Nga trút đợt bão lửa dữ dội xuống Kiev

Lực lượng vũ trang Nga đã phát động một cuộc tấn công phối hợp vào các mục tiêu của Ukraine vào ngày 24/4. Đây là một trong những cuộc tấn công mạnh mẽ nhất kể từ khi xung đột bùng phát.

Nga tấn công Kiev dữ dội nhất từ trước đến nay

Ngày 24/4, lực lượng vũ trang Nga đã phát động một cuộc tấn công phối hợp vào các mục tiêu của Ukraine. Các phóng viên chiến trường gọi cuộc tấn công này là một trong những cuộc tấn công mạnh mẽ nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Một loạt tiếng nổ vang lên ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko thông báo về hoạt động của hệ thống phòng không. Ngay trước đó, còi báo động không kích vang lên khắp Kiev trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Cuộc tấn công nhắm vào 13 vị trí ở Ksssiev, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, 90 người bị thương. Cuộc không kích cũng được thực hiện vào cơ sở hạ tầng đường sắt ở Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định rút ngắn chuyến công du Nam Phi để trở về nước.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào các cơ sở quân sự và năng lượng ở Ukraine cùng cơ sở hạ tầng liên quan.

Một tên lửa đạn đạo phát nổ trên bầu trời thành phố trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Thủ đô Kiev của Ukraine ngày 24/4. Ảnh: Reuters.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin, cuộc tấn công của Nga vào ngày 24/4 là tuyên bố cho thấy, quân đội Nga vẫn tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự và gần quân sự ở Ukraine. Ông Peskov nhấn mạnh rằng, Ukraine đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn và đây là lúc quân đội Nga tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Tổng tư lệnh tối cao giao phó. Và trong khuôn khổ này, lực lượng Nga tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự và gần quân sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, ông “không hài lòng” sau khi Nga phát động đợt tấn công Kiev dữ dội nhất trong 9 tháng qua, đồng thời kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin dừng lại.

Nga kiểm soát làng ở Donbass

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/4, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát làng Bogdanovka ở Donbass.

"Nhờ các hành động tích cực của các đơn vị thuộc nhóm lực lượng trung tâm, khu định cư Bogdanovka ở Cộng hòa nhân dân Donetsk đã được giải phóng", báo cáo cho biết.

Ngoài ra, lực lượng trung tâm còn đánh bại một lữ đoàn cơ giới hạng nặng, hai lữ đoàn cơ giới, một lữ đoàn tấn công và cơ động đường không, một lữ đoàn hệ thống không người lái của lực lượng vũ trang Ukraine và một lữ đoàn vệ binh quốc gia Ukraine tại các khu vực Novaya Poltavka, Lysovka, Vodyanskoye, Udachnoye, Krivorozh'ye ở Cộng hòa nhân dân Donetsk, cũng như Mezhevaya và Novopidgorodnoye ở vùng Dnipropetrovsk.

Trong 24 giờ qua, phía Ukraine mất khoảng 410 binh lính; một xe bọc thép chiến đấu; 6 xe ô tô và hai khẩu pháo.

Binh sĩ Ukraine nỗ lực đối phó với các đợt tấn công của Nga. Ảnh: Getty

Nga đánh bại lực lượng Ukraine tại biên giới Kursk

Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhóm cánh quân phía Bắc đã đánh bại đội hình của ba lữ đoàn tấn công trên không và một lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ của lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực biên giới Kursk, gần khu định cư Gornal và Oleshnya.

Đồng thời, các máy bay không người lái và lực lượng pháo binh đã tấn công quân đội Ukraine đồn trú tại các làng Belovody, Varachino, Vodolaghi, Glubokoe, Zapselye, Loknya, Malaya Rybitsa, Miropolye, Mogritsa, Sadki, Yunkovka và Yablonovka ở vùng Sumy của Ukraine.

Lực lượng Nga dồn lực đẩy lùi các đơn vị Ukraine cuối cùng khỏi Kursk. Ảnh: Tass.

Theo hướng Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong vòng một ngày, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 150 quân nhân, 1 xe thiết giáp chiến đấu, 1 khẩu pháo, 2súng cối, 1 bệ phóng tên lửa đa nòng, 10 xe, cũng như 11 điểm điều khiển UAV và 2 kho đạn bị phá hủy.

Kể từ đầu chiến dịch Kursk đến nay, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 75.860 quân nhân, 412 xe tăng, 337 xe chiến đấu bộ binh, 311 xe bọc thép chở quân, 2.285 xe chiến đấu bọc thép, 2.775 ô tô, 643 đơn vị pháo tự hành và pháo dã chiến và 63 bệ phóng tên lửa đa nòng.

Ukraine triển khai lính đánh thuê tới biên giới với Nga

Ngày 24/4, ông Yevhen Lisnyak, Phó Giám đốc cơ quan quản lý quân sự - dân sự của vùng Kharkov phụ trách quốc phòng và an ninh do Nga bổ nhiệm cho biết, Bộ Chỉ huy Ukraine đang tập trung nhân sự và thiết bị quân sự tại khu vực làng Velykyi Burluk thuộc quận Kupyansk. Ông lưu ý rằng, khu định cư này nằm gần biên giới của vùng Belgorod. Theo ông Lisnyak, số lượng lính đánh thuê nước ngoài trong các đơn vị lực lượng vũ trang Ukraine đang được triển khai tại khu vực Kupyansk vượt quá số lượng quân nhân mang quốc tịch Ukraine.

Quan chức Nga cho biết thêm, lực lượng vũ trang Ukraine đã thu thập được nhiều loại thiết bị khác nhau tại địa điểm này, gồm xe bọc thép, xe địa hình và xe buggy hạng nhẹ.

"Thiết bị được ngụy trang, đặt trong nhà riêng, trong gara và cả ở những khu vực có thảm thực vật rậm rạp, khiến việc phát hiện bằng mắt thường trở nên khó khăn", vị quan chức này nhấn mạnh.

Tướng Shoigu: Mỹ hiểu lập trường của Nga về lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc phỏng vấn ngày 24/4 với hãng thông tấn TASS cho rằng, Mỹ đã bày tỏ sự hiểu biết về lập trường của Nga về các điều khoản ngừng bắn ở Ukraine.

Theo ông Shoigu, Moscow sẵn sàng ngừng bắn và đàm phán hòa bình, nhưng chỉ với điều kiện nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine phải được loại bỏ và có sự đảm bảo đáng tin cậy cho an ninh của Nga. Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang nhấn mạnh rằng, phía Nga đã nêu rõ lợi ích của mình, có tính đến tình hình hiện tại ở tiền tuyến và chuyển đến chính quyền Mỹ.

"Lãnh đạo Nga xuất phát từ nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine và đảm bảo an ninh cho Liên bang Nga"; "Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, chúng tôi sẵn sàng ngừng bắn, đình chiến, đàm phán hòa bình, nhưng chỉ khi lợi ích và thực tế 'trên thực địa' của chúng tôi được xem xét đầy đủ. Quan điểm của chúng tôi đã được chuyển đến chính quyền Mỹ và được tiếp nhận với sự thông cảm", ông Shoigu nói.

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergey Shoigu. Ảnh: Sputnik.

Tuyên bố của ông Shoigu là một tín hiệu nữa về khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao, mặc dù các bước cụ thể đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Nói về khả năng ngừng bắn ở Ukraine, ông Shoigu lưu ý rằng "luôn có triển vọng". Ông nhắc lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói khá rõ ràng về chủ đề này: lệnh ngừng bắn là điều có thể nếu đó là khởi đầu của một nền hòa bình lâu dài, chứ không phải là nỗ lực tuyên bố một đợt ngừng bắn và tập hợp lại các đội hình vũ trang của Ukraine.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga lưu ý rằng: "một bộ phận giới tinh hoa phương Tây vẫn quyết tâm tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine và đang cố gắng phá hoại hoặc làm tổn hại đến cuộc đối thoại Nga - Mỹ vốn vừa mới bắt đầu". "Bất chấp các thỏa thuận về việc ngừng tấn công lẫn nhau vào cơ sở hạ tầng năng lượng, đạt được với sự tham gia của Mỹ, chính quyền Kiev với sự hỗ trợ tích cực của các nước châu Âu vẫn tiếp tục tấn công các cơ sở như vậy hàng ngày", ông nhấn mạnh.

Vấn đề giải quyết xung đột ở Ukraine vẫn là tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới. Theo hãng tin Reuters, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường nỗ lực tìm cách hạ nhiệt xung đột, bao gồm cả các cuộc tiếp xúc không chính thức với các quan chức Nga. Các nguồn tin của cơ quan này cho biết, Washington đang cân nhắc các phương án gây sức ép buộc Kiev thúc đẩy các cuộc đàm phán, mặc dù Nhà Trắng vẫn tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Ukraine. Theo The Wall Street Journal, các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, việc kéo dài xung đột có thể làm cạn kiệt thêm nguồn lực của cả Ukraine và các đồng minh phương Tây.

Nga lên tiếng sau tuyên bố về Crimea của Tổng thống Zelensky

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/4 cho biết, phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc không công nhận Crimea là của Nga một lần nữa chứng minh Kiev không có khả năng đàm phán.

Bà Zakharova chỉ ra rằng, Tổng thống Zelensky đã kiên quyết từ chối bất kỳ nhượng bộ nào và tuyên bố không công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn đàm phán ngừng bắn theo các điều khoản của riêng ông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/4 chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì tuyên bố Ukraine sẽ không công nhận việc Nga kiểm soát Crimea. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, tuyên bố này rất nguy hại cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga vì theo ông, bán đảo Crimea đã "bị mất" cách đây nhiều năm và thậm chí không còn là một vấn đề được đưa ra thảo luận.

Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Không ai yêu cầu ông Zelensky phải công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, nhưng nếu ông Zelensky thực sự muốn giành lại Crimea, vậy thì tại sao Ukraine không chiến đấu để giữ nó từ 11 năm trước, khi bán đảo này sáp nhập vào Nga mà không có một phát súng nào được bắn ra?”.

Theo ông Trump, “những tuyên bố mang tính kích động như của ông Zelensky khiến cho việc chấm dứt cuộc chiến này trở nên vô cùng khó khăn” và “sẽ không mang lại điều gì ngoài việc kéo dài ‘cánh đồng chết chóc’ và không ai mong muốn điều đó cả!”.

Trước đó vào ngày 22/4, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng, việc công nhận Crimea là một phần của Nga sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine. Ukraine khẳng định cam kết theo đuổi một lệnh ngừng bắn toàn diện vô điều kiện.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ukraine hy vọng Mỹ sẽ cấp cho nước này sự hỗ trợ an ninh dài hạn theo mô hình mối quan hệ giữa Washington và Israel.

Phía Nga khẳng định cuộc gặp gỡ kéo dài 3 tiếng giữa đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng, giúp thu hẹp bất đồng giữa Moscow và Washington về vấn đề Ukraine.

Quân đội Ấn Độ và Pakistan ngày 25/4 đã đấu súng dữ dội vào các vị trí dọc đường Ranh giới Kiểm soát phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/4 khẳng định rằng, Ukraine và Nga đã tiến rất gần tới một thỏa thuận, đồng thời kêu gọi hai bên gặp nhau để đàm phán cấp cao về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn ba năm qua.

Lễ tang của cố Giáo hoàng Francis dự kiến diễn ra hôm nay (26/4), thu hút nhiều chức sắc và tín đồ từ khắp nơi trên thế giới.

Điện Kremlin sáng 26/4 đã lên tiếng cáo buộc Ukraine sau khi Trung tướng Yaroslav Moskalik, Phó Cục trưởng tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga, thiệt mạng trong một vụ nổ bom xe ở ngoại ô Moscow vào hôm 25/4.