Người gìn giữ nghệ thuật hoa chẻ cánh truyền thống Hà Nội

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Trải qua thời gian, nghệ thuật hoa chẻ cánh truyền thống của Hà Nội xưa có lẽ đã từng có thời điểm bị mai một trước sự đổ bộ của nhiều loại hoa đẹp, mẫu mã, hình thức bắt mắt. Thế nhưng, ở Hà Nội, vẫn có một người phụ nữ gốc Hà Thành đến nay vẫn gìn giữ nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống như giữ gìn lại một nét đẹp văn hóa riêng có của người Hà Nội. Đó chính là chị Nguyễn Thị Thu - một trong số ít người còn theo đuổi, gìn giữ và nâng tầm nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Thu sinh năm 1973 tại Hà Nội. Giống như nhiều gia đình Hà Nội những năm 1980 ngày ấy, chị Thu cũng được bố mẹ cho đi học lớp nữ công tinh hoa như bao người con gái Hà Nội ngày xưa. Thiếu nữ Hà Thành ngày ấy nhanh chóng bị thu hút bởi bộ môn nghệ thuật tỉa hoa chẻ cánh từ quả đu đủ xanh.

Trong kí ức của chị Thu, những bông hoa đu đủ được tỉa rất kỳ công và tỉ mỉ thường xuất hiện trong các dịp quan trọng của người Hà Nội. Chính vì vậy, để làm nên một bông hoa từ quả đu đủ xanh cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

Chị Thu và nghệ thuật hoa chẻ cánh. (Ảnh: NVCC)

"Mình sẽ phải lựa chọn quả đu đủ thuôn dài, màu xanh ngắt chứ không phải là màu xanh non. Đại đa số các bông hoa đều cần đu đủ đặc nhưng cũng có một vài loại cần loại đu đủ không đặc. Nó rỗng nó lại tốt. Đu đủ đặc thì mình sẽ tỉa được nhiều lớp. Vì thường thường hoa là sẽ phải phải chẻ cánh nhiều lớp thì đu đủ đặc sẽ đẹp hơn." chị Thu chia sẻ.

Không biết nghệ thuật cắt tỉa hoa đu đủ có từ bao giờ nhưng nó đã xuất hiện từ lâu trong cuộc sống của người Hà Nội xưa. "Hoa đu đủ" là bông hoa được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người con gái với thao tác chẻ cánh bằng dao đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mẩn. Thú chơi hoa chẻ cánh của người Hà Nội xưa cũng rất công phu, đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ từng chút một trong từng công đoạn để làm nên một bông hoa đu đủ mềm mại trông giống bông hoa thật. Qua từng công đoạn tỉ mỉ cắt tỉa, quả đu đủ xanh dần dần thành hình bông hoa rực rỡ.

Hơn 30 năm đam mê và gắn bó với nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh, 10 năm tìm hiểu và nghiên cứu về môn nghệ thuật này, theo chị Thu, bông hoa khó thực hiện nhất có lẽ phải nói đến hoa sen.

"Khó nhất là hoa sen. Bởi vì hoa sen đòi hỏi bạn phải chẻ bản cánh to, đi được những lát thật mỏng. Kỹ thuật uốn hoa sen cũng là một kỹ thuật rất dễ nhưng cũng rất khó. Hoa phù dung cũng khó nhưng cũng không khó như hoa sen. Bởi vì phù dung gần như không có cách uốn mình cứ gài vào là xong, còn cái hoa sen thì khác. Kỹ thuật khó nhất của hoa sen là khi mình chẻ cánh mình phải chẻ được bản cánh to và mỏng mịn, mượt."

Tác phẩm hoa sen được tỉa từ hai quả đu đủ xanh. (Ảnh: Phạm Huyền)

Đã từng tỉa rất nhiều loại hoa, từ hoa quỳnh, hoa sen, hoa súng, hoa mẫu đơn,... nhưng loại hoa khiến chị Thu đam mê tìm tòi cách tỉa nhiều nhất là hoa cúc. Để tỉa một bông hoa cúc thường mất khoảng 40 - 60 phút tùy theo loại và kích thước. Những bông hoa cầu kỳ sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Ngắm nhìn những bông hoa lung linh được tạo nên từ trái đu đủ xanh, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến sự trợ giúp của những bộ dụng cụ cắt tỉa cầu kỳ để tạo nên những bông hoa này. Thế nhưng thực tế, các dụng cụ để làm nên một bông hoa đu đủ lại đơn giản như dao bổ cau để chẻ cánh hoa; kéo cắt sửa tạo hình cánh hoa; đũa để uốn cong cánh và tăm tạo gân cánh hoa. Trong đó, chiếc dao bổ cau truyền thống của bà, của mẹ ngày xưa có lẽ là dụng cụ đặc biệt vẫn được chị Thu sử dụng từ xưa đến nay và không thay đổi sang bất kì một loại dao nào khác khi tỉa hoa đu đủ chẻ cánh.

Qua nhiều năm nghiên cứu, tự tìm tòi, sáng tạo và làm bằng tất cả đam mê, chị Thu đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm và phát triển bộ môn nghệ thuật tỉa hoa chẻ cánh từ quả đu đủ xanh. Hiện nay chị Thu đã mở các lớp học dạy tỉa hoa đu đủ để gìn giữ, phát triển môn nghệ thuật độc đáo của người Hà Nội. Tỉa hoa đu đủ chẻ cánh không chỉ là một nét đẹp văn hóa Hà Thành mà còn giúp mỗi người rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại.

Những bông hoa sinh động như thật được tỉa từ quả đu đủ xanh. (Ảnh: NVCC)

Từ quả đu đủ xanh, những bông hoa như hoa ngọc lan, hoa bưởi, hoa súng, hoa thược dược hay những bông cúc đại đoá, bông hồng nhung mướt cánh, những bông sen bách diệp dần bung nở rực rỡ tỏa hương sắc được tạo nên từ đôi bàn tay cắt tỉa khéo léo của người con gái Hà Thành.

Dù hiện nay, cuộc sống ở Thủ đô đã có nhiều sự thay đổi với nhịp sống nhanh và hiện đại, thế nhưng vẫn có những người phụ nữ Hà Thành giống như chị Nguyễn Thị Thu đang ngày ngày gìn giữ môn nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống, cũng là gìn giữ lại một nét tinh hoa văn hóa độc đáo của người Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.