Ngăn chặn mối nguy hiểm từ chó thả rông

(HanoiTV) - Hình thức nuôi chó, mèo thả rông hiện còn khá phổ biến tại các địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người.

Cần có chế tài mạnh ngăn chặn tình trạng chó thả rông

Trước những mối nguy hiểm luôn rình rập từ chó thả rông, để ngăn chặn tình trạng này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dại trên chó, mèo giai đoạn 2022-2030, trong đó có nội dung thành lập đội bắt chó thả rông ở tất cả xã, phường, thị trấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội - đơn vị tham mưu cho thành phố về kế hoạch này, đội bắt chó thả rông chỉ là một trong các yếu tố để đảm bảo vùng an toàn, không còn bệnh dại. Mục tiêu của đội còn là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chặn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng...

Việc quan trọng nhất là không để chó thả rông, không để chó chạy ra đường mà không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi. Muốn làm được như vậy thì phải tăng cường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông, việc này được rất nhiều người dân đồng tình, ủng hộ.

Hiện 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân đã triển khai các đội bắt chó thả rông tới cấp phường và hoạt động tương đối hiệu quả. Chi cục Thú Y Hà Nội đang phối hợp với 8 quận còn lại tuyên truyền, tập huấn xây dựng các đội bắt chó thả rông.

Chó thả rông bị bắt được nhốt trong lồng sắt, đưa về trụ sở UBND phường để xử lý. Ảnh Infonet

Đối với 17 huyện ngoại thành và một thị xã, ông Sơn cho rằng việc lập đội trước mắt chưa khả thi do người dân chủ yếu nuôi chó thả rông để trông giữ nhà, tài sản ở khu vực rộng. Việc này sẽ cần thời gian để vận động, thuyết phục người dân. Đây cũng là khó khăn chung của tất cả địa phương, không riêng Hà Nội.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, 579 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội được giao thành lập đội bắt chó, mèo thả rông nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi. Mỗi xã, phường bố trí khu vực nuôi nhốt, xử phạt chủ nuôi vi phạm quy định. Sau 48 giờ từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý.

Chó thả rông gây nguy hiểm như thế nào?

Việc nuôi chó để giữ nhà, làm cảnh ở các gia đình từ thành thị đến nông thôn tương đối phổ biến, nhưng hầu như chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ như nhốt, xích lại trong nhà mà để chó thả rông chạy tự do ngoài đường.

Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định khá cụ thể về trách nhiệm của người chủ nuôi chó. Song trên thực tế, dường như ít ai quan tâm đến quy định này.

Việc xem nhẹ những quy định về chăn nuôi chó của nhiều người đã gây ra không ít hệ lụy khó lường. Bởi chó không chỉ là nguồn lây truyền bệnh dại khi mắc bệnh tấn công con người mà còn là thủ phạm gây ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đau lòng.

Nhiều chủ nuôi không tiêm phòng cho chó dẫn tới tình trạng chó dễ bị mắc bệnh dại. Ngoài nỗi lo chó cắn người truyền bệnh dại thì chó thả rông còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có từ 60.000 - 70.000 người chết do bệnh dại, trung bình cứ 10 đến 15 phút lại có một người chết vì bệnh dại.

Còn ở nước ta tình trạng chó cắn người cũng có chiều hướng gia tăng, đã xảy ra không ít trường hợp chó dại cắn người tập thể, chó thả rông cắn người dân, đặc biệt là trẻ em bị chó nhà cắn gây thương tích, thậm chí dẫn đến tử vong… gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân thời gian qua.

Chó thả rông, đặc biệt là chó dữ tiềm ẩn mối nguy hiểm cho mọi người

Pháp luật quy định rõ hình thức xử phạt chủ nuôi chó thả rông

Pháp luật không ngăn cấm việc nuôi nhốt động vật, nhưng việc nuôi động vật trong nhà phải tuân thủ theo đúng quy định, nếu không thì người nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý từ những hệ lụy từ thói quen thả rông động vật nuôi gây thiệt hại cho người khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Cụ thể, Điều 7, Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…

Bên cạnh đó, Luật Thú y cũng đã có quy định, người nuôi chó phải có trách nhiệm tiêm phòng, trường hợp chó ra ngoài phải rọ mõm, nếu không rọ mõm thì chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt hành chính, đặc biệt nếu chó gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi chó sẽ bị xử lý hình sự.

Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều này hết sức nguy hiểm khi bất cứ lúc nào chó cũng có thể tấn công người xung quanh hoặc chạy ra đường làm cản trở giao thông, gây tai nạn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngành đường sắt sẽ chạy thêm gần 20 chuyến tàu trên các tuyến phía Bắc trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 19/4 đã dự lễ khánh thành vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Ban Chỉ đạo 197 các phường của quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, Nghị quyết Thành ủy, UBND TP và Công an TP Hà Nội về công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, từ đó có nhiều chuyển biến tích cực.

Xe buýt và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoạt động xuyên dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh ngày 19/4 đã có mặt trấn an và giải cứu thành công một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc bị mắc kẹt trong thang máy.