Người 'giữ hồn' cho văn hóa trà Việt
Văn hóa trà Việt Nam đã được hình thành rất lâu đời và trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử cũng như biến động về văn hóa, chính trị nhưng vẫn tồn tại, phát triển và mang một vẻ đẹp rất riêng biệt.
Gìn giữ được văn hóa trà đã khó, nhưng hiểu được những nét tinh túy trong nghệ thuật thưởng trà còn khó hơn gấp bội. Chính những điều tưởng chừng như khó khăn ấy đã thấm đẫm trong tâm hồn của chàng trai đất Hà Thành Hoàng Anh Sướng.
"Gia đình tôi có 6 đời làm trà. Tôi là đời thứ sáu nhưng có điều đặc biệt là đến đời cha tôi là nghệ nhân trà Trường Xuân là đời thứ năm, thì bên cạnh việc tiếp tục cái nghiệp làm trà của tổ tiên thì bố Trường Xuân của tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề nghiên cứu và truyền bá về văn hóa trà Việt Nam. Tôi đã kế tục đam mê trà ấy và tiếp tục con đường cha tôi đã đi", anh Sướng chia sẻ.
Với truyền thống gia đình, nghiệp trà đã ngấm vào tâm hồn Hoàng Anh Sướng từ thuở còn chập chững. Thế nhưng, điều thôi thúc anh quyết định gánh vác nghiệp trà của gia đình lại bắt nguồn từ dịp sinh nhật lần thứ 70 của cha. Khi anh chứng kiến ánh mắt đượm buồn của ông khi nói về văn hóa trà Việt đang ngày bị mai một, anh đã hứa sẽ thay cha gánh vác sứ mệnh gìn giữ văn hóa trà Việt.
Trà Việt mang nhiều nét phong nhã, thanh tao. Người biết thưởng trà cũng là người mang cốt cách hào sảng, thanh lịch, ý nhị và đầy tinh tế. Hơn 20 năm gắn bó với trà, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã có cơ hội đi đến khắp các vùng miền trên cả nước để tìm hiểu nguồn gốc các loại nguyên liệu trà và ý nghĩa đằng sau mỗi loại trà. Hành trình đó cũng mang đến cho nghệ nhân nhiều hiểu biết thú vị về trà.
Trong sự hối hả cuộc sống, những cuộc trò chuyện, tâm tình, tản mạn bên ấm trà nóng trở thành thứ níu giữ con người về với bình yên. Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ: "Pha trà phải cầu kỳ như chinh phục một cô gái đẹp". Từ nhóm bếp đun nước, pha trà, rửa chén... tất cả các công đoạn đều cần người pha trà cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo. Nghệ nhân gói trọn yêu cầu để có một ấm trà ngon trong lời dạy của người xưa: "Nhất thủy, nhì trà, ba pha, tứ ấm".
Hoàng Anh Sướng mang trà Việt ra thế giới và đón hàng trăm đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nghe anh chia sẻ về văn hóa trà. Anh đã được mời tham gia chuẩn bị tiệc trà cho nhiều vị khách quốc tế danh dự như Vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tỷ phú Mỹ Bill Gates.
Tâm niệm “Dĩ trà hội hữu” (mượn hương trà để hội tụ bạn bè) của cha ông được Hoàng Anh Sướng đón nhận và phát huy rất tốt. Anh dành phần lớn gia sản của mình cho những chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, để tìm hiểu về trà và nghệ thuật thưởng trà của họ, đặc biệt là phương pháp truyền bá văn hoá trà.
Việt Nam có 40 loại trà truyền thống, nổi tiếng nhất là trà sen - đại diện xuất sắc nhất của văn hóa trà Việt. Rất nhiều khách nước ngoài đã không ít lần xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế của những nghệ nhân Hà Nội.
Những ngày tháng 6 này, mùa sen nở rộ cũng là lúc nghệ nhân Hoàng Anh sướng bắt tay vào ướp trà sen cho vụ mới. Ướp trà sen là một nghệ thuật lắm công phu, đòi hỏi ở người ướp sự nhẫn nại, đôi tay tinh tế và điệu nghệ. Ðặc biệt, tâm hồn phải sạch trong, nhân hậu.
Anh Sướng bảo: "Khi ướp trà, đặc biệt là trà sen thì người ta đòi hỏi sự thanh khiết. Chúng ta hoàn toàn thanh tĩnh và chúng ta phải dành tất cả tâm huyết, dành tất cả sự trân trọng nâng niu mong muốn làm sao từ những bông hoa sen ấy, từ những búp trà này, chúng ta tạo nên một loại trà đặc biệt để khách thưởng thức trà có thể cảm nhận trọn vẹn sự tinh túy về nó".
Thưởng trà là một cách để tĩnh tâm, để thiền (thiền trà). Văn hóa trà Việt là nét văn hóa ẩm thủy độc đáo, sâu sắc được tạo ra từ cách ứng xử của con người Việt.
Hoàng Anh Sướng ví mình như một “nhà sư trà”, đã phát tâm nguyện đi truyền bá, phục hưng nền văn hóa “ẩm thủy” độc đáo của người Việt xưa. Với anh, trà là báu vật mà cha ông ta để lại, văn hóa trà Việt Nam là một yếu tố quan trọng cấu thành nên nền văn hoá dân tộc. Anh tin rằng, rồi sẽ đến ngày, sẽ có nhiều người thêm hiểu, thêm yêu và chúng tay giữ gìn, phục hưng văn hóa trà Việt, đưa vẻ đẹp của tâm hồn Việt đến với bạn bè khắp năm châu.
"Xuống phố 4" - triển lãm tiếp theo trong seri "Xuống phố" đã chính thức khai mạc, đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Phạm Bình Chương.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện khác nhau. Có những người họa sĩ đã dành cả đời mình để lan tỏa tình yêu Hà Nội.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
Với tâm huyết gìn giữ giá trị truyền thống, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã góp phần hồi sinh nghệ thuật thêu trang phục cung đình tưởng chừng đã mai một.
Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.
0