Quà chiều Hà Nội

Ngày xưa, người ăn quà chiều rất đơn giản, có thể là một gói mì hay hàng rong đi qua được người ta gọi lại và ngồi bên vỉa hè để thưởng thức rất dân dã, nhẹ nhàng. Nhưng thời thế đã thay đổi rất nhiều, giờ đây, những người thưởng thức quà chiều không chỉ đơn giản là những thức quà ở ngoài vỉa hè mà còn mong muốn đó là những món quà tinh thần.

Chủ nhật tuần nào cũng là ngày bận rộn của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khoảng sân nhỏ của gia đình bà đã trở thành nơi họp mặt của những người yêu thức quà chiều Hà Nội.

Từ sáng sớm, những người bạn trong câu lạc bộ nhà báo nữ của bà đã có mặt để cùng nhau làm những món ăn theo phong cách của người Hà Nội xưa.

Thực đơn được bà Nhung lựa chọn là món cuốn tôm, chả rươi và chè bà cốt xôi vò. Những bà nội trợ của "Quà chiều" nấu ăn trong tâm thế là nấu cho gia đình, cho người thân nên cũng rất tỉ mỉ và chỉn chu.

12h trưa, món chè bà cốt màu nâu sánh thơm mùi gừng ăn kèm xôi vò cũng đã được hoàn thành. Bà Nhung cầu kỳ bày trên chiếc mâm đồng theo lối cũ nhắc nhở về những ngày tháng xa xưa của người Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Trâm, Phó Chủ tịch câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, cho biết: "Cái tôi ấn tượng nhất là sự cầu kỳ trong việc làm các món ăn cổ truyền, bởi vì các cụ rất kỹ tính, món cổ truyền không thể nào vội vàng được mà dứt khoát, phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn. Mọi người hiện đang bị cuốn vào một nhịp sống quá ư là sôi động và áp lực. Nhiều áp lực cho nên những lần chúng tôi quay trở về với ngày xưa như thế này chính là làm chậm lại nhịp sống ấy, để cân bằng lại cuộc sống của mỗi chúng ta. Những dịp như thế này để chúng ta quay trở lại tất cả những giá trị tốt đẹp của ngày xưa."

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ: "Tôi chú trọng những món ngon của Hà Nội ngày xưa mà bây giờ những món đó bên ngoài rất ít bán, rất hiếm hoi. Ví dụ như: Cuốn tôm, cháo cá ám, bánh trứng ngỗng, bún ốc tối cổ,… Mỗi lần thưởng thức món quà chiều như vậy, chúng tôi tranh thủ giới thiệu những nét đẹp của văn hoá ẩm thực Hà Nội và lịch sử của những món ăn".

2h chiều, khi các thức đồ đã chuẩn bị xong cũng là lúc quà chiều đón những nhân vật đặc biệt. 3h chiều, những vị khách của quà chiều Hà Nội xuất hiện. Họ là những Việt kiều ở xa xứ chỉ mong được thưởng thức chút hương vị Hà Nội xưa, dù không ít người mới chỉ nghe nói đến.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài chia sẻ: "Năm nay tôi đã 77 tuổi, chúng tôi vẫn yêu, vẫn quý nghề truyền thống, vốn quý của dân tộc Việt Nam mình. Mỗi tuần chúng tôi lại đến đây, nghệ thuật chèo được lan toả đến tất cả mọi người. Mọi người được thưởng thức, vừa là bữa quà chiều, nói về nghệ thuật chèo, ca trù, xẩm, hát văn… tất cả mọi người đều hiểu và biết giữ được nghề truyền thống của cha ông ta".

Nhiều tháng nay, chiếc cổng nhà bên gốc lộc vừng và cây khế xanh mướt đã quá quen thuộc với các đoàn khách đến thưởng thức quà chiều Hà Nội. Chính nhờ tâm huyết của những người yêu ẩm thực Hà Nội như bà Tuyết Nhung và những người bạn của mình đã giúp quà chiều trở thành nơi gặp gỡ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, ẩm thực và con người Hà Nội đến với bạn bè bốn phương.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày mưa cũng như ngày nắng, những nữ công nhân môi trường vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ. Tiếng loa phát thanh trên những chiếc xe chở rác vẫn luôn vang lên trên khắp phố phường Thủ đô Hà Nội.

“Tuần lễ Áo dài” năm 2025 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Nội khởi động từ ngày 1-8/3/2025.

Ngày càng nhiều người ở mọi lứa tuổi coi sáng tạo nội dung là một công việc chuyên nghiệp trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi số ngày một mạnh mẽ.

Giữa lòng phố cổ Hà Nội nhộn nhịp, hương thảo dược phảng phất đã khiến cho con phố Đông y Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm như một nốt trầm mang đậm dấu ấn thời gian.

Hà Nội hiện có nhiều tuyến phố đi bộ kết hợp với không gian sáng tạo công cộng, trở thành nét mới và điểm nhấn trong đời sống Thủ đô.

Gần chục năm nay, quán cà phê trong con ngõ nhỏ trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân nghèo vào mỗi sáng cuối tuần. Đến đây, họ được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí.