Ông Hoàng Quốc Vượng đã nhận 1,5 tỷ đồng của doanh nghiệp

Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận đã nhận 1,5 tỷ đồng của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chiều 21/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng; cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim cùng 10 bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại hơn 1.040 tỷ đồng liên quan dự án điện mặt trời.

Tại toà, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng là người đầu tiên trả lời toà trong phần xét hỏi. Bị cáo Vượng thừa nhận, nội dung nêu trong cáo trạng là đúng. Khi được hỏi về dự án Trung Nam - Thuận Nam, bị cáo Vượng khai có đồng ý cho dự án này vào quy hoạch Điện 7. Sau đó Bộ Công Thương có tờ trình Chính phủ.

“Lúc đó Bộ Công thương không đưa ra mức giá cụ thể nào, tôi cũng không nhớ có đề xuất giá cụ thể nào khác nên bị cáo nghĩ là hành vi của mình không trái quy định”, ông Vượng khai.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương được dẫn giải đến toà.

Theo cáo trạng, từ ngày 31/8/2018 đến ngày 6/4/2020, ông Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Khi đó, ông Vượng đang làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và năng lượng tái tạo.

Mặc dù biết các chủ trương của Chính phủ cùng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến các dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận nhưng bị cáo Vượng vẫn cố tình thực hiện theo ý kiến cá nhân.

Tại toà, bị cáo Vượng thừa nhận, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định số 13, đưa dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vào quy hoạch để nhận giá ưu đãi, bản thân ông không bị ai tác động.

Tuy nhiên, bị cáo Vượng cũng thừa nhận, bản thân đã nhận 1,5 tỷ đồng của doanh nghiệp. Sau khi nhận thức về hành vi của mình, bị cáo cùng gia đình đã nộp khắc phục số tiền 1,5 tỷ đồng.

“Tôi nhận thức rằng, số tiền đã nhận dù ở góc độ nào, bản thân tôi cũng đã làm sai và gây hậu quả nên tôi hoàn lại số tiền đó”, bị cáo Vượng nói.

Năm 2016, Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Khi đó, tỉnh Ninh Thuận đang có tổng 32 dự án điện mặt trời được Thủ tướng phê duyệt. Theo Nghị quyết 115 về giá điện đặc thù cho tỉnh này, các dự án điện mặt trời của Ninh Thuận được bán điện với giá 2.086 đồng/kWh chưa VAT. Giá chỉ áp dụng cho các dự án công suất không quá 2.000 MW và phải được Thủ tướng chấp thuận.

Tháng 8/2018, Bộ Công Thương lập tổ soạn Dự thảo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với 26 thành viên. Tổ trưởng là ông Kim, khi đó là Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương. 25 cán bộ còn lại thuộc Bộ Công Thương, EVN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dự thảo sau đó được gửi về các đơn vị trên để lấy ý kiến, nhưng không bao gồm nội dung về cơ chế giá điện đặc thù áp dụng với tỉnh Ninh Thuận. Vụ pháp chế Bộ Công Thương đề nghị bổ sung. Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Kim không bổ sung thêm nội dung này và gửi báo cáo, cho đăng lên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Đến khi hết thời hạn lấy ý kiến, dự thảo sẽ được hoàn chỉnh, gửi thẩm định Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng mà không có nội dung về giá điện như Vụ Pháp chế đề xuất.

Theo Viện kiểm sát, trong cuộc họp sau đó, dù được hai cán bộ Vụ Pháp chế nhắc lại vấn đề bổ sung giá vào dự thảo, ông Hoàng Quốc Vượng vẫn chỉ đạo thay đổi nội dung này theo hướng mở rộng đối tượng được ưu đãi giá điện. Như vậy, không chỉ riêng các dự án được Thủ tướng chấp thuận theo Nghị quyết 115, tất cả dự án điện mặt trời nối lưới "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp" đều thuộc diện được ưu đãi.

Cấp dưới của cựu Thứ trưởng Vượng sau đó tiếp tục góp ý: Nếu đúng Nghị quyết 115, chỉ các dự án được phê duyệt trước 31/8/2018 (ngày ký Nghị quyết) và vận hành trước 1/1/2021 mới được hưởng giá điện ưu đãi.

Ông Vượng sau đó đã gạch cụm từ "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp" để sửa lại. Sau đó, cấp dưới tiếp tục góp ý, nếu gạch cụm từ này, đối tượng hưởng ưu đãi còn bị mở rộng hơn nữa. Bởi các dự án không có trong quy hoạch phát triển điện lực cũng được bán điện với giá ưu đãi.

Bộ Công Thương giữ nguyên nội dung Dự thảo như ý ban đầu của ông Vượng - tức là vẫn lược đi cụm từ "được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai".

Dự thảo này tiếp tục bị Vụ trưởng Pháp chế Bộ Công Thương góp ý lần thứ ba về phạm vi đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi. Hai ngày sau khi bị đề nghị giải trình, Bộ Tư pháp phản hồi: Dự thảo "chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng". Ông Vượng tiếp tục gạch bỏ cụm từ "được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai" trong dự thảo.

Điều này đồng nghĩa, bất cứ dự án điện mặt trời vận hành thương mại trước 1/1/2021 nếu tổng công suất dưới 2.000 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, dù không được Thủ tướng chấp thuận vẫn được bán điện với giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh.

Tháng 5/2019, phó thủ tướng chủ trì cuộc họp với Bộ Công Thương và các bộ ngành bàn về Dự thảo trên, giao Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến các bộ ngành liên quan. Sau 1 tháng, dù Dự thảo dù chưa được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN có ý kiến, ông Vượng vẫn giữ nguyên các nội dung về giá điện ưu đãi.

Sau đó, dự thảo Quyết định 13 được Bộ Công Thương giữ nguyên nội dung như ông Vượng chỉnh nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thông qua tháng 4/2020, trở thành quyết định chính thức. Ninh Thuận được phê duyệt 30 dự án điện mặt trời theo giá ưu đãi.

Bộ Công an xác định 2 dự án trong số này không đủ điều kiện là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải của Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận và Dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam của Công ty TNHH Điện mặt trời Thuận Nam.

Theo cơ quan công tố, tháng 7/2020-1/2023, EVN đã mua điện và thanh toán cho hai nhà máy điện mặt trời này hơn 4.300 tỷ đồng với giá ưu đãi. Mỗi số điện được thanh toán cao hơn quy định 7,09 Uscents, dẫn đến tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 1.043 tỷ đồng. Vì động cơ vụ lợi, bị cáo Vượng đã nhận của Công ty Thuận Nam 1,5 tỷ đồng.

hinh anh tac gia

thikimoanh.nguyen@daihanoi.vn

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tinh thần chung của người dân là đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng một bước phát triển mới sau sáp nhập.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại khu vực miền Nam vào sáng 21/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại TP. HCM.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui" vào tối 20/4 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, một người dân ở phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên đón niềm vui lớn khi tìm thấy hài cốt của cha mình là liệt sĩ sau nửa thế kỷ hy sinh.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 6 tới đây.

Các đơn vị công an cơ sở ở TP. Hà Nội đang tập trung giải quyết những phức tạp về trật tự đô thị, đảm bảo đường thông, hè thoáng, nhất là tại những địa bàn đông dân cư, tuyến phố văn minh thương mại trước dịp nghỉ lễ.