Ông Trump toan tính gì trong tối hậu thư gửi tới Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump gây hoang mang bởi nhiều hành động và tuyên bố trái chiều, dù trước đó từng cam kết “không kéo nước Mỹ vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài” và hứa hẹn sớm chấm dứt xung đột Ukraine-Nga.
Tờ Politico (Mỹ) ngày 15/7 dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine là điều khó tránh khỏi. Theo quan chức này, Tổng thống Trump nhận định Moscow có ưu thế vượt trội về kinh tế và quân sự và “vấn đề chỉ là mất bao lâu” để Nga giành thắng lợi.
Đài RT của Nga ngày 15/7 cũng đã trích dẫn lại phát biểu này trong bài viết của Politico, đồng thời nhấn mạnh những bước tiến gần đây của quân đội Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, bất chấp nhận định về khả năng chiến thắng của Nga, Tổng thống Trump đang gia tăng sức ép với Moscow nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ông tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan lên tới 100% đối với Nga và các đối tác thương mại của Moscow nếu trong vòng 50 ngày tới không có tiến triển hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn.
Bên cạnh đó, ông Trump đã phê duyệt các gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, với toàn bộ chi phí do các quốc gia châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi trả. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Vũ khí đã được vận chuyển đến Ukraine. Chúng đến từ Đức và sau đó được Đức thay thế. Trong mọi trường hợp, Mỹ đều được hoàn trả đầy đủ chi phí”.
Dù vậy, ông Trump vẫn giữ lập trường không cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa tầm xa có thể đánh sâu vào lãnh thổ Nga, đặc biệt là các trung tâm đô thị như Moscow. Đây được cho là nỗ lực giữ “ranh giới đỏ” nhằm tránh nguy cơ leo thang thành đối đầu trực tiếp.
Bình luận về vấn đề này, ông Dmitry Suslov - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Đại học HSE (Nga) nhận định các tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump, đặc biệt là “tối hậu thư 50 ngày” gửi tới Nga, có thể làm trầm trọng thêm thế bế tắc hiện tại giữa Washington và Moscow, thay vì thúc đẩy hòa đàm với Ukraine.
Trong một bài viết trên Sputnik, ông David Pyne - cựu Sĩ quan tham mưu Quân đội Mỹ, cho rằng chính sách của ông Trump đang đi chệch khỏi các cam kết ban đầu về ủng hộ hòa bình. Theo ông Pyne, việc thay đổi lập trường theo hướng đối đầu hơn có thể khiến Tổng thống Trump đánh mất sự ủng hộ của nhóm cử tri bảo thủ vốn ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết", gián tiếp tạo lợi thế cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11/2026.
Ông Dmitry Novikov - Phó giáo sư Trường Kinh tế Cấp cao (Nga) cho rằng, lời đe dọa áp thuế 100% và đặt ra thời hạn cụ thể là cách ông Trump sử dụng kinh tế làm công cụ gây sức ép mạnh mẽ. Tuy nhiên, liệu ông có thực sự hành động hay chỉ tung đòn tâm lý thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Theo hãng tin CNN, lịch sử thất thường của ông Trump trong việc “đe dọa thuế quan rồi lại trì hoãn” khiến giới quan sát nghi ngờ khả năng ông sẽ hành động như trong tối hậu thư. Thương mại giữa Mỹ và Nga hiện rất nhỏ, nên các biện pháp trừng phạt song phương sẽ không có nhiều ý nghĩa. Ngược lại, nếu ông Trump áp thuế cao với các đối tác lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ – những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chính nền kinh tế Mỹ có thể hứng đòn ngược, đồng thời làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh và New Delhi.
Trong khi đó, chuyên gia Sergey Oznobishchev từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế nhận định, ông Trump đang chịu áp lực phải “giữ thể diện” sau khi Nga vẫn giữ lập trường cứng rắn về Ukraine. Tối hậu thư 50 ngày là cách chứng minh rằng ông đang kiểm soát tình hình.
Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Moscow không quan tâm đến "tối hậu thư" của ông Trump. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ nghi ngờ động cơ thật sự đằng sau thời hạn 50 ngày, đồng thời tuyên bố Nga sẵn sàng ứng phó với mọi biện pháp trừng phạt mới từ Mỹ.