'Nóng' cuộc đua trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu
“Nóng” cuộc đua AI toàn cầu
Hiện tượng gây chấn động của DeepSeek đã đánh thức không chỉ Mỹ mà cả thế giới. Hơn bao giờ hết, các nước nhận ra rằng, tương lai phát triển công nghệ toàn cầu không chỉ về hạt nhân, tiền điện tử, Internet hay bất kỳ công nghệ tiên tiến nào khác, mà sẽ còn liên quan sâu sắc đến việc phát triển AI như một công nghệ nổi bật cho tương lai của nhân loại. Đó là những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động trí tuệ nhân tạo (AI) tại Paris, Pháp từ ngày 10 - 11/2. Tham vọng phát triển AI của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là những nội dung phủ bóng Hội nghị này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố các khoản đầu tư trị giá lên tới 109 tỷ Euro (tương đương hơn 112 tỷ USD) vào lĩnh vực AI.
Trước đó, hôm 6/2, Pháp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã nhất trí một thỏa thuận khung xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo, có công suất 1 gigawatt, với tổng vốn đầu tư từ 30 - 50 tỷ USD. Động thái này sẽ đưa châu Âu và UAE vào bản đồ AI của toàn cầu. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố khoản đầu tư lên tới 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI đến từ Open AI, Softbank và Oracle trong vòng bốn năm tới, với mục tiêu sẽ giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới trong cuộc đua về lĩnh vực này.
Khi có lợi nhuận sẽ kích thích sự cạnh tranh và đổi mới, đó là điều dễ hiểu. Và khi ai đó có độc quyền, động cơ lợi nhuận đó có thể tước đi sức mạnh độc quyền đó khá nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận. Những người hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo hiện nay sẽ không chỉ là các nhà sản xuất chip, mà còn là những công ty có thể sử dụng công nghệ này một cách có lợi nhuận.
Ông Brian Jacobsen - Chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ quản lý tài sản Annex Wealth, Mỹ.
Ngay tại Trung Quốc, thành công của DeepSeek đã kích thích sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực AI của nước này, thu hút nhiều khoản đầu tư mới và nhân tài hàng đầu. Trước áp lực từ DeepSeek, các đối thủ như Alibaba, ByteDance và Moonshot AI đã nhanh chóng tung ra các bản cập nhật mô hình của mình.
Sức nóng của sự cạnh tranh trong lĩnh vực AI toàn cầu đang đặt ra một vấn đề khác, đó là quản trị AI. Các chuyên gia cảnh báo rằng, sự xáo trộn của AI nếu không kiểm soát có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, khi tự động hóa khiến hàng triệu công nhân mất việc, đồng thời tập trung sự giàu có vào tay các tập đoàn công nghệ độc quyền. Một trong những tác động của AI là khoảng 14% lao động sẽ bị mất việc do AI và khoảng 300 triệu việc làm toàn cầu có thể bị mất vào năm 2030, chiếm khoảng 9,1% tổng số việc làm trên toàn cầu.
Khoảnh khắc DeepSeek gây chấn động Phố Wall
Cách đây vài tuần, người ta biết rất ít về công ty khởi nghiệp nhỏ mang tên DeepSeek có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, trợ lý AI miễn phí của công ty này sau khi được tung ra đã vượt qua đối thủ ChatGPT để trở thành ứng dụng miễn phí được đánh giá cao nhất trên App Store của Apple tại Mỹ vào ngày 27/1. Sự phổ biến của DeepSeek đã khiến giá cổ phiếu của các ông lớn công nghệ tại Mỹ giảm mạnh khi niềm tin của các nhà đầu tư vào nhu cầu mạnh mẽ của ngành AI đối với chip công nghệ cao.
DeepSeek cho biết, mô hình AI của họ sử dụng chip rẻ hơn nhiều và có chi phí tiết kiệm hơn, chỉ khoảng 6 triệu USD. Sự phổ biến của DeepSeek đã làm chao đảo thị trường chứng khoán khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Chỉ số Nasdaq Composite giảm khoảng 3,1%, đánh dấu một trong những ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022. S&P 500 cũng ghi nhận mức giảm 1,5%. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm NVIDIA và Meta, đã bị tổn thất đáng kể, với cổ phiếu của NVIDIA giảm hơn 12% vì lo ngại rằng nhu cầu đối với các chip AI của tập đoàn này có thể giảm khi DeepSeek cung cấp giải pháp hiệu quả về chi phí.
Điều thực sự thú vị về DeepSeek là chúng ta có một mô hình mã nguồn mở có tính cạnh tranh hoặc tốt hơn mô hình của OpenAI, vốn đang là mô hình tốt nhất trong số các mô hình mà chúng ta có trên thế giới. Và đây là một sự đột phá lớn vì bây giờ mọi người đều có thể xây dựng trên nền tảng này và không còn chỉ một công ty duy nhất trên thế giới có thể tạo ra loại mô hình chất lượng cao này nữa.
Ông Lewis Tunstall - Kỹ sư học máy tại nền tảng “Hugging Face”.
DeepSeek được thành lập vào tháng 5/2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc, bởi Lương Văn Phong, với nguồn vốn huy động khoảng 8 tỷ USD từ quỹ High-Flyer. Khác với các công ty AI lớn, DeepSeek tập trung vào phát triển mô hình mã nguồn mở với mục tiêu xây dựng công nghệ nền tảng, thay vì tập trung vào ứng dụng thương mại.
DeepSeek-R1, mô hình AI đầu tiên của công ty, được ra mắt vào tháng 7/2023, chỉ hai tháng sau khi công ty thành lập. Ngay khi ra đời DeepSeek-R1 đã lập tức gây bão bởi hiệu quả vượt trội với chi phí thấp. Điều này đặt ra thách thức trực tiếp đối với các công ty AI lớn, vốn phụ thuộc vào tài nguyên phần cứng đắt đỏ. Thêm vào đó, DeepSeek-R1 có thể hoạt động hiệu quả trên các chip ít mạnh mẽ hơn, làm giảm vai trò của các nhà cung cấp chip lớn đắt tiền trong việc phát triển AI.
Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm trên thị trường cổ phiếu phản ánh mối lo ngại cho rằng ngành công nghệ của Mỹ lạc hậu và lợi thế bất ngờ của Trung Quốc trong các ứng dụng AI quan trọng. Ngoài ra, DeepSeek còn khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại bức tranh cạnh tranh trong ngành AI. Có những lo ngại về việc liệu các công ty Mỹ đã được định giá quá cao dựa trên lợi nhuận tương lai kỳ vọng từ các tiến bộ trong AI. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về tính bền vững vai trò thống trị công nghệ của Mỹ trong những năm tới.
Ngành AI toàn cầu bộc lộ điểm yếu
So với nhiều AI hiện có trên thị trường, DeepSeek thực tế không có nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên, điều làm thế giới bất ngờ là chi phí phát triển AI của DeepSeek cực kỳ hiệu quả. Điều này đã bộc lộ những điểm yếu của các gã khổng lồ công nghệ vốn đang tích cực “dốc hầu bao” vào phát triển và giành lợi thế đi đầu trong lĩnh vực AI.
Bước đột phá của DeepSeek diễn ra khi Trung Quốc bị Mỹ cạnh tranh khốc liệt về AI kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022. Tân Hoa Xã dự đoán DeepSeek sẽ tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo AI mới, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghiệp tự động và có thể kiểm soát được. Còn đối với nhiều người dân Trung Quốc, đây là một niềm tự hào không thể giấu giếm.
Tôi để ý thấy DeepSeek trên các chủ đề thịnh hành của Weibo trong những ngày qua. Vì vậy, tôi cũng đã tìm hiểu thêm về nó, đã học được nhiều hơn về nó và tôi nhận ra rằng nó đã trở nên khá phổ biến ở nước ngoài. Và tôi cảm thấy rằng sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đã trở nên phổ biến ở nước ngoài và tôi cảm thấy khá tự hào.
Chị Chen Jianuo - Nhân viên văn phòng.
DeepSeek đang được tích hợp vào hàng loạt sản phẩm công nghệ nội địa Trung Quốc. Những tên tuổi lớn như Lenovo, UBTech và Geely là những doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ DeepSeek vào sản phẩm của họ. Các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent, Huawei, Baidu và Alibaba cũng đã tích hợp các mô hình AI mới của DeepSeek vào nền tảng của mình. Mới đây nhất, ba công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom cũng đã triển khai các mô hình AI của DeepSeek vào sản phẩm và dịch vụ.
Bức tranh tại Mỹ lại tương đối khác sau màn khuấy đảo của DeepSeek. Mỹ từ lâu đã là quốc gia dẫn đầu không thể tranh cãi trong lĩnh vực AI, được thúc đẩy bởi các “ông lớn” thung lũng Silicon như Google, OpenAI và NVIDIA. Vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI được củng cố nhờ ngành này được nhận tài trợ từ chính phủ, dòng vốn đầu tư mạo hiểm và một văn hóa đổi mới sáng tạo.
Năm 2023, các công ty AI có trụ sở tại Mỹ đã nhận được 70% nguồn vốn tư nhân toàn cầu trong phát triển AI, tăng so với 55% trong năm 2022. Vai trò lãnh đạo này của Mỹ không chỉ giới hạn trong sức mạnh kinh tế và quân sự. AI cũng đã trở thành một công cụ quan trọng của quyền lực mềm, minh họa vai trò dẫn đầu của Mỹ về công nghệ. Tuy nhiên, những nhận xét này đã bị lung lay sau sự xuất hiện của DeepSeek, một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc. DeepSeek khác biệt so với các công ty khởi nghiệp AI tạo sinh của Trung Quốc ở chỗ họ không huy động bất kỳ nguồn tài chính bên ngoài nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng trước sự trỗi dậy nhanh chóng của DeepSeek, gọi đây là một “hồi chuông thức tỉnh” đối với các công ty công nghệ Mỹ. Mô hình này đã thu hút được sự chú ý và thị phần lớn, thậm chí vượt qua các đối thủ đã thành lập như ChatGPT của OpenAI trong bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng.
Việc ra mắt DeepSeek AI từ một công ty Trung Quốc nên là lời cảnh tỉnh cho các ngành công nghiệp của chúng ta, rằng chúng ta cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh để giành chiến thắng, vì chúng ta có những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới, ngay cả giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nói với tôi như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với vai trò là “nhà cung cấp vũ khí” cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo, NVIDIA có lẽ là bên hưởng lợi lớn nhất từ cơn sốt AI, với lợi nhuận vượt 63 tỷ USD chỉ trong bốn quý vừa qua. Cho đến nay, sự phát triển AI đã dẫn đến nhu cầu không ngừng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các dòng chip cao cấp nhất của NVIDIA, trong bối cảnh các ông lớn công nghệ đổ hàng tỷ USD vào trung tâm dữ liệu AI. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của DeepSeek phơi bày rủi ro lớn nhất mà NVIDIA đang đối mặt là nhu cầu khổng lồ đối với các con chip tiên tiến của hãng có thể suy giảm. Cách tiếp cận hiệu quả hơn của DeepSeek có thể làm đảo lộn hiện thực rằng các mô hình AI tiên tiến nhất luôn cần số lượng chip AI khổng lồ của NVIDIA để đào tạo.
Tuy nhiên, vẫn có sự hoài nghi về những tuyên bố của DeepSeek. Một số lãnh đạo ngành AI tại Mỹ cho rằng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể đã tích trữ chip NVIDIA tiên tiến trước khi lệnh hạn chế của Mỹ có hiệu lực, hoặc sử dụng các phương án thay thế như tiếp cận sức mạnh tính toán sử dụng chip NVIDIA từ các quốc gia ngoài Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền ông Biden, trong những ngày cuối cùng trước khi chuyển giao quyền lực, đã triển khai các quy định mới nhằm khắc phục những điểm mù này.
Hơn hai năm sau khi ChatGPT ra mắt, AI tạo ra vẫn tiếp tục có những bước tiến đáng kinh ngạc. Công nghệ hỗ trợ các chatbot đa năng đang biến đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống với khả năng đưa ra văn bản, hình ảnh hoặc video chất lượng cao hoặc thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. Theo Công ty kiểm toán PwC, đến năm 2030, ước tính AI sẽ đóng góp hơn 15 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Các quốc gia hiện nay cũng thừa nhận AI là một đòn bẩy then chốt để đạt được ưu thế kinh tế bởi các quốc gia dẫn đầu trong phát triển AI sẽ giành được lợi thế cạnh tranh trong năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực quân sự. Tuy nhiên, cuộc đua AI không chỉ là một cuộc đua công nghệ. Sự phát triển của AI phải được duy trì một cách đạo đức, trách nhiệm nhất có thể. Nếu không, thế giới có thể đã tự thiết kế một “quả bom hẹn giờ” cho các thế hệ tương lai.


Sự khó đoán và phong cách lãnh đạo đầy kịch tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ là ngẫu nhiên mà dường như là một chiến lược có chủ đích. Tuy nhiên, điều từng mang lại lợi thế cho ông trong kinh doanh lại có thể trở thành rủi ro khi điều hành một quốc gia và định hình chính sách toàn cầu.
Mỹ đang điều chỉnh chính sách với Ukraine, bao gồm tạm dừng viện trợ quân sự và ngừng chia sẻ tình báo, gây ảnh hưởng lớn đến cục diện xung đột. Cùng với đó, Washington cũng mở ra khả năng đàm phán với Nga, trong khi châu Âu ngày càng có những phản ứng cứng rắn.
Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Phong trào kháng chiến hồi giáo Hamas về vấn đề con tin và lệnh ngừng bắn tại Gaza, các quan chức Israel và Nhà Trắng xác nhận thông tin vào ngày 5/3. Đây là động thái chưa từng có, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao lâu nay của Mỹ là không đàm phán với các nhóm bị coi là tổ chức khủng bố.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine cũng như vấn đề củng cố năng lực quốc phòng của khối.
Không quân Hàn Quốc đã thừa nhận sai lầm khi một máy bay chiến đấu vô tình thả 8 quả bom xuống một ngôi làng, khiến nhiều người bị thương.
Canada đã nộp đơn khiếu nại về mức thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Canada, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết.
0