Nguyên nhân sự cố mất điện chưa từng có ở châu Âu
Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 28/4, một loạt quốc gia châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện, khiến đời sống của hàng chục triệu người đảo lộn. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các nước như Pháp, Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan cũng bị ảnh hưởng.
Sự cố mất điện quy mô lớn chưa từng có ở châu Âu xảy ra vào khoảng 10:30 GMT - 12:30 trưa giờ địa phương tại Tây Ban Nha và 11:30 sáng tại Bồ Đào Nha đã khiến nhiều nơi ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam nước Pháp chìm trong bóng tối.

Giao thông công cộng ở Tây Ban Nha - từ tàu điện ngầm đến các tuyến đường sắt buộc phải tạm ngừng hoạt động. Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha, ông Oscar Puente cho biết trên mạng xã hội X rằng giới chức đã phải triển khai giải cứu hành khách từ 116 đoàn tàu bị mắc kẹt.

Tại các sân bay lớn như Lisbon, Madrid và Barcelona, hàng chục chuyến bay bị hoãn hoặc hủy, theo dữ liệu từ trang theo dõi chuyến bay FlightAware.com. Dù vậy, nhờ các hệ thống điện dự phòng, phần lớn sân bay vẫn duy trì được hoạt động cơ bản trong ngày hỗn loạn này, theo thông báo từ Aena, đơn vị quản lý sân bay Tây Ban Nha.

“Tàu hỏa và đèn giao thông không hoạt động, gây ra tình trạng hỗn loạn. Nhiều thành phố hoàn toàn tối đen”, phóng viên Step Vaessen của Al Jazeera đưa tin từ Sân bay Valencia ở Tây Ban Nha.

Sự cố mất điện cũng ảnh hưởng đến nhiều bệnh viện, bao gồm bệnh viện La Paz ở Madrid và nhiều cơ sở y tế ở Bồ Đào Nha, một số bệnh viện buộc phải hủy các ca phẫu thuật.
Nhiều người hoảng loạn rút tiền từ các ngân hàng hay đổ xô đến các siêu thị mua tích trữ hàng thiết yếu, trong khi đường phố chật kín người cố gắng bắt tín hiệu liên lạc.
Theo báo El Pais, sự cố mất điện này đã “đưa Tây Ban Nha trở lại thế kỷ 19”.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ban bố tình trạng khẩn cấp
Theo ghi nhận của NPR, đến tối cùng ngày, nguồn điện đã được khôi phục một phần tại 3 quốc gia, song nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong cảnh tê liệt.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực Andalusia, Extremadura, Murcia, La Rioja và Madrid. Tại Bồ Đào Nha, sau cuộc họp nội các vào đêm muộn, chính phủ nước này cũng đã tuyên bố tình trạng khủng hoảng năng lượng.
Phát biểu trong cuộc họp báo tối 28/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết chưa từng có sự cố mất điện trên diện rộng nào như vậy xảy ra trong lịch sử nước này. Ông tiết lộ, chỉ trong vài giây ngắn ngủi, Tây Ban Nha đã mất đi lượng điện tương đương 60% tổng nhu cầu tiêu thụ quốc gia.
Đến tối 28/4, gần một nửa lượng điện tại Tây Ban Nha đã được khôi phục. Các thành phố lớn như Madrid, Murcia và khu vực Catalonia (nơi có Barcelona) đã có điện trở lại, theo thông báo từ nhà điều phối điện lưới Red Eléctrica.
Ông Sánchez cũng bày tỏ cảm ơn Pháp và Morocco vì đã hỗ trợ Tây Ban Nha trong nỗ lực khôi phục nguồn điện. Tuy nhiên, ông thừa nhận hiện chưa thể đưa ra thời gian cụ thể cho việc khôi phục hoàn toàn điện năng trên toàn quốc.

Tại Bồ Đào Nha, công ty vận hành lưới điện REN cho biết, đến tối 28/4, điện đã được cấp lại cho 750.000 khách hàng. Tuy nhiên, Thủ đô Lisbon vẫn chưa có điện, dù REN cam kết nguồn điện sẽ sớm trở lại.
Tại sao phải mất nhiều thời gian để khôi phục điện?
Việc khôi phục nguồn điện cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo ông Leonardo Meeus, giáo sư chuyên ngành điện tại Viện Đại học châu Âu, các nhà điều hành lưới điện phải tuân theo một quy trình “rất phức tạp về mặt kỹ thuật” để đưa hệ thống năng lượng hoạt động trở lại.
Ông cho biết cả hai nước đều phải khôi phục nguồn cung cấp “từng bước”, trước tiên là dựa vào các máy phát điện đặc biệt, như máy bơm thủy điện.
Các nước láng giềng cũng đang chung tay với nhà điều hành lưới điện Pháp RTE cung cấp 700 megawatt điện cho Tây Ban Nha trong vòng vài giờ sau khi mất điện. Đèn đã sáng trở lại ở hầu hết các vùng cực bắc và cực nam của Bán đảo Iberia vào cuối buổi chiều, một phần nhờ vào nguồn cung cấp điện từ Pháp và Morocco.
“Các hệ thống điện được kết nối thông qua 'interconnector'”, ông Solomon Brown, giáo sư chuyên về hệ thống năng lượng tại Đại học Sheffield cho biết. “Điều này có nghĩa là có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các mạng lưới, nhưng chúng cũng sẽ phải được khởi động lại riêng biệt.
“Do hai mạng lưới này ngừng hoạt động nên chúng sẽ phải được cấp điện trở lại, nghĩa là nhà điều hành lưới điện sẽ từ từ đưa các máy phát điện chính phù hợp với người dùng (để sản xuất và tiêu thụ điện cân bằng) vào các khu vực của mạng lưới đang mở rộng dần, cho đến khi toàn bộ hệ thống hoạt động trở lại và sau đó có thể kết nối lại với các mạng lưới bên ngoài”.
Tại sao các hệ thống điện được liên kết với nhau?
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có hệ thống điện liên kết chặt chẽ với nhau và một số liên kết xuyên biên giới với Pháp và các nước còn lại trong EU.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU từ lâu đã muốn thay đổi thực tế đó, khuyến khích mạnh mẽ các nước EU xây dựng nhiều kết nối hơn. Các quan chức cho rằng điều này sẽ cải thiện an ninh năng lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng điện qua biên giới. Madrid, Lisbon và Paris đã nhiều lần ra tín hiệu sẵn sàng tiến hành kế hoạch đó, nhưng tiến độ vẫn chậm.
Mặc dù Tây Ban Nha và Pháp hiện đang tiến hành xây dựng tuyến kết nối mới tại xứ Basque, nhưng hiệp hội quản lý năng lượng của EU vào năm ngoái đã cảnh báo rằng vẫn chưa có đủ công suất truyền tải điện được giải phóng, mặc dù có yêu cầu pháp lý về việc này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc kết nối nhiều hơn tới châu Âu có cải thiện được tình trạng mất điện hay không.
Một mặt, nhiều liên kết xuyên biên giới hơn có thể tăng cường khả năng cân bằng cung cầu và nhập khẩu điện của Tây Ban Nha, bà Pratheeksha Ramdas, một nhà phân tích năng lượng cấp cao tại công ty tư vấn Rystad cho biết. Cũng theo chuyên gia này, hoạt động giao dịch hạn chế hiện tại của Madrid với Pháp “hạn chế khả năng phản ứng nhanh trong các cuộc hỗn loạn trên diện rộng”.
Nguyên nhân gây mất điện là gì?
Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cho biết mọi thứ đều chỉ ra rằng tình trạng mất điện trên diện rộng này bắt đầu từ Tây Ban Nha.
Nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức châu Âu không nói rõ nguyên nhân gây ra tình trạng mất điện, nhưng một số người phủ nhận đây là kết quả của hành động “chơi xấu”.
“Các nhà điều hành lưới điện ở cả hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân và khôi phục nguồn cung cấp điện”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Antonio Costa viết trong một bài đăng trên X.
“Tại thời điểm này, không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ cuộc tấn công mạng nào”, ông cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, mặc dù chưa có bằng chứng nào về một cuộc tấn công mạng, nhưng ông “không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào vào thời điểm này”.
Cơ quan An ninh mạng Liên minh châu Âu (ENISA), nhánh an ninh mạng của khối cho biết các bằng chứng hiện tại chỉ ra rằng có sự cố cáp.
Nhưng trong những tuần gần đây, các chuyên gia cũng đã cảnh báo rằng việc sản xuất quá nhiều điện mặt trời trong lưới điện có thể gây ra tình trạng mất điện. Vào đầu tháng 4, đơn vị vận hành lưới điện của Bỉ đã cảnh báo rằng việc sản xuất quá nhiều điện có thể làm mất ổn định lưới điện. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng cung vượt cầu vẫn chưa dẫn đến tình trạng mất điện.
Theo Bloomberg, Tây Ban Nha đã chứng kiến số giờ kỷ lục với giá điện âm trong những tháng gần đây vì có nhiều năng lượng mặt trời và điện gió được đưa vào lưới điện hơn.
Các chuyên gia trước đây đã nói rằng, sự mở rộng nhanh chóng của năng lượng gió và mặt trời đang gây thêm áp lực lên lưới điện Tây Ban Nha, vốn cần được nâng cấp để xử lý khối lượng kỷ lục các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục.
Tuy nhiên, theo ông Leonardo Meeus, giáo sư chuyên ngành điện tại Viện Đại học châu Âu, năng lượng xanh không phải là nguyên nhân gây ra sự cố mất điện ngày 28/4, vì trong những năm gần đây, EU đã thực thi một số bộ quy tắc, như các quy tắc kết nối lưới điện được cập nhật từ năm 2016, để ngăn chặn các máy phát điện tái tạo ngắt kết nối khỏi mạng lưới theo cách gây nguy hiểm cho hệ thống.
Ông Daniel Muir, nhà phân tích điện năng cấp cao của châu Âu tại S&P Global cho biết thêm: “Bản chất và quy mô của sự cố khiến khả năng nguyên nhân là do khối lượng năng lượng tái tạo là không cao, vì mạng lưới điện của Tây Ban Nha thường xuyên phải chịu khối lượng sản xuất rất lớn như vậy”.
Ông cho biết: “Đã có đủ nguồn điện thông thường, cùng với các công nghệ hạt nhân, thủy điện, đồng phát điện và nhiệt điện đều có trong hệ thống trước sự kiện và... có sẵn cho nhà điều hành”.


Theo kênh telegram “Voevoda Broadcasts”, chiếc tiêm kích Su-27 của Ukraine bị rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ngày 28/4 là nạn nhân của một chiếc F-16 cũng của Ukraine hoạt động gần đó.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành khẩn trương để tìm nguyên nhân chính xác dẫn tới sự cố mất điện quy mô lớn chưa từng có tại châu Âu vào ngày 28/4.
Các hãng truyền thông lớn của Canada đồng loạt dự đoán đảng Tự do sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước.
Dù quy mô sự cố mất điện rất lớn, lãnh đạo các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khẳng định hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là một vụ tấn công mạng hay phá hoại có chủ đích.
Pakistan vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ một cuộc tấn công quân sự từ phía Ấn Độ trong bối cảnh hai nước tiếp tục đổ lỗi lẫn nhau.
Một trăm ngày cầm quyền đầu tiên ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai được ông Donald Trump dự định kỷ niệm và tung hô bằng một cuộc mít tinh lớn ở bang Michigan, một trong những bang chiến trường mà ông Trump giành về được sau khi từng thua ông Joe Biden trước đó.
0