Những điều đã thay đổi khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Khi ông Donald Trump đến Washington vào năm 2017 ngay trước lễ nhậm chức đầu tiên của mình, ông là người xa lạ với hầu hết mọi người ở đây. Là vị tổng thống duy nhất trong lịch sử chưa từng giữ các chức vụ công hay tham gia quân đội, không ai rõ ông sẽ lãnh đạo đất nước như thế nào. Nhưng lần này thì khác.
Ông Donald Trump mỉm cười sau màn bắn pháo hoa tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump ở Sterling, ngày 18/1/2025 trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Sau bốn năm tại Phòng Bầu dục, ông Trump giờ đây quay trở lại nắm quyền với kinh nghiệm và một đội ngũ rất khác. Bối cảnh chính trị đã thay đổi, với cả hai viện của Quốc hội hiện đều có những nghị sĩ Cộng hòa chịu ơn ông.

Tháng 7/2024, Tòa Tối cao Mỹ đã loại bỏ một yếu tố kiểm soát quan trọng đối với quyền lực của ông Trump. Khi đó, Tòa đã phán quyết rằng, các tổng thống Mỹ có quyền miễn trừ “tuyệt đối” đối với các hành động được thực hiện với tư cách tổng thống trong phạm vi “quyền lực hiến pháp cốt lõi” của họ. Vì vậy, ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần này với nhận thức rằng, ông có quyền tự do trong việc ra quyết định mà không phải chịu trách nhiệm hình sự cơ bản nào cho đến khi rời khỏi Nhà Trắng.

Trong khi đó, trên thế giới, các nhà lãnh đạo từng chỉ trích ông đã không còn tại nhiệm hoặc sẵn sàng hợp tác với ông hơn.

Sau đây là một số thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Ông Trump đã có rất nhiều kinh nghiệm

Chương trình nghị sự nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đặc biệt là trong những ngày đầu thường bị cản trở bởi tòa án và mâu thuẫn nội bộ. Nhiều lựa chọn trong nội các của ông đã âm thầm hoặc công khai ngăn cản các ý tưởng của ông.

Nhưng giờ đây ông Trump đã có bốn năm để biết các điều luật được thông qua như thế nào, học cách ứng xử với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như cách tối đa hóa quyền lực của mình.

“Chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa vì giờ đây chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm”, ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo gần đây tại Mar-a-Lago - khu nghỉ dưỡng của ông ở Florida, khi ông suy ngẫm về cách mọi thứ đã thay đổi.

Ông Trump thường trích dẫn sự thiếu kinh nghiệm của mình để giải thích lý do tại sao ông từng đưa vào nội các những người mà sau này ông phải hối hận. “Tôi không biết những người đó. Tôi phải nhờ mọi người cho tôi biết tên”, ông nói trong một sự kiện vào năm 2023. Nhưng giờ đây, ông nói, “Tôi biết những người tuyệt vời. Tôi biết những người thông minh. Tôi biết những người ngốc nghếch, tôi biết những người yếu đuối, tôi biết những người ngu ngốc”.

Ông Trump và các đồng minh của ông cũng đã có bốn năm ngoài nhiệm sở để đặt nền tảng cho sự trở lại của ông. Từ trước khi quá trình chuyển giao quyền lực chính thức của ông bắt đầu, các nhóm đồng minh như Heritage Foundation và Viện Chính sách Nước Mỹ trên hết đã làm việc để soạn thảo hàng trăm văn bản chính sách, sắc lệnh hành pháp và luật để ông Trump có thể thông qua ngay trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Những người phản đối trong đảng Cộng hòa đã rút lui hoặc nghỉ hưu

Năm 2017, Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Paul Ryan đã rút lại sự ủng hộ của mình trong chiến dịch năm 2016 và sau đó gọi ông Trump là “kẻ tự luyến độc đoán”. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell từng gọi ông Trump là kẻ “ngu ngốc”, “nóng tính” và “con người đáng khinh”.

Ông Ryan đã không tái tranh cử vào năm 2018, còn ông McConnell đã từ chức lãnh đạo đảng nhưng vẫn ở lại Thượng viện. Những người từng chỉ trích gay gắt ông Trump như Thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney và dân biểu bang Wyoming Liz Cheney đã không còn nữa. Thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông Trump đã xây dựng một thế hệ thành viên mới lắng nghe ông. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo phe đa số mới của Thượng viện John Thune đều biết rằng quyền lực của họ phụ thuộc phần lớn vào sự ủng hộ của ông Trump.

“Ông ấy đã một mình thay đổi đảng”, Thượng nghị sĩ Jim Banks cho biết. Bây giờ, “mọi người đều biết rằng ông Donald Trump đang nắm quyền quyết định”. Chúng tôi sẽ noi gương ông ấy, ủng hộ ông ấy và thông qua chương trình nghị sự mà người dân Mỹ đã bỏ phiếu khi họ bầu ông ấy lần này”, ông Banks nói thêm.

Thượng nghị sĩ này cũng trích dẫn phản ứng khi ông Trump phát biểu trước các Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Điện Capitol khi họ tới dự lễ tang của cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Theo ông Jim Banks, tất cả các thành viên, bao gồm cả những người trước đây từng chỉ trích ông Trump đều đứng dậy, bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông chủ Nhà trắng tương lai, chương trình nghị sự của ông ấy và những người được đề cử vào Nội các của ông ấy.

Người bảo vệ “sứ mệnh”

Ông Trump từng sử dụng hàng loạt giám đốc chiến dịch tranh cử trong hai lần chạy đua vào Nhà Trắng đầu tiên và bốn chánh văn phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Nhà Trắng của ông nổi tiếng với việc nói xấu sau lưng và cãi vã giữa các phe phái đối địch.

Nhưng chiến dịch năm 2024 của ông Trump thì khác. Được dẫn dắt bởi bà Susie Wiles, một đặc vụ kỳ cựu của đảng Cộng hòa ở bang Florida, chiến dịch tranh cử lần này được cả hai đảng ca ngợi rộng rãi là chiến dịch có kỷ luật, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất của ông Trump.

Bà Wiles đã được bổ nhiệm giữ cương vị Chánh Văn phòng Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Mặc dù vẫn còn những xung đột về tính cách, nhưng bà Wiles đã nói rõ rằng bà sẽ không dung thứ cho những người phá hoại “sứ mệnh”.

“Tôi không chào đón những người muốn làm việc một mình hoặc trở thành ngôi sao”, bà Wiles nói với hãng tin Axios trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Nhóm của tôi và tôi sẽ không dung thứ cho việc nói xấu sau lưng, suy đoán không phù hợp hoặc gây kịch tính. Những điều này phản tác dụng với ‘sứ mệnh’”.

Lãnh đạo các nước đồng minh từng phản đối ông Trump đã rời nhiệm sở

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chức vào năm 2021. Thủ tướng Canada Justin Trudeau sắp rời nhiệm sở. Và đã có những thay đổi lãnh đạo đầy biến động ở Anh, Pháp và Hàn Quốc.

Chào đón sự trở lại của ông Trump là một nhóm các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy có quan điểm tương đồng với ông, bao gồm Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng thống Argentina Javier Milei và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

“Hỗ trợ các gia đình, chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và bảo vệ chủ quyền của các quốc gia chúng ta. Đây là nền tảng chung cho sự hợp tác giữa các lực lượng bảo thủ của châu Âu và Mỹ”, ông Orbán cho biết sau cuộc gặp với ông Trump tại Mar-a-Lago vào năm ngoái.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Lá chắn Tự do", diễn ra vào ngày 10/3.

Lực lượng Nga thuộc cánh quân phía Nam đã sử dụng hệ thống pháo phản lực, phóng loạt (MLRS) BM-21 Grad để tấn công một điểm tập kết tạm thời của quân đội Ukraine tại Kherson.

Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 nhân viên, dù bị lên án mạnh mẽ bởi các nhóm cựu chiến binh và đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Hamas, nếu lực lượng này không thả ngay lập tức các con tin Israel.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng ca ngợi những chuyển động tích cực trong quan hệ với Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có cuộc gặp sớm nhất vào tuần tới.