Nhọ nồi xanh mướt tuổi thơ
Người làm thuốc gọi tên loài cây là cỏ mực, lại gọi theo tên chữ là mặc hán liên, hạn liên thảo… Còn lũ trẻ chúng tôi thì gọi tên loài cây này theo cách mà bố mẹ vẫn gọi: cây nhọ nồi. Cái tên ngộ nghĩnh tới mức chúng tôi không kìm được trí tưởng tượng của mình mà sáng tạo ra cả một sự tích cây nhọ nồi. Từ bọn choai choai tới đám con nít chân đất chơi bắn bi ở bãi thả, đứa nào cũng truyền tai nhau…
…Ngày xưa có một cậu bé đi lạc ngoài cánh đồng xa, không biết đường về nhà. Cậu đói quá, tìm khắp đồng, thấy cái nồi của ai bỏ lại trên ruộng có ít cháy cơm. Cậu bê cái nồi cạy cháy ăn, vừa ăn vừa khóc, rồi lại đưa đôi tay dính đầy nhọ ấy nồi quẹt ngang mặt mũi lau nước mắt. Những giọt nước mắt nhỏ xuống đất từ khuôn mặt đen nhẻm đầy nhọ nồi ấy, mọc thành cây nhọ nồi….
Cây nhọ nồi gắn bó như bè bạn của chúng tôi. Nhọ nồi có mặt khắp nơi trên mảnh đất của làng quê, nơi có rặng tre xanh bao quanh. Trong vườn nhà, nhọ nồi mọc chung với cỏ dại, mọc trên luống rau của bà, lô nhô hoa trắng trên bụi tóc tiên của bố. Nơi đồng gần đồng xa, nhọ nồi xanh rờn bờ cỏ, chen chân với lúa mọc chỗ ráo nước. Đi đãi hến, đánh dậm suối đá, bờ mương, cũng thấy nhọ nồi mọc cùng đám rau má, muống nước, rễ ôm ấp bọn tép con với cua càng. Mỗi khi đi học về, chúng tôi cài hoa nhọ nồi hái ven đường lên mái tóc, một cách trang điểm dân dã nhất của cô nàng điệu đà thôn quê.

Nhọ nồi là loài cây không hiếm, nhưng lại là loài thuốc quý. Ông thầy lang ở làng có cái lưng còng như dấu hỏi hay lom khom chăm sóc vườn cây thuốc nam đủ loài, tất nhiên có cây nhọ nồi, xanh cả một khoảnh rộng ngay trước sân nhà. Ông rất yêu mến trẻ con. Hôm nào trâu ra đồng cày, không phải chăn thả là chúng tôi lại ghé nhà ông nghe ông giảng về các loại cây làm thuốc. Ông bảo cây nhọ nồi chữa đủ bệnh mà dễ sống. Nếu nó là con người thì hẳn là hiền lành, dễ tính và rộng rãi.
Còn nhớ những đêm tôi sốt cao hầm hập đến mê sảng, mẹ ra vườn hái lá nhọ nồi làm thuốc hạ sốt cho tôi. Lá nhọ nồi giã nát, nước ra đen như mực. Mẹ chắt nước ra, hòa cùng lưng cốc nước trắng với thìa đường, vài hạt muối trắng khuấy đều rồi cho tôi uống. Người tôi đang nóng như hòn than mà uống cốc nước nhọ nồi mẹ đưa cho tới đâu mát ruột tới đấy. Bã nhọ nồi mẹ gói bằng vải màn, đắp lên trán tôi, buộc ở cổ tay tôi để hạ sốt. Trong cơn mê man lúc ấy, tôi thấy mình chạy chân trần trên bãi cỏ mênh mông xanh mướt nhọ nồi, hoa nhọ nồi trắng li ti trải dọc tận chân trời, tôi giang tay đón từng làn gió nhẹ mang theo hương đồng gió nội tinh sương, mát dịu tâm hồn.

Lứa trẻ con chúng tôi khi ấy lớn dần lên, rồi đều khoác ba lô lên phố học, không còn những giây phút được vui chơi dọc trên những cánh đồng thênh thang. Hình bóng cây nhọ nồi cũng mờ dần đi trong trí nhớ. Trẻ con thời nay, học chính rồi học thêm từ sáng mở mắt tới chập choạng tối, rồi cả học thêm ca ba, có lẽ, còn chẳng biết nhọ nồi là cây gì. Đồng ruộng vẫn xanh ngát một màu xanh hoa lá, nhưng hóa chất phun nhiều, nhọ nồi cùng với cỏ chẳng còn nhiều đất sống. Những lần về quê ít ỏi, tôi xắn quần lội bờ mương, bờ suối, nhìn thấy một vài nhánh nhọ nồi hao gầy nép mình tựa vào nhánh cây khác, mà lòng dâng lên một cảm giác tiếc nuối.
Mấy tháng mới về thăm mẹ, gấp những trang sách trời Âu, trời Mỹ, tôi bước chân thoăn thoắt ra vườn, thấy lòng mát mẻ, nhẹ nhõm lạ kì. Y như tỉnh dậy sau cơn sốt, hạ sốt nhờ cốc nước nhọ nồi vậy. Mẹ xới vạt đất cạnh bờ ao, còn tôi nhẹ nhàng trồng từng gốc nhọ nồi xuống đó. Rồi đây, vườn nhà tôi sẽ miên man màu xanh của cây nhọ nồi. Mẹ bảo, khi mà nhiều nhà tầng, nhà kính mọc lên, nhiều đường nhựa trải ra thì mình phải nhân ra màu xanh nhiều hơn.
Màu xanh nhọ nồi xanh mướt tuổi thơ tôi, tắm mát tâm hồn tôi tới tận bây giờ. Nhớ về mẹ, về ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn của mẹ và khắp đồng trên xóm dưới làng tôi, hình dáng những cây nhọ nồi lại hiện về, khẽ đưa trong gió. Hoa nhọ nồi bé như cái cúc áo trắng lại bung tỏa hương thơm diệu kì mang tên "tuổi thơ".


Có một người, cũng như bao người mẹ khác, luôn khao khát một mái ấm bình yên cho các con mình. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như ta mong muốn.
Những sáng mai thức giấc giữa vô vàn tiếng chim, có người chợt nhận ra thành phố nơi cô sống là một thành phố hiền lành, không chỉ dành cho con người mà còn dành cho chim muông hoa cỏ.
Có những điều trong đời, dù muốn hay không, người ta vẫn bị đặt trong một chiếc khung vô hình. Chiếc khung ấy mang tên định kiến. Định kiến giống như một tấm gương mờ, phản chiếu những hình ảnh lệch lạc và bóp méo mọi điều vốn dĩ thật giản đơn.
Phụ nữ hiện đại có rất nhiều mối quan tâm. Khi còn trẻ, họ tràn đầy nhiệt huyết, mục tiêu phấn đấu cho công danh sự nghiệp. Nhưng khi đã lập gia đình rồi, những lo toan đã ít nhiều chi phối họ, khiến họ luôn trăn trở làm sao để lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình?
Cuộc sống giống như một con đường dài, nơi mỗi bước chân ta đi qua đều mang theo những dấu vết của niềm vui, nỗi buồn và cả những vấp ngã. Không ai trong chúng ta bước đi mà không một lần trượt ngã. Nhưng điều kỳ diệu nhất của con người chính là khả năng đứng dậy từ những lần đó, mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.
Hà Nội tháng Ba, những ngày giao mùa khi trời còn vương chút se lạnh nhưng đã bắt đầu lẫn trong đó cái ấm áp dịu dàng của mùa xuân. Trong không gian ấy, có một loài hoa không thơm nhưng lại khiến lòng người xao xuyến, khiến ai từng gặp cũng phải dừng chân ngước nhìn - đó là hoa gạo.
0