Những bài hát không quên về chiến tranh biên giới

Tiếng súng đã ngưng trên bầu trời biên giới nhiều năm qua, nhưng một phần lịch sử đó vẫn còn vang vọng qua những bài ca không quên. Hãy cùng nhớ về những giai điệu của một thời máu lửa chiến tranh trên khắp dải biên cương phía Bắc 46 năm trước, nhớ những hy sinh của bao người ngã xuống bảo vệ độc lập tự do, để từ đó hiểu và trân quý những giá trị của biên giới hoà bình và hữu nghị chúng ta đang có hôm nay.

Có lẽ hiếm có đất nước nào trên thế giới này, trải qua bao nhiêu binh biến, bao cuộc chiến, bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử lại luôn có sự đồng hành của âm nhạc như đất nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ, những bản giao hưởng, tổ khúc, ca khúc đầy khí thế và hào hùng đã ra đời tạo nên dòng chảy âm nhạc cách mạng đầy giá trị. Như một mạch nguồn tưởng chừng đã có thể ngưng, dòng chảy ấy lại tiếp tục với các ca khúc của thời kỳ chiến tranh biên giới đầy khốc liệt 1979.

Trong một thời gian không quá dài, hàng trăm ca khúc đã được ra đời ở giai đoạn này như một minh chứng cho giá trị của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Không chỉ ghi lại như một phần lịch sử, những khúc ca đó phát huy tác dụng sức mạnh lớn lao của mình bằng những lời ca chân thực, giai điệu hào sảng, khí thế đầy thúc giục.

Có một Phạm Tuyên với “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” như một tiếng chuông vọng vang,  ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” khiến lớp lớp người tự nguyện cầm súng đứng lên bảo vệ biên cương Tổ quốc, để rồi “Hãy cho tôi lên đường” của Hoàng Hiệp, “Lời tạm biệt trước lúc lên đường” của Vũ Trọng Hối càng chứng minh cho ý chí quyết tâm, một lòng một dạ đó.

Những ca khúc được vang lên trong thời chiến hay những bài ca được viết lên bằng xúc cảm của thời bình, càng cho chúng ta thêm trân trọng quá khứ, biết ơn lịch sử - một lịch sử rực lửa máu và hoa.

Sự hy sinh của nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm vào sáng 17/2/1979 tại Pò Hèn đã được kể lại bằng câu chuyện âm nhạc đầy xúc động qua một chùm những ca khúc. Rồi vẻ đẹp của núi rừng biên giới giữa bom rơi, đạn nổ vẫn hiện lên đầy lãng mạn trong “Chiều biên giới” của Trần Chung - ca khúc được phổ từ bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn.

Mười năm cuộc chiến biên giới, cũng là mười năm không thể đếm nổi những hy sinh, mất mát đau thương của quân và dân ta. Với nhạc sĩ Trương Quý Hải, thật khó để có thể trả lời ông là người may mắn hay là người mang nhiều nỗi đau nhất khi ông chính là người có mặt tại mặt trận Vị Xuyên trong những ngày tháng khói lửa ấy. Để rồi được mệnh danh “người nghệ sĩ tài hoa chép sử” chiến tranh biên giới Vị Xuyên bằng âm nhạc.

Có lẽ cả hai nhận định trên đều đúng, vì có nỗi đau nào hơn khi trái tim và đôi mắt phải chứng kiến 600 đồng đội hy sinh, gần 1000 đồng đội bị thương, nỗi ám ảnh tận cùng khi nhìn thấy bức thư nhòe máu và mực hiện lên ba chữ “Mẹ kính yêu” của người đồng đội vừa hy sinh… Nhưng có lẽ ông cũng may mắn khi số phận cho ông là một người nhạc sĩ tài năng, và ở ngay giữa chiến trường khốc liệt đó ông vẫn song hành cầm súng và cầm bút.

Những bản giao hưởng, tổ khúc, ca khúc đầy khí thế và hào hùng đã ra đời, tạo nên dòng chảy âm nhạc cách mạng đầy giá trị.

Nỗi đau được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết thành những khúc ca một cách chân thực nhất. Cho đến cả sau này, khi tiếng súng đã ngưng 10, 20, 30 và hơn 40 năm thì mỗi lần trở lại Vị Xuyên mắt ông lại nhòe.

Với trái tim tha thiết, ông gọi “Về đây đồng đội ơi”. Ông mượn lời ca giúp những đồng đội đã hy sinh gọi những người còn sống: “Biên cương đã sạch bóng thù. Đồng đội ơi còn sống về đi. Trở về mái ấm quê hương. Tiện đường ghé thăm nhà tôi...” (ca khúc “Hát cho người còn sống”).

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết thật nhiều cho đồng đội, cho những ngày tháng không thể quên ấy. Và dường như ký ức đó vẫn ám ảnh, vẫn khiến ông chưa thể tạm ngừng. Để mỗi năm, vào tháng Hai, trái tim ông lại dẫn lối, đưa cây đàn guitar mộc mạc lên Vị Xuyên thủ thỉ, kể cho đồng đội rằng ông vẫn nhớ họ thật nhiều.

Cho đến nay, có thể nói Trương Quý Hải là nhạc sĩ viết nhiều ca khúc nhất về đề tài chiến tranh biên giới. Cùng với những tác phẩm ý nghĩa, giá trị đã có trước đó, tất cả đã tạo nên những bài ca không thể nào quên, góp phần khẳng định ca khúc viết về đề tài chiến tranh biên giới có một vị trí quan trọng và để lại dấu ấn đậm nét trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Hãy cùng nhớ về những giai điệu của một thời máu lửa chiến tranh trên khắp dải biên cương phía Bắc 46 năm trước, nhớ những hy sinh của bao người ngã xuống bảo vệ độc lập tự do, để từ đó hiểu và trân trọng những giá trị của biên giới hoà bình và hữu nghị chúng ta đang có hôm nay.

Mời các độc giả cùng nghe “Những bài ca bất hủ về đề tài chiến tranh biên giới” qua những ca khúc đã được Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội tuyển chọn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công ty quản lý của diễn viên Kim Soo Hyun đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Ban Tổ chức "Anh trai say hi" vừa công bố đêm concert thứ 6 tại Hà Nội vào ngày 10/5 tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.

Ca sĩ Thanh Hà và Quốc Thiên lần đầu tiên kết hợp với nhau trong một sản phẩm âm nhạc. Sự kết hợp ăn ý từ giọng hát của hai nghệ sĩ đã mang đến màu sắc âm nhạc tươi mới và giàu cảm xúc.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã hóa thân thành chiến sĩ không quân trong MV “Phi đội ta xuất kích” để khắc họa về cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ, nhằm có thể lan tỏa tinh thần yêu nước nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh nhận được nhiều lời khen ngợi, chạm đến cảm xúc của khán giả bởi sự khắc họa chân thực, khắc nghiệt của địa đạo Củ Chi.

Thanh Hằng, Lan Khuê, Minh Tú, Minh Triệu và Lương Thùy Linh đã tạo nên một cái kết cuốn hút, góp phần thành công cho show diễn "Golden Heritage" của nhà thiết kế Lê Thanh Hoà vào tối 2/4.