Nga thông tin về tổn thất của Ukraine tại Kursk
Về các khí tài quân sự, Ukraine mất 410 xe tăng, 334 xe chiến đấu bộ binh, 305 xe bọc thép chở quân, 2.277 xe chiến đấu bọc thép, 2.734 xe, 618 khẩu pháo, 57 bệ phóng hệ thống tên lửa phóng loạt, bao gồm 15 hệ thống HIMARS và 7 hệ thống MLRS do Mỹ sản xuất, 28 bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không, một pháo phòng không tự hành, 10 xe vận chuyển và nạp đạn, 125 trạm tác chiến điện tử, 18 radar phản pháo và 12 radar phòng không.
Lực lượng vũ trang Ukraine cũng mất 57 đơn vị kỹ thuật và thiết bị khác, bao gồm 23 xe kỹ thuật để dọn chướng ngại vật, một đơn vị rà phá bom mìn UR-77, 5 xe rải cầu, một xe trinh sát kỹ thuật, cũng như 15 xe sửa chữa và phục hồi thiết giáp và một xe chỉ huy và tham mưu.

Truyền thông Nga đưa tin lực lượng Nga đã phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng của quân đội Ukraine tại khu vực Kursk, tiến gần hơn tới việc giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay đối phương. Lực lượng vũ trang Nga ngày 15/4 đã phong tỏa tàn quân Ukraine ở khu định cư Gornal thuộc tỉnh Kursk - một trong số ít thành trì cuối cùng của Ukraine tại khu vực này. Một nguồn tin trong nhóm tác chiến phía Bắc cho biết, quân đội Nga đã chặn đứng lực lượng Ukraine ở Gornal và đã kiểm soát được các tuyến đường tiếp tế của Kiev ở khu vực Kursk. Lực lượng vũ trang Ukraine đang gặp phải những vấn đề lớn trong hàng ngũ bộ binh còn lại ở tuyến đầu tại Gornal.
Trước đó, các nguồn tin cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Gornal sau khi từ chối đầu hàng đã cố gắng di chuyển đến vùng biên giới Sumy trong điều kiện thiếu các thiết bị hạng nặng.
Nga kiểm soát thêm hai khu định cư tại Donetsk
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các lực lượng thuộc nhóm tác chiến trung tâm đã giành quyền kiểm soát khu định cư Preobrazhenka thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk.
Ngoài ra, lực lượng trung tâm còn đánh bại ba lữ đoàn cơ giới và tấn công một lữ đoàn hệ thống không người lái của lực lượng vũ trang Ukraine và hai lữ đoàn vệ binh quốc gia Ukraine tại các khu vực Ulyanovka, Uspenovka, Krasnoarmeysk, Novoekonomichesky và Mirolyubovka.

Trong 24 giờ qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 385 binh lính; ba xe bọc thép chiến đấu; 6 chiếc ô tô và 5 khẩu pháo dã chiến.
Lực lượng vũ trang Nga cũng đã giành quyền kiểm soát khu định cư Uspenovka ở Cộng hòa nhân dân Donetsk. Quân nhân thuộc trung đoàn súng trường cơ giới thuộc nhóm tác chiến trung tâm cũng tấn công và phá hủy thiết bị quân sự và máy bay không người lái của lực lượng vũ trang Ukraine.
Vùng đệm giữa Nga và Ukraine được đề xuất tăng lên 200 km
Vấn đề vùng đệm giữa Nga và Ukraine đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh các cuộc tấn công diễn ra ở các khu vực biên giới và các cuộc thảo luận về một giải pháp hòa bình khả thi. Kênh Telegram “Military Chronicle” đã công bố một bài phân tích so sánh hai phương án về vùng lãnh thổ phi quân sự - rộng 30 km và 200 km, nhấn mạnh tác động của chúng đối với an ninh.
Theo các tác giả, một khu vực rộng 30 km không đủ khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nga như Kursk và Belgorod khỏi các loại vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa HIMARS của Mỹ, Storm Shadow và ATACMS của Anh, có tầm bắn lên tới 300 km.

Ảnh: TASS.
Khoảng cách này cho phép đối phương duy trì lợi thế chiến thuật bằng cách tiếp tục pháo kích, tấn công bằng máy bay không người lái FPV và triển khai các nhóm phá hoại và trinh sát (DRG). Đồng thời, vùng 200 km làm thay đổi hoàn toàn tình hình, đẩy các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine như sân bay, nhà kho, sở chỉ huy và hệ thống phòng không, ra xa một khoảng cách an toàn, làm giảm hiệu quả trinh sát và gián đoạn liên lạc tác chiến và tạo không gian cho Nga cơ động.
Bài phân tích nhấn mạnh, vùng đệm hẹp này mang tính biểu tượng nhiều hơn là biện pháp an ninh thực sự. Công nghệ hiện đại cho phép thực hiện các cuộc tấn công từ khoảng cách xa và máy bay không người lái và pháo binh có thể dễ dàng bao phủ phạm vi 30 km, khiến các thị trấn biên giới trở nên dễ bị tấn công. Ngược lại, hành lang dài 200 km tạo ra một rào cản đáng kể, khiến đối phương khó phối hợp và hỗ trợ các vị trí tiền phương hơn, đồng thời làm giảm mật độ phòng không, khiến khu vực này khó bị tấn công hơn.
Tổng thống Phần Lan: Ukraine sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết, Ukraine đã sẵn sàng ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong cuộc xung đột hiện nay với Nga. Viết trên mạng xã hội X, ông Stubb cho biết, ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Kiev đã bày tỏ sẵn sàng ngừng giao tranh. Tổng thống Phần Lan khẳng định, nước này và Ukraine tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững, song không nêu chi tiết về lộ trình và điều kiện cụ thể. Ông cũng kêu gọi Nga đồng ý ngừng bắn vô điều kiện. Ukraine và Nga hiện chưa bình luận các phát biểu của Tổng thống Phần Lan. Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida vào cuối tháng 3, Tổng thống Phần Lan đề xuất ấn định ngày 20/4 là thời hạn chót để thực hiện lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga. Ngày 18/3, Moscow và Kiev đã nhất trí tạm ngừng tấn công hạ tầng năng lượng của nhau. Một tuần sau đó, hai bên đồng ý ngừng bắn trên Biển Đen.

Tuy nhiên đến nay, cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng của nhau. Truyền thông Nga đưa tin, thỏa thuận ngừng bắn năng lượng kéo dài 30 ngày giữa Nga và Ukraine, kết thúc vào ngày 18/4, đang đứng trước nguy cơ không được gia hạn khi Moscow cáo buộc Kiev vi phạm thỏa thuận hơn 100 lần.
Ukraine thảo luận cam kết an ninh với Mỹ và châu Âu
Các quan chức cấp cao của Ukraine đã đến Paris, Pháp để thúc đẩy các cam kết bảo đảm an ninh từ các đối tác châu Âu và Mỹ. Chuyến đi diễn ra khi Mỹ đang tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Phái đoàn Ukraine bao gồm Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, quyền Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Theo ông Yermak, phái đoàn Ukraine sẽ có hàng loạt cuộc họp song phương và đa phương với đại diện các quốc gia thuộc “liên minh tự nguyện” nhằm hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Liên minh do Anh và Pháp dẫn đầu được thành lập vào tháng 3, quy tụ khoảng 30 quốc gia, trong đó 6 nước đã bày tỏ sẵn sàng triển khai lực lượng giám sát nếu có lệnh ngừng bắn. Tại Pháp, các quan chức Ukraine cũng sẽ gặp phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu. Hai quan chức này đang có mặt tại Paris với mục tiêu thúc đẩy kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu vẫn tỏ ra lo ngại khi Washington từ chối đưa binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Anh đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Donald Trump hỗ trợ tình báo hoặc không quân, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Truyền thông phương Tây cho biết, nội bộ chính quyền Trump hiện đang có sự chia rẽ về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoại trưởng Rubio được cho là ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga, trong khi đặc phái viên Witkoff tiếp tục theo đuổi khả năng đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga gọi kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine là điên rồ
Ngày 17/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi kế hoạch của Pháp và Anh về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia tới Ukraine là "điên rồ".
"Bất chấp mọi nỗ lực, Paris và London vẫn không thể đạt được sự thống nhất ủng hộ cho kế hoạch điên rồ mà họ đang thúc đẩy nhằm triển khai tại Ukraine, theo như họ đã xây dựng, một 'lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia' bao gồm các đơn vị từ một số quốc gia thành viên NATO", bà Maria Zhararova nói trong một cuộc họp báo.

Nhà ngoại giao Nga cũng đề cập đến việc NATO đã cam kết mức kỷ lục hơn 21 tỷ euro (tương đương 23,8 tỷ USD) viện trợ quân sự dài hạn cho Ukraine. "London lại một lần nữa tạo được dấu ấn. Thành phố đã công bố gói viện trợ trị giá 350 triệu bảng Anh và như đã nói, gói này bao gồm hàng trăm nghìn máy bay không người lái, hệ thống radar,...", bà cho biết. "Tổng cộng, Anh dự định chi 4,5 tỷ bảng Anh cho viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2025".
Bà Zhakharova cho rằng, Berlin đang cố gắng theo kịp London. "Ukraine đã nhận được 30 tên lửa bổ sung cho hệ thống Patriot, nhưng Berlin không thể tự chuyển giao các hệ thống của Mỹ. Đổi lại, Đức sẵn sàng phân bổ thêm bốn hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T và cung cấp xe chiến đấu, xe tăng, đạn dược. Tổng cộng, Đức có kế hoạch phân bổ khoảng 3 tỷ euro cho các mục đích này".
Ukraine đơn giản hóa việc tuyển dụng lính đánh thuê
Theo các nhà lập pháp Ukraine, chính phủ nước này thay đổi chính sách nhằm tuyển thêm lính đánh thuê nước ngoài để bổ sung vào lực lượng quân đội.
Theo trang babel.ua, chính phủ Ukraine đã thông qua nghị quyết về việc cho phép người nước ngoài và người không quốc tịch tham gia nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng. Các nghị sĩ Aleksey Goncharenko và Taras Meinichuk cũng công bố những thay đổi chính sách cho phép các trung tâm tuyển dụng của Ukraine đưa công dân nước ngoài và người không quốc tịch qua biên giới. Bộ Quốc phòng và Vệ binh Quốc gia Ukraine hiện có thể tài trợ cho công tác này. Kiev sẽ sắp xếp và chi trả chi phí đi lại, ăn uống và chỗ ở cho các chiến binh nước ngoài. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách quốc gia.

Kiev đang phải vật lộn trong chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc khi đối mặt với làn sóng trốn tránh nghĩa vụ quân sự hàng loạt. Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Pavlo Palisa đề xuất rằng, mọi công dân Ukraine, bất kể giới tính, cần phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng vũ trang nếu muốn tiếp cận các đặc quyền từ nhà nước, tương tự như mô hình của Israel. Trong khi đó, những "người tình nguyện" nước ngoài - được Moscow coi là lính đánh thuê - vốn che đậy tình trạng thiếu hụt nhân lực đang diễn ra trong quân đội Ukraine.
Moscow coi những người không phải công dân Ukraine phục vụ trong quân đội là tội phạm, không được bảo vệ theo chế độ bảo vệ thông thường. Sau các báo cáo về việc các chiến binh nước ngoài tham gia vào vụ tấn công vùng Kursk của Nga từ tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng, lính đánh thuê nước ngoài chiến đấu cho Ukraine không có quyền được bảo vệ theo luật quốc tế như quân Ukraine, không được bảo vệ theo Công ước Geneva năm 1949 về tù binh chiến tranh.
Các quan chức Nga cho rằng, một số lính đánh thuê được chính phủ các nước cử đến Ukraine để vận hành vũ khí phức tạp do phương Tây cung cấp hoặc để cố vấn cho các sĩ quan Ukraine.
Tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, cuộc tấn công gần đây của Nga vào vùng Sumy nhằm vào các quan chức quân đội Ukraine khi họ đang trong một cuộc họp với các sĩ quan quân đội phương Tây cải trang thành lính đánh thuê. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng có những quân nhân NATO ở đó và họ trực tiếp chỉ huy các hoạt động của Ukraine.


Các cuộc đàm phán thuế quan giữa Nhật Bản và Mỹ bước đầu đã có tiến triển tích cực, làm cơ sở để có các cuộc thảo luận sâu hơn vào cuối tháng này.
Mỹ đang cân nhắc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea như một phần trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình với Ukraine, trang Bloomberg đưa tin.
Iran đã phô diễn nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa, máy bay không người lái, xe tăng và các khí tài do nước này tự chế tạo trong các cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Quân đội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/4 tuyên bố phản đối Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuyên bố được đưa ra ngay trước thềm vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa Washington và Tehran dự kiến sẽ diễn ra tại Italy vào hôm nay 19/4.
Lầu Năm Góc ngày 18/4 xác nhận, Mỹ sẽ giảm gần một nửa số quân nhân đang triển khai tại Syria xuống mức dưới 1.000 người trong những tháng tới.
Hình ảnh về người đàn ông được mệnh danh là “người thép Ấn Độ” Vispy Kharadi đã nóng trở lại, sau khi tỷ phủ Elon Musk chia sẻ khoảnh khắc anh giữ vững hai trụ Hercules nặng tổng cộng hơn 335 kg trong vòng 2 phút 10,75 giây.
0