Ngành dệt may ứng phó với mức thuế 46%
Một doanh nghiệp đã có đến hai cuộc họp trực tuyến trong ngày với Tập đoàn dệt may Việt Nam và một cuộc họp nội bộ với Phòng Thị trường để nắm bắt, cập nhật thông tin và xây dựng các kịch bản ứng phó.
Năm nay, công ty May 10 đặt mục tiêu doanh thu 5.055 tỷ đồng và ước tính trên 90% sẽ đến từ kim ngạch xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên 60%. Bài toán không hề đơn giản nếu mức thuế 46% được áp cho dệt may sau gần một tuần nữa.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết: “Khi áp mức thuế cao như thế thì giá cả, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, chắc chắn ảnh hưởng đến đầu vào của doanh nghiệp. Lạm phát tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm khiến doanh số sản phẩm thấp. Ngoài ra còn nguy cơ đơn hàng chuyển sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn".
Hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đang chịu thuế suất trung bình 18%, nếu áp mức thuế quan mới sẽ tăng thêm 28%. Tập đoàn dệt may Việt Nam nhìn nhận câu chuyện ở hai góc độ. Thứ nhất đây là lần tăng thuế với tất cả các nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ, chứ không riêng gì Việt Nam. Thứ hai, các đối thủ cạnh tranh cũng bị áp mức thuế tương đối cao. Vì vậy Tập đoàn khuyến nghị các đơn vị thành viên hết sức bình tĩnh vì thông tin hiện nay mới chỉ là bước đầu, cần có thời gian để nhận diện, đánh giá rõ hơn.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất tin tưởng vào động thái của Chính phủ sẽ có những giải pháp linh hoạt, hai bên sẽ thương thảo để đưa ra được mức thuế hợp lý nhất. Về phía Việt Nam, chúng ta vẫn còn dư địa để cải thiện cán cân thương mại ngành dệt may, ví dụ ngành dệt may Việt Nam có thể tăng cường mua bông của Mỹ".
Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Theo ước tính, trên 50% trong tổng kim ngạch 47 – 47,5 tỷ USD của toàn ngành trong năm nay sẽ vào thị trường này.
Mỹ là thị trường quan trọng và rất khó thay thế, song nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, doanh nghiệp cũng có những giải pháp thích ứng. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng ta phải linh hoạt trong sản xuất, kết hợp quản trị tốt với đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ cao, giảm chi phí, giữ được thị phần và khách hàng. Đồng thời tính đến chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm thêm thị trường cung cấp nguyên phụ liệu".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết: “Thứ nhất là đa dạng hóa thị trường, tận dụng các FTA; thứ hai là giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc; thứ ba là tiết kiệm trên mọi lĩnh vực để giảm chi phí, cung cấp cho khách mức giá cạnh tranh nhất".
Dù đối diện với nhiều thách thức, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp linh hoạt thích ứng, biến khó khăn thành cơ hội phát triển bền vững.


Sau ba tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm mạnh. Hiện tại, vàng các thương hiệu đang mua vào 98,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 101,3 triệu đồng/lượng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao kết quả kinh doanh và những đóng góp của Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng đối với kinh tế Việt Nam, trong buổi tiếp đại diện doanh nghiệp này vào chiều ngày 4/4.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét gia hạn việc áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam, để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng với quy định mới.
Nhiều mặt hàng Việt không phải chịu mức thuế đối ứng 46% khi xuất khẩu sang Mỹ như thép, nhôm, đồng, ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm, vàng...
MWG vừa chính thức bổ nhiệm ông Vũ Đăng Linh làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, đánh dấu bước chuyển giao quan trọng sau khi ông Trần Huy Thanh Tùng - một trong những nhà sáng lập rút lui khỏi vị trí điều hành.
0