Nội dung cuộc họp nội các đầu tiên của ông Trump
Trong suốt cuộc họp công khai hôm 26/2, Elon Musk đứng ở một bên bàn nội các, mặc áo phông in dòng chữ “hỗ trợ kỹ thuật”. Các quan chức cấp nội các cần sự xác nhận của Thượng viện, nhưng ông Elon Musk không phải trải qua quá trình điều trần này. Mặc dù vậy ông lại có ảnh hưởng lớn đối với Nhà Trắng.

Sau lời cầu nguyện mở đầu, ông Elon Musk đã phát biểu trước các phóng viên, bảo vệ công việc của mình tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Trong khi đó, Tổng thống Trump đề cập đến những vấn đề như triển vọng hòa bình ở Ukraine, các mức thuế quan dự kiến và kế hoạch sa thải lực lượng lao động liên bang.
Đáng chú ý, phóng viên quốc tế, bao gồm các phóng viên của AP đã bị cấm tham gia cuộc họp, giữa bối cảnh tranh cãi về quyền tự do báo chí.
Ông Elon Musk mô tả DOGE là “hỗ trợ kỹ thuật”
Ông Elon Musk đội chiếc mũ có dòng chữ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, là một trong những cố vấn đầu tiên phát biểu. Ông cho biết, DOGE tập trung vào việc cải thiện công nghệ trong chính phủ. Vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump đã thay thế Dịch vụ kỹ thuật số Mỹ bằng DOGE.
Ông Elon Musk nói: “Thực ra, tôi chỉ là một nhân viên hỗ trợ kỹ thuật khiêm tốn. Công việc của DOGE là giúp cải thiện hệ thống máy tính của chính phủ". Ông cũng đề cập đến các chức năng gây tranh cãi của DOGE, như cắt giảm nhân sự và ngân sách liên bang.

Mặc dù một nhóm nhân viên DOGE đã từ chức vì lo ngại về bảo mật, ông Elon Musk khẳng định, các biện pháp này là cần thiết để giảm thâm hụt quốc gia. Ông tự tin rằng, DOGE có thể tiết kiệm “một nghìn tỷ USD”.
Tổng thống Trump cũng ủng hộ các nỗ lực của ông Elon Musk và nhắc lại ý định cắt giảm hoặc xóa bỏ các cơ quan như Bộ Giáo dục và Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Ông Elon Musk và những đe dọa gây tranh cãi
Trong nỗ lực cắt giảm lực lượng lao động liên bang, ông Elon Musk đã yêu cầu nhân viên phải trả lời email kèm theo thành tích công việc trong tuần. Những ai không tuân thủ sẽ bị sa thải. Mặc dù chính phủ đã rút lại thời hạn này, ông Elon Musk vẫn tiếp tục đe dọa và viết trên mạng xã hội rằng, những nhân viên không phản hồi lần hai sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Lời đe dọa này đã gây tranh cãi lớn. Ông Musk suy đoán, một số nhân viên liên bang không phản hồi có thể đã chết hoặc không phải là người thật. Ông cho rằng, một số người trong biên chế chính phủ là “các cá nhân hư cấu” đang nhận lương.
Ông Trump và đề xuất “Thẻ vàng”
Tổng thống Trump tiếp tục đề xuất một giải pháp thay thế "Thẻ xanh", gọi là “Thẻ vàng”, yêu cầu những người nhập cư tiềm năng trả 5 triệu USD cho chính phủ Mỹ. Ông cho biết, "Thẻ vàng" không chỉ giúp người nhập cư sống và làm việc tại Mỹ mà còn tạo ra con đường nhanh chóng để trở thành công dân Mỹ.

Mặc dù đề xuất này đã vấp phải sự phản đối vì nó có thể trở thành công cụ loại bỏ người thu nhập thấp, nhưng ông Trump cho rằng, nó sẽ giúp thu hút lao động tài năng và tạo ra việc làm cho nền kinh tế Mỹ. Ông phác thảo viễn cảnh các công ty công nghệ lớn như Apple sẽ chi tiền cho “Thẻ vàng” để thu hút nhân viên nước ngoài, giống như việc ký hợp đồng với vận động viên.
Ông Trump cho rằng, dòng tiền từ việc bán "Thẻ vàng" sẽ giúp giảm nợ quốc gia và tạo ra việc làm, đồng thời khẳng định, đây là một cơ hội có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Trump kết luận: "Thẻ vàng" có thể “sẽ rất được ưa chuộng”, nhấn mạnh rằng đó là một món hời cho cả nền kinh tế và chính phủ Mỹ.
Mơ hồ về thời điểm áp thuế đối với Mexico và Canada
Cuộc họp nội các hôm 26/2 diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến gần đến thời hạn mà nước này tự đặt ra để áp thuế đối với hai đối tác thương mại lớn nhất của mình là Mexico và Canada.
Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với các nước láng giềng của Mỹ từ trước khi nhậm chức, như một biện pháp thúc đẩy các quốc gia này thắt chặt các an ninh biên giới. Ông tuyên bố tình trạng buôn bán fentanyl và di cư bất hợp pháp là lý do chính cho quyết định này.
Tuy nhiên, sau khi nhận được sự nhượng bộ từ chính phủ Mexico và Canada vào đầu tháng 2, ông Trump đã hoãn áp dụng thuế quan đến ngày 4/3. Trong cuộc họp hôm thứ Tư, ông lại gây hoang mang khi cho biết thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 2/4.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cũng ám chỉ rằng, có thể sẽ có thêm những đợt tạm hoãn áp thuế nếu Canada và Mexico “có thể chứng minh với tổng thống rằng họ đã làm rất tốt”. Mexico đã triển khai 10.000 lính Vệ binh Quốc gia để tuần tra biên giới với Mỹ, trong khi Canada đã chỉ định một "ông trùm fentanyl" để đối phó với nạn buôn bán ma túy, dù chỉ có khoảng 0,2% các vụ bắt giữ fentanyl xảy ra tại biên giới Canada.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn tiếp tục sử dụng mối đe dọa thuế quan để gây áp lực lên Canada, thúc giục nước này nhượng lại chủ quyền và trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ông nhắc lại quan điểm này vào thứ Tư: “Tôi nói Canada nên là tiểu bang thứ 51 của chúng ta. Không có thuế quan, không có gì cả. Chúng ta sẽ cung cấp cho họ sự bảo vệ quân sự. Họ có một lực lượng quân sự rất nhỏ”.
Ông khẳng định: "Chúng ta bảo vệ Canada, nhưng điều đó không công bằng. Họ không trả tiền cho việc bảo vệ này. Và nếu họ phải chi trả, họ sẽ không thể tồn tại”.

Ông Trump khẳng định Nga sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine
Trong phần cuối của cuộc họp, ông Trump đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt từ tháng 2/2022. Ông Trump tái khẳng định, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đến Nhà Trắng vào thứ Sáu để ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine.
“Chúng ta sẽ thực sự hợp tác với Ukraine về vấn đề đất hiếm. Họ có đất hiếm tuyệt vời", ông Trump nói, đồng thời cho biết thỏa thuận này sẽ "mang lại cho chúng ta sự giàu có".
Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ ý kiến cho rằng, thỏa thuận này sẽ đi kèm với cam kết Mỹ cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự hiện nay. "Chà, tôi sẽ không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh nào quá mức. Chúng ta sẽ để châu Âu làm điều đó", ông nói.

Ông Trump cũng cho rằng, sự hiện diện của công dân Mỹ tại Ukraine có thể ngăn chặn hành động gây hấn trong tương lai. “Đây cũng là một thỏa thuận tuyệt vời cho Ukraine vì họ đưa chúng ta đến đó và chúng ta sẽ làm việc ở đó. Chúng ta sẽ có mặt trực tiếp tại Ukraine. Và theo cách này, có một loại an ninh tự động vì sẽ không có ai làm phiền người dân của chúng ta khi chúng ta ở đó”, ông nói.
Dù tuyên bố khôi phục hòa bình thế giới, ông Trump thừa nhận tại cuộc họp rằng, ông không thể đảm bảo hòa bình ở Ukraine. “Tôi không thể đảm bảo điều đó. Bạn biết đấy, thỏa thuận là thỏa thuận. Rất nhiều điều điên rồ xảy ra trong các thỏa thuận, đúng không? Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ có một thỏa thuận”, ông nói.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump trả lời: “Đúng vậy, ông ấy sẽ làm vậy. Ông ấy sẽ phải làm vậy”.
Khi một nhà báo khác hỏi ông Trump muốn thấy những nhượng bộ nào từ Tổng thống Putin, ông đã chuyển hướng câu trả lời, đổ lỗi cho Ukraine vì đã tìm cách gia nhập NATO, cho rằng đó là nguyên nhân gây ra cuộc xung đột. “NATO, các người có thể quên chuyện đó đi. Tôi nghĩ đó có lẽ là lý do khiến mọi chuyện bắt đầu”, ông Trump nói.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã xây dựng hình ảnh là người kiến tạo hòa bình, nhưng trong các cuộc xung đột như ở Ukraine và Gaza, ông cũng cố gắng khẳng định quyền của Mỹ đối với tài nguyên và lãnh thổ. Về Gaza, ông Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng Mỹ có thể “tiếp quản” và “sở hữu” khu vực này, buộc người Palestine phải di dời vĩnh viễn. Trước cuộc họp hôm thứ Tư, tài khoản mạng xã hội của ông thậm chí còn đăng tải một video sử dụng trí tuệ nhân tạo, cho thấy Gaza đã trở thành khu nghỉ dưỡng theo chủ đề Trump.


Với việc công bố mức thuế nhập khẩu mới, ông Trump không những tuyên chiến với thương mại tự do mà còn tự cách biệt nước Mỹ với phần còn lại của thế giới vẫn luôn chủ trương thúc đẩy thương mại tự do.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc ngày 3/4 đã giải cứu thành công một người đàn ông khoảng 52 tuổi sau 120 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một khách sạn bị sập ở thành phố Mandalay, Myanmar.
Mỹ đã phê duyệt thoả thuận bán 20 máy bay chiến đấu F-16 Block 70/72 cho Philippines với giá trị 5,58 tỷ USD.
Kể từ khi Ả rập Xê út triển khai kế hoạch Tầm nhìn 2030, nhiều cơ hội mới đã mở ra giúp các nghệ sĩ tập trung hơn vào việc lưu giữ và tái hiện di sản văn hóa.
Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
0