Nhiều phòng trọ, chung cư mini ở Hà Nội không đảm bảo phòng cháy | Hà Nội tin mỗi chiều

377 chung cư mini, 30.648 nhà trọ, hơn 19.100 nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.

Đây là những con số rất đáng suy ngẫm bởi phía sau mỗi vi phạm là hàng chục, hàng trăm con người đang sống trong nguy cơ cháy nổ rình rập. Một sự cố chập điện nhỏ cũng có thể biến thành bi kịch – nếu không có lối thoát hiểm, không thiết bị chữa cháy, và không một sự chuẩn bị nào cho tình huống khẩn cấp.

Khi đọc những thông tin về số liệu các cơ sở chung cư mini, phòng trọ không thực hiện phòng cháy chữa cháy, có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Thứ nhất, vì sao các cơ sở kinh doanh phòng trọ vẫn còn thản nhiên trước nguy cơ cháy nổ hiện hữu, nhất là khi mùa hè đang đến gần? Không phải là họ không sợ bị phạt hay tạm ngừng hoạt động. Cái họ chú ý đến đơn thuần là lợi nhuận trước mắt. Họ tận dụng quỹ đất, chia nhỏ càng nhiều phòng càng tốt, xây cao, tận dụng mọi khoảng trống…thế nhưng lại coi nhẹ trách nhiệm bảo vệ mạng sống của người thuê vì nghĩ “chắc nó trừ mình ra”.

Thứ hai, tại sao nhiều người lao động, học sinh, sinh viên lại lựa chọn những phòng trọ, chung cư mini đó? Nhiều người thuê nhà hiểu rõ rủi ro, nhưng họ không có lựa chọn nào tốt hơn. Điều này phản ánh một thực tế, Hà Nội hiện thiếu trầm trọng mô hình nhà ở giá rẻ mà an toàn. Trong khi đó, thuê nhà xã hội còn vướng thủ tục, lại quá ít nguồn cung. Mặt khác, nhiều người chọn “ở tạm”, với tâm lý “có sao đâu, chắc không đến lượt mình”. Tâm lý đánh cược ấy khiến tiêu chí an toàn bị đặt xuống cuối cùng, thậm chí bị bỏ qua hoàn toàn. Đó có thể là lý do vì sao dù thành phố kiểm tra, xử lý, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rất quyết liệt nhưng vẫn còn con số vi phạm nêu trên.

Trên thực tế, thành phố đã tổ chức cao điểm kiểm tra, xử phạt, tuyên truyền đến từng khu dân cư. Nhiều mô hình như “Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy” đã được triển khai – người dân cùng nhau mua bình chữa cháy, lắp chuông báo động, tổ chức diễn tập thoát hiểm. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, với quy mô và mức độ vi phạm lớn như hiện nay, cần những hành động cứng rắn và căn cơ hơn:

Thứ nhất, công khai danh sách vi phạm. Minh bạch thông tin để người dân biết, từ đó tự quyết định nơi ở có an toàn hay không. Khi thị trường “chê” công trình vi phạm, chủ nhà sẽ buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục cho thuê.

Thứ hai, dừng hoạt động các công trình không đạt chuẩn phòng cháy chữa cháy. Không thể vì “nhiều người ở quá, không nỡ đóng cửa” mà đánh cược mạng sống hàng trăm con người. Luật phải được thực thi – không có ngoại lệ.

Thứ ba, phát triển nhà trọ chính quy – an toàn và giá rẻ. Hà Nội cần khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào thị trường nhà cho thuê có kiểm soát, thay vì để mặc người dân tự xoay xở với các mô hình nhà tự phát, thiếu pháp lý, thiếu an toàn.

Thứ tư, nâng chế tài xử lý. Không chỉ xử phạt hành chính – với hậu quả nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự với các chủ nhà để xảy ra cháy chết người do vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Chỉ khi trách nhiệm được đặt đúng nơi, tư duy mới thay đổi.

Thứ năm, đổi mới cách tuyên truyền. Thay vì tuyên truyền hình thức, cần đánh trúng tâm lý người thuê: Hãy hỏi chính mình rằng nếu cháy xảy ra lúc nửa đêm sẽ thoát bằng cách nào? Nếu không trả lời được – tức là bạn đang sống trong rủi ro.

Ở nhiều quốc gia, an toàn cháy nổ không phải chuyện sau xây dựng, mà là điều kiện tiên quyết ngay từ khi cấp phép.

Tại Singapore, mọi tòa nhà – kể cả nhà cho thuê dạng HDB hay nhà riêng chia phòng – đều phải có hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, vòi phun nước, và đặc biệt là ít nhất hai lối thoát hiểm độc lập. Chủ nhà không thể tự ý cải tạo kết cấu nếu không được cơ quan chức năng phê duyệt lại – và nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới tù giam.

Tại Nhật Bản, Luật Phòng cháy chữa cháy gắn chặt với Luật Xây dựng. Ngay cả nhà dân nếu có từ 5 người trở lên sinh sống dài ngày cũng phải đáp ứng chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy như một cơ sở kinh doanh nhỏ. Nhà cho thuê buộc phải gắn thiết bị cảnh báo khói, thoát hiểm bằng thang dây hoặc cửa lùa kỹ thuật.

Thậm chí ở Thái Lan, nơi có nhiều khu nhà trọ dân sinh như Việt Nam, chính quyền Bangkok đã lập riêng bộ tiêu chí cho “nhà trọ an toàn” – từ khoảng cách giữa các tầng, vật liệu chống cháy, hệ thống điện, đến việc đào tạo kỹ năng cho người thuê.

Điểm chung ở tất cả những mô hình này là sự không thỏa hiệp. Không vì thiếu nhà mà chấp nhận nhà thiếu an toàn. Không vì người dân thu nhập thấp mà buông lỏng trách nhiệm. Và càng không vì “chưa có chuyện gì xảy ra” mà cho phép rủi ro âm ỉ tồn tại.

Câu chuyện phòng cháy chữa cháy không còn là của riêng ai, mà là chuyện sống còn của từng người dân, từng gia đình. Chúng ta không thể để những tòa nhà không phép, không lối thoát hiểm, không chuông báo cháy tiếp tục hoạt động như “bom nổ chậm” trong lòng phố thị. Và càng không thể để sự chủ quan tiếp tục là nguyên nhân cho bi kịch. Bởi không ai xứng đáng mất đi sinh mạng – chỉ vì ở nhầm một căn phòng tưởng là tạm bợ, mà thành nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Vốn có ác cảm với cô con dâu cũ, Chủ tịch Kim quyết định đưa cháu trai Hơn U về sống cùng nhằm chia rẽ tình mẫu tử giữa Chi Jong và con trai. Mời các bạn đón xem tập 13 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 15/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Victor Vũ ra mắt phim mới ở Hà Nội; Nơi tỏa sáng của những học sinh đam mê âm nhạc; Trung Quốc: “Da điện tử” giúp robot cảm nhận như con người... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Thời tiết Hà Nội sáng 15/4 đã có sự thay đổi rõ rệt do khối không khí lạnh suy yếu khiến nền nhiệt tăng nhanh; nhiệt độ lúc này khoảng 20-21 độ; độ ẩm trung bình trên 80%.

Thúc đẩy khoa học công nghệ là “điểm sáng” hợp tác Việt - Trung; Đảm bảo tiến độ chất lượng các dự án Luật trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Ưu tiên cơ sở vật chất dôi dư phục vụ công cộng; Triều Tiên đóng tàu chiến lớn nhất quốc gia;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.

Dưới áp lực của quá trình đô thị hóa, nhiều di sản kiến trúc đang phải đối mặt với nguy cơ bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Đây là điều khiến những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trăn trở. Đây cũng là nội dung được chương trình bàn luận cùng TS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng.

中文新闻 14/04/2025 | Bản tin tiếng Trung