Nơi quanh năm mùi Tết

Mỗi năm chỉ có một Tết âm lịch. Thế nhưng, đến Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội vào bất kể ngày nào trong năm, bạn cũng cảm nhận được không khí Tết rộn ràng.

Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Xuân Chinh về thăm làng Phú Thượng, vùng đất quanh năm nấu xôi, nơi hương vị xôi truyền thống được lưu giữ và lan tỏa, xứng danh “đất xôi kinh kỳ”…

Xôi Phú Thượng nức tiếng đất kinh kỳ. Ảnh: Dantri

Phú Thượng nằm ven sông Hồng, lúa nếp trồng ở đất phù sa màu mỡ cho hạt to tròn, bóng mẩy đều tăm tắp, trăm nghìn hạt như một. Nghề nấu xôi cũng vì thế mà ra đời, nhưng không ai rõ người làng nấu nhiều xôi từ khi nào. Người già kể lại, hơn nửa thế kỷ trước, một vài hộ dân gồng gánh xôi đi bộ từ Phú Thượng vào khắp ngõ ngách phố cổ bán cho người thập phương. Xôi ngon, giá bình dân nên dần dà nức tiếng khắp đất kinh kỳ. Giờ khắp ba thôn của Phú Thượng (làng Gạ, làng Bạc, làng Xù), nhà ai cũng nấu xôi như nghề chính của gia đình.

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát có nghề nấu xôi”

Cô Nguyễn Thị Thảo, sinh ra ở làng Gạ. Năm 16 tuổi, cô đã thành thục nấu xôi làm cỗ, phụ bố mẹ bán trong ngoài xã. Hơn 30 năm gắn bó với gạo nếp hạt xôi, cô chỉ cần nếm một miếng xôi là biết xôi đó có phải nấu ở Phú Thượng hay không. Xôi Phú Thượng có hương vị đặc trưng bởi hành trình hạt gạo thành xôi rất tỉ mỉ, kỳ công.

Cô Thảo và người dân ở Phú Thượng, mỗi ngày làm 8 - 10 món xôi khác nhau. Sự đa dạng là nét hấp dẫn đặc biệt ở các làng xôi này. Chính người làm xôi ăn xôi quanh năm cũng không chán bởi họ làm ra rất nhiều loại xôi. Ngày thường có xôi xéo, xôi vừng dừa, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi trắng, xôi đỗ đen, xôi ngô. Ngày lễ lạt cưới xin thường xôi vò, xôi gấc vò hạt sen - đây cũng là hai loại xôi nấu cầu kỳ nhất. Còn ngày Tết thì mâm cơm cúng, mâm cỗ nhà nào nhà nấy nhất định phải có xôi gấc và xôi ngũ sắc.

Những đĩa xôi được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt của người dân làng Phú Thượng. Ảnh: Laodong

Giáp Tết là ngày hội của cả ba làng Phú Thượng. Lượng khách đặt xôi tăng lên gấp ba, mỗi nhà đồ cả hơn tạ gạo một ngày mới đủ bán. Nhà nhà đãi gạo thổi xôi tới tận Giao thừa để giao hàng đi khắp nơi. Chõ xôi đồ cuối cùng của năm, cũng là chõ xôi đơm dâng lên ban thờ cúng tất niên và đón năm mới của mỗi nhà làm xôi.

Nấu xôi là nghề cha truyền con nối ở Phú Thượng xưa nay. Không hiếm gia đình có ba - bốn đời cùng nấu xôi. Chiều chiều, nếu ghé Phú Thượng, bạn sẽ bắt gặp cảnh người già, người trẻ ngồi rửa lá sen, lá dong, vo gạo, đảo xôi… Mỗi người mỗi công đoạn, nồi xôi chín không phải công của riêng ai. Nghề nấu xôi đã thắt chặt tình cảm mỗi gia đình.

Người dân Phú Thượng tất bật mỗi dịp cận Tết. Ảnh: Nguoilaodong

Ba ngày Tết là ba ngày hiếm hoi mà người dân Phú Thượng không vất vả nấu xôi bán khắp mọi miền. Nhưng mùi xôi vẫn thơm lừng khắp nhà, khắp ngõ. Thay vì dậy sớm đong xôi đi bán, ngày Tết, mỗi nhà dậy sớm đồ chút xôi mới dâng lên ban thờ tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, may mắn, để Phú Thượng mãi giữ được nghề nấu xôi truyền thống cho cả năm luôn có mùi xôi - Mùi Tết./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phụ nữ hiện đại có rất nhiều mối quan tâm. Khi còn trẻ, họ tràn đầy nhiệt huyết, mục tiêu phấn đấu cho công danh sự nghiệp. Nhưng khi đã lập gia đình rồi, những lo toan đã ít nhiều chi phối họ, khiến họ luôn trăn trở làm sao để lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình?

Cuộc sống giống như một con đường dài, nơi mỗi bước chân ta đi qua đều mang theo những dấu vết của niềm vui, nỗi buồn và cả những vấp ngã. Không ai trong chúng ta bước đi mà không một lần trượt ngã. Nhưng điều kỳ diệu nhất của con người chính là khả năng đứng dậy từ những lần đó, mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.

Hà Nội tháng Ba, những ngày giao mùa khi trời còn vương chút se lạnh nhưng đã bắt đầu lẫn trong đó cái ấm áp dịu dàng của mùa xuân. Trong không gian ấy, có một loài hoa không thơm nhưng lại khiến lòng người xao xuyến, khiến ai từng gặp cũng phải dừng chân ngước nhìn - đó là hoa gạo.

Những ngày vừa qua, vụ việc TikToker Phạm Thoại và mẹ bé Bắp công khai sao kê tiền từ thiện đang gây xôn xao dư luận. Ở vai trò là một người mẹ có con đang độ tuổi với bé Bắp, nhiều người cảm thấy thương xót cho bé khi phải chịu đựng những cơn đau do căn bệnh hiểm nghèo giày vò, lại vô tình trở thành trung tâm của biết bao bàn luận và tấn công trên mạng xã hội.

Tỉnh thức giữa ảo mộng không chỉ là hành trình tỉnh giấc sau cơn mê dài, mà còn là cuộc hành trình nhìn lại bản thân giữa thực tại đầy những lối đi mờ mịt và hoa lệ.

Tháng Ba, mùa xuân đã rải nắng nhẹ trên từng kẽ lá, từng ngọn cỏ non. Những ngày này, đất trời dịu dàng đến lạ, nhưng trong lòng mỗi người con lại đầy những cảm xúc khó gọi tên, bởi tháng Ba luôn gắn liền với hình bóng của mẹ.