Xã Ô Diên: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Ô Diên được hình thành trên cơ sở nhập toàn phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hạ Mỗ, Tân Hội (huyện Đan Phượng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Tân Lập (huyện Đan Phượng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); xã Văn Khê (huyện Mê Linh).

Lý do lấy tên xã mới là Ô Diên: Ô Diên được lấy tên thành cổ Ô Diên - một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long. Chính vì vậy, lấy tên Ô Diên vừa thể hiện được truyền thống của một vùng đất cổ, vừa có giá trị văn hóa, lịch sử. Thành Ô Diên là tên một địa danh lịch sử ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Trong thời Tiền Lý, vào thế kỷ VI, thành Ô Diên giữ vị trí hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của giặc phương Bắc. Để đề phòng nhà Tùy xâm lược, Lý Phật Tử đã củng cố ba thành là thành Cổ Loa do Lý Phật Tử đóng giữ, thành Long Biên do Lý Đại Quyền đóng giữ, thành Ô Diên do Lý Phổ đình đóng giữ. Từ khoảng năm 557 - 602, thành Ô Diên có vị trí đặc biệt quan trọng, được coi là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Ô Diên.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Ô Diên

Xã Ô Diên giáp các phường: Tây Tựu, Thượng Cát và các xã: Liên Minh, Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Yên Lãng của thành phố Hà Nội.

Xã Ô Diên có diện tích tự nhiên là 32,06 km²; quy mô dân số là 97.506 người; trong đó:

  • Phường Tây Tựu (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 0,17 km²; Quy mô dân số: 0 người
  • Xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 5,73 km²; Quy mô dân số: 14.297 người
  • Xã Liên Hồng (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 5,02 km²; Quy mô dân số: 8.482 người
  • Xã Liên Hà (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 2,48 km²; Quy mô dân số: 9.776 người
  • Xã Hạ Mỗ (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 3,77 km²; Quy mô dân số: 9.821 người
  • Xã Liên Trung (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 2,70 km²; Quy mô dân số: 8.790 người
  • Xã Tân Hội (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 5,54 km²; Quy mô dân số: 21.933 người
  • Xã Tân Lập (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 5,58 km²; Quy mô dân số: 24.407 người
  • Xã Văn Khê (Huyện Mê Linh): Diện tích: 1,07 km²; Quy mô dân số: 0 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Ô Diên

Xã Ô Diên tiếp giáp và kết nối thuận tiện với các phường Tây Tựu, Thượng Cát, các xã Liên Minh, Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh và Yên Lãng. Từ đây có thể tiếp cận quốc lộ 32, các tuyến đường tỉnh và liên xã, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện hạ tầng giao thông - vận tải của khu vực.

Đặc điểm kinh tế xã Ô Diên

Xã Ô Diên không chỉ là vùng chuyên canh nông nghiệp truyền thống mà còn có lịch sử gắn bó với nghề rèn. Nhờ lợi thế tiếp giáp với các xã Liên Trung và Liên Hà - nơi có truyền thống nghề mộc lâu đời, một số hộ dân Ô Diên chủ động đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, từng bước hình thành và phát triển nghề mộc trên địa bàn. Theo thời gian, các nghề truyền thống như dệt vải, rèn dần mai một, nhường chỗ cho các ngành nghề có giá trị kinh tế cao. Trong nông nghiệp, người dân trước đây chủ yếu trồng cây lương thực và nuôi tằm, sau chuyển sang rau màu, cây trồng ngắn ngày, và gần đây trồng hoa hồng và một số loại hoa khác.

Xã Ô Diên có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao, kết hợp với các cụm làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ưu tiên phát triển các ngành: công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp.

Trên địa bàn xã có nhiều làng nghề, tiêu biểu như Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, góp phần giữ gìn giá trị truyền thống, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Ô Diên

Xã Ô Diên là một vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa và là một phần đặc trưng của không gian văn hóa xứ Đoài. Nơi đây từng là khởi nguồn của dòng sông Nhuệ cổ và lưu giữ dấu tích Thành cổ Ô Diên - kinh đô của nhà nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế xây dựng. Những di tích lịch sử như miếu Hàm Rồng, đình Vạn Xuân, đền Chính Khí thờ thần Lý Bát Lang  là minh chứng sống động cho chiều sâu văn hóa và lịch sử của vùng đất cổ Ô Diên.

Trên địa bàn xã hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật, tiêu biểu như: đình - miếu Diều, miếu Voi Phục, lăng Văn Sơn - nơi tổ chức Hội hát Chèo Tàu tổng Gối, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, là di sản văn hóa truyền thống và là biểu tượng tinh thần của cộng đồng.

Sự nghiệp văn hóa và giáo dục trên địa bàn xã tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những giá trị văn hóa, xã Ô Diên còn là nơi lưu giữ và phát huy nhiều nghề truyền thống, với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu như: cháo sen Hạ Mỗ, rượu đậu Hồng Hà, bánh tẻ Liên Hà, bánh gio Liên Hồng, cùng các sản phẩm đồ gỗ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã đạt chuẩn, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các trường học có chương trình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền. Trên địa bàn xã có: 07 trường THCS (Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Hạ Mỗ, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập), 07 trường tiểu học (Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Hạ Mỗ, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập), 08 trường mầm non (Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Hạ Mỗ, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập, Văn Khê).

Trên địa bàn xã có 06 trạm y tế (Liên Hồng, Liên Hà, Hạ Mỗ, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã Ô Diên đạt trên 95%, phản ánh sự quan tâm và nhận thức ngày càng cao của nhân dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Trạm y tế xã triển khai đồng bộ hệ thống quản lý sức khỏe điện tử, góp phần hiện đại hóa công tác y tế cơ sở và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, trạm y tế xã đã thực hiện khám, chữa bệnh, người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ tư vấn sức khỏe, đặc biệt là với các đối tượng người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn.

● Trụ sở Đảng ủy xã Ô Diên: Đường Đan Hoài, cụm 7, xã Ô Diên

● Trụ sở UBND xã Ô Diên: Số 3, đường Phan Xích, xã Ô Diên

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ô Diên: đồng chí Nguyễn Văn Đức

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ô Diên: đồng chí Đỗ Chí Hưng

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ô Diên: đồng chí Nguyễn Thị Bảy.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời