Ông Trump đổ lỗi Ukraine phá vỡ thỏa thuận đất hiếm
Theo RIA Novosti, trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư ở Miami ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Kiev đã ngăn chặn một thỏa thuận với Washington về kim loại đất hiếm.
"Chúng tôi đã có thỏa thuận về kim loại đất hiếm, nhưng họ (Ukraine) đã phá vỡ thỏa thuận cách đây hai ngày", Tổng thống Trump nói.

Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ trích rằng, chính quyền nhiệm kỳ trước Mỹ đã phân bổ 350 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, nhưng khoản tiền này sẽ không mang lại lợi ích gì cho Mỹ. Trong khi đó, theo Tổng thống Trump, châu Âu đang nhận được tiền bồi thường, còn Mỹ chỉ đơn giản là đưa tiền cho Ukraine.
Trước đó, NBC News dẫn lời bốn quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Trump đã đề xuất được cấp quyền sở hữu 50% lượng đất hiếm của Ukraine.
Theo quan chức Mỹ, thay vì trả tiền cho khoáng sản, thỏa thuận sở hữu đất hiếm là cách để Ukraine hoàn trả cho Mỹ hàng tỷ USD tiền vũ khí mà Washington viện trợ cho Kiev, kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng, ông muốn Kiev trả tiền cho khoản hỗ trợ mà nước này nhận được từ Washington bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, đã yêu cầu các bộ trưởng không ký vào thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine. Hiện tại, lập trường của Mỹ về việc triển khai quân đội tới Ukraine vẫn chưa rõ ràng.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024, Ukraine có tiềm năng to lớn như một nhà cung cấp toàn cầu về các nguyên liệu thô quan trọng, có thể thiết yếu cho các ngành công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao và năng lượng xanh.
Vì sao đất hiếm lại quan trọng?
Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).
Những nguyên tố này tồn tại trong lõi trái đất và có đặc tính từ tính, dẫn điện, khiến chúng trở nên quan trọng đối với việc sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ năng lượng sạch và một số hệ thống vũ khí. Đây cũng là lý do khiến đất hiếm được xem là "con bài chiến lược" của các cường quốc.

Từ lâu, Trung Quốc đã thống trị lĩnh vực sản xuất khoáng sản đất hiếm và các vật liệu quan trọng về mặt chiến lược khác trên toàn cầu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nước này sản xuất gần 90% khoáng sản đất hiếm trên toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà sản xuất than chì và titan lớn nhất thế giới và là nhà chế biến lithium lớn.
Những thách thức địa chính trị thời gian gần đây, bao gồm xung đột Ukraine - Nga, cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ, các cuộc bầu cử và chiến tranh ở Israel, đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các nguyên liệu thô quan trọng cho các ngành công nghiệp truyền thống, quốc phòng, các ngành công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh. Nhu cầu nguyên liệu thô quan trọng như niken, lithium và nhôm trên thế giới đang ở mức cao và ngày càng cao hơn.
Thị trường khoáng sản quan trọng đã tăng gấp đôi lên hơn 320 tỷ USD trong 5 năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khoáng sản, phần lớn trong số đó nhập từ Trung Quốc.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong số 50 loại khoáng sản được phân loại là quan trọng, có 12 loại Mỹ phải nhập khẩu hoàn toàn và 16 loại khác phải nhập khẩu hơn 50%. Trong khi đó, theo chính phủ Ukraine, nước này có trữ lượng 22 trong số 50 loại vật liệu quan trọng này.
Các vùng địa chất đa dạng của Ukraine khiến nước này trở thành một trong 10 nhà cung cấp tài nguyên khoáng sản hàng đầu thế giới, nắm giữ khoảng 5% tổng số khoáng sản của thế giới. Quốc gia Đông Âu này có khoảng 20.000 mỏ khoáng sản, bao gồm 116 loại. Trước cuộc xung đột với Nga, 3.055 trong số các mỏ này (tức 15%) đang hoạt động, bao gồm 147 mỏ kim loại và 4.676 mỏ khoáng sản phi kim loại.
Theo trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ukraine là nhà cung cấp tiềm năng chính của các kim loại đất hiếm, bao gồm titan, lithium, berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken.
Bất chấp chiến tranh, Ukraine nắm giữ trữ lượng titan lớn nhất ở châu Âu (chiếm 7% trữ lượng của thế giới). Đây là một trong số ít quốc gia khai thác quặng titan, rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế, ô tô và hàng hải.

Trước tháng 2/2022, Ukraine là nhà cung cấp titan quan trọng cho lĩnh vực quân sự. Nước này cũng có một trong những trữ lượng lithium được xác nhận lớn nhất châu Âu (ước tính khoảng 500.000 tấn), rất quan trọng đối với việc sản xuất pin, gốm sứ và thủy tinh. Ukraine là nhà sản xuất gali lớn thứ 5 thế giới, rất cần thiết cho chất bán dẫn và đèn LED, đồng thời là nhà sản xuất khí neon lớn, cung cấp 90% neon tinh khiết được sử dụng cho ngành công nghiệp chip của Mỹ.
Ukraine có các mỏ berili - đã được xác nhận rất quan trọng đối với năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, quân sự, âm thanh và các ngành công nghiệp điện tử. Ngoài ra, Ukraine có urani, rất quan trọng đối với các ngành hạt nhân và quân sự; zirconi và apatit rất quan trọng đối với sản xuất hạt nhân và y tế. Quốc gia này cũng được biết đến với trữ lượng quặng sắt và mangan chất lượng cao, rất quan trọng đối với sản xuất thép xanh. Ukraine cung cấp 43% lượng thép tấm nhập khẩu của EU vào năm 2021.
Trước đây, chính phủ Ukraine đã lập luận rằng, các mỏ khoáng sản của nước này là một trong những lý do khiến phương Tây nên hỗ trợ Ukraine - để ngăn chặn các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này rơi vào tay Nga.


Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.
Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.
Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
0