Nhận biết sớm viêm não Nhật Bản để hạn chế những di chứng nặng ở trẻ

(HanoiTV) - Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay đang là giữa mùa hè, cũng là lúc mùa dịch viêm não Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh. Trong khoảng 1 tháng qua, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 20 ca viêm não Nhật Bản nhập viện điều trị.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua muỗi đốt. Nguồn gây bệnh chủ yếu từ các loài chim hoang dã và các loài gia súc. Chim và lợn là những ổ chứa nhiều virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên. Muỗi sẽ đốt lợn và chim hoang, mang máu chứa virus gây bệnh rồi truyền sang người.

Khác với loài muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở khu vực quanh nhà, muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản thường chủ yếu là 2 loài: Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui, có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước, khu vực ao hồ, ngoài cánh đồng. Muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản có thể bay xa trong vòng bán kính lên đến 3km.

Muỗi đốt là con đường duy nhất truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện chưa ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản nào lây truyền từ người sang người. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh viêm não Nhật Bản. Với lợn nhiễm virus, chúng hoàn toàn không bị bệnh viêm não, lợn chỉ đóng vai trò là kho chứa và duy trì tải lượng virus trong thiên nhiên.

Sở dĩ nói viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi vì người mắc bệnh bị virus tấn công và phải chịu những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong. Thông thường, nếu người bệnh viêm não Nhật Bản qua khỏi thì có thể gặp phải các di chứng thần kinh, tâm thần (chiếm 50%): Liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ (bại não), mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần hoặc hôn mê, nghe kém hoặc điếc...

Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu thường giống với bệnh viêm não hoặc viêm màng não khác, chủ yếu khởi phát từ sốt cao. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán cần chờ kết quả xét nghiệm xác định virus. Vài ba ngày sau đó, triệu chứng của bệnh mới rõ rệt hơn như: Sốt cao đột ngột, nhức đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, đau khớp, cứng gáy, loạng choạng, đờ đẫn, rối loạn ý thức, hôn mê, nói nhảm, liệt... Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể dẫn đến co giật, hôn mê chỉ sau 3 ngày mắc bệnh.

Ảnh minh họa (Internet).

Sở Y tế Hà Nội dẫn ý kiến của TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa phần các ca nhập viện đều trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn. Nguyên nhân do phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con, đồng thời đưa đến viện khi đã trong giai đoạn tiến triển nặng. “Thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Tuy nhiên, đa phần các phụ huynh đều đưa trẻ đến viện muộn, khi đã có những triệu chứng điển hình”, TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Khi trẻ mắc viêm não Nhât Bản trong 1 đến 2 ngày đầu thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Tuy nhiên, trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan là các biểu hiện khiến các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn.

TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết, khi trẻ bị sốt cha mẹ thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu bị sốt virus trẻ sau khi uống thuốc hạ được sốt thì theo bản năng trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường. Nhưng nếu bị sốt do mắc viêm não Nhật Bản khi hạ sốt trẻ vẫn li bì, đau đầu và ngủ nhiều, đây chính là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.

Đối với việc trẻ nôn khan, nhiều cha mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho nên nôn. Vì thế nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho với hy vọng giảm cơn nôn của trẻ. Nhưng nôn khan không liên quan gì đến rối loạn tiêu hóa hay ăn uống. Thực tế khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não Nhật Bản. Chính vì việc nhầm lẫn, nên đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện thì lúc đó đã quá muộn.

Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não Nhật Bản đó là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương có những trẻ bị biến chứng rất nặng, mất ý thức hoàn toàn, hoặc có trẻ ý thức vẫn nhận biết được nhưng lại không thể vận động được.

Vì vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, cha mẹ, người chăm sóc trẻ hãy nghĩ ngay đến viêm não Nhật Bản và đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.

Để phòng chống viêm não Nhật Bản, biện pháp đặc hiệu tối ưu đó là tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em với 3 liều cơ bản: Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 khoảng 1 năm. Sau đó, cứ mỗi 3 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Hiện nay còn có vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, có thể tiêm cho trẻ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi trở lên, số lượng mũi cũng được tiêm giảm đi,chỉ cần tiêm 1 - 2 mũi.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần thực hiện các biện pháp khác để phòng, chống bệnh như: phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày ở những nơi nhiều muỗi, sử dụng thuốc hoặc hóa chất để diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở nơi có chuồng gia súc; khu chăn nuôi, nên đặt chuồng trại ở xa nhà, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển. Đặc biệt, khi trẻ dấu hiệu sốt cao đột ngột cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có viêm não Nhật Bản xảy ra.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Bệnh do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều cây ăn quả và nuôi lợn. Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật nhiễm virut (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã tạo sinh kế cho người khuyết tật, giúp họ đạt khát khao khởi nghiệp để tạo dựng cuộc sống tự lập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Màn trình diễn 2.000 thiết bị bay không người lái (drone) kết hợp pháo hoa nghệ thuật thắp sáng bầu trời là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phòng CSGT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm các hành vi đi trên vỉa hè, đi ngược chiều, nhất là tại những tuyến thường xuyên xảy ra ùn ứ.

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi huyện Thanh Trì sau hơn 12 năm vẫn chưa hoàn thiện.

Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất với Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh phục vụ vận tải hành khách với vận tốc 300km/h.

Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành thay đổi phương án để sắp xếp phương tiện của nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám từ ngày 20/4.