Những khó khăn khi du học từ cấp ba

Đại diện các trường trung học ở New Zealand cho biết du học sinh ở bậc phổ thông thường nhớ nhà, gặp khó khăn về ngôn ngữ và hòa nhập khi đến môi trường mới.

Tại triển lãm Giáo dục New Zealand hôm 29/10 ở Hà Nội, 41 trường học và cơ quan đại diện vùng đã tư vấn về cơ hội học tập và cách vượt qua những khó khăn khi du học từ bậc trung học phổ thông.

Ngôn ngữ là rào cản của nhiều học sinh Việt Nam khi sang New Zealand, theo ông Vaughan Coillault, Hiệu trưởng Papatoetoe High School. Ông Coillault cho hay trường có 12 học sinh Việt Nam. Khi mới sang, các du học sinh bỡ ngỡ, rụt rè trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô dù khả năng tiếng Anh tốt, nhiều em có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tuy nhiên, ngôn ngữ khác biệt vẫn khiến các em hiểu sai ý người nói trong một số tình huống.

Cũng có kinh nghiệm tiếp xúc với học sinh Việt Nam, bà Lucille Vukets, Phó hiệu trưởng trường Westlake Girls High School, ngôi trường dành riêng cho nữ sinh ở Takapuna, thành phố Auckland, chia sẻ các em không quen đồ ăn và nhớ nhất món ăn Việt. Các em cũng bị choáng ngợp khi có quá nhiều thứ mới mẻ, gặp gỡ nhiều người.

Theo bà Andrea Donovan, Giám đốc tuyển sinh quốc tế của Botany Downs Secondary College, các em xa gia đình đến một đất nước xa lạ để sống và học tập khi còn nhỏ tuổi nên không tránh khỏi những cảm giác này.

"Học sinh sẽ mất 1-2 tháng để làm quen với môi trường mới, kết bạn và có thêm các mối quan tâm khác, giúp các em đỡ nhớ nhà, quen với cuộc sống ở đây", bà Donovan nói, cho biết trước Covid-19, trường có 35 học sinh Việt Nam nhưng hiện còn 5 em. Dịch bệnh đã khiến học sinh về nước hoặc chuyển qua nước khác học.

Đại diện trường Southland Girl's High School tư vấn cho phụ huynh học sinh tại Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022 sáng 29/10. Ảnh: ENZ

Bà Andrea Donovan cho biết học sinh trung học ở New Zealand thường tổ chức giao lưu, tiệc tùng, sinh nhật. Thỉnh thoảng các em tới nhà nhau ngủ qua đêm để biết thêm về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Lúc mới sang, học sinh Việt Nam có thể chưa quen nhưng những hoạt động này có thể giúp các em tìm hiểu văn hóa và hòa nhập nhanh hơn.

Ngoài ra, các trường cũng có nhiều các hoạt động để học sinh gắn kết, có môi trường rèn luyện tiếng Anh, lắng nghe và giúp đỡ các em vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.

Ông Vaughan Coillault nói các trường trung học ở New Zealand không yêu cầu học sinh có điểm IELTS, TOEFL hay Duolingo trong hồ sơ. Học sinh tham gia phỏng vấn với trường, có bài kiểm tra đầu vào để kiểm tra trình độ tiếng Anh, sau đó được xếp lớp.

"Trường có các lớp phụ đạo tiếng Anh phù hợp song song với chương trình học, giúp học sinh nâng cao khả năng tiếng Anh", ông Coillault chia sẻ. Ông Coillault cho rằng cách tốt nhất để cải thiện là cố gắng kết nối với mọi người dù tiếng Anh chưa tốt.

Từng du học Malaysia từ năm 16 tuổi, bà Vukets hiểu những gì các em trải qua. Bà luôn khuyên học sinh hít thở sâu, kiên nhẫn và bạo dạn hơn trong việc làm quen với mọi người. Các em cũng cần cởi mở trao đổi, không ngại yêu cầu sự giúp đỡ. Bà cũng nhắc nhở học sinh chú ý tới chế độ ăn uống và giấc ngủ; cần đảm bảo ngủ đủ giấc để có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt.

Bà Vukets cho hay học sinh Việt Nam rất chăm học. Tuy nhiên, để cân bằng cuộc sống, bà khuyến khích các em tham gia các câu lạc bộ như nhảy Kpop, đan lát, múa, kịch và tiếp xúc xã hội nhiều hơn. Trường có hơn 30 câu lạc bộ gồm học thuật, thể thao, âm nhạc, giúp học sinh có cơ hội giao lưu, phát triển khả năng của bản thân.

Theo bà Vukets, du học từ cấp 3 (14 tuổi) là phù hợp nhất, các em có thời gian, điều kiện làm quen môi trường sống, văn hóa bản địa, tiếng Anh và kết nối bạn bè.

"Việc gặp mọi người, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau làm cho bạn sống hòa mình, tôn trọng người khác và sự khác biệt", bà Vukets nói về một trong những ưu điểm khi du học từ cấp ba.

Hệ thống giáo dục phổ thông của New Zealand kéo dài trong 13 năm, trong đó cấp tiểu học từ 5 đến 10 tuổi (lớp 1 đến lớp 6); trung học cơ sở 11-12 tuổi (lớp 7, 8) và trung học phổ thông 13-18 tuổi (lớp 9 đến lớp 13). 

Theo Cơ quan Giáo dục New Zealand, Việt Nam nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á về số học sinh, sinh viên theo học tại đây, là một trong những thị trường trọng điểm mà các trường học quan tâm phát triển. Tính đến cuối năm 2019, 3.040 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại New Zealand, tăng 10% so với năm trước. Trong đó, 28% theo học bậc trung học và 35% bậc đại học.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công ty Cổ phần Tư vấn du học và Thương mại VJ Việt Nam là một trong những Công ty hàng đầu về lĩnh vực du học Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam. Vừa qua, để khai giảng khóa học mới, tạo bước đệm phát triển vững chắc dành cho học sinh chuẩn bị du học, VJ đã tổ chức Sự kiện đặc biệt “Tuổi 18 - In dấu thanh xuân” với những khách mời nổi tiếng và số lượng phần quà khủng chưa từng có.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại vừa tổ chức khai giảng lớp tiếng Hàn, định hướng du học Hàn Quốc D2 - 6 theo diện du học liên kết giữa nhà trường và các trường đối tác.

Ngày 28/2, Bộ Giáo dục Australia vừa ra thông báo về những thay đổi liên quan đến thời gian ở lại sau tốt nghiệp đối với du học sinh ở các ngành, nghề khác nhau. Được biết, kể từ giữa năm nay, thời gian được ở lại giảm xuống còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước đây.

Số người Việt du học Mỹ có dấu hiệu tăng, tiếp tục giữ vị trí thứ 5 về số sinh viên quốc tế tại quốc gia này.

Có rất nhiều ngành học chất lượng đã xuất hiện trong bảng trả lương của các doanh nghiệp tại Mỹ năm 2023 cho sinh viên tốt nghiệp. Trong đó, 12 tấm bằng giúp cử nhân đại học nhận lương khoảng 74.000-106.600 USD (1,8-2,6 tỷ đồng) một năm, đứng đầu là kỹ thuật điện.

Sáng 3/12, theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm trường Đại học Swinburne tại thành phố Melbourne, bang Victoria (Australia) và trò chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại đây.