Nhớ một người thầy
Tình cảm, sự chia sẻ mà người dân trên mọi miền đất nước dành cho ông và gia đình ông thực sự là minh chứng sinh động cho lòng dân đối với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng mà họ thực sự tin yêu, kính trọng. Tất cả đều rất thật, rất chân thành và tự nguyện.
“Nhớ một người thầy”- là những kỷ niệm về nghề đáng nhớ mà nhà báo Võ Đăng Thiên có được sau 13 năm làm báo ở Tạp chí Cộng sản, nơi có vị Tổng Biên tập Nguyễn Phú Trọng đáng kính.

Nhớ một người thầy
Nhà báo Võ Đăng Thiên
"Là một người làm báo, lại có hơn 13 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản những năm 80, 90 của thế kỷ trước, trong đó có 9 năm làm việc dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng, cảm xúc của tôi trước tin ông từ trần có nhiều điểm đặc biệt hơn nhiều người khác.
Tôi vào công tác ở Tạp chí Cộng sản ngay sau khi tốt nghiệp đại học, vì vậy, 13 năm ở Tạp chí Cộng sản là toàn bộ tuổi thanh xuân của tôi. Những bài học đầu tiên mang tính nhập môn, cơ bản về nghề báo tôi học từ đây. Những bài báo đầu tiên tôi viết và những đồng nhuận bút đầu tiên được nhận, những chuyến công tác đầu tiên thâm nhập thực tế xuống các địa phương, làm việc với các bộ, ngành để tác nghiệp báo chí là với tư cách phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Đó là những tháng ngày đẹp nhất.
Và trong những năm tháng đó, tôi mãi ghi nhớ công ơn, ân tình, sự giúp đỡ, rèn giũa của các đồng nghiệp tiền bối, đàn anh, các vị lãnh đạo của Tạp chí Cộng sản. Trong đó, không thể không nhắc đến những kỷ niệm của tôi với vị lãnh đạo đáng kính: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng là người tôi tiếp xúc đầu tiên khi đến xin vào cơ quan. Ông cũng là người dạy tôi những khái niệm, những kiến thức, bài học cơ bản đầu tiên về báo chí khi ông vào dạy chuyên đề báo chí cho sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi lúc đó vừa tốt nghiệp, xin vào học dự thính. Có lẽ cũng từ cái duyên đó mà sau này, khi đã về công tác ở tạp chí, ông vẫn luôn quan tâm chỉ bảo, uốn nắn cho tôi, giúp tôi trưởng thành.

"Ông Trọng là người tôi tiếp xúc đầu tiên khi đến xin vào cơ quan. Ông cũng là người dạy tôi những khái niệm, những kiến thức, bài học cơ bản đầu tiên về báo chí khi ông vào dạy chuyên đề báo chí cho sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội."
Nhà báo Võ Đăng Thiên
Thời cuối những năm 1980, giao thời giữa bao cấp và đổi mới, cả tòa soạn chỉ có chưa đến 60 người, đều nghèo như nhau nên luôn có sự gắn kết, quan tâm, đầm ấm như một gia đình.
Ông Trọng là lãnh đạo cao nhất, luôn dành sự quan tâm cho các cán bộ trẻ, trong đó có tôi. Được ông cho đi theo dự nhiều cuộc họp, nhiều chuyến công tác địa phương, mỗi lần như vậy, ông lại chỉ bảo cho tôi nhiều điều.
Tạp chí Cộng sản là tạp chí lý luận, chính trị của Trung ương Đảng nên yêu cầu rất cao về năng lực, kiến thức, bản lĩnh của phóng viên, biên tập viên. Vì vậy, ông Trọng luôn yêu cầu các cán bộ trẻ như tôi phải học tập không ngừng, học lý luận, học nghiệp vụ, học từ thực tế. Ông uốn nắn tôi từ những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng về nghề nghiệp.
Còn nhớ, năm 1990, tôi đi dự Hội nghị về xóa nạn mù chữ và phổ cập tiểu học ở đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dự và phát biểu. Sau đó, tôi viết bài, trong đó có chi tiết dẫn phát biểu của ông Kiệt, đại ý: Người dân đồng bằng sông Cửu Long không có truyền thống về học hành, dân trí còn thấp và nạn mù chữ vẫn còn nhiều. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có quyết tâm cao và giải pháp quyết liệt.
Ông Trọng đọc, gọi tôi lên phòng bảo: "Viết thế này không ổn, phải sửa đi". Tôi báo cáo: "Đây là cháu dẫn lời bác Kiệt". Ông nhẹ nhàng nói: "Bác Kiệt là dân gốc đồng bằng sông Cửu Long, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác phát biểu trong hội nghị như thế là đúng, nhưng mình viết, đăng thế này là nhạy cảm, dễ gây phản ứng từ địa phương".
Chi tiết nhỏ nhưng đi theo tôi suốt cuộc đời làm báo như một bài học về sự cẩn trọng và tính nhạy cảm nghề nghiệp.
Hôm nay, tôi nhớ về ông không chỉ như một vị lãnh đạo, vị Tổng Biên tập đầu tiên mà còn như một người thầy đầu tiên về nghề báo.

Một mối kết nối tình cảm thứ hai của tôi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Cựu sinh viên khoa Văn gặp nhau trước đây chỉ tự hào dân khoa Văn ra trường làm tổng biên tập, phó tổng biên tập báo, giám đốc nhà xuất bản, trưởng ban tuyên giáo địa phương. Gần đây thêm một niềm tự hào rất chính đáng: làm Chủ tịch Quốc hội, làm Tổng Bí thư. Đó chính là nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một điều rất đáng quý nữa là thời ở Tạp chí Cộng sản, ông Trọng cũng luôn thể hiện sự tự hào là cựu sinh viên khoa Văn. Và tôi được biết sau này, lúc đã lên đến những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông vẫn giữ sự kết nối gần gũi và thân tình với các bạn đồng khóa khoa Văn của mình, luôn cố gắng tham dự đầy đủ những cuộc gặp của các bạn cùng khóa.

"Lúc đã lên đến những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông vẫn giữ sự kết nối gần gũi và thân tình với các bạn đồng khóa khoa Văn của mình, luôn cố gắng tham dự đầy đủ những cuộc gặp của các bạn cùng khóa."
Nhà báo Võ Đăng Thiên
Khóa 8 khoa Văn Tổng hợp của ông Trọng có nhiều người theo nghề báo và thành đạt. Có thể kể ra đây một số tên tuổi: Ông Dương Đức Quảng; Dương Quang Minh, nguyên Vụ trưởng và Vụ phó Vụ Báo chí Văn phòng Chính phủ; Ông Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Tiến Hải, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân; các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng: Vũ Huyến, Chu Chí Thành.
Dù từ những góc nhìn nào: một nhà báo, một nhà lãnh đạo báo chí, một cựu sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp, ta cũng có thể thấy hiện lên chân dung con người Nguyễn Phú Trọng với những phẩm chất, những hình ảnh thật đáng quý. Đó là một nhà báo tài năng, một người lãnh đạo có tâm có tầm, và là một đồng nghiệp, một người bạn tình cảm thủy chung với tất cả những ai đã từng có dịp công tác, học tập cùng ông.
Thật khó nói hết cảm xúc đau buồn, mất mát với sự ra đi của một con người, không chỉ là một nhà lãnh đạo đáng kính của Đảng và Nhà nước, mà sâu đậm hơn, đó còn là một người thầy, một thủ trưởng cũ mà mình từng gắn bó, chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời.
- Người dân tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Những dòng sổ tang xúc động tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất
- Các nước chia buồn, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.
Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.
Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.
Có một người con luôn tự hào về bố, bởi bố từng là một chiến sĩ giải phóng quân, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, bố là một cựu chiến binh cần mẫn với công việc đời thường và luôn gương mẫu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi khi đến ngày lễ 30/4, người con ấy lại nghĩ nhiều về bố, về giá trị của cuộc sống hòa bình.
Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.
Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.
0