Nga, Ukraine đàm phán lần 3: Kết quả đã được báo trước
Cuộc đàm phán thứ ba giữa Ukraine và Nga kết thúc chỉ sau 40 phút, ngắn nhất so với hai vòng đàm phán trước đó diễn ra vào ngày 16/5 và 2/6. Đúng như dự báo, vòng hoà đàm lần này chỉ đạt kết quả khiêm tốn khi hai bên đạt thỏa thuận mới về trao đổi tù binh và nhân đạo nhưng chưa có tiến triển nào về các điều khoản ngừng bắn hay khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh.
Ngày 23/7, Nga và Ukraine đã tiến hành vòng hòa đàm thứ ba tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc xung đột dai dẳng kéo dài suốt hơn ba năm qua. Theo hãng thông tấn TASS, cuộc đàm phán kết thúc chỉ sau 40 phút, ngắn nhất so với hai vòng đàm phán trước đó diễn ra vào ngày 16/5 và 2/6. Đúng như dự báo của giới quan sát, trong bối cảnh lập trường của hai bên vẫn còn rất khác biệt, vòng hoà đàm lần này chỉ đạt kết quả khiêm tốn khi hai bên đạt thỏa thuận mới về trao đổi tù binh và nhân đạo nhưng chưa có tiến triển nào về các điều khoản ngừng bắn hay khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh.
Không có bước đột phá
Như những lần trước, vòng đàm phán hoà bình thứ ba giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Cung điện Chiragan ở Istanbul. Thành phần của cả hai phái đoàn hầu như không thay đổi. Phái đoàn Nga do Trợ lý tổng thống, ông Vladimir Medinsky dẫn đầu. Ông Medinsky một lần nữa được tháp tùng bởi Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin và Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga Igor Kostyukov. Phái đoàn Nga cũng bao gồm một số chuyên gia.
Trong khi đó, phái đoàn Ukraine đã tăng từ 12 lên 14 người, vẫn do ông Rustem Umerov, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người vừa được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng dẫn đầu.
Thông báo kết quả cuộc đàm phán, trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky cho biết hai bên đã đồng ý tiếp tục trao đổi công dân, bao gồm tù binh chiến tranh, thi thể binh sĩ hy sinh và dân thường bị cưỡng bức di tản hoặc chia cắt khỏi quê hương trong quá trình giao tranh.
Theo đó, hai bên đồng ý trao đổi thêm 1.200 tù binh chiến tranh. Ngoài ra, Nga đã đề nghị trao trả thêm 3.000 thi thể binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Kể từ khi bắt đầu đàm phán, Nga tuyên bố đã trao trả 7.000 thi thể quân nhân Ukraine, trong khi nhận lại khoảng 100 thi thể binh sĩ. Đồng thời, Moscow đề xuất các lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ hoặc 48 giờ nhằm tạo điều kiện cho việc sơ tán thương binh và thu gom thi thể trên chiến trường.
Ông Medinsky cũng nói rằng Nga đã mời Ukraine thành lập ba nhóm làm việc trực tuyến, tập trung vào ba lĩnh vực chính trị, nhân đạo và quân sự để tiếp tục đối thoại. Kiev được cho là đã đồng ý xem xét đề xuất này.
Liên quan đến vấn đề trẻ em, ông Medinsky cho biết: “Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng toàn bộ danh sách đầy đủ gồm 339 tên của trẻ em Ukraine. Một số trẻ em đã được đưa trở về Ukraine. Công việc đang được tiến hành với những trẻ em còn lại. Nếu tìm thấy cha mẹ hợp pháp, người thân, người đại diện, những trẻ em này sẽ ngay lập tức trở về nhà. Đối với chúng tôi, trẻ em là thiêng liêng.”
Từ khi xung đột leo thang vào năm 2022, Nga khẳng định đã sơ tán trẻ em khỏi vùng chiến sự để đảm bảo an toàn cho đến khi có thể đoàn tụ với gia đình.
Mặc dù hai bên đã đạt được một số tiến triển về mặt nhân đạo, song vẫn chưa có bước đột phá nào liên quan đến các điều khoản ngừng bắn hay khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Medinsky cho biết hai bên đã thảo luận về danh sách các yêu cầu hòa bình mà họ đã trao đổi trong cuộc gặp trước đó vào tháng 6, nhưng không đạt được nhiều tiến triển do vẫn còn khác biệt sâu sắc ở nhiều vấn đề then chốt. Mặc dù vậy, đối thoại sẽ tiếp tục và phía Nga bày tỏ hy vọng vòng đàm phán thứ tư sẽ sớm diễn ra.
Theo giới quan sát, mặc dù cả Kiev và Moscow đều nói rằng họ muốn chấm dứt xung đột, nhưng quan điểm của hai bên về cách thức đạt được một thỏa thuận hòa bình vẫn rất khác biệt. Ukraine yêu cầu ngừng bắn hoàn toàn trước khi thảo luận về một nền hòa bình lâu dài, trong khi Nga lại muốn điều ngược lại, yêu cầu hai bên cần thống nhất về các điều khoản hòa bình trước khi ngừng bắn.
Không chỉ vậy, lập trường của hai bên về cách thức chấm dứt xung đột cũng “hoàn toàn đối lập”. Trong khi Nga yêu cầu Ukraine phải trung lập, cam kết không tham gia các liên minh quân sự và công nhận quốc tế đối với Crimea, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson là lãnh thổ của Nga, thì Ukraine khẳng định nước này sẽ không bị buộc phải giữ thái độ trung lập - bao gồm cả lựa chọn trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Những quan điểm đối lập này đã định hình cách tiếp cận đàm phán của mỗi bên.
Ukraine đang nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ. Tại vòng đàm phán thứ ba, phái đoàn Ukraine đã đề xuất tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuối tháng 8 để thảo luận về việc chấm dứt xung đột.
Ưu tiên số một là tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, các tổng thống. Chúng tôi đề xuất phía Nga tổ chức một cuộc gặp như vậy giữa các nhà lãnh đạo cho đến cuối tháng 8. Bằng việc chấp thuận đề xuất này, Nga có thể thể hiện rõ ràng cách tiếp cận mang tính xây dựng của mình với tất cả mọi người trên thế giới, bao gồm cả các đối tác của chúng tôi. Ukraine vẫn kiên trì yêu cầu một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, coi đó là nền tảng cần thiết cho ngoại giao hiệu quả.”
Trong khi đó, khi được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa tổng thống hai nước, ông Medinsky cho rằng còn quá sớm để bàn tới. Ông nói, cuộc gặp như vậy chỉ có thể diễn ra sau khi hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung thỏa thuận hòa bình, và sẽ chỉ mang tính chất ký kết chứ không phải là nơi để tiếp tục đàm phán.
Đàm phán có phải bẫy chiến lược?
Theo nhận định của giới quan sát, hai vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã đề cập đến những nội dung tương đối dễ dàng, và các vấn đề cốt lõi sẽ tiếp tiếp tục được bàn thảo mới là “thứ khó nhằn”. Trước vòng đàm phán này, ngay cả Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng khó có thể xảy ra “những đột phá kỳ diệu”. Vậy đâu là lý do khiến hai bên ngồi vào bàn đàm phán?
Theo giới quan sát, áp lực từ cộng đồng quốc tế là một trong những yếu tố chính thúc đẩy các cuộc đàm phán. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra “tối hậu thư” 50 ngày đối với Nga, đe dọa sẽ áp đặt mức thuế quan cao đối với Moscow và các đối tác của nước này nếu Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận.
Đây là một cuộc chiến khủng khiếp, và nếu không đạt được thỏa thuận trong vòng 50 ngày, thì đó là những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang nói đến mức thuế 100% hoặc tương tự. Chúng tôi có thể áp thuế quan thứ cấp”.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, cả Nga và Ukraine không bên nào sẵn sàng công khai từ bỏ tiến trình hòa bình vì sợ làm mất lòng Tổng thống Mỹ và khiến ông đứng về phía bên kia. Ukraine đang cố gắng duy trì sự hỗ trợ quân sự và các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga. Trong khi Điện Kremlin cũng muốn giảm thiểu bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ và ngăn ông Trump cung cấp các loại vũ khí mạnh hơn cho Kiev.
Từ góc nhìn của Nga và Ukraine, mặc dù “cuộc chơi” vẫn đang tiếp diễn, nhưng mong muốn và nhu cầu về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột vẫn không thay đổi. Khi tình hình trên chiến trường bế tắc, đàm phán cũng là một biện pháp cần thiết để xoa dịu tình hình và hướng tới các lợi ích chiến lược.
Một số nhà phân tích tin rằng Ukraine đang lợi dụng vòng đàm phán thứ ba này để thể hiện với Washington rằng Kiev đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Mặt khác, trong bối cảnh Nga và Ukraine, cũng như Nga và phương Tây, không tin tưởng lẫn nhau, nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng việc ông Zelensky đột ngột đề xuất đàm phán có thể là một cái bẫy chiến lược.
Ông Alexey Podberezkin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow cho hay: “Tình hình hiện tại tương tự như việc thực hiện Thỏa thuận Minsk. Về cơ bản, phương Tây đã cho Ukraine 50 ngày để lấy lại bình tĩnh và tái vũ trang, bởi vì phương Tây mất khoảng một tháng rưỡi để cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine. Ukraine chỉ cần đổ lỗi cho Moscow về sự thất bại của các cuộc đàm phán là có thể nhận được viện trợ quân sự một cách hợp pháp”.
Điện Kremlin đến nay vẫn khẳng định Moscow sẵn sàng hướng tới một giải pháp hòa bình nhưng cần đạt được các mục tiêu của mình.
Ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: “Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn về một giải pháp hòa bình cho Ukraine. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, không hề dễ dàng và dường như Washington đang ngày càng hiểu rõ điều này.”
Vừa đánh vừa đàm
Vòng hoà đàm thứ ba giữa Nga và Ukraine diễn ra trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều đang cố gắng giành thêm lợi thế mặc cả cho các cuộc đàm phán thông qua chiến thắng trên tiền tuyến. Trong bối cảnh ấy, rất khó để hai bên đạt được những nhượng bộ đáng kể trên bàn đàm phán. Ukraine hiện đã tự tin hơn để tiếp tục chiến đấu sau khi nhận được lời hứa viện trợ quân sự từ chính quyền Trump và sự hỗ trợ của châu Âu. Trong khi đó, Nga đang đẩy mạnh tấn công trên nhiều mặt trận.
Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công ồ ạt vào Nga bằng máy bay không người lái và bom dẫn đường. Chỉ trong đêm ngày 22/7 và đêm 23/7, các hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ hơn 80 máy bay không người lái trên khắp 7 khu vực, gồm Bryansk, Kursk, Rostov, Oryol, Kaluga, Tula và Lipetsk. Trong vòng 24 giờ, khoảng 256 UAV của Ukraine và 6 quả bom dẫn đường đã bị phá hủy. Trong số này có cả máy bay không người lái tấn công hạng nhẹ và UAV tấn công trinh sát lớn hơn, cũng như tên lửa Neptune. Mục tiêu của các cuộc tấn công là các khu vực biên giới và các thành phố lớn. Nhìn chung, hệ thống phòng không của Nga vẫn duy trì hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại và thương vong.
Để đáp trả các cuộc tấn công từ Ukraine, lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành các cuộc tấn công lớn bằng vũ khí có độ chính xác cao, bao gồm tên lửa siêu thanh Kinzhal, nhắm vào các sân bay, cơ sở công nghiệp và căn cứ thiết bị ở các tỉnh Kiev, Odesa, Dnipropetrovsk, Sumy và Kharkiv. Gần Odesa, lực lượng Nga đã triển khai hơn 10 máy bay không người lái tấn công vào các sân bay "Shkolny" và "Gidroport", gây ra các vụ cháy lớn. Tại tỉnh Dnipropetrovsk, các vị trí của Lữ đoàn Tấn công Đường không Độc lập số 25 của Ukraine được cho là đã bị phá hủy và cơ sở hạ tầng quân sự bị thiệt hại. Nga cũng thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng đường sắt tại các trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine nhằm ngăn chặn Kiev di chuyển thiết bị và vật tư.
Trên hướng Sumy, quân đội Nga tiếp tục các hoạt động tấn công tích cực. Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc đã giành được quyền kiểm soát khu định cư Varachino, tiến vào Yunakovka và đang tham gia vào các cuộc giao tranh ác liệt gần Kondrativka. Các đơn vị Nga dự kiến sẽ sớm tiếp cận đường cao tốc H07 dẫn đến thành phố Sumy.
Trên mặt trận Pokrovsk, kênh Military Summary đưa tin tình trạng hỗn loạn đã xảy ra khi quân đội Ukraine mất kiểm soát. Những hình ảnh mới nhất cho thấy nhiều đơn vị trinh sát đặc nhiệm của Nga đã ồ ạt xâm nhập trung tâm thành phố. Trong quá trình đánh chặn các đơn vị Moscow, lực lượng Kiev được cho là thường xuyên tự bắn lẫn nhau do không xác định được địch - ta. Tuy không phải là một đô thị lớn, nhưng Pokrovsk nằm trên một tuyến đường tiếp tế và đường sắt quan trọng kết nối thành phố này với các trung tâm quân sự khác trong khu vực. Cùng với Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk, Pokrovsk tạo thành xương sống của hệ thống phòng thủ của Ukraine ở một phần vùng Donetsk. Nếu mất Pokrovsk, Ukraine sẽ đối mặt với thách thức lớn để đảm bảo tiếp tế hậu cần cho mặt trận Donetsk và sẽ càng thêm bất lợi trước Nga.
Vòng hoà đàm kéo dài khoảng 40 phút ngày 23/7, có lẽ không đủ thời gian để Nga và Ukraine thảo luận chi tiết về các đề xuất hòa bình vẫn còn nhiều điểm khác biệt, nhưng vẫn mang lại những tiến triển nhất định. Trước hết, đây là cơ hội để hai bên thể hiện thiện chí trong việc tiếp tục giải quyết các vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột đã khiến hơn một triệu người thiệt mạng hoặc bị thương. Bên cạnh đó, có thông tin cho biết các trưởng đoàn đã gặp riêng lần thứ hai trước cuộc đàm phán chính thức. Theo đài phát thanh nhà nước Nga Mayak, cuộc gặp giữa ông Umerov và ông Medinsky kéo dài hơn cuộc đàm phán chính thức. Những cuộc gặp như thế này có thể tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận thực chất hơn trong tương lai.