Quản lý chặt chẽ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là những thách thức lớn trong quản lý thuế và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng và là nền tảng kinh doanh chủ đạo của hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó là những thách thức lớn trong quản lý thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Từ ngày 1/7/2025, các sàn thương mại điện tử sẽ thay người bán kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Đây là nội dung mới theo Nghị định 117 của Chính phủ, nhằm bịt lỗ hổng thất thu thuế trên nền tảng online - nơi có hàng triệu giao dịch mỗi ngày.
Chị Đào Thùy Linh (phường Kim Liên, Hà Nội) - chủ một gian hàng kinh doanh quần áo trên sàn thương mại điện tử tỏ ra khá lúng túng trong thực hiện các thao tác kê khai doanh thu, mong muốn có sự hướng dẫn chi tiết từ cơ quan thuế để có thể thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Chị Linh chia sẻ: "Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người dân, cũng như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi, hướng dẫn kê khai thuế trên sàn thương mại điện tử cho đúng pháp luật và đúng tính minh bạch nhất. Thực chất là bọn tôi cũng không hề có kế toán nên là cũng gặp rất nhiều khó khăn".
Để hỗ trợ người bán, sàn thương mại điện tử cũng cần có giải pháp để hướng dẫn đồng thời nâng cao nhận thức cho người bán về các quy định mới liên quan đến nghĩa vụ thuế. Bên cạnh câu chuyện thuế, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối, cần được đẩy mạnh kiểm soát. Với hàng trăm ngàn gian hàng online, việc thanh kiểm tra hàng hóa đang đặt ra thách thức lớn.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Đối với hoạt động kinh doanh thương mại trên sàn thương mại điện tử hiện nay cũng rất phức tạp. Các lực lượng chức năng đã cử cán bộ đi để truy vết cũng như là tìm các đầu mối thông qua thông tin trên Zalo, Facebook, Tiktok để phối hợp tìm đến được các kho hàng, từ đó sẽ phát hiện được các vi phạm".
Cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng. Việc siết chặt quản lý kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, từ kiểm soát thuế đến xử lý hàng giả, hàng nhái, không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thương mại số bùng nổ mà còn là bước đi quan trọng hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Quản lý tốt thương mại điện tử hôm nay chính là nền tảng vững chắc để thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai.