Quất Động - nổi tiếng nghề thêu tay truyền thống

Quất Động là làng thêu thủ công có lịch sử lâu đời, vang danh khắp vùng Kinh Bắc. Những sản phẩm của làng nghề đều ít nhiều mang dấu ấn lịch sử, văn hoá, xã hội và đời sống đương thời.

Làng Quất Động nằm ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 23km về phía nam, nơi đây được biết đến là cái nôi của nghề thêu truyền thống. Ông tổ nghề - tiến sĩ Lê Công Hành là người đã dạy dân làng những mũi thêu đầu tiên từ vài trăm năm trước.

Các nghệ nhân tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động.

Ông Phùng Văn Hưng, người cao tuổi ở làng Quất Động, kể: “Đền thờ ông tổ nghề thêu ở làng nghề chúng tôi  có cách đây hơn 200 năm. Trong đền hiện vẫn giữ nhiều hiện vật quý, trong đó các tấm bia với bát hương cổ. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, là ngày giỗ cụ Lê Công Hành thì dân làng, các đoàn ở các tỉnh địa phương làm nghề thêu và của thành phố Hà Nội đều về đây dâng hương tưởng nhớ ông tổ nghề thêu”.

Tìm hiểu về nghề thêu, các nghệ nhân cho biết, các công đoạn thêu sẽ bắt đầu từ vẽ mẫu, căng nền, chấm kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động. 

Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm mang đi khắp thế giới. 

Rồi khi cuộc sống thay đổi, nhiều người ở làng Quất Động đã bỏ nghề thêu để tìm đến những công việc có thu nhập cao hơn. Nhưng những người nặng lòng với sợi chỉ kỳ diệu thì vẫn tiếp tục tìm cách giữ nghề để Quất Động luôn là một nơi để người ta tìm về với những giá trị của thời gian.

Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Theo quy luật của cuộc sống, khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề. Ngày nay hầu như nhà nào cũng vẫn còn 2-3 người làm nghề.

Quất Động vẫn giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống của cha ông. 

Ông tổ nghề thêu Quất Động khi mang thêu về làng cũng đồng thời truyền cho các làng khác để cùng phát triển nghề thêu. Khi làng thêu Quất Động có phần vắng tiếng lách cách của khung thêu, thì những làng bên có những nghệ nhân đang cùng Quất Động giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống của cha ông. 

Từ những sợi chỉ mỏng manh nhiều màu sắc, người nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo đã tạo ra những con rồng, con phượng oai phong lộng lẫy, hay những đóa hoa, cành lá mang sức sống và tính thẩm mỹ cao.  

Bức tranh lộng lẫy từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. 

Các tác phẩm nổi bật của làng thêu là các bức tranh thêu phong cảnh như: cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế…Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lụa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh như: đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời hay hình ảnh bóng nước, mái chùa, cây đa in trên mặt nước…Những bức tranh chân dung được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh.

Thêu đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và rất nhiều thời gian. Thế nhưng đó sẽ là một tác phẩm đầy giá trị vì từng đường kim mũi chỉ trong đó đều là tâm tình và niềm tự hào của người nghệ nhân, người thợ thêu.

Những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ thủ công đã trở thành tấm danh thiếp đưa ngôi làng thêu đi khắp thế giới, để bạn bè quốc tế hiểu và yêu một nét văn hóa tinh tế của người Việt Nam. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Huyện Phúc Thọ trọng thể tổ chức Lễ dâng hương tượng niệm 1982 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, sáng 3/4 (tức mùng 6/3 âm lịch).

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tổ chức Triển lãm Mỹ thuật nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất.

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 15/4 đến ngày 2/5.

Các hoạt động với chủ đề “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 1/4 - 4/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tái hiện lại lịch sử qua những câu chuyện và những tác phẩm nghệ thuật đang được nhiều di tích của Hà Nội thực hiện khá thành công, tạo được dấu ấn trong lòng du khách.

Lễ hội chùa Thầy năm 2025 được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4/4 (tức từ mùng 3 đến hết mùng 7/3 âm lịch) với những nghi lễ truyền thống, độc đáo, đặc sắc.