Nhà cổ Mã Mây, nơi lưu giữ nét đẹp Hà Nội xưa
Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỉ 19, đây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội còn giữ được cấu trúc gần như nguyên vẹn của nhà cổ Hà Nội. Ngôi nhà đã được đưa vào diện bảo tồn để lưu giữ lại dấu ấn của một Hà Nội xưa.
Mã Mây, khu phố hiếm hoi còn giữ được một vài căn nhà cổ, nhưng đã làm nên đặc trưng của đất Hà Thành. Phố ngày càng đông, nét truyền thống đôi khi khuất lấp giữa đời sống hiện đại. Nhưng lắng lại một chút, có thể nhận ra những nét xưa khó lẫn.
Ngôi nhà số 87 phố Mã Mây mang vẻ đẹp cũ kĩ, giản dị tựa như những nét vẽ hay gặp trong tranh "phố Phái". Đây là một trong số rất ít những nhà cổ còn sót lại ở Hà Nội. Một căn nhà nhỏ bằng gỗ nâu với nước sơn màu vàng bỗng lọt thỏm ẩn hiện dưới tán cây đang độ thay lá giữa những hiện đại của đô thị với vô số tòa nhà cao tầng.
Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trở thành một trung tâm đô thị nhộn nhịp. Con phố Mã Mây trước kia nằm dọc theo bờ sông Hồng, là nơi trên bến dưới thuyền sầm uất. Theo một số tài liệu xưa, cái tên Mã Mây được ghép từ hai tên phố là Hàng Mã đoạn ở phía Nam và Hàng Mây đoạn ở phía Bắc.
Ngôi nhà số 87 Mã Mây mang nét đặc trưng của nhà cổ xưa ở Hà Nội. Nhà được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ 19 bởi một gia đình tiểu thương bán gạo người Việt. Ngôi nhà theo hình ống với tổng diện tích gần 160m², được xây dựng vuông góc với đường phố. Chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền là 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m.
Đây là kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, tuân theo cách suy nghĩ của người dân ngày xưa là miếng đất làm nhà nên nở hậu. Ý nghĩa sẽ mang đến phúc lộc cho gia chủ. Ngôi nhà được xây với mục đích sử dụng là để ở và bán hàng. Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc Bắc mua lại ngôi nhà, từ năm 1954 đến năm 1999, có năm gia đình đã sinh sống ở đây.
Trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài nhỏ bé, đơn sơ, bên trong ngôi nhà là một không gian rộng rãi, thoáng đãng, tái hiện một không gian sinh hoạt và kiến trúc tiêu biểu của người Hà Nội xưa. Giới thiệu về các gian nhà của tầng một, bà Trần Thị Thuý Lan, Phó Trưởng ban Ban quản lý hồ Hoàn kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, ngôi nhà mang nét kiến trúc truyền thống hình ống với nhiều lớp nhà.
Bà Lan chia sẻ: "Trước năm 1945 thì đây là một ngôi nhà của người Việt và sau năm 1945 trở đi thì là người Hoa. Trước người Việt bán hàng tại không gian ở phía ngoài của ngôi nhà, chủ yếu là bán hàng gạo và sau khi chuyển giao bán lại cho người Hoa thì người Hoa kiều đã làm không gian cửa hàng thành nơi bán thuốc. Đây là một cái ngôi nhà truyền thống điển hình ở trong khu phố cổ Hà Nội".
Không gian của ngôi nhà được chia thành ba lớp ngăn cách bởi hai sân nhỏ, vừa cung cấp ánh sáng cho căn nhà, vừa đặt những chậu cây để thêm gần gũi với thiên nhiên.
Việc mở cửa để bán hàng ở những ngôi nhà mặt phố là một vấn đề quan trọng và tất yếu. Vì vậy, ngôi nhà hẹp bề ngang nhưng lại được phát triển mạnh theo chiều sâu mà vẫn dùng kết cấu mái cũ của nhà dân gian nên không gian mái lớn và để tận dụng người ta làm thêm những gác lửng kết nối bằng một cầu thang gỗ. Các phòng đều thông nhau, tận dụng khoảng không gian để kê đồ sát với mặt tường dọc làm lối đi.
Nhu cầu của người dân lúc đó cũng đơn giản. Họ chưa cần những không gian riêng tư như ngày nay. Vì vậy, việc xuyên suốt từ không gian phòng này sang phòng khác là đặc trưng nổi bật trong những ngôi nhà ở khu vực 36 phố, phường. Ngôi nhà với nội thất không quá cầu kỳ nhưng cũng đủ để thể hiện gia chủ là người có gu thẩm mỹ so với thời bấy giờ.
Thêm vào đó là cách sắp xếp của các lớp nhà theo từng chức năng, mục đích sử dụng cho thấy tư duy khoa học của chủ nhà. Phía bên trong của tầng một là phòng ngủ với những vật dụng đơn giản như giường, bàn, giấy, tủ quần áo, tủ trưng bày đồ cổ bằng gốm, chậu rửa mặt, quạt điện. Từ ngày xưa, không gian thờ được gia chủ bố trí ở trên tầng hai.
Ở góc bếp nhỏ, phía sau phòng ngủ ở tầng một là cả một không gian đầy hoài niệm với những khối đá, mâm đồng, chạn bát, những chiếc rổ, chiếc rá bằng tre, bằng nứa. Tất cả tái hiện một không gian bếp vô cùng đặc trưng của người Việt, làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà, đồng thời khiến du khách như được quay lại quá khứ xa xưa.
Ngôi nhà 87 Mã Mây được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác của thành phố Hà Nội với thành phố Toulouse của Pháp. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.
Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kí quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là di sản cấp quốc gia. Điều thu hút du khách đến tham quan phố cổ Hà Nội đó là ngoài việc được tìm hiểu không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà phố của Hà Nội xưa, ngôi nhà 87 Mã Mây cũng là một trong những địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện.
Hơn 100 năm tồn tại trên mảnh đất Hà Nội, ngôi nhà 87 Mã Mây đã chứng kiến biết bao chuyện vui buồn nơi đây. Từ những giờ phút chiến tranh gian nguy đến sự phát triển của thành phố. Không chỉ vậy, ngôi nhà ấy còn là dấu mốc vững vàng cho sự hình thành lịch sử kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà cổ hiện nay đã trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. Đồng thời cũng là nơi kết hợp trưng bày các sản phẩm thủ công của các làng nghề như trà, dệt lụa hay gốm sứ…
Đến với nhà cổ vào mùa đông, nơi đây còn được trang trí bởi những loài hoa đặc trưng của Hà Nội như cúc hoạ mi hay hoa đào khoe sắc. Nhà cổ 87 Mã Mây thực sự là một nơi lưu giữ dấu mốc vững vàng cho lịch sử phát triển kiến trúc của phố cổ Hà Nội. Những đồ vật xưa cũ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn khó phai mờ dù người xưa đã không còn.
Mỗi lần tham quan ngôi nhà ấy là mỗi lần niềm xúc động lại dâng lên trong lòng nhiều du khách. Không chỉ là sự thích thú mà còn là những suy tư, những trải nghiệm: "Ồ, hóa ra ngày xưa người Hà Nội sống như thế. Ồ, hóa ra các cụ có những cái thú rất thanh tao. Ồ, hóa ra cái nếp ăn nếp ở xưa được người ta coi trọng như thế, tỉ mỉ như thế."
Nhà văn Tô Hoài đã từng nói: "Hà Nội không còn khu phố cổ nhưng có nhà cổ". Những ngôi nhà cổ mang nét văn hóa rất đặc trưng và quý giá, ẩn chứa các giá trị cuộc sống và con người nơi đây trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, thể hiện sự giao thoa và tiếp biến văn hóa Ðông - Tây. Qua đó, giúp du khách và các thế hệ hôm nay có thể hình dung về cuộc sống, nếp sinh hoạt xưa của cư dân nơi phố cổ Hà Nội.
Người Hà Nội với những thú chơi thanh tao, nếp ăn, nếp ở rất đặc trưng, thể hiện nét văn hóa rất riêng của đất Hà Thành. Căn nhà cổ 87 Mã Mây, nơi lưu giữ kỉ vật và không gian sống một thời của người Hà Thành xưa là một phần ký ức không thể nào quên về Hà Nội.
Chùa Vạn Niên, ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm yên bình bên bờ hồ Tây đang là một điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội.
Triển lãm tranh “Hồn Dó” vừa khai mạc tại không gian nghệ thuật B&C Maison d'Art tại Thủ đô Hà Nội. Với nguồn cảm hứng bất tận từ chất liệu giấy dó - một loại giấy làm từ chất liệu thủ công đồng quê của Việt Nam - nghệ sĩ Ngô Đức Hoàng đã thổi hồn vào những tác phẩm mang đậm chất văn hóa Á Đông, được các nhà nghệ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao.
Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), tối 18/11, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
Từ việc đầu tư vào kịch bản, dàn dựng đến các hình thức quảng bá, các sân khấu kịch TP.HCM không ngừng nỗ lực thổi luồng sinh khí mới, mang đến trải nghiệm gần gũi và hấp dẫn hơn.
Xuất phát từ tình yêu đối với văn chương, một dự án cộng đồng mang tên “Rubik văn chương” đã ra đời và trở thành nơi trao đổi các kiến thức văn học bổ ích của những bạn trẻ.
Từ nay đến hết ngày 30/11, công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước khi đến với không gian Aqua Art, 44 phố Yên Phụ, sẽ được thưởng lãm nhiều tác phẩm tranh vẽ về Hà Nội cùng các workshop về hội họa độc đáo.
0