Những cuộc chiến thương mại nổi bật nhất lịch sử nước Mỹ

Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động với Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada, Mexico và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới ngay sau khi nhậm chức đã đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ và mục tiêu của các cuộc chiến thương mại, cũng như kẻ thắng - người thua trong các cuộc chiến thương mại trong lịch sử.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức thực hiện những lời đe dọa của mình trong chiến dịch tranh cử và ký sắc lệnh hành pháp vào đầu tháng 2, áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giáo Sacha Dominic Bachmann và Tiến sĩ Noye McDonagh tại Viện Quan hệ Quốc tế Australia đã chỉ ra trong một bài báo chung rằng, thuế quan của ông Trump đối với nhiều nước lớn có thể làm suy yếu trật tự kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng quyền lực mềm của Mỹ trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên với thế giới vào năm 2018, bao gồm nhiều cuộc đối đầu với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ.

Cuộc đọ sức lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nguồn:Shutterstock

Mỗi cuộc chiến đều sử dụng các cơ sở pháp lý cụ thể của Mỹ, chẳng hạn như mô tả hàng nhập khẩu nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trước khi ông Trump áp đặt thuế quan hoặc áp đặt hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), các hành động trả đũa sau đó của các đối tác thương mại đã cản trở nghiêm trọng thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trung Quốc là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Một trong những kết quả đáng chú ý nhất là Bắc Kinh đã tăng doanh số bán hàng sang các nước láng giềng Đông Nam Á và Nga, giảm sự phụ thuộc thương mại vào Mỹ.

Một phần sự mất kết nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thể hiện rõ qua những con số. Theo Bloomberg, từ năm 2018 đến năm 2024, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng thương mại của Mỹ được đo bằng tổng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đã giảm từ 15,7% xuống 10,9%; trong khi tỷ trọng của Mỹ trong thương mại của Trung Quốc giảm từ 13,7% xuống 11,2%.

Chiến tranh thương mại là gì?

Theo nền tảng Investopedia, đây là tranh chấp kinh tế giữa hai quốc gia, có thể xảy ra khi một quốc gia trả đũa những gì quốc gia kia coi là hành vi thương mại không công bằng, tức là áp đặt thuế quan và các hạn chế khác đối với sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia đó.

Chiến tranh thương mại thường được kích hoạt khi chính phủ một quốc gia tin rằng, một quốc gia khác đang tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng, gây tổn hại cho thị trường của nước đó và cố gắng bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước hoặc tạo việc làm. Nền tảng CFI cho biết, một quốc gia có thể thiết lập các rào cản thương mại, chẳng hạn như áp thuế đối với một sản phẩm chính nhất định được nhập khẩu từ một quốc gia khác và quốc gia kia có thể đáp trả, vì vậy cuộc đấu ăn miếng, trả miếng này sẽ leo thang thành một cuộc chiến thương mại.

Chiến tranh thương mại thường là tác dụng phụ của các chính sách bảo hộ, là những hành động và chính sách của chính phủ nhằm hạn chế thương mại quốc tế.

Một quốc gia thường áp dụng các biện pháp bảo hộ để bảo vệ doanh nghiệp và việc làm của nước mình khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài, đồng thời chủ nghĩa bảo hộ cũng được sử dụng như một biện pháp cân bằng thâm hụt thương mại giữa các nước xung đột.

Thâm hụt thương mại xảy ra khi nhập khẩu của một quốc gia vượt quá xuất khẩu. Thuế quan là thuế hoặc phí áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia.

Tác động của chiến tranh thương mại tới nền kinh tế

Tác động của chiến thương mại đối với nền kinh tế được chia thành tác động ngắn hạn và tác động dài hạn. Nền tảng CFI nhận định, trong ngắn hạn, các rào cản thương mại thường được thiết lập để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Nhưng nếu chiến tranh thương mại nổ ra và một quốc gia khác áp dụng chính sách bảo hộ, điều thường xảy ra là các công ty địa phương được bảo hộ có thể được hưởng lợi từ các chính sách hiện hành, nhưng nhiều công ty khác cuối cùng lại thua cuộc vì nước ngoài dựng lên các rào cản đối với các hàng hóa khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc, Mexico, Canada và đe dọa EU. Nguồn: Shutterstock

Các nhà kinh tế thường tin rằng, về lâu dài, chiến tranh thương mại sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP và giảm khả năng cạnh tranh tổng thể của một quốc gia trên thị trường quốc tế.

Bảy cuộc chiến thương mại lớn trong lịch sử Mỹ

Dưới đây là bảy cuộc chiến thương mại nổi bật nhất trong lịch sử Mỹ, theo History.com và các trang web khác:

1. Chiến tranh buôn bán trà năm 1773

Đêm 16/12/1773 tại cầu cảng Griffin (Boston, Mỹ), những người dân thuộc địa Mỹ tiến hành biểu tình chính trị chống lại các đạo luật về thuế do chính quyền mẫu quốc Anh áp đặt, bao gồm Đạo luật Tem thuế 1765 (đánh thuế nặng lên báo chí, bài tây và văn kiện luật pháp) và Đạo luật Townshend 1767 (đánh thuế lên giấy, sơn và trà). Họ không đồng tình việc tăng thuế trong khi không có đại diện người Mỹ trong nghị viện Anh để bảo vệ quyền lợi cho 13 tiểu bang. Sau vụ thảm sát Boston năm 1770 (binh sĩ Anh bắn chết 5 người Mỹ), Anh bãi bỏ thuế đối với các mặt hàng, trừ thuế đối với lá trà, dẫn đến cuộc tẩy chay đối với Công ty Đông Ấn Anh (London, Anh) và nạn buôn lậu trà.

Bởi thế, vào đêm tiệc trà khét tiếng được tổ chức bởi “Những người con của tự do” gồm John Hancock, John Adams và Paul Revere, 116 người đàn ông đã cùng nhau ném khỏi tàu 342 thùng trà nhập cảng từ Anh vào Mỹ trị giá 92.000 bảng Anh - tương đương khoảng 1 triệu USD ngày nay.

Điều này đã khiến Quốc hội Anh và Vua George III ban hành luật cưỡng chế, trong đó bao gồm các lệnh đóng cửa cảng Boston cho đến khi tiền trà được thanh toán, tạm dừng các cuộc bầu cử tự do ở Massachusetts và yêu cầu Mỹ đồng ý cho quân đội Anh đóng quân theo yêu cầu.

Để đáp lại, các thuộc địa khác đã gửi hàng tiếp tế và kêu gọi họ tuyên bố quyền cai trị độc lập của mình. Theo ghi chép Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc chiến này là việc Mỹ ly khai khỏi Vương quốc Anh ngay sau đó, vào ngày 19/4/1775 và sự bùng nổ của Chiến tranh giành độc lập.

2. Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930

Tổng thống Mỹ Herbert Hoover bắt đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng nông nghiệp ngay từ đầu cuộc Đại suy thoái bằng cách đề xuất thuế quan đối với nông sản nhập khẩu từ các nước khác.

Để đáp ứng yêu cầu này, Thượng nghị sĩ Reed Smoot và Willis C. Hawley đã đưa ra luật thuế và thuế quan của riêng họ đối với các quốc gia liên quan, đồng thời bổ sung một bộ thuế công nghiệp dựa trên cương lĩnh của Thượng viện Mỹ.

Mặc dù hàng nghìn nhà kinh tế Mỹ đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Tổng thống Hoover từ chối kế hoạch này nhưng không có kết quả, điều này gây ra sự đáp trả dữ dội từ nhiều nước khác trên thế giới, khiến căng thẳng thương mại càng leo thang trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Hậu quả của cuộc chiến thương mại này là nhiều người coi Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley là một thảm họa, gây ra các hành động trả đũa từ các quốc gia khác, đặc biệt là Canada, khiến xuất khẩu của Mỹ giảm 61% vào năm 1933 và cản trở sự phục hồi kinh tế sau cuộc Đại suy thoái.

3. “Cuộc chiến thuế gà” năm 1962

Với sự gia tăng chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn ở Mỹ, các nước trên thế giới đổ xô mua thịt gia cầm Mỹ giá rẻ hơn. Sự gia tăng nhập khẩu thịt gà vào châu Âu đã khiến ngành công nghiệp gà châu Âu rơi vào bế tắc.

Do đó, Pháp và Tây Đức - khi đó đang phục hồi sau Thế chiến II - đã tự “cứu mình” bằng cách tăng thuế đối với gia cầm, gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp gia cầm Mỹ. Để đáp trả, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% lên xe tải hạng nhẹ, xe buýt Volkswagen, rượu brandy và tinh bột khoai tây.

Hậu quả là ngành công nghiệp ô tô châu Âu và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế vẫn áp dụng đối với xe tải nhẹ. Một số thương hiệu, trong đó có Toyota và Isuzu, đã tìm ra kẽ hở pháp lý, chẳng hạn như mở nhà máy lắp ráp trên đất Mỹ, để tránh phải trả thuế nhập khẩu vào Mỹ.

4. Chiến tranh gỗ Canada - Mỹ năm 1982

Canada khai thác gỗ từ đất công và chính phủ ấn định giá thị trường. Gỗ được khai thác ở Mỹ chủ yếu đến từ đất tư nhân và giá cả do thị trường quyết định.

Năm 1982, Mỹ cáo buộc Canada trợ cấp không công bằng cho “gỗ xẻ mềm”, dẫn đến nhiều năm tranh chấp và áp thuế liên tục đối với gỗ xẻ của Canada.

Hậu quả là trong khi Canada phải trả hàng trăm triệu USD tiền thuế đối với gỗ xẻ mềm, thì người tiêu dùng Mỹ cũng phải đối mặt với giá gỗ xẻ kỷ lục khi việc xây dựng nhà ở Mỹ bùng nổ trong những đó.

5. Chiến tranh thương mại với Nhật Bản năm 1987

Những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều người Mỹ lo ngại nước này sẽ vượt qua nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone trong buổi gặp đầu tiên tại Nhà Trắng năm 1983. Nguồn: Kyodo

Năm 1987, Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu lên 300 triệu USD hàng điện tử như máy tính, thiết bị điện và tivi có xuất xứ từ Nhật Bản.

Chính quyền Mỹ cho biết, biện pháp này nhằm trả đũa Nhật Bản khi không tuân thủ thỏa thuận cho phép hàng Mỹ vào thị trường hay ngừng định giá thấp đối với chip máy tính bán dẫn của Mỹ. Ngoài ra, trong những năm 1980, ô tô Nhật Bản cũng là đối tượng chịu thuế nhập khẩu rất cao.

Hậu quả là khi đó, Nhật Bản đã chọn cách không tấn công ngược lại. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Hajime Tamura khi đó chia sẻ với báo giới rằng: “Với hy vọng không để vấn đề gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền thương mại tự do thế giới, chính phủ Nhật Bản quyết định không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào ngay lúc này”.

Các nhà kinh tế Anna Zhou và Ethan Harris của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cho biết, thuế quan không làm chậm được thâm hụt thương mại của Mỹ, với doanh số bán ô tô của Nhật Bản giảm 3% ở Mỹ và khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm khoảng 53 tỷ USD thuế nhập khẩu.

6. Cuộc chiến chuối năm 1993

Ngoại trừ Hawaii và Florida, chuối không được trồng rộng rãi ở Mỹ, nhưng còn các trang trại chuối ở Mỹ Latinh thì sao? Được biết, nhiều trong số đó thuộc sở hữu của các công ty Mỹ.

Mỹ phàn nàn rằng, vào năm 1993 khi châu Âu áp đặt mức thuế cao đối với trái cây của Mỹ Latinh trong nỗ lực mang lại lợi thế thị trường cho các thuộc địa cũ của mình ở Caribe. Mỹ đáp trả bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng bao gồm túi xách Pháp, đồ nội thất của Anh và thịt lợn Đan Mạch.

Hậu quả của cuộc chiến thuế này là sau khi nộp 8 đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2009, Liên minh châu Âu đã đồng ý giảm dần thuế quan. Cuộc chiến tranh thương mại về chuối kết thúc vào năm 2012.

7. Cuộc chiến thép năm 2002

Trong nỗ lực vực dậy ngành thép đang gặp khó khăn của Mỹ, Tổng thống George W. Bush đã áp đặt mức thuế tạm thời từ 8% đến 30% đối với thép nhập khẩu. Canada và Mexico được miễn thuế do tham gia Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Còn EU đã phản ứng nhanh chóng bằng cách áp thuế đối với cam Florida, ô tô Mỹ và các hàng hóa khác.

Một khiếu nại chống lại Mỹ cũng đã được đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới, từ đó phát hiện ra Mỹ vi phạm các cam kết về thuế suất. Do đó, ông Bush buộc phải chấm dứt mức thuế này trong 18 tháng, sớm hơn thời hạn ba năm theo kế hoạch.

Hậu quả là mặc dù các nhà kinh tế coi những mức thuế này là vô nghĩa, nhưng chúng đã khiến giá thép tăng và dẫn đến mất gần 200.000 việc làm trong các ngành tiêu thụ thép, một con số quá lớn trong tổng số việc làm trong ngành sản xuất thép vào thời điểm đó là 287.500 việc làm, theo Tổ chức Thuế.

Tóm lại, xét từ các cuộc chiến tranh thương mại trong lịch sử Mỹ, hầu hết chúng đều dẫn đến kết quả phản tác dụng, từ thất nghiệp đến suy thoái kinh tế, bên cạnh đó còn có tác động tiêu cực đáng kể đến thương mại và nền kinh tế toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích trên thế giới, cuộc chiến thương mại hiện tại của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ không đem lại kết quả khác.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.

Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.

Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.