Nhật Bản đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba và đối tác liên minh Komeito đã mất đa số ngế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử hôm 27/10. Điều này sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh kéo dài, đồng thời cũng dẫn đến sự chia sẻ quyền lực gây bất ổn trong Chính phủ Nhật Bản.

Liên minh cầm quyền không giành đa số ghế

Truyền thông Nhật Bản đưa tin đây là lần đầu tiên đảng LDP mất đa số tại Hạ viện sau 15 năm kể từ khi mất quyền lực tạm thời vào năm 2009. Đây cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà đảng này gặp phải kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012. Cuộc bầu cử cũng ghi nhận số cử tri đi bầu thấp, cho thấy niềm tin của người dân Nhật Bản vào chính trị đã sụt giảm.

Ngày 27/10, cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 50 của Nhật Bản đã diễn ra, với 1.344 ứng cử viên từ 9 đảng cầm quyền và đối lập tham gia giành 465 ghế tại Hạ viện.

Theo kết quả được công bố hôm 28/10, Liên minh cầm quyền Nhật Bản (gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba và đối tác liên minh Komeito – đảng Công minh) đã mất thế đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử. Liên minh này chỉ giành được 215 ghế tại Hạ viện.

Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã đặt ra mục tiêu khiêm tốn là liên minh cầm quyền giành được ít nhất 233 ghế, đủ để duy trì đa số tại Hạ viện. Kết quả cho thấy, liên minh của Thủ tướng Ishiba chỉ giành được 215 ghế tại Hạ viện. Con số này giảm so với 279 ghế mà họ nắm giữ trước đó.

Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba (thứ 4 từ trái sang), cùng các thành viên cấp cao khác của Đảng, tại trụ sở của Đảng vào ngày 27/10/2024 tại Tokyo. Ảnh: AP.

Các đảng khác cũng không có đảng nào giành đa số. Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính của Nhật Bản (CDPJ) giành được 148 ghế, tăng so với 98 ghế trước đó, nhưng vẫn không giành được đa số ghế.

Nhiệm kỳ của các thành viên Hạ viện hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 10 năm 2025. Thủ tướng đương nhiệm Shigeru Ishiba ngay sau khi nhậm chức chỉ 3 ngày đã lập tức tuyên bố giải tán Hạ viện vào đầu tháng 10 và kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn. Mục đích là để tận dụng lợi thế sự ủng hộ của người dân có xu hướng tăng sau khi ông Ishiba nhậm chức. Mặt khác do khoảng thời gian từ khi nhậm chức Thủ tướng đến khi bầu cử Hạ viện quá ngắn nên đảng đối lập chưa chuẩn bị sẵn sàng đề cử ứng cử viên, điều này sẽ có lợi cho đảng cầm quyền. Vì vậy, cuộc bầu cử Hạ viện này có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Ishiba.

“Tôi muốn nội các này được người dân tin tưởng và đồng cảm với người dân. Chính trị vì người dân có nghĩa là chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả công dân hiểu và đồng cảm với những nỗ lực của chúng ta. Tôi muốn theo đuổi một nền chính trị như vậy mà người dân có thể tin tưởng và hiểu được.”

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Tuy nhiên, liên minh cầm quyền đã không nhận được sự ủng hộ như kỳ vọng. Có những lý do sâu xa đằng sau thất bại của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tụt từ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới xuống nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Các vấn đề như kinh tế tăng trưởng chậm và giá cả hàng hóa ngày càng tăng đã khiến người dân Nhật Bản không hài lòng với hiện trạng. Gần đây, vụ bê bối quỹ đen của đảng LDP và việc trốn tránh trừng phạt sau đó đối với những nhân sự có liên quan cũng khiến dư luận dần mất niềm tin vào chính trị Nhật Bản.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin tỷ lệ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này là khoảng 53,84%, thấp hơn gần 2% trong cuộc bầu cử Hạ viện trước đó. Giáo sư Masamichi Ida cho rằng, giống như cuộc bầu cử cách đây ba năm, chiến lược của LDP là thay đổi bộ mặt của nhà lãnh đạo và vượt qua cuộc bầu cử trước thời hạn. Nhưng lần này, cử tri đã nói "không" và nghĩ rằng không thể ủng hộ một chính phủ không có thành tựu nào. Nếu LDP tiếp tục với chiến lược này, sẽ ngày càng nhiều người ngừng ủng hộ LDP. Dự kiến, LDP cũng sẽ gặp phải những thách thức gay gắt trong cuộc bầu cử Thượng viện năm tới.

Nhân viên Ủy ban quản lý bầu cử kiểm phiếu bầu tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/10. Ảnh: AFP.

Nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài

Theo các nhà phân tích, thất bại trên đã giáng một đòn nặng nề vào đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba, người vừa nhậm chức đầu tháng 10. Mặc dù LDP vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội, nhưng họ đang đứng trước ba lựa chọn khó khăn. Một là tìm kiếm đối tác liên minh mới ngoài đảng Công minh (Komeito) để đạt được con số 233 ghế cần thiết. Hai là thành lập chính phủ thiểu số và phải thương lượng với các đảng đối lập để thông qua các chính sách quan trọng. Ba là chấp nhận để phe đối lập nắm quyền. Tất nhiên, cả ba phương án trên đều dẫn đến sự chia sẻ quyền lực gây bất ổn trong Chính phủ Nhật Bản.

Mặc dù Hiến pháp Nhật Bản không quy định cần phải giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện mới có quyền lãnh đạo, nhưng việc đề cử Thủ tướng và việc thông qua đại đa số nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi phải có đa số phiếu. Vì vậy, việc giành được đa số ghế trong Hạ viện là tiêu chí quan trọng để xác nhận liên minh cầm quyền có quyền quyết định tại Quốc hội. Truyền thông Nhật Bản nhận định, trước thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện, Thủ tướng Shigeru Ishiba có thể sẽ đối mặt với nguy cơ phải từ chức sớm.

Hiện chưa rõ Thủ tướng Ishiba có thể trụ vững được bao lâu sau thất bại vừa rồi. Nhưng NHK cho biết ông vẫn có ý định tiếp tục ở lại chức vụ này.

"Cho dù Thủ tướng Shigeru Ishiba có từ chức lãnh đạo LDP hôm nay hay không, nhưng có vẻ như ông ấy sẽ không trụ vững để lãnh đạo một Chính phủ mới với tư cách là Thủ tướng... mặc dù có khả năng ông ấy sẽ tiếp tục duy trì chức vụ". 

Ông Tobias Harris, Công ty tư vấn rủi ro chính trị Japan Foresight.

NHK chỉ ra rằng sau cuộc bầu cử Hạ viện, tình hình chính trị Nhật Bản sẽ hỗn loạn trong một thời gian. Việc liên minh cầm quyền thiếu kiểm soát Hạ viện sẽ dẫn đến việc phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đảng đối lập khác về pháp luật, ngân sách, nhân sự.

Hiến pháp Nhật Bản cho phép các đảng có 30 ngày để tìm ra một nhóm có thể điều hành đất nước. Các đảng nhỏ hơn cũng giành được nhiều ghế hơn và vì vậy có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tuy nhiên việc thành lập liên minh mới sẽ không hề dễ dàng do các đảng đối lập, bao gồm cả lực lượng tự do và cánh hữu, có sự khác biệt về mục tiêu chính sách với đảng cầm quyền, sẽ dẫn đến sự chia rẽ trong chính phủ mới.

Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo.

Theo Kyodo News, Chủ tịch đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đã từ chối ý tưởng tham gia liên minh cầm quyền, trong khi đảng Đổi mới Nhật Bản, một lực lượng đối lập khác, cũng có thái độ tiêu cực về việc hợp tác với liên minh LDP - Komeito. Trong khi đó, lãnh đạo đảng CDPJ Yoshihiko Noda đã nói ông sẽ làm việc với các đảng khác để giành được chức Thủ tướng.

Ngoài ra, do liên minh cầm quyền hiện tại đã mất quyền kiểm soát Hạ viện, nên cả Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng giống như “Quốc hội treo”. Điều này cũng có nghĩa là hiệu lực trong tương lai của Chính phủ Nhật Bản và các vấn đề quyết sách khác sẽ bị ảnh hưởng. Sự suy giảm hiệu quả tổng thể trong việc xây dựng và thực thi chính sách của Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và kỳ vọng của các nước khác trên thế giới trong hợp tác với Nhật Bản.

Những thách thức kinh tế

Bất ổn chính trị xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức kinh tế, giá cả tăng cao, đồng nội tệ giảm mạnh và tình hình an ninh căng thẳng ở khu vực. Những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh và cuộc sống của người dân Nhật Bản. Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của Chính phủ Nhật Bản sẽ là ổn định chính trị và thực hiện các biện pháp thúc đẩy kinh tế, để lấy lại niềm tin của người dân.

Khó khăn với anh Hikage là giữ giá bán ở mức thấp trong khi chi phí nguyên liệu và nhiên liệu liên tục tăng.

Anh Taisei Hikage là chủ một cửa hàng mì ramen ở Tokyo. Kể từ khi mở cửa hàng này vào tháng 3 năm ngoái, khó khăn lớn nhất đối với anh không phải là thu hút khách hàng mà là giữ giá bán ở mức thấp trong điều kiện chi phí nguyên liệu và nhiên liệu liên tục tăng.

Anh Hikage đã buộc phải tăng giá bán ba lần kể từ khi khai trương và đang phải vật lộn để bù đắp cho chi phí tăng cao. Món mì bán chạy nhất của cửa hàng anh hiện được bán với giá 1.250 yên (8 đô la), tăng 47% so với giá ban đầu giá.

 “Mỗi tháng tôi đều nhận được thông báo giá tăng. Hiện tại, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng và tiếp tục làm ra những món ăn ngon. Nhiệm vụ của chúng tôi là cúi chào khách hàng và vượt qua giai đoạn này.”

Anh Taisei Hikage - Chủ nhà hàng mì ramen.

Anh Hikage hy vọng những người chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện sẽ cân nhắc việc đưa ra các khoản trợ cấp hoặc kế hoạch giảm chi phí tiện ích cho các nhà hàng để bù đắp chi phí tăng cao.

Theo một số liệu nghiên cứu mới, 49 chủ cửa hàng mì ramen đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ 10 triệu yên trở lên trong bảy tháng đầu năm nay, trên đà vượt qua kỷ lục 54 vụ phá sản được ghi nhận vào năm 2020. Tình trạng phá sản ngày càng tăng của các cửa hàng mì ramen cho thấy chi phí sinh hoạt tăng cao đã trở thành vấn đề hàng đầu đối với người dân Nhật Bản và cũng cho thấy một xu hướng lớn hơn trên khắp Nhật Bản, trong đó các công ty không thích nghi được với sự xuất hiện của kỷ nguyên lạm phát. Dự kiến, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong năm nay sẽ đạt mức cao nhất trong 11 năm do không đáp ứng được chi phí tăng phi mã.

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank dự đoán tổng cộng 12.401 mặt hàng thực phẩm tại Nhật Bản tăng giá trong cả năm 2024. Riêng trong tháng 10, có khoảng 2.900 mặt hàng thực phẩm và đồ uống tăng giá, chủ yếu là do chi phí nguyên liệu thô tiếp tục tăng.

Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến giá cả tăng vọt hiện nay ở Nhật Bản là sự mất giá của đồng yên và việc tăng lãi suất là một trong những cách hữu hiệu để hạn chế sự mất giá của đồng yên và xoa dịu tình trạng tăng giá ở Nhật Bản. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ Nhật Bản thiếu các biện pháp đối phó hiệu quả với tác động của việc tăng lãi suất.

Sự mất giá của đồng yên gây ra tình trạng tăng giá tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, điều mà người dân Nhật Bản quan tâm nhất là các đảng chính trị sẽ đưa ra các chính sách gì nhằm giảm bớt áp lực giá cả và tăng thu nhập thực tế.

Chủ tịch đảng LDP Shigeru Ishiba sau khi nhậm chức thủ Tướng Nhật Bản đã cam kết thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cố gắng bù đắp chi phí tăng cao cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Các đảng phái chính trị tại Nhật Bản, trong đó có đảng LDP đều cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu cho người lao động nếu trở thành đảng lãnh đạo đất nước. Các đảng này cũng hứa sẽ bù đắp cho các công ty chi phí thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế hoặc tăng trợ cấp cho doanh nghiệp.

Nếu liên minh đảng LDP và Komeito không thể đạt được thỏa thuận thành lập liên minh mới với các đảng đối lập, sẽ có một cuộc bỏ phiếu vòng hai tại Hạ viện để bầu Thủ tướng mới. Nếu không bên nào giành được đa số phiếu thì bên có số nhiều phiếu hơn sẽ được quyền quyết định. Hiện nay, chưa rõ tương lai chính trị Nhật Bản sẽ ra sao và Thủ tướng Ishiba có thể trụ vững bao lâu. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng chính trị Nhật Bản sẽ chưa thể ổn định trong ngày một ngày hai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.