Ở gần hay ở cùng con?
Có một người chị chia sẻ với Hường, chị ấy lập gia đình cách đây hai năm, điều khiến chị đau đầu là việc nên ở riêng hay vẫn chung sống với bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng chị là bác sĩ về hưu lại rất kỹ tính. Nhà luôn phải sạch và gọn gàng. Một sợi tóc vương ở sàn, ngay lập tức, mẹ chồng chị tỏ ra khó chịu, tay dọn, miệng cằn nhằn. Vợ chồng chị làm ở tập đoàn nước ngoài, tuy lương cao nhưng áp lực công việc rất cao. Vợ chồng chị đi làm từ sáng tới tối muộn mới về. Không có thời gian thu xếp việc nhà, ngay từ khi về nhà chồng, chị đã xin phép được thuê giúp việc. Chị sẽ lo trả tiền giúp việc và tất cả sinh hoạt phí trong nhà. Nhưng rồi, đề xuất của chị bị bố mẹ chồng gạt ngay đi. Bởi, ông bà không thích có người lạ trong nhà. Ông bà yêu cầu chị phải làm tròn nghĩa vụ với gia đình chồng, hoàn thành các công việc nội trợ.

Sáng 5 giờ, chị phải dậy sớm đi chợ, chuẩn bị đồ ăn trưa để sẵn trong tủ lạnh cho bố mẹ chồng. Đến 7 rưỡi, chị vội vã đi làm. Tới 19 giờ 30, chị về nhà mỏi rời rã nhưng không được nghỉ. Sau bữa ăn, chị rửa bát, dọn dẹp, lau chùi từ tầng một lên tầng bốn, giặt giũ, phơi phóng… Chị hoàn thành các công việc đó khi kim đồng hồ chỉ 23 giờ. Chị còn xử lý công việc tập đoàn đến 1 giờ sáng hôm sau mới được đi ngủ. Ngày nào, chị cũng chỉ ngủ được 4 giờ đồng hồ.
Có không ít lần, chị họp gia đình bàn việc, bố mẹ chồng về hưu giúp mình công việc nhà hoặc chồng giúp nhưng rồi chỉ nhận được lắc đầu: Bố mẹ già rồi, giờ nghỉ hưu an dưỡng. Nuôi chồng con vất vả trưởng thành, giờ mỗi việc cơm nước cỏn con mà con bắt bố mẹ động chân, động tay à? Chồng con là đàn ông, làm việc lớn nên không làm việc nhà đâu. Bố mẹ có lương hưu cũng đóng tiền phí sinh hoạt, không bắt các con nuôi nên con tự thu xếp việc nhà.
Chị nghe xong thì thấy nghẹn trong cổ. Chị bàn với chồng xin ra ở riêng. Chồng chị không đồng ý vì nếu ở riêng, bố mẹ sẽ từ anh vì nghĩ anh bỏ rơi họ khi về già. Suốt hai năm, chị như hụt sức vì chịu đựng cuộc sống gia đình và công việc đầy áp lực. Nếu ra ở riêng, có thể chồng chị bị bố mẹ từ hoặc chỉ một mình chị xách va-li ra đi. Chính điều này làm chị trì hoãn việc có con và mòn mỏi chờ sự đồng ý của bố mẹ chồng.

Không biết, bạn có từng gặp hoàn cảnh giống như chị ấy chưa? Quả thực, một cuộc sống quay cuồng như vậy, ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy áp lực. Tôi có biết một gia đình khác. Vợ chồng chị ra ở riêng lại được sự ủng hộ của bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng chị hiểu được khoảng cách thế hệ cùng sự áp lực công việc của các con cũng như để các con tự chủ cuộc sống của mình. Bố mẹ không có điều kiện cho tiền mua nhà nên vợ chồng chị thuê căn nhà nhỏ gần bố mẹ. Cứ rảnh lúc nào, anh chị lại chạy sang thăm bố mẹ. Ở riêng, anh chị có thời gian tự do, có không gian riêng, thoải mái hoạch định kế hoạch gia đình, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Chị đang mang thai, dự định khi có con, chị thuê giúp việc rồi nhờ ông bà ngó ngàng giúp.
Bản thân tôi thì nghĩ rằng, mỗi gia đình có một cách sắp xếp riêng. Nếu con cái đã không quan tâm đến bố mẹ thì ở gần hay ở xa cũng vẫn vậy. Con cái có hiếu thì dù không ở chung, mà ở gần chạy qua chạy lại thăm nom cũng vẫn ổn. Thực tế thì ở các nước phát triển người già không phải lo về mặt vật chất, nhưng vẫn ngóng về con cháu như một lẽ tự nhiên. Bản thân tôi thấy điều đó rất hợp lý khi các mối quan hệ của người già bị thu hẹp và cảm giác rõ hơn về sự cô độc, cơ thể xuống cấp, bệnh tật và cái chết..
Tôi mong muốn rằng các con của tôi, chúng sẽ được sống cuộc đời của riêng mình, có thể ở bất cứ nơi nào có công việc phù hợp, chọn lựa lối sống, bạn đời mà chúng muốn, không phụ thuộc vào ý chí của bố mẹ. Trong trường hợp tôi và các con không thể sống gần nhau, khi còn sức khỏe tôi sẽ tự thân lo liệu. Khi nào không tự lo được nữa thì thuê người chăm sóc riêng hoặc vào viện dưỡng lão.
Tôi muốn con sẽ có thời gian, không gian riêng để vợ chồng, con cái chăm sóc nhau và kỷ niệm những ngày lễ ý nghĩa với nhau. Dẫu vẫn biết, tình cảm và sự quan tâm không nên khiên cưỡng, nhưng có lẽ đến một lúc nào đó, các bố mẹ nên tự biết lùi lại và tự chăm sóc bản thân mình, thay vì dựa dẫm vào con cái. Với tôi, hạnh phúc của con là bản thân chúng và gia đình nhỏ của chúng chứ không phải gánh nặng ở cạnh để phụng dưỡng cha mẹ già.

Có một bác cao tuổi cùng khu phố chia sẻ với tôi, sống chung nhiều thế hệ, nếu hòa hợp tính cách, biết dành thời gian, nhường nhịn, chăm sóc nhau là điều vô cùng hạnh phúc, ai cũng mong ước. Nhưng cuộc sống vốn phức tạp, rất khó để duy trì cuộc sống này, nhất là đối với giới trẻ, tư duy và nhìn nhận khác nhau. Chính vì thế, bác ấy đã chủ động sống riêng để có thể tự sắp xếp cuộc sống bản thân như tập thể dục, đọc sách hoặc đi bộ thư giãn. Sau khi ăn tối, bác sang chơi với gia đình con trai hoặc ngồi xem ti vi. Nếu các con cần trợ giúp chăm cháu, bác ấy cũng dành thời gian sang chăm rồi về nhà nghỉ ngơi. Có điều kiện thì đăng ký đi du lịch ngắn ngày cùng nhóm bạn cao niên của mình.
Bác ấy đã tính tới việc sau này sức khỏe yếu, với tiền tiết kiệm và tiền lương, bác ấy sẽ vào viện dưỡng lão để các điều dưỡng, nhân viên chăm sóc. Ở đó, bác ấy sẽ có bạn đồng niên chuyện trò, giao lưu, chia sẻ. Căn nhà đang ở, bác ấy để lại cho gia đình con trai. Các con, các cháu sẽ đến thăm bà ngày cuối tuần.
Tất nhiên, trong thực tế, con cái không phải lúc nào cũng có điều kiện ở gần cha mẹ. Đương nhiên, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, mỗi người có một lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Nhưng Hường nghĩ dù ở xa hay gần, chung hay riêng, chỉ cần quan tâm, chăm sóc, hiếu kính với cha mẹ thì các con vẫn mang lại niềm tự hào, niềm vui cho cha mẹ ở tuổi xế chiều./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0