Phường Hoàng Mai: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Hoàng Mai được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Yên Sở, Thịnh Liệt và một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Giáp Bát, Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú (quận Hoàng Mai).
Lý do lấy tên phường Hoàng Mai bởi Hoàng Mai là một phường thuộc quận Hoàng Mai hiện nay. Theo văn hóa đất Cổ Mai, làng Hoàng Mai được khai phá từ rất sớm, theo dấu vết lịch sử, ngay từ 3.000 - 4.000 năm trước khu vực này đã có người sinh sống, các nhà khảo cổ đã tìm được vết tích là một số công cụ như rìu đá, vòng đá tìm thấy trong khu mộ táng ở bờ sông Kim Ngưu và mộ thời Đông Hán tại gò Mã Vẽ. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Hoàng Mai để tưởng nhớ đến văn hóa Cổ Mai; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Hoàng Mai
Phường Hoàng Mai giáp các phường: Lĩnh Nam, Định Công, Hoàng Liệt, Yên Sở, Tương Mai, Vĩnh Hưng, Phương Liệt của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 9,04 km²; quy mô dân số là 98.502 người.
Phường Hoàng Mai được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Yên Sở, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Giáp Bát, Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú (quận Hoàng Mai), trong đó:
- Phường Vĩnh Hưng (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,18 km²; Quy mô dân số: 1.215
- Phường Tương Mai (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,06 km²; Quy mô dân số: 2.541
- Phường Tân Mai (Quận Hoàng Mai: Diện tích: 0,35 km²; Quy mô dân số: 15.838
- Phường Hoàng Văn Thụ (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,58 km²; Quy mô dân số: 918
- Phường Giáp Bát (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,25 km²; Quy mô dân số: 6.150
- Phường Lĩnh Nam (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,64 km²; Quy mô dân số: 3.887
- Phường Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 2,89 km²; Quy mô dân số: 34.355
- Phường Trần Phú (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,31 km²; Quy mô dân số: 11.582
- Phường Hoàng Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,30 km²; Quy mô dân số: 2.155
- Phường Yên Sở (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 2,48 km²; Quy mô dân số: 19.861
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Hoàng Mai
Phường Hoàng Mai nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các phường nội đô và các xã vùng ven. Việc tiếp cận dễ dàng các trục giao thông chính của thành phố cùng với vị trí gần bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông liên vùng, vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ phát triển đô thị.
Là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, phường Hoàng Mai tập trung dân cư đông, hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ và tiếp giáp nhiều khu vực chức năng. Trên cơ sở đó, phường từng bước hình thành vai trò là khu vực trung chuyển dịch vụ, hỗ trợ logistics và kết nối thương mại trong khu vực phía Nam của thành phố.
Đặc điểm kinh tế phường Hoàng Mai
Phường Hoàng Mai với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế phường chuyển dịch rõ rệt từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang thương mại - dịch vụ. Hiện nay, nông nghiệp gần như không còn vai trò đáng kể, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang đất ở, đất thương mại, đất công trình công cộng.
Trên địa bàn phường có nhiều cơ sở sản xuất, kho bãi, gara, xưởng cơ khí nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư hoặc theo các tuyến đường lớn như Tam Trinh, Kim Đồng, Giải Phóng. Một số khu đất từng có chức năng công nghiệp đang được chuyển đổi để xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, hạ tầng xã hội, như ở khu vực Đồng Tàu, gần bến xe Giáp Bát…
Các ngành nghề truyền thống thu hẹp dần để nhường chỗ cho các ngành có giá trị kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Các loại hình dịch vụ kinh doanh, buôn bán, thương mại bán lẻ, logistics, nhà hàng, quán ăn, phát triển mạnh, phục vụ nhu cầu của dân cư đông đúc trong khu vực.
Sự xuất hiện của các chung cư cao tầng, khu đô thị mới như khu đô thị Đồng Tàu, khu tái định cư Thịnh Liệt, khu đô thị Ao Sào… tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp dịch vụ và thương mại hoạt động. Các tuyến phố chính như Kim Đồng, Tam Trinh, Giải Phóng, Nguyễn Chính, Trương Định là những điểm phát triển mạnh về dịch vụ - thương mại trên địa bàn phường.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Hoàng Mai
Hoàng Mai là vùng đất thuộc văn hóa Cổ Mai với dấu tích sinh sống của người xưa cách đây 3.000 - 4.000 năm. Các di tích khảo cổ như công cụ đá, vòng đá và các ngôi mộ cổ thời Đông Hán ở gò Mã Vẽ cho thấy nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống. Điều này tạo nên một bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng, được người dân phường gìn giữ và tôn vinh qua các lễ hội truyền thống, các phong tục tín ngưỡng dân gian và các hoạt động văn hóa cộng đồng. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã giúp tập hợp các giá trị văn hóa lâu đời từ các phường cũ, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn lịch sử của vùng đất Hoàng Mai.
Phường Hoàng Mai được hình thành từ các phần diện tích và dân cư của nhiều phường khác nhau do vậy, mỗi nơi đều mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng riêng: khu vực Yên Sở, Lĩnh Nam gắn liền với văn hóa làng xã vùng ven sông Hồng; Tân Mai, Tương Mai, Yên Sở, Lĩnh Nam… là khu vực làng ven đô, có sự giao thoa giữa văn hóa làng trong đô thị và thời kỳ bao cấp, khu vực Thịnh Liệt, Trần Phú, Hoàng Liệt gắn với thời kỳ đổi mới của Thủ đô với nhiều khu tập thể, khu tái định cư, chung cư cao tầng.
Phường Hoàng Mai có nhiều di tích văn hóa - lịch sử được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia như: đình Hoàng Mai, chùa Nga My và đền Lư Giang (1994); đình Giáp Nhất thờ Hắc Y Đại Vương, đình Giáp Nhị thờ Thái Thượng Lão Quân được thành phố cấp bằng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2002, đình Giáp Tứ thờ Tam Lang Đại Vương (2006), chùa Tâm Pháp, miếu Hàng Xã,…
Hàng năm có các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Hoàng Mai (ngày 24/4 âm lịch) và lễ hội đền Lư Giang (19/8 âm lịch), lễ hội Thịnh Liệt (trung tuần tháng 2 âm lịch),… trong đó có tổ chức lễ rước cỗ, mã, nước và các trò chơi dân gian: cờ tướng, kéo co, bắt vịt, chọi gà,…
Về y tế, trên địa bàn phường Hoàng Mai có Bệnh viện Đại học Y cơ sở Hoàng Mai, trung tâm y tế và nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân như Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn,… phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong khu vực và cả nước.
Về giáo dục, hệ thống trường học các cấp được nâng cấp và mở rộng, đáp ứng nhu cầu giáo dục của cư dân. Một số trường học tiêu biểu như: Trường Tiểu học và THCS Giáp Bát, Trường Tiểu học và THCS Tân Mai, Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, Trường Tiểu học và THCS Hoàng Liệt, Trường Tiểu học Bạch Dương, Trường THPT Mai Hắc Đế, Trường THPT Trương Định, Trường THPT Nguyễn đình Chiểu - Hà Nội,… Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn phường như: Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị,..
● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Mai: số 8 ngõ 6 phố Bùi Huy Bích
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hoàng Mai: đồng chí Nguyễn Xuân Linh
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hoàng Mai: đồng chí Nguyễn Lê Hiến
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoàng Mai: đồng chí Triệu Hải Vân
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.