Ông Trump dọa áp thuế với các nước mua dầu Venezuela
Mối đe dọa thuế quan mới nhất xuất phát từ một bài đăng trên Truth Social vào sáng 24/3, trong đó ông Trump chỉ trích Venezuela vì đã thúc đẩy nhập cư vào Mỹ. Ông cũng chỉ trích chính phủ Venezuela do Tổng thống Nicolas Maduro lãnh đạo.
“Venezuela luôn rất thù địch với Mỹ và các quyền tự do mà chúng tôi tin tưởng”, ông Trump viết.

“Kết quả, bất kỳ quốc gia nào mua dầu hoặc khí đốt tự nhiên từ Venezuela sẽ buộc phải trả mức thuế 25% cho Mỹ trong bất kỳ giao dịch thương mại nào với đất nước chúng tôi”, ông Trump viết.
Sau đó, ông Trump nói tại cuộc họp Nội các Nhà Trắng rằng, ông cũng sẽ áp thuế đối với ma túy, ô tô và nhôm.
Vào ngày 2/4, các đối tác thương mại của Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho cái mà ông Trump gọi là “thuế quan có đi có lại” - thuế nhập khẩu được thiết kế để phù hợp với mức thuế do các quốc gia khác áp đặt đối với các sản phẩm của Mỹ (còn gọi là thuế đối ứng) .
“Điều thú vị là ngày 2/4 sắp đến. Đó là Ngày Giải phóng nước Mỹ. Đó là ngày mà phần còn lại của thế giới bắt đầu tôn trọng nước Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick phát biểu trong một cuộc họp nội các, lặp lại những quan điểm mà ông Trump đã bày tỏ trước đây.
Ông Lutnick nói thêm rằng, ngày 2/4 cũng sẽ đánh dấu việc thành lập Sở Thuế vụ, một cơ quan mới có nhiệm vụ thu thuế hải quan và các loại thuế nhập khẩu khác.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ - một bộ phận của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã thay mặt chính phủ liên bang thu thập và xử lý thuế quan.
Thông báo mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu sự tiếp tục chiến dịch gây áp lực của ông đối với Venezuela.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên nắm quyền từ 2017 đến 2021, ông Trump đã phát động chiến dịch "gây áp lực tối đa" đối với quốc gia Nam Mỹ này, áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với chính phủ Venezuela.
Chính phủ của Tổng thống Maduro đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm tra tấn và giam giữ tùy tiện những người bất đồng chính kiến. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thậm chí còn treo thưởng 15 triệu USD cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ Maduro.

Trong khi đó, ông Maduro cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ông và cố gắng lật đổ chính phủ của ông. Ông cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế mà nguyên nhân một phần là do giá dầu giảm mạnh vào giữa những năm 2010.
Venezuela có một trong những quốc gia trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Nam Mỹ. Nền kinh tế của đất nước phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng.
Khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025, vẫn chưa rõ liệu ông có tiếp tục chiến dịch “gây áp lực tối đa” hay không. Các nhà phê bình suy đoán rằng cam kết dẫn đầu chiến dịch "trục xuất hàng loạt" của ông Trump sẽ đòi hỏi sự hợp tác ở mức độ nào đó với chính phủ của Tổng thống Maduro.
Ngày 1/2, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Richard Grenell, đã gặp ông Maduro và yêu cầu nhà lãnh đạo Venezuela chấp nhận những người nhập cư không có giấy tờ bị trục xuất khỏi Mỹ.
Venezuela phần lớn đã từ chối làm như vậy trong quá khứ và nước này không có quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Grenell đã đạt được một thỏa thuận dự kiến, trong đó Venezuela chấp nhận trục xuất và thả 6 người Mỹ bị giam giữ ở nước này.
Trước đó, ông Maduro đã có bài phát biểu trên truyền hình xác nhận rằng Venezuela sẽ tiếp tục chấp nhận lệnh trục xuất của Mỹ. Một chuyến bay trục xuất đã đến Sân bay Quốc tế Simon Bolivar vào sáng thứ Hai (24/3).

Tuy nhiên, ông Trump vẫn tìm cách hạn chế hơn nữa sản lượng kinh tế của Venezuela, với lý do lo ngại về nhân quyền.
Chẳng hạn, vào tháng 2/2025, ông Trump cho biết sẽ thu hồi giấy phép khai thác dầu mỏ được cấp cho tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron, giấy phép đặc biệt cho phép công ty làm việc với công ty dầu mỏ quốc doanh của Venezuela. Chevron bị yêu cầu đóng cửa hoạt động tại Venezuela trước ngày 27/5.
Trong một bài đăng hôm thứ Hai, ông Trump đổ lỗi cho Venezuela về cuộc di cư của những người di cư chạy trốn khỏi biên giới nước này, nói rằng nước này đang cố tình đưa người đến Mỹ mà không có bằng chứng.
Ông Trump viết: “Venezuela đã cố tình gửi hàng chục nghìn tội phạm cấp cao và các tội phạm khác đến Mỹ, nhiều người trong số họ là những kẻ giết người và bạo lực”.
"Một trong những băng đảng mà họ gửi đến Mỹ là một nhóm có tên là Aragua và họ bị coi là 'tổ chức khủng bố nước ngoài'. Chúng tôi đang trục xuất họ trở lại Venezuela - đó là một nhiệm vụ khó khăn".
Ông Trump từ lâu đã đánh đồng người nhập cư với tội phạm, làm dấy lên lo ngại của những người theo chủ nghĩa bản địa về một "cuộc xâm lược" tội phạm vào nước Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc di cư ồ ạt khỏi Venezuela được thúc đẩy bởi khủng hoảng kinh tế và đàn áp chính trị. Khoảng 7,7 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước do thiếu hàng hóa cơ bản như thực phẩm và thuốc men. Nhiều người là người tị nạn hoặc người xin tị nạn.
Các nhà phê bình cũng cảnh báo rằng, lời đe dọa thuế quan của ông Trump có thể gây tác dụng ngược và khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức giá cao hơn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của Venezuela đã giảm trong hơn một thập kỷ, giảm từ 3,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2000 xuống còn 735.000 thùng mỗi ngày vào tháng 9/2023.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính xuất khẩu dầu của Venezuela trị giá 13,68 tỷ USD vào năm 2023.


Sáu công dân Nga đã thiệt mạng sau khi một tàu ngầm du lịch chìm ngoài khơi khu nghỉ dưỡng Hurghada, Đông Nam Ai Cập vào ngày 27/3.
Pháp cam kết viện trợ 2 tỷ euro cho Ukraine, Nga kiểm soát thêm các khu vực chiến lược và siết chặt vòng vây quân Ukraine.
Vụ việc rò rỉ tin nhắn tuyệt mật vừa qua không chỉ gây rúng động giới chính trị và an ninh quốc gia Mỹ, mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về quy trình bảo vệ thông tin mật của Nhà Trắng.
Căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu và các khoản thuế này có hiệu lực từ ngày 3/4.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải căng mình để ứng phó với các đám cháy rừng hoành hành dữ dội tại nhiều địa phương, bất chấp nỗ lực chữa cháy của lực lượng cứu hỏa.
Phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2025 đã diễn ra tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, thu hút gần 2.000 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực tham dự.
0