Nguy cơ tan rã mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Lời cảnh tỉnh đánh thức châu Âu
Trong suốt nhiều thập kỷ, Hội nghị An ninh Munich đã đóng vai trò là sự kiện hàng đầu để các nhà lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương tái khẳng định cam kết chung đối với an ninh tập thể. Đây là diễn đàn để các Tổng thống Mỹ và các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể tái khẳng định sức mạnh bền bỉ của NATO và liên minh xuyên Đại Tây Dương, ngay cả trong thời kỳ bất ổn chính trị.
Nhưng năm nay, lịch sử đã không còn lặp lại. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 diễn ra từ ngày 14-16/2 tại Đức, chứng kiến những căng thẳng và sự rạn nứt ngày một sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong hàng loạt vấn đề, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa quay trở lại Nhà Trắng.
Hội nghị An ninh Munich năm nay có sự tham dự của hơn 50 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, cùng 150 bộ trưởng. Diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, cuộc xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ tư và an ninh châu Âu vẫn còn nhiều lỗ hổng, Hội nghị An ninh Munich 2025 thu hút sự quan tâm của giới chính trị và dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, trái ngược với thông lệ là một sự kiện thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu, hội nghị lần này cho thấy mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Một trong những minh chứng cho điều đó là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance, cũng là thông điệp chính thức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump với châu Âu.
Trong bài phát biểu dài 18 phút, ông Vance chỉ trích các chính trị gia, thể chế và tòa án châu Âu vì những gì ông coi là sự rời xa các nguyên tắc dân chủ, nhấn mạnh đến việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống ở Romania. Ông cũng cho biết, chính phủ Mỹ có những ưu tiên hoàn toàn khác, thậm chí là một thế giới quan hoàn toàn khác so với châu Âu.
Mối đe dọa mà tôi lo lắng nhất đối với châu Âu không phải là Nga, không phải là Trung Quốc, không phải bất kỳ tác nhân bên ngoài nào khác. Điều tôi lo lắng là mối đe dọa từ bên trong. Sự thoái lui của châu Âu khỏi một số giá trị cơ bản nhất của mình, những giá trị được chia sẻ với Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance.
Phó Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về sự gia tăng kiểm duyệt trong khu vực, kêu gọi các quốc gia thành viên châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với quốc phòng của mình, đồng thời bày tỏ lo ngại về làn sóng di cư ồ ạt.
Đáng chú ý, ông cảnh báo giới chức châu Âu không được phớt lờ ý nguyện của cử tri, đồng thời kêu gọi phá bỏ “bức tường lửa” chính trị, ám chỉ cam kết của các đảng lớn tại Đức không hợp tác với Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Bây giờ, một lần nữa, chúng ta không phải đồng ý với mọi thứ hoặc bất cứ điều gì mọi người nói, nhưng khi mọi người đại diện, khi các nhà lãnh đạo chính trị đại diện cho một nhóm cử tri quan trọng, thì chúng ta có nghĩa vụ ít nhất là phải tham gia đối thoại với họ.
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance.
Tuyên bố của ông Vance được ví như lời “ủng hộ ngầm” đối với AfD, được nhiều người coi là sự can thiệp chưa từng có vào chính trường trong nước của một quốc gia đồng minh, chỉ hơn một tuần trước cuộc bầu cử ở Đức.
Những phát biểu gay gắt, thậm chí mang tính đối đầu của Phó Tổng thống Mỹ, đã khiến lãnh đạo các nước châu Âu dường như bị sốc. Họ hầu như chỉ cúi đầu im lặng.
Một cựu quan chức Mỹ sau đó nói với Politico rằng, những phát biểu của Phó Tổng thống J.D Vance chính là lời cảnh tỉnh, đánh thức châu Âu về một nước Mỹ mới và nước Mỹ mà châu Âu quen thuộc suốt hàng chục năm qua đã không còn nữa.
Phản ứng từ châu Âu
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây quyết định áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về Gaza và Ukraine, bài phát biểu của Phó Tổng thống J.D Vance tại Hội nghị An ninh Munich được coi là một “gáo nước lạnh” dội vào các nước châu Âu.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, bài phát biểu của ông Vance đã cho thấy những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và châu Âu, không chỉ về an ninh mà còn về các vấn đề xã hội và văn hóa. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi những phát biểu của ông Vance là “tốt và sáng suốt”, thì một số quan chức châu Âu đã nhanh chóng chỉ trích bài phát biểu.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance vì can thiệp vào chính trường nước này.
AfD là một đảng mà trong hàng ngũ của họ, những tội ác khủng khiếp, tội ác chống lại loài người, bị coi nhẹ. Do đó, chúng tôi sẽ không chấp nhận nếu những người ngoài cuộc can thiệp vào nền dân chủ của chúng tôi, vào các cuộc bầu cử của chúng tôi và vào quá trình hình thành ý kiến dân chủ ủng hộ Đảng AfD. Điều đó là không thể giữa những người bạn và đồng minh. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng gọi những phát biểu của ông Vance là “không thể chấp nhận được”: “Nếu tôi hiểu đúng, ông ấy đang so sánh các điều kiện ở một số khu vực của châu Âu với các chế độ độc tài. Điều đó là không thể chấp nhận được, và đó không phải là châu Âu và không phải là nền dân chủ mà tôi đang sống”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani tuyên bố rằng, những phát biểu của ông Vance đã gây ra tranh cãi không cần thiết, không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai. Ngoại trưởng Pháp Jean - Noel Barrot cũng nhấn mạnh, châu Âu sẽ không chấp nhận sự áp đặt từ bên ngoài.
Xung đột Ukraine khoét sâu mâu thuẫn Mỹ - Châu Âu
Theo giới quan sát, hiện đang có những khác biệt đáng kể giữa Mỹ và EU trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, thuế quan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quốc phòng, biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu và xung đột khu vực. Trong đó, sự rạn nứt giữa hai đồng minh lâu năm trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, một chương trình nghị sự quan trọng tại Hội nghị An ninh Munich, đã trở nên rõ ràng.
Cuộc gặp rất được mong đợi giữa Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Munich đã không mang lại tiến triển đáng kể nào. Ông Vance cho biết, Mỹ cam kết tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga, trong khi ông Zelensky thừa nhận các cuộc trao đổi gần đây chưa đủ sức nặng để thảo luận về tất cả các chi tiết cần thiết.
Về phần mình, các nước EU đã khẳng định muốn ngồi vào bàn đàm phán khi nói đến các tuyên bố của Mỹ nhằm cố gắng chấm dứt cuộc xung đột. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy cả Brussels lẫn Kiev đang bị “bỏ qua” trong các cuộc thảo luận trực tiếp giữa nguyên thủ Nga và Mỹ về vấn đề hòa bình cho Ukraine và an ninh cho châu Âu.
Ngày 12/2, sau cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Ukraine sẽ bắt đầu “ngay lập tức”.
Ông Trump cũng cho biết “có thể” sẽ gặp trực tiếp ông Putin trong thời gian tới, và cuộc gặp có thể diễn ra tại Saudi Arabia. Điều đó cho thấy, dường như hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đang cùng nhau vạch ra kế hoạch chấm dứt xung đột, đồng thời gạt châu Âu ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán tiềm năng.
CNN ngày 17/2 dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán sơ bộ giữa Mỹ và Nga về xung đột ở Ukraine sẽ diễn ra tại Saudi Arabia vào ngày 18/2. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz sẽ tham gia các cuộc đàm phán này.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó xác nhận, Kiev không được mời tham dự.
Có thể sẽ có điều gì đó được đưa lên bàn thảo luận, nhưng không có chúng tôi. Tôi không nhận được bất kỳ lời mời nào dành cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngoài ra, cũng không có kế hoạch cho đại diện từ các cường quốc lớn khác ở châu Âu tham gia đàm phán.
Tuy nhiên, trong khi khẳng định Kiev sẽ là một phần trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine Keith Kellogg ngày 16/2 tuyên bố, sẽ không có ghế nào cho châu Âu tại bàn đàm phán hòa bình về Ukraine.
Trước đó, phát biểu trước cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO và nói thêm rằng, nỗ lực đưa Ukraine trở lại tình trạng lãnh thổ năm 2014 là không thực tế.
Ông cũng bác bỏ những chỉ trích về chiến lược đàm phán của Washington với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, cho biết Mỹ sẽ ưu tiên Trung Quốc và an ninh biên giới của mình hơn là châu Âu, đồng thời yêu cầu châu Âu đầu tư ngay vào quốc phòng, vì không thể cho rằng sự hiện diện của Mỹ trên lục địa này là mãi mãi.
Trước thái độ lạnh nhạt từ giới chức Mỹ cùng lo ngại về nguy cơ bị gạt khỏi đàm phán hoà bình về Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định họp khẩn tại Pháp vào ngày 17/2 để thảo luận lập trường chung. Trước cuộc họp này, Mỹ đã gửi cho các chính phủ châu Âu 6 câu hỏi về những gì họ cần từ Washington để cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh hậu xung đột.
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có tan rã?
Theo giới quan sát, hàng loạt “gáo nước lạnh” được các nhà lãnh đạo Mỹ dội vào các đồng minh châu Âu chỉ trong một thời gian ngắn, báo hiệu hố sâu ngăn cách quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang trở nên ngày một sâu hơn.
Thực tế, việc chuyển trọng tâm khỏi châu Âu đã bắt đầu từ thời George W. Bush và tiếp tục dưới các đời Tổng thống Mỹ sau đó. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump chỉ đơn giản là nói thẳng điều mà những người tiền nhiệm của ông tránh đề cập công khai. Sự thay đổi căn bản trong quan hệ Mỹ - Châu Âu dường như đang phát đi tín hiệu về hồi kết của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuần trước, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 đã công bố một báo cáo nhấn mạnh những thách thức đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền mới của Mỹ. Báo cáo bày tỏ lo ngại về “sự tham gia quốc tế có chọn lọc hơn” từ Mỹ và cảnh báo rằng, Washington có thể từ bỏ vai trò lịch sử của mình là người bảo đảm an ninh cho châu Âu.
Bày tỏ quan ngại về mối quan hệ với Mỹ, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier cho biết: “Điều chắc chắn là chính quyền mới của Mỹ có một thế giới quan khác với chúng ta. Một thế giới quan không tôn trọng các quy tắc đã được thiết lập, các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập và lòng tin”.
Sự thay đổi về trách nhiệm ấy được thể hiện qua các hành động mà chính quyền mới ở Mỹ đã thực hiện, như áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Thuế quan phi lý đối với Liên minh châu Âu sẽ không bị bỏ qua mà không có phản ứng. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và rõ ràng.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Trong khi đó, theo ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí Liên bang Nga trong các vấn đề toàn cầu, những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ không chỉ nằm ở vấn đề cá nhân hay sự rạn nứt tư tưởng mà còn phản ánh một sự chuyển đổi căn bản trong chính trị toàn cầu. Sự thay đổi này không phải do ông Trump hay thậm chí là ông Vance gây ra, mà xuất phát từ những ưu tiên đang thay đổi của nước Mỹ.
Trong khi với Tây Âu, việc duy trì trật tự cũ giúp EU giữ vững vị thế trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, và quan trọng hơn là bảo vệ sự gắn kết nội bộ vốn đang chịu nhiều áp lực; thì đối với Mỹ, việc từ bỏ các cấu trúc thời Chiến tranh Lạnh mang đến cơ hội tập trung vào những thách thức hiện tại và tương lai, gồm Trung Quốc, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Bắc Cực. Tây Âu không thể chứng minh vai trò quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào trong số này, nhưng họ có thể dẫn tới một sự xao nhãng tốn kém.
Có thể nói, quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước một phép thử lớn. Bởi vào thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền 2.0 của ông không quan tâm nhiều đến việc củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, thay vào đó là trọng tâm xử lý các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lợi ích sống còn của Mỹ cũng như phù hợp với quan điểm về “Nước Mỹ trên hết”. Việc Mỹ và châu Âu ngày càng khác biệt trong cách tiếp cận chiến lược có thể khiến cục diện địa chính trị toàn cầu thay đổi trong thời gian tới.


Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Lá chắn Tự do", diễn ra vào ngày 10/3.
Lực lượng Nga thuộc cánh quân phía Nam đã sử dụng hệ thống pháo phản lực, phóng loạt (MLRS) BM-21 Grad để tấn công một điểm tập kết tạm thời của quân đội Ukraine tại Kherson.
Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 nhân viên, dù bị lên án mạnh mẽ bởi các nhóm cựu chiến binh và đảng Dân chủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Hamas, nếu lực lượng này không thả ngay lập tức các con tin Israel.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng ca ngợi những chuyển động tích cực trong quan hệ với Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có cuộc gặp sớm nhất vào tuần tới.
0