Ông Trump có lỡ hẹn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine?

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ấn tượng mạnh khi hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm ở Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ngay khi nhậm chức, cam kết đó dường như lại chìm vào quên lãng.

Thực tế, không ai thực sự kỳ vọng vào một giải pháp nhanh chóng để chấm dứt một cuộc xung đột được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ngay cả đặc phái viên của ông Trump tại Ukraine - ông Keith Kellogg cũng tuyên bố cần đến 100 ngày để tìm kiếm một giải pháp. Việc bỏ lỡ hạn chót “24 giờ” cùng với sự im lặng về Ukraine trong lễ nhậm chức là minh chứng cho thấy sự phức tạp và khó khăn mà Tổng thống Trump phải đối mặt trong việc giải quyết vấn đề này.

Bỏ lỡ thời hạn chót 24 giờ

Trong bài phát biểu nhậm chức, giữa vô vàn ưu tiên được đề cập, ông Trump đã không hề nhắc đến xung đột Ukraine. Mặc dù tuyên bố là “người kiến tạo hòa bình,” nhưng ông Trump lại không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về việc tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Khi được hỏi về thời gian kéo dài của cuộc xung đột, ông Trump cho biết mình không thể đưa ra câu trả lời trước khi trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa đưa ra một chiến lược cụ thể để chấm dứt chiến sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT

Theo hãng tin CNN, hiện tại, có vẻ như nhiệm vụ đầu tiên của ông Trump sẽ là một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi phải nói chuyện với Tổng thống Putin. Chúng tôi sẽ phải tìm hiểu giải pháp cho xung đột”, ông Trump chia sẻ với phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm 20/1.

Thực tế, trước đó, ông Trump đã chỉ đạo các trợ lý sắp xếp một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin trong thời gian sớm nhất. Một trong những mục tiêu của cuộc gọi là thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong vài tháng tới để tìm cách chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Giờ đây, khi ông Trump đã nhậm chức, các quan chức Mỹ và Nga có thể bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc gặp này. Cả Thụy Sĩ và Serbia đều bày tỏ sẵn sàng làm địa điểm tổ chức.

Bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa ông Trump và ông Putin sẽ là một sự thay đổi rõ rệt so với cách tiếp cận của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Joe Biden. Trong suốt gần ba năm qua, ông Biden đã tránh tiếp xúc trực tiếp với ông Putin, cho rằng những cuộc trò chuyện như vậy khó có thể giải quyết xung đột. Tuy nhiên, ông Trump lại có quan điểm khác. Theo một nguồn thạo tin, Tổng thống Trump cho rằng chính việc tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Nga Putin mới là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp kết thúc xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Alexander Kazakov / Sputnik

Bên cạnh việc thúc đẩy cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/1 đã đưa ra lời cảnh báo ngầm đối với Nga, trong đó kêu gọi nước này chấm dứt xung đột tại Ukraine thông qua một thỏa thuận, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới và thuế nhập khẩu cao hơn.

Ông Trump đã đưa ra tuyên bố này trên nền tảng Truth Social, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ còn bày tỏ tình cảm đối với người dân Nga và khẳng định ông “không muốn làm tổn thương nước Nga”. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể quên rằng Nga đã giúp chúng ta chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, với gần 60 triệu sinh mạng đã hy sinh".

Về phía Nga, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin - ông Yuri Ushakov, nói rằng Nga đang xem xét các bình luận của ông Trump.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định giải pháp cụ thể mà ông Trump theo đuổi hiện vẫn chưa rõ ràng, dù đội ngũ của ông Trump không loại trừ khả năng sẽ phải có những nhượng bộ từ phía Ukraine.

“Tổng thống Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông ấy muốn chấm dứt sự chết chóc”, tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói như vậy hôm thứ Ba trên NBC News, “Ông ấy muốn ngừng sự tàn phá. Tôi nghĩ đó là điều mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Nhưng liệu điều đó có dễ dàng không? Liệu có phức tạp không? Chắc chắn là có, bởi vì mỗi bên sẽ phải nhượng bộ”.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ tiếp tục chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden trong việc cung cấp vũ khí và tình báo cho Ukraine như thế nào. Hơn nữa, mặc dù ông phản đối Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng ông vẫn chưa làm rõ các cam kết an ninh mà ông sẵn sàng đưa ra để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cũng chưa có thông tin về việc ai sẽ chi trả cho việc tái thiết Ukraine, tuy nhiên, dựa trên những phát biểu trước đây của ông Trump, có khả năng Mỹ sẽ không phải là bên gánh vác chi phí này.

Phát biểu hôm 21/1, Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ lo ngại về mức độ quan tâm của ông Trump đối với cuộc xung đột và cho rằng các quốc gia châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng mặc dù Mỹ là “đồng minh không thể thiếu” của châu Âu, nhưng mối quan hệ này có thể không hoàn toàn tương xứng.

“Liệu Tổng thống Trump có nhận thức đầy đủ về vai trò của châu Âu không?”, ông Zelensky hỏi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, “Liệu ông ấy có coi NATO là cần thiết và sẽ tôn trọng các tổ chức của EU không?”.

“Châu Âu không thể đứng sau các đồng minh trong danh sách ưu tiên”, ông Zelensky nói. Ông cũng kêu gọi châu Âu “học cách tự lo liệu mọi thứ” để “thế giới không thể phớt lờ mình”.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Zelensky khuyến khích các quốc gia châu Âu cần phải đoàn kết để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Iran, nhấn mạnh sự chênh lệch giữa quy mô quân đội Nga và các quốc gia châu Âu và cảnh báo rằng không quốc gia châu Âu nào có thể tự mình đối phó với Nga.

“Đây không phải là tình huống mà một quốc gia có thể tự bảo vệ mình. Chúng ta cần phải đứng cùng nhau để có sức mạnh”, ông nói.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang xúc tiến một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas tuyên bố rằng EU phải có một ghế tại bàn đàm phán khi đến thời điểm thích hợp. Bà Kallas khẳng định rằng châu Âu là bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, khi đến nay đã trao cho Kiev hơn 134 tỷ euro.

Ông Trump không muốn Ukraine thất bại hoàn toàn

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chấm dứt xung đột nhanh chóng nhưng không muốn Ukraine thất bại hoàn toàn. Nhận định trên được ông Dmitry Suslov, một quan chức của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga chia sẻ với đài RT.

“Mục đích của Tổng thống Trump không phải là ủng hộ Ukraine, mà là chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt để giải phóng nguồn lực ứng phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”, ông Suslov nói. Tuy nhiên, ông Suslov cũng lưu ý rằng Mỹ khó có thể để Kiev thất bại hoàn toàn hoặc chấp nhận việc Ukraine đầu hàng, vì điều này sẽ khiến ông Trump bị chỉ trích là thiếu quyết đoán.

Ông Suslov dự đoán Tổng thống Trump sẽ cố gắng tái lập “ngoại giao trực tiếp”. Tuy nhiên, không rõ liệu cuộc đối thoại có thể nhanh chóng mang lại kết quả tích cực hay không, vì cách tiếp cận của Nga và Mỹ để chấm dứt xung đột ở Ukraine đến nay vẫn rất khác biệt.

“Có những lằn ranh đỏ mà không bên nào muốn vượt qua”, ông Suslov nhấn mạnh. Tổng thống Trump coi Ukraine là “một quốc gia có quân đội mạnh và có mối liên kết chặt chẽ với phương Tây”, trong khi Nga tuyên bố Ukraine cần trở thành một quốc gia trung lập và cắt giảm đáng kể sức mạnh quân sự.

So với nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump hiện nay “tự tin hơn, điềm tĩnh hơn và kiêu ngạo hơn”, vì ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa. “Những gì ông Trump tuyên bố không còn vấp phải sự phản đối từ nhóm cố vấn của ông hay từ đảng Cộng hòa. Chính quyền của ông sẽ hành động một cách thống nhất", ông Suslov nhận định.

Những trận chiến quyết định số phận cuộc xung đột

Trong những tháng qua, quân đội Nga đã đạt được những bước tiến quan trọng tại các khu vực chiến lược ở Donbass và Kursk. Những trận chiến tại các khu vực này có thể quyết định số phận của cuộc xung đột trong tương lai gần.

Quân nhân Nga thuộc đại đội xung kích, đơn vị súng trường cơ giới miền núi. Ảnh: Sputnik

Tình hình tại khu vực Kursk:

Từ cuối năm 2024, quân đội Nga đã giảm mối đe dọa từ lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk, ngăn cản các cuộc tấn công của Ukraine vào các khu vực chiến lược như Lgov và Rylsk. Đáng chú ý, cuộc tấn công của Ukraine hồi tháng 1/2025 vào khu định cư Berdin cũng gặp thất bại. Quân đội Nga phản công và tiêu diệt một tiểu đoàn Ukraine gần Berdin. Các chiến thuật tiêu hao tiếp tục là chiến lược chính ở khu vực này.

Ảnh: Lostarmour.Info / Sergey Poletaev

Chiến dịch tại Toretsk và Chasov Yar:

Lực lượng Nga đã chiếm được nhiều khu vực quan trọng tại Chasov Yar, bao gồm nhà máy công nghiệp và trung tâm thành phố, đưa họ gần hơn tới mục tiêu Konstantinovka.

Tại Toretsk, Nga chiếm được các khu vực quan trọng, bao gồm mỏ than Tsentralnaya và các khu dân cư, tiếp tục tiến gần Konstantinovka. Tuy nhiên, các thách thức về địa hình và hậu cần vẫn là vấn đề lớn cần giải quyết.

Xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: RT

Bao vây Pokrovsk và Mirnograd:

Nga đang tiến hành bao vây thành phố Pokrovsk và Mirnograd, hai khu vực có dân số lớn và vị trí chiến lược. Quân đội Nga đã cắt đứt các tuyến đường tiếp tế, chuẩn bị cho cuộc bao vây toàn diện trong tương lai gần. Các hoạt động này không chỉ nhắm vào Pokrovsk mà còn mở ra khả năng tấn công rộng lớn hơn vào khu vực Dnepropetrovsk.

Ảnh: Lostarmour.Info / Sergey Poletaev

Chiến dịch Kurakhovo:

Sau ba tháng chiến đấu, chiến dịch Kurakhovo đã bước vào giai đoạn kết thúc, Nga chiếm được khu công nghiệp lớn của thành phố. Các tuyến đường tiếp tế của Ukraine đã bị cắt đứt, buộc lực lượng Ukraine phải rút lui. Tuy nhiên, việc kiểm soát các mục tiêu quan trọng tiếp theo như Andreevka và Konstantinovka là cần thiết để ổn định tuyến đường phòng thủ và bảo vệ khu vực này.

Ảnh: Lostarmour.Info / Sergey Poletaev

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với một thách thức lớn trong việc giải quyết xung đột Ukraine, điều không hề đơn giản như lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Mặc dù ông tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng những cam kết trước đây vẫn chưa thể thành hiện thực, và các bước đi cụ thể vẫn còn mơ hồ.

Cả Mỹ và Nga đều có những yêu cầu và lợi ích riêng biệt, khiến cho việc đạt được một thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn ngày 5/4 đã kêu gọi Washington “tham vấn bình đẳng” với các đối tác thương mại về chính sách thuế quan mới.

Bên cạnh chiến công cứu nạn, tìm kiếm người bị mắc kẹt tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Quân đội Nhân dân Việt Nam thì không thể không nhắc đến đóng góp quan trọng của lực lượng quân y và hậu cần.

Từ 0h01 sáng nay 5/4, giờ địa phương, tức 11h01 trưa nay, giờ Việt Nam, hải quan Mỹ đã bắt đầu thu thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Những hạt cà phê được thu hoạch từ phân của loài chim Jacu - một loài chim lớn, màu đen giống như gà lôi, tại một trang trại ở Brazil, hiện là loại cà phê đắt đỏ và được săn lùng nhiều nhất trên thế giới.

Các công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho Triển lãm Thế giới 2025 tại Osaka, Nhật Bản đang được gấp rút hoàn thành trước lễ khai mạc diễn ra vào ngày 12/4.

Chiều 5/4, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng lều dã chiến, thuốc và một số thiết bị y tế cho Bệnh viện 1.000 giường tại Thủ đô Naypyidaw, Myanmar.