Người lưu giữ Trung thu trong từng thớ gỗ

Mâm cỗ Trung thu chẳng khi nào thiếu được bánh nướng, bánh dẻo. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ đẹp tròn đầy của chiếc bánh là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo của những nghệ nhân làm khuôn bánh.

Một mùa trăng nữa lại về. Trong tiết trời thu, hương cốm, hương bưởi và nhất là hương thơm của bánh Trung thu lại trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết. Mâm cỗ Trung thu chẳng khi nào thiếu được bánh nướng, bánh dẻo.

Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi, những hoa văn tinh xảo trên chiếc bánh Trung thu được tạo ra như thế nào? Đó là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và đôi bàn tay khéo léo. Hãy cùng đến thăm một người thợ thủ công tài hoa, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ, để khám phá những bí quyết và tâm huyết mà ông đã gửi gắm vào từng sản phẩm.

Nghề làm khuôn bánh trung thu đã có ở Hà Nội từ bao đời nay. Nghề này ra đời từ khi xuất hiện bánh nướng, bánh dẻo. Tuy vậy, cho đến nay, tại khu vực phố cổ, phố cũ Hà Nội chỉ còn duy nhất ông Phạm Văn Quang, 69 tuổi, còn làm nghề này.

Giữa phố xá nhộn nhịp, trong căn nhà cũ rộng vỏn vẹn hơn chục mét vuông trên con phố Hàng Quạt, suốt 40 năm qua, ông Phạm Văn Quang vẫn miệt mài tạo ra những chiếc khuôn bánh Trung thu bằng gỗ, lưu giữ nghề truyền thống của gia đình. Không khó để tìm thấy nhà ông với biển hiệu ngắn gọn 4 chữ “Khuôn, bánh, xôi, oản”, cùng những chiếc khuôn bằng gỗ được treo phía dưới, đủ để người qua lại biết ở đây bán gì.

Ông Quang cho hay, nghề làm khuôn bánh có gốc gác từ làng tiện gỗ Nhị Khê và làng Chiếc (nay là Nhân Hiền) thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) - nơi có truyền thống làm khuôn bánh bằng gỗ nổi tiếng.

Khi xưa, từ làng tiện gỗ này, một số thợ giỏi đã lên kinh thành Thăng Long lập nghiệp, rồi tụ thành phường, hội - tập trung ở các phố Hàng Tiện, Tô Tịch làm nghề, mưu sinh. Xã hội phát triển hiện đại hơn thì nghề tiện gỗ truyền thống bị mai một. Có nhiều người bỏ nghề, một số thì chuyển sang nghề làm con dấu, hoặc thợ mộc. Với tâm niệm, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, ông Quang vẫn say mê và lặng lẽ nuôi giữ nghề.

Ông Phạm Văn Quang lặng lẽ giữ nghề trong suốt 40 năm. (Ảnh: VTC News)

Để có một chiếc khuôn bánh trung thu bằng gỗ tinh xảo đều phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ tấm gỗ, người thợ sẽ tính toán định hình khuôn bánh trên đó rồi cưa, xẻ theo kích thước đã được đánh dấu. Các tấm phôi khuôn tiếp tục được bào nhẵn trước khi người thợ thực hiện các công đoạn tiếp theo. Gỗ để làm khuôn bánh trung thu là loại gỗ có độ bền cao, dễ đục đẽo, ít mối mọt.

Sau đó, người thợ sẽ đo đạc, kẻ vẽ để chia khuôn sao cho khuôn nằm cân xứng trong khúc gỗ phôi. Comba, thước kẻ và bút đều được sử dụng trong công đoạn này để lấy tâm, lấy đối xứng. Miếng gỗ sau khi đo đạc sẽ được đem lên bàn khoan để tạo hình mối bánh.

Từ yêu cầu của khách về trọng lượng của khuôn bánh, người thợ phải tính toán độ nông, sâu, rộng, hẹp của khuôn. Cùng một trọng lượng, nếu mặt khuôn rộng thì cần giảm độ sâu và ngược lại mặt khuôn hẹp thì phải tăng độ sâu cho phù hợp. Đối với ông Phạm Văn Quang, khâu lựa chọn nguyên liệu làm khuôn là vô cùng quan trọng.

"Gỗ thì gỗ thị hoặc gỗ xà cừ. Gỗ phải có độ dẻo, rắn quá thì nó sứt mà mềm quá thì nó mòn. Gỗ phải dẻo, độ nắn vừa phải, rắn quá thì nó vướng vào thành hoa và sẽ bị sứt. Cái này không phải như những nghề khác mà dập khuôn máy móc." ông Quang chia sẻ.

Nhớ lại thời mới làm khuôn bánh, ông Quang cho biết, vào thế kỷ trước, cứ đến mùa Trung thu, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng những tiếng đục, tiếng đẽo, tiếng dập khuôn. Xung quanh cửa hàng ông, đâu đâu cũng là các cửa hàng tiệm làm khuôn bánh, những người thợ làm quanh năm không hết việc. Thế nhưng hình ảnh ấy giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Thời gian trôi qua, ông Quang có lẽ là nghệ nhân duy nhất ở phố cổ Hà Nội, còn tận tụy với nghề truyền thống này.

Đối với ông Quang, mỗi khuôn bánh là một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, với một ý nghĩa văn hóa riêng biệt. Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, ông cho hay chưa thiết kế nào trùng với thiết kế nào.

Mọi khuôn bánh của cửa hàng ông Quang làm ra là đồ thủ công không phải hàng công nghiệp nên ông phải bỏ ra không ít công sức, cộng với sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Đến nay, chưa khi nào ông Quang ngừng tìm tòi những ý tưởng mới cho khuôn bánh của mình.

Đối với ông Quang, mỗi chiếc khuôn bánh là một tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: VTC News)

Mặc cho sự phát triển của thời cuộc, nhiều loại khuôn nhựa ra đời, ông Quang vẫn luôn đặt trọn tâm huyết vào mỗi sản phẩm, bởi ông quan niệm khuôn gỗ ông làm vừa mang tính truyền thống nhưng vẫn không bị nhàm chán, cũ kỹ.

Chia sẻ về việc làm khuôn, ông Quang cho biết: "Bây giờ thì khuôn công nghiệp rồi, khuôn nhựa nhiều. Thế nhưng có những cái khuôn nhựa không đạt. Còn khuôn của tôi là những nét cơ bản, những nét chính, sau đó tôi phát triển ra. Tức là, trong khuôn phải có cả nét truyền thống lẫn nết hiện đại."

Không chỉ trong nước, những khuôn bánh Trung thu bằng gỗ của ông Quang còn nức tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới, được các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế ghé thăm và đặt hàng mỗi dịp. Đặc biệt, ông tự hào lật dở từng trang trong sổ nói về câu chuyện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đã ghé thăm và để lại chữ ký tại cửa hàng của ông. Hơn nữa còn đặt khuôn bánh để dùng trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Mỹ.

Hình ảnh chiếc khuôn kỷ niệm 25 năm ông Quang lưu trữ trên điện thoại của mình. (Ảnh: Vietnam+)

Lọt thỏm giữa con phố tấp nập, trong cửa hàng nhỏ của mình, ngày ngày ông Quang vẫn bình thản với khoan, với đục để tạo ra những chiếc khuôn mà từ đó những chiếc bánh Trung thu chuẩn truyền thống ra đời. Người thợ già tâm sự rằng nghề này rất cần sự nhạy bén, sáng tạo, cần mẫn và tỉ mỉ... mà những thứ đó không có trường lớp nào dạy. Người trẻ bây giờ lại không đủ kiên nhẫn. Khi được hỏi về thế hệ truyền nhân nối nghề, ánh mắt ông Quang trở nên trầm tư.

Là người đời cuối cùng giữ nghề trong gia đình, con cái đều đã trưởng thành và không ai theo nghiệp bố nên sự ngập ngừng trong câu trả lời của ông Quang cũng là điều dễ hiểu. Với ông, làm nghề này không phải cứ muốn là được, làm mà qua loa, đại trà thì thà không làm còn hơn. Chẳng nhớ nổi số khuôn mình đã làm mỗi mùa trăng rằm, nhưng chưa một sản phẩm nào, ông Quang cho phép mình lơ là, cẩu thả.

Vậy mới thấy giá trị của chiếc bánh trung thu truyền thống không chỉ bởi người làm bánh mà còn có cả sự góp sức của nhiều đôi tay trong đó có những người thợ đặc biệt như ông Quang, trổ vào những khuôn bánh nét tài hoa của cả một đời làm nghề.

Bánh ngon nhờ thợ, bánh ngọt nhờ tâm. Bằng cái tài, cái tâm của mình ông Quang đang góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống để làm nên những chiếc bánh trung thu đậm chất cổ truyền. Điều ông lưu giữ không chỉ là những chiếc khuôn bánh, không chỉ là nghề cha ông để lại mà hơn hết là giá trị tinh thần truyền thống của Tết Trung thu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.