đồng thời, ông kiến nghị luật cần phát triển thị trường khoa học và công nghệ kết nối cung cầu hiệu quả, không nên cứng nhắc áp dụng mức khoán với những đề tài đặc thù như quốc phòng hay có doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Một điểm nhấn khác là việc coi trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu. Đại biểu đề xuất điều chỉnh quy định để đại học được giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp năng lực, thay vì bị xem nhẹ như hiện nay.
Gỡ vướng từ Luật Đấu thầu – để ý tưởng không “tắc” vì thủ tục
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) chỉ ra một vướng mắc lớn đang gây khó cho quá trình thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ là quy định cứng nhắc từ Luật Đấu thầu. “Sử dụng kinh phí theo luật đấu thầu, do không có nhà thầu… cần rà soát rất kỹ trong luật đầu thầu, không thì rất vướng mắc”, bà nhấn mạnh.
Theo đại biểu Lan, nhiều đề tài mang tính chuyên sâu, lần đầu thực hiện nên không có nhà thầu nào đáp ứng, khiến không thể triển khai được. Do đó, bà kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu, đồng thời bổ sung cơ chế tài chính linh hoạt, cho phép nhà khoa học chủ động trong chi tiêu và kỹ thuật chuyên môn. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất rõ nguyên tắc phân chia lợi nhuận giữa các bên, quy định minh bạch về sở hữu và định giá kết quả nghiên cứu – đặc biệt trong các dự án có yếu tố vốn nhà nước hoặc hợp tác công – tư. Đại biểu nhấn mạnh vai trò của cơ sở dữ liệu quốc gia về kết quả nghiên cứu, giúp thị trường khoa học và công nghệ thực sự vận hành hiệu quả.

Khoa học xã hội – nhân văn: Đầu tư cho cả hiện tại và tương lai
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, khoa học xã hội và nhân văn cần được đầu tư bài bản và nhìn nhận đúng vị trí. Hiện nay, nội dung về khoa học xã hội và nhân văn trong dự thảo luật còn rất mờ nhạt, chưa tạo được động lực phát triển.
Từ kinh nghiệm quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…, đại biểu Sơn đề xuất mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên cho khoa học xã hội và nhân văn. “Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (hướng về quá khứ), cần bổ sung các lĩnh vực nghiên cứu gắn với hiện tại và tương lai như: xã hội số, chuyển đổi số, khoa học dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống...”, đại biểu Sơn nêu.
Để khoa học xã hội và nhân văn đóng góp hiệu quả hơn, ông đề xuất bốn nhóm giải pháp: xây dựng chương trình quốc gia cho khoa học xã hội và nhân văn; khuyến khích công bố quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu liên ngành; và đảm bảo các chính sách tài trợ, hỗ trợ thực chất chứ không chỉ là hình thức.
Thất bại cũng là thành công – đổi mới tư duy đánh giá nghiên cứu
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khẳng định nghiên cứu khoa học không bao giờ là vô ích, kể cả khi thất bại: “Ngay cả khi không đạt được mục tiêu ban đầu, nghiên cứu vẫn đem lại giá trị – đó là chỉ ra con đường không nên đi, giúp người khác tránh lặp lại sai lầm”.

Đại biểu Cường dẫn ví dụ thực tiễn: việc nghiên cứu phương pháp mới để tách hydro từ nước lã không dùng điện phân có thể thất bại, nhưng nhờ vậy, người khác biết được giới hạn của phương pháp – một giá trị khoa học thực sự.
Theo đại biểu, vấn đề là cách đánh giá kết quả nghiên cứu hiện nay còn mang tính hành chính, chưa phản ánh đúng thực chất công trình. Ông kiến nghị tăng vai trò của hội đồng khoa học chuyên môn để đánh giá sâu hơn, đúng hơn – từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Từ những góp ý tâm huyết, có thể thấy Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện theo hướng bám sát thực tiễn, thúc đẩy động lực, mở rộng không gian sáng tạo và đảm bảo công bằng lợi ích giữa các chủ thể tham gia. Đây không chỉ là luật cho giới nghiên cứu, mà còn là chìa khóa tạo đà phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số và cạnh tranh toàn cầu.


Sở Xây dựng dự kiến bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng, nâng tổng số điểm dừng lên khoảng 6.500 điểm, tăng 65 - 70% so với hiện nay.
Sau vụ va chạm giao thông đêm 5/5 trên cầu Thanh Trì, hai người đi xe máy đã tử vong tại chỗ. Hiện cơ quan công an đang làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đáng tiếc.
UBND huyện Quốc Oai và UBND huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) vừa công bố quyết định tạm dừng điều hành của 5 chủ tịch UBND xã để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Qua nghiên cứu sơ bộ hồ sơ liên quan vụ tai nạn khiến nữ sinh 14 tuổi tử vong, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy, có các thiếu sót, chưa chặt chẽ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc của một số cơ quan tiến hành tố tụng huyện Trà Ôn và tỉnh Vĩnh Long.
Quận Tây Hồ đang tăng tốc giải phóng mặt bằng để kịp khởi công dự án cầu Tứ Liên vào dịp 19/5.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công An cho biết đến ngày 29/4 đã khởi tố, bắt tạm giam 33 đối tượng liên quan đến thuốc giả, sữa giả.
0