Người của làng trở về với mạch giếng làng
Làng Lại Đà, cái làng cổ xưa bên dòng sông Đuống, vốn thuộc huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Vật đổi sao dời, Đông Ngàn về Hà Nội, tên huyện, tên xã có đổi có thay, nhưng tên làng Lại Đà bao đời vẫn nguyên thế.

Con sông Đuống chảy qua làng còn có tên Đông Ngàn, vốn từ sông Hồng tách dòng, cuối cùng cũng nối dòng đổ ra biển lớn.
Người Lại Đà bao đời vẫn thế. Ưa nề nếp, hiếu học, trọng nghĩa tình. Chất nghĩa tình người Kinh Bắc với chất thanh lịch hào hoa người Tràng An thấm đẫm phong hóa, bồi quyện tư chất, hình thành nên tính cách con người của làng.

Có một người con ưu tú của làng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Sinh ra từ làng, uống mạch nước giếng làng, cọng rốn cất vào đất làng, người con của làng lớn lên, rời làng, trưởng thành, thành người của nước, người của Đảng, của dân.
Người ta gọi ông: "Nhà lãnh đạo xuất sắc", "Người cộng sản trung kiên". Người ta gọi ông: "Nhà lý luận sắc sảo", "Người đốt lò vĩ đại"…Và nhiều nữa những danh xưng, tương xứng với tầm thế của con người ông.
Nhưng trước hết ông là người Hà Nội. Trước nữa, ông là người của làng Lại Đà.

Những người thầy thuốc và nhân viên Bệnh viện Quân đội 108 kể rằng, những ngày nằm bệnh viện, nhà lãnh đạo của Đảng vẫn gắng giữ nếp làm việc, vẫn đọc sách, nghiên cứu tài liệu, trao đổi và giải quyết những công việc quan trọng của Đảng và của nước.
Vào những buổi sáng, buổi chiều, khi vãn việc, sau giờ làm thuốc, ông thường ngồi bên chiếc bàn nhỏ, tầm mắt hướng ra phía cửa sổ, dáng trầm tư.

Phía ấy là sông Hồng – Con sông gắn với lịch sử hình thành nước Việt và Thủ đô Thăng Long - Hà Nội.
Phía ấy, ngược lên một đoạn, sông Mẹ tách dòng, sinh ra sông Đuống. Sông Đuống chảy qua làng ông, nối với mạch giếng làng ông.
Mọi con sông đều tìm đường ra biển lớn. Để ra biển lớn, có dòng sông nào không phải vượt lên những đợt sóng ngầm, những ghềnh đá, những khúc ngoặt, khúc quanh?
Để thành sông lớn về với đại dương, có con sông nào không tiếp nhận từ muôn ngàn những mạch nguồn li ti lớn nhỏ?
Người con của Hà Nội, người con của làng Lại Đà, vào những tháng ngày cuối cuộc đời vẫn không thôi đau đáu chuyện thế sự, chuyện Đảng, chuyện dân.
Nhà làm phim tài liệu, NSND Trần Văn Thủy, một người Hà Nội, từng bàn luận về sự tử tế: “Làm sao để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tử tế, là người phấn đấu một đời để có “một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn".
Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi, thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình.
Nhà làm phim tài liệu, NSND Trần Văn Thủy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi hết biển. Chiều nay người của làng trở về làng mình - làng Lại Đà, trở về giếng quê có mạch nước từ nguồn sông Hồng, sông Đuống...
Uông Ngọc Dậu


Con người ta ai lớn lên rồi cũng có cho riêng mình một miền ký ức tươi xanh. Đôi khi vì những bộn bề của cuộc sống hiện tại mà nó bị lãng quên, vùi lấp, đã tưởng nó mất đi. Nhưng không, nó vẫn ở đó. Và trong một trưa đầy nắng, miền ký ức tươi xanh của một người được tắm mát trong tiếng gà cục tác…
Cuộc sống cần có sự kết nối. Con người sống lại càng cần sự kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng nhịp sống hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của thế giới công nghệ, đôi khi lại khiến người ta quên đi sự kết nối, gắn kết với những người xung quanh, lãnh cảm với những gì tồn tại quanh mình. Bởi vậy, mỗi người nên chăng ngắt kết nối với những điều không thực sự cần thiết để kết nối với những điều thực sự thiết thực quanh mình?
Tới bây giờ, có người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao hai thứ không có “họ hàng” gì liên quan lại luôn đi kèm với nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh, rất dễ bắt gặp các quán có biển tên chỉ viết đúng bốn chữ này ở ven đường. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái bởi ý niệm: chè ở Thái Nguyên thì mới ngon nhất.
Les Brown, một nhà diễn thuyết nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vì những thông điệp đầy sức sống, kêu gọi con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và khẳng định chính mình, đã từng nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”.
Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.
Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.
0