Phương Tây đang ‘đổ thêm dầu’ vào 'chảo lửa' Ukraine?
Quân đội và các quan chức cấp cao của Pháp và Anh đang thảo luận về việc triển khai một lực lượng bảo an được tập hợp từ quân đội các nước phương Tây tại Ukraine khi lệnh ngừng bắn 30 ngày được thực thi. Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng vũ trang của các thành viên NATO tới một khu vực xung đột chưa có dấu hiệu lắng dịu có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng.
Lực lượng bảo an của phương Tây: Từ ‘sáng kiến’ tới ‘kế hoạch’
Ngày 11/3, một hội nghị đã được tổ chức tại Paris, Pháp, với sự tham dự của các chỉ huy quân đội từ 34 quốc gia, các đại diện quân sự và quan chức cấp cao từ châu Âu và nhiều nước khác để bàn thảo về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine và an ninh khu vực. Tuy nhiên, Mỹ - thành viên có sức mạnh quân sự lớn nhất của NATO - không được mời vì các quốc gia châu Âu muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng gánh vác phần lớn nhiệm vụ bảo vệ Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, một quan chức quân sự Pháp cho biết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phác thảo kế hoạch triển khai một lực lượng an ninh quốc tế được gọi là “liên minh tự nguyện” tại Ukraine. Theo ý tưởng đang được Pháp và Anh thúc đẩy, một lực lượng trấn an và răn đe sẽ được thiết lập để ngăn chặn xung đột tái diễn trong tương lai nếu Moscow và Kyiv đồng ý ngừng bắn.
Ý tưởng này đã từng được đề xuất cách đây hơn một tháng nhưng khi đó mới chỉ dừng lại ở phạm vi một sáng kiến của Pháp và Anh. Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp vào ngày 12/3 cho biết ông Macron đã tham dự một phần hội nghị của các quan chức quân sự này và tuyên bố đã đến lúc "chuyển từ khái niệm sang kế hoạch" để xác định các đảm bảo an ninh đáng tin cậy, đồng thời nhấn mạnh rằng kế hoạch chung của Pháp - Anh phải đi kèm với năng lực và sự bảo đảm quân sự của liên minh NATO.
Lực lượng bảo an theo sáng kiến của Pháp và Anh sẽ được tổ chức nhằm mục đích trấn an Ukraine và ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn khác của Nga trong giai đoạn thực hiện lệnh ngừng bắn, để ngỏ khả năng hiện diện khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Theo thảo luận của các quan chức quốc phòng, lực lượng này có thể được trang bị vũ khí hạng nặng và các khí tài công nghệ cao của quân đội các nước phương Tây. Kho vũ khí có thể được đưa đến trong vòng vài giờ hoặc vài ngày để hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine trong trường hợp Nga có hành động phá vỡ bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào trong tương lai.
Lực lượng bảo an theo diễn giải của các nước phương Tây.
Vào cuối tháng 2, các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng các nước châu Âu có thể gửi một lực lượng gồm 30.000 quân đến Ukraine. Các lực lượng này sẽ được triển khai để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng ở hậu phương và sẽ hoạt động như một lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các quan chức phương Tây và Ukraine cho biết vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào. Theo một nguồn tin quốc phòng, đề xuất này đưa ra phương án triển khai quân đội các nước nước phương Tây tại khu vực tiền tuyến của mặt trận Ukraine, đóng tại các khu vực có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine như nhà máy điện hạt nhân và các trục giao thông trọng yếu. Lực lượng này được hỗ trợ bởi sức mạnh không quân và hải quân phương Tây. Hoạt động giám sát cũng sẽ được thực hiện bằng máy bay không người lái và các loại khí tài công nghệ cao. Không quân cũng sẽ được triển khai bên ngoài lãnh thổ Ukraine như Ba Lan, Romania để dự phòng chiến thuật và đảm bảo cho các chuyến bay thương mại. Hải quân các nước đồng minh cũng có thể tham gia rà phá thủy lôi và tuần tra ở Biển Đen.
Một quan chức Pháp cho biết, ý tưởng này là “tổng hợp” sức mạnh của các quốc gia phương Tây, khẳng định cam kết trách nhiệm và sẵn sàng thực hiện các hành động đảm bảo cam kết anh ninh của phương Tây trong khu vực.
Tác động nội bộ tại Ukraine
Tại Ukraine, kế hoạch này nếu được triển khai sẽ không chỉ là vấn đề quốc tế mà còn là một bài kiểm tra khắc nghiệt cho nội bộ đất nước. Theo Al Jazeera, xã hội Ukraine đang bị giằng xé giữa hai luồng tư tưởng: một bên kêu gọi hòa bình để giảm thiểu thiệt hại sau hơn ba năm chiến tranh, bên còn lại quyết tâm chiến đấu để giành lại toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng.
Sự hiện diện của lực lượng an ninh quốc tế có thể làm tăng hy vọng cho những người mơ về hòa bình, nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn: liệu lực lượng này có thực sự bảo vệ được Ukraine? Nếu kế hoạch thất bại – chẳng hạn như Nga tấn công lực lượng này hoặc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai mà không gặp hậu quả – thì tâm lý thất vọng sẽ lan rộng trong xã hội vốn đã bị tổn thương giằng xé giữa hai xu hướng: hướng Đông hay hướng Tây từ trong lịch sử.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chịu áp lực nặng nề từ chiến tranh kéo dài, có thể trở nên mong manh hơn bao giờ hết trong khoảng thời gian “giảm tiếng súng” dưới sức ép của công chúng khi tâm lý thất vọng gia tăng. Một Ukraine chia rẽ và mất niềm tin vào phương Tây sẽ trở thành điều kiện đủ dẫn tới sự thất bại trong kế hoạch của Pháp và Anh.
Hơn nữa, Ukraine không chỉ cần sự bảo vệ quân sự. Đất nước này đang chật vật vì cơ sở hạ tầng tan hoang, kinh tế suy sụp và hàng triệu người tị nạn. Một lực lượng bảo an do phương Tây tổ chức đóng tại đây, dù có thành công trong ngắn hạn, cũng không thể vá lành những vết thương sâu sắc ấy. Liệu phương Tây có thực sự đủ quyết tâm và nguồn lực để tái thiết Ukraine khi chiến tranh kết thúc theo cách của phương Tây, hay chỉ đang dùng Kyiv như quân cờ trong ván bài quyền lực – địa chính trị với Nga?
Mỹ liệu có thực sự đứng ngoài?
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết phương án đưa quân vào Ukraine là xuất phát từ các nước phương Tây, thể hiện trách nhiệm của các nước phương Tây với các vấn đề trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ không tham gia vào lực lượng bảo an tiềm tàng này để thực hiện một sứ mệnh gìn giữ hòa bình theo cách hình dung của phương Tây.
Các chuyên gia nhận định đây là một quyết định tinh tế mang nhiều mục đích của Washington. Đầu tiên, việc không cử binh lính tới Kyiv sẽ tránh và giảm thiểu tối đa các xung đột trực tiếp của Mỹ với phía Nga. Sự nhất quán trong quan điểm cho thấy các thiện chí của Mỹ cũng như các hoạt động ngoại giao nhằm nỗ lực hâm nóng quan hệ giữa Washington và Moscow của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp của ông Trump nhằm ép châu Âu phải tự đảm bảo an ninh cho chính mình, tái thiết các lực lượng vũ trang và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, thay vì phụ thuộc thụ động vào Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phía Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trong kế hoạch của phương Tây trong tương lai tại Ukraine. Nhìn một cách tổng thể, Washington khó có thể hoàn toàn đứng ngoài kế hoạch này. “Liên minh tự nguyện” sẽ bao gồm nhiều thành viên của NATO. Và với tư cách là thành viên có sức ảnh hưởng lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương, Mỹ hoàn toàn có thể tham gia vào việc quyết định những bước đi tiếp theo của liên minh, nhất là trong bối cảnh đại đa số các thành viên tham gia lực lượng bảo an theo kế hoạch của phương Tây tại Ukraine đều nhất trí “không nên tách rời khỏi NATO”.
Dù không có những dấu hiệu cụ thể và rõ rệt nhưng giới chuyên môn cho rằng đang có một sự phối hợp ngầm “nhịp nhàng” nào đó giữa Washington và “liên minh tự nguyện”. Một bên lo vấn đề hiện tại, bên còn lại chuẩn bị cho tương lai. Việc hạn chế các tiếp xúc cấp cao ở mức độ song phương được coi là điểm nhấn của cả quá trình. Điều này sẽ làm giảm các lo lắng và ngờ vực từ phía Moscow, tạo điều kiện cho các tiến triển trong quá trình đàm phán hòa bình nhằm kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Phương Tây liệu có thực sự sẵn sàng phiêu lưu trong canh bạc quân sự tại Ukraine?
Con số binh sĩ chính thức của lực lượng bảo an trong kế hoạch được các quan chức quốc phòng thảo luận trong hội nghị tại Paris ngày 11/3 chưa được tiết lộ. Tuy nhiên dữ liệu từ các cuộc trao đổi và ý tưởng trước đó cho thấy ngoài Pháp và Anh thì các quốc gia khác còn đang khá “ngần ngại” trong việc cử lực lượng tham gia vào kế hoạch đồn trú và bảo an tại Ukraine.
Việc chỉ có thể tập hợp được một con số khiêm tốn là 30.000 quân như các phương án được bàn thảo trước đó của phương Tây cho thấy đây là một thách thức lớn với quân đội các quốc gia châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang rút dần hỗ trợ quân sự và thẳng thừng yêu cầu châu Âu tự lực về năng lực quốc phòng. Hàng tỷ Euro từ lục địa già đang được chuyển vào ngân sách quân sự, nhưng rất chậm, và châu Âu đang phải vật lộn để thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng vốn đã nhiều năm lệ thuộc vào Mỹ. Sự đồng nhất về quan điểm và lợi ích của các quốc gia châu Âu trong vấn đề Ukraine trong thời gian qua cũng đã bị phân mảnh rõ rệt và chỉ đang được củng cố lại sau khi Mỹ thực thi các chính sách “nước Mỹ trên hết” kể từ sau khi tổng thống Donald Trump chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Ngoài vấn đề tài chính, hàng trăm nghìn công dân châu Âu có thể sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc nếu sáng kiến của Pháp và Anh đi vào thực tế. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính rằng châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, có gần 1,5 triệu quân nhân đang tại ngũ. Nhưng phần lớn binh sĩ không có kinh nghiệm chiến trường, và sẽ rất khó phối hợp trên quy mô lớn giữa quân đội của nhiều quốc gia, mặc dù NATO thường xuyên có các hoạt động huấn luyện, tập trận chung cũng như các quy chuẩn chỉ huy tác chiến chung cho toàn khối.
Trong khi đó, số lượng quân đội Nga tại Ukraine vào cuối năm 2024 ước tính vào khoảng 700.000 người. Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, NATO có thể sẽ điều động khoảng 200.000 quân Mỹ tới châu Âu để tăng cường cho lực lượng 100.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại đây. Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels ước tính rằng nếu quân đội Mỹ không không tham gia, châu Âu cần phải tăng thêm 300.000 quân để bù đắp vào khoảng trống mà Mỹ để lại tại châu Âu.
Mục tiêu công khai trong sáng kiến của Pháp – Anh, được thảo luận kỹ lưỡng trong hội nghị giữa các quan chức quốc phòng của hơn 30 quốc gia tại Paris vào ngày 11/3 vừa qua là nhằm răn đe Nga, ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào trong tương lai của Nga và đảm bảo Ukraine không bị “bỏ rơi” sau khi chiến sự tạm lắng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn gọi đây là “bước đi cần thiết để châu Âu khẳng định vai trò lãnh đạo”, trong khi Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Nga phải hiểu rằng mọi hành động đều có hậu quả”.
Nhưng đằng sau lời lẽ đanh thép đó là những vấn đề đáng lo ngại. Theo các chuyên gia phân tích, kế hoạch này thiếu sức mạnh thực tế để đạt được tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các nước phương Tây đang phải tái vũ trang để bù lấp khoảng trống sau khi Mỹ thay đổi chiến lược. Với quy mô chưa đến 30.000 quân, lực lượng này không thể so sánh được với quân đội Nga - một cỗ máy chiến tranh với hơn 1 triệu quân thường trực và kinh nghiệm tác chiến dày dạn nếu xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng. Hơn nữa, sự “vắng mặt” – dù là về mặt hình thức của Mỹ làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của sáng kiến Pháp – Anh trong việc triển khai quân đội tại Ukraine. Bình luận về điều này, Reuters cho rằng Pháp và Anh cố tình không mời Mỹ tham gia để chứng tỏ châu Âu có thể tự chủ.
Kế hoạch đưa quân đội của các quốc gia thuộc NATO vào Ukraine, chuẩn bị sẵn kế hoạch sẵn sàng va chạm với quân đội Nga không chỉ đơn thuần là một động thái leo thang trong trong giai đoạn ngừng bắn tiềm tàng mà còn là một lời tuyên chiến giữa các quốc gia thuộc NATO với Nga trên lãnh thổ Ukraine, trong điều kiện không có Mỹ hậu thuẫn.
Xét trên góc độ này, kế hoạch của Pháp - Anh, về mặt bản chất có thể chỉ là một động thái nhằm thể hiện sự “ủng hộ tinh thần” của phương Tây đối với Ukraine vì những lợi ích địa chính trị của phương Tây tại khu vực này và trách nhiệm của họ đối với cuộc chiến. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một lực lượng nhỏ bé với chưa tới 30.000 quân đối đầu với lực lượng Nga tại các điểm nóng như Zaporizhzhia - nơi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang nằm trong tầm kiểm soát của Moscow? Nếu Nga quyết định thử thách, lực lượng này sẽ làm gì? Nếu xảy ra xung đột, các quốc gia thuộc khối NATO sẽ làm gì? Một cuộc tấn công đáp trả từ phương Tây có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền, biến Ukraine thành chiến trường chính thức giữa NATO và Nga chứ không còn là một cuộc chiến ủy nhiệm như Mỹ từng thừa nhận.
Rủi ro pháp lý và ngoại giao
Kế hoạch đưa quân đội các nước NATO vào Ukraine theo sáng kiến của Pháp và Anh này không chỉ đối mặt với các rủi ro quân sự mà còn vướng vào một mê cung pháp lý và ngoại giao. Theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, hành động quân sự chỉ được phép nếu là tự vệ tập thể hoặc được Hội đồng Bảo an phê chuẩn. Nhưng với quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an, việc đạt được sự chấp thuận là điều bất khả thi. Nếu Pháp và Anh tự ý triển khai lực lượng mà không có sự đồng thuận quốc tế rộng rãi, họ sẽ bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế – một vết hằn khó xóa trên danh tiếng của hai quốc gia vốn được coi là trụ cột của trật tự toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, nội bộ phương Tây đang rạn nứt. The Guardian chỉ ra rằng Mỹ – đồng minh lớn nhất của NATO – không hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận này. Tổng thống Donald Trump, từ trước khi lên nắm quyền lần thứ hai, đã nhất quán quan điểm và công khai phản đối việc NATO can thiệp sâu hơn vào Ukraine. Ông gọi kế hoạch giám sát ngừng bắn là “một cái bẫy nguy hiểm” và kêu gọi Kyiv đàm phán trực tiếp với Nga. Nếu chiến trường Ukraine tiếp tục diễn biến theo hướng bất lợi cho các chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Trump có thể rút hoàn toàn khỏi cuộc chơi, để lại Pháp và Anh cùng châu Âu đơn độc đối mặt với Nga. Đây là kịch bản không mấy sáng sủa cho lục địa già: một liên minh rệu rã, thiếu sức mạnh và đoàn kết đang phải nỗ lực tự chủ tái vũ trang sau khi Mỹ thay đổi chiến lược sẽ đối phó với Nga - một đối thủ có tiềm lực quốc phòng mạnh, có kinh nghiệm chiến tranh và quyết tâm rất cao để đạt được mục đích đảm bảo an ninh quốc gia của họ.
Ngay cả trong nội bộ NATO, sự đồng thuận tuyệt đối với vấn đề Ukraine cũng không tồn tại. Đức và Ý – hai nền kinh tế lớn của châu Âu – tỏ ra thận trọng, lo ngại rằng đối đầu trực tiếp với Nga sẽ kéo liên minh vào một cuộc chiến không lối thoát. Berlin, vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga trước chiến tranh, không muốn mạo hiểm thêm. Ý, với nền kinh tế mong manh, cũng không sẵn lòng chi tiền cho một kế hoạch đầy rủi ro. Thiếu sự ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt, Pháp và Anh có nguy cơ bị xem là những kẻ hành động đơn phương, làm suy yếu tính chính danh của kế hoạch. Liệu đây có phải là sự kiêu ngạo của những người khổng lồ đang cố gắng lấy lại ánh hào quang bằng cách đặt cược hòa bình của cả châu lục?
Bộ quân phục của Putin – Lời cảnh báo đanh thép từ phía Nga
Nga vừa phát đi một cảnh báo cứng rắn đối với Australia khi nước này cân nhắc tham gia liên minh gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Trong tuyên bố gửi tới báo chí Australia hôm 10/3 (giờ địa phương), Đại sứ quán Nga tại Australia khẳng định: “Nga đã nhiều lần lên tiếng về việc không chấp nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine. Vì vậy, ý tưởng quân đội phương Tây tham gia dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình sẽ làm suy yếu các nỗ lực hòa bình”.
Moscow cũng cảnh báo rằng, nếu tham gia cái gọi là “liên minh tự nguyện”, Canberra sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”.

Từ quan điểm của Nga, bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của phương Tây trên lãnh thổ Ukraine - dù dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình - cũng có thể bị xem là một hành động khiêu khích. Trên thực tế, Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng phương Tây đang sử dụng Ukraine như một “công cụ” để gây sức ép với Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã so sánh khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine với sự hiện diện của NATO. Theo ông, dù dưới bất kỳ lá cờ hay phù hiệu nào, đây vẫn là quân đội của các quốc gia thuộc NATO. Ông cũng bác bỏ ý tưởng trên, nhấn mạnh Moscow sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Điện Kremlin chưa đưa ra tuyên bố chính thức về kế hoạch của Pháp - Anh, nhưng các động thái quân sự gần đây của Nga đã nói lên tất cả. Theo hãng thông tấn TASS, Nga đang tăng cường hỏa lực tại khu vực Kursk, gần biên giới Ukraine, với các đơn vị pháo binh, tên lửa hiện đại và lực lượng thiết giáp được triển khai.

Ngay sau hội nghị của các quan chức quốc phòng phương Tây tại Paris, ngày 12/3, Tổng thống Vladimir Putin mặc quân phục thị sát mặt trận Kursk và những mệnh lệnh thép nơi tiền tuyến trở thành một biểu tượng nhằm gửi thông điệp rằng Nga không chỉ sẵn sàng phòng thủ mà còn chuẩn bị cho mọi kịch bản tấn công – một lời cảnh báo lạnh lùng của một cựu sĩ quan tình báo – người đã từng thiết kế những nước đi chiến lược khó lường tại ván cờ địa chính trị trên đất Ukraine suốt thời gian qua.
Ván cờ mạo hiểm: Hòa bình hay đổ thêm dầu vào lửa?
Lịch sử chứng minh Nga hiếm khi lùi bước trước áp lực quân sự. Ngay cả một tờ báo phương Tây là BBC cũng đã phân tích rằng khi bị dồn vào chân tường, Moscow thường chọn cách leo thang thay vì đàm phán. Hãy nhìn lại năm 2008, khi Nga thực hiện các hành động tại Gruzia để đáp trả ảnh hưởng của NATO, hay năm 2014, khi họ sáp nhập Crimea sau cuộc cách mạng Maidan tại Ukraine. Nếu Pháp và Anh triển khai lực lượng với quyền tấn công tài sản Nga, Điện Kremlin sẽ không ngồi yên.
Một quan chức Nga từng tuyên bố trên truyền hình nhà nước: “Bất kỳ ai đưa quân vào Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng tôi”. Đây không phải là lời đe dọa suông. Với sự hiện diện quân sự ngày càng dày đặc tại Kursk, Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc phản công – không chỉ để bảo vệ lợi ích mà còn để dạy cho phương Tây một bài học. Hãy thử nghĩ: nếu một máy bay không người lái của NATO tấn công một vị trí của Nga tại Ukraine để “đảm bảo’ rằng Nga buộc phải thực thi lệnh ngừng bắn, hoặc một sơ suất nhỏ nào đó từ phía các chỉ huy hay binh sĩ châu Âu tại Ukraine, Nga sẽ đáp trả ra sao? Một cuộc tấn công vào lực lượng an ninh quốc tế? Một cuộc tiến công mới vào Kyiv? Hay thậm chí là một đòn đánh vào cơ sở hạ tầng của chính Pháp và Anh? Nga không thiếu lựa chọn, và họ đã chứng minh rằng họ sẵn sàng chơi tất tay khi bị khiêu khích. Kế hoạch của Pháp và Anh không phải là răn đe, mà là một cái bẫy tự đặt – một cái bẫy có thể khiến lục địa già trả giá bằng máu.
Nhìn vào những bài học lịch sử, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã từng can thiệp vào nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới, từ Kosovo, Bosnia đến Nam Sudan. Tuy nhiên, khác với các sứ mệnh trước đây, nếu một lực lượng bảo an do các quốc gia phương Tây tổ chức được triển khai tại Ukraine, họ sẽ phải đối mặt với một chiến trường đang ác liệt, không có sự đồng thuận từ tất cả các bên liên quan. Đặc biệt, hành động này sẽ phạm vào một “lằn ranh đỏ” mà Nga đã đặt ra từ lâu: Không chấp nhận NATO mở rộng về phía Đông áp sát biên giới Nga tại vùng đệm Ukraine. Đây là điểm khác biệt lớn so với các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thông thường của Liên hợp quốc, vốn chỉ triển khai khi nhận được sự ủng hộ thực sự của cả hai bên tham gia xung đột.
Hơn nữa, trong lịch sử, các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của phương Tây đôi khi đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Chiến dịch của NATO tại Kosovo năm 1999 bị Nga chỉ trích là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia. Hay tại Libya năm 2011, sau khi NATO thiết lập vùng cấm bay với danh nghĩa bảo vệ dân thường, liên minh này đã tiến xa hơn khi hỗ trợ lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Gaddafi, tạo ra một cuộc khủng hoảng kéo dài.
Sự hiện diện và đồn trú của quân đội các nước NATO tại Ukraine để thực hiện sứ mệnh bảo an sau một lệnh ngừng bắn trong tương lai là một thông điệp răn đe hay một lời khiêu khích cỗ máy chiến tranh của Nga? Liệu canh bạc nguy hiểm này sẽ có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh tại Ukraine, hay chỉ vô tình biến nó thành một đám cháy lớn, thiêu rụi hòa bình mong manh của lục địa già? Liệu vết xe đổ cùng những sai lầm trong ứng xử của các bên khơi mào Thế chiến II có lặp lại?


Trung Quốc ngày 1/4 đã tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa xung quanh đảo Đài Loan của nước này.
Khi được hỏi liệu có thời hạn nào để Nga đồng ý thỏa thuận ngừng bắn hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời rằng Moscow có "thời hạn tâm lý" để chấp nhận lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cố gắng "rút lui" khỏi một thỏa thuận khoáng sản.
Nhiều quốc gia châu Âu được cho là đang chuyển hướng khỏi ý tưởng triển khai bộ binh tới Ukraine.
Máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành 16 cuộc không kích vào các tỉnh Saada và Sanaa của Yemen trong đêm 29/3, như một phần trong loạt cuộc không kích nhằm vào các khu vực mà Mỹ cho là do lực lượng vũ trang Houthi kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng Nga đang giao tranh ác liệt với quân đội Ukraine để giành lại những khu định cư cuối cùng ở khu vực Kursk.
Phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố đã tấn công tàu sân bay Mỹ ba lần ở Biển Đỏ, tấn công sân bay Ben Gurion của Israel.
0