Nga sẽ giành thắng lợi tại Kursk?

Giao tranh tiếp diễn ở Kursk hiện không còn phục vụ mục đích chiếm giữ lãnh thổ của Nga mà nhằm giúp quân đội Ukraine kiểm soát các vị trí phòng thủ tốt nhất để ngăn chặn quân đội Nga. Kiev đang đứng trước nguy cơ mất toàn bộ lợi ích ban đầu từ chiến dịch Kursk về mặt lãnh thổ, tinh thần và sức mạnh mặc cả. Điều gì đã dẫn đến thất bại của Ukraine tại Kursk?

Tính toán sai lầm của Ukraine tại Kursk

Chiến dịch đột kích táo bạo mà Ukraine phát động vào mùa hè năm ngoái nhằm chiếm đóng vùng Kursk, miền Tây nước Nga dường như sắp kết thúc.

DeepState, nhóm phân tích thông tin tình báo có liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine, ngày 16/3 công bố bản đồ cho thấy, quân đội Ukraine dường như chỉ còn kiểm soát khu vực rộng 110 km² tại Kursk, tương đương 8,5% lãnh thổ từng giành được trong chiến dịch ở đây.

Các đơn vị của Kiev chỉ còn hiện diện tại hai khu vực sát biên giới, trong khi cả hai vùng này đều bị tấn công từ nhiều hướng và gần như chia cắt hoàn toàn. Chưa rõ các lực lượng của Kiev có thể còn cầm cự được bao lâu tại khu vực.

Theo các binh sĩ Ukraine, giao tranh đang tiếp diễn ở Kursk hiện không còn phục vụ mục đích chiếm giữ lãnh thổ của Nga nữa mà nhằm giúp quân đội Ukraine kiểm soát các vị trí phòng thủ tốt nhất để ngăn chặn quân đội Nga tiến vào khu vực Sumy của Ukraine và mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến. Có thể nói, Kiev đang đứng trước nguy cơ mất đi toàn bộ lợi ích ban đầu từ chiến dịch Kursk về mặt lãnh thổ, tinh thần và sức mạnh mặc cả. Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là điều gì đã dẫn đến thất bại của Ukraine tại Kursk?

Ngày 6/8/2024, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga với mong muốn buộc Nga rút quân về bảo vệ tỉnh biên giới, ngăn bước tiến của đối phương ở mặt trận Donbass, gồm tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như tạo đòn bẩy tại những cuộc đàm phán trong tương lai.

Ban đầu, phương tiện truyền thông phương Tây ca ngợi chiến dịch này là một thành tựu quan trọng của Kiev. Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra sau đó cho thấy, cuộc tấn công đã không đạt được mục tiêu. Không chỉ vậy, chỉ trong một tháng quân đội Ukraine còn mất nhiều lãnh thổ hơn so với cả năm 2023.

Để hiểu tại sao điều này xảy ra, trước tiên cần tìm hiểu bối cảnh lịch sử của chiến thuật nghi binh. Một cuộc tấn công nghi binh là một động thái chiến thuật nhằm đánh lạc hướng đối phương, thu hút sự chú ý hoặc nguồn lực khỏi mục tiêu chính nhằm mục đích buộc đối phương phải chuyển hướng lực lượng sang một mục tiêu thứ cấp, trong khi mục tiêu thực sự được theo đuổi ở nơi khác.

Trong trường hợp này, vào mùa hè năm ngoái, Ukraine đang phải đối mặt với áp lực không ngừng nghỉ ở khu vực Donbas, nơi lực lượng Nga đã đạt được tiến triển chậm nhưng đều đặn. Mặc dù lực lượng vũ trang Ukraine đã gây ra những tổn thất nặng nề cho Nga, nhưng họ không có cách nào để ngăn bước tiến của Moscow.

Trong thời gian đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và viễn cảnh về chiến thắng của ông Trump đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng Kiev sẽ bị cắt giảm viện trợ. Do đó, chính phủ Ukraine cho rằng họ cần phải hành động nhanh chóng để chuyển hướng lực lượng Nga khỏi mặt trận và tranh thủ thời gian để củng cố các vị trí phòng thủ. Điều này dẫn đến việc Kiev phát động một cuộc phản công phòng thủ, một phương thức mới của chiến thuật nghi binh.

"Mọi người đều có thể thấy rằng, quân đội Ukraine biết cách gây bất ngờ và biết cách đạt được kết quả. Điều này được chứng minh trên chiến trường, nơi những người lính của chúng tôi không chỉ chống lại lực lượng áp đảo của Nga mà còn phá hủy nó theo cách cần thiết để bảo vệ Ukraine - nhà nước và nền độc lập của chúng ta."

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Trong quá khứ, Napoleon Bonaparte là một bậc thầy về phản công phòng thủ, và chiến thắng của ông trong trận Austerlitz năm 1805 là một chiến thắng kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới với việc sử dụng chiến thuật nghi binh. Khi đó, Napoleon đã cố tình làm yếu sườn phải của mình để dụ quân Áo và Nga tấn công vào đó. Khi đối phương đã cam kết tấn công, ông lại đánh mạnh vào sườn trái sơ hở của họ, quyết định xoay chuyển cục diện trận chiến theo hướng có lợi cho mình. Động thái táo bạo này dựa vào thời điểm hoàn hảo, dụ đối phương phải kéo căng lực lượng quá mức và khai thác điểm yếu của họ vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, đối với Ukraine, đã có những tính toán sai lầm trong trận chiến tại Kursk.

1. Thời gian và cơ hội

Một cuộc phản công thành công thường phụ thuộc vào thời điểm thích hợp, khi đối phương đã kéo giãn lực lượng quá mỏng hoặc bị lộ ở vị trí dễ bị tấn công. Tuy nhiên, ở Kursk, không phải Nga mà là Ukraine đã bị kéo căng quá mức. Lực lượng Nga sở hữu một lợi thế đáng kể, với ưu thế 10:1 về pháo binh, 5:1 về máy bay không người lái và số lượng bộ binh tương đương. Nga có được những lợi thế này mà không cần phải cưỡng bức tuyển quân, trong khi Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng và tinh thần sa sút.

2. Thế phòng thủ

Không giống như một cuộc tấn công thông thường, một cuộc phản công phòng thủ bắt đầu bằng việc bên phòng thủ giữ một vị trí, hoặc rút lui về một khu vực kiên cố, chống đỡ cuộc tấn công ban đầu hoặc giả vờ yếu thế để dụ đối phương vào một vị trí dễ bị tấn công. Ukraine từng hy vọng sẽ dụ được quân tiếp viện Nga vào Kursk, qua đó giảm bớt áp lực ở mặt trận Donbas. Tuy nhiên, Moscow đã không “cắn câu”. Thay vì quyết định bảo vệ Kursk bằng mọi giá, chiến lược của Nga tập trung vào việc đổi không gian lấy thời gian ở Kursk trong khi tiếp tục gây tổn hại cho các lực lượng Ukraine ở Donbass.

3. Khai thác điểm yếu của đối phương

Các đợt phản công phòng thủ sẽ hiệu quả nhất khi bên phòng thủ có thể xác định được điểm yếu trong đội hình của đối phương. Mặc dù Ukraine đã xác định chính xác một khu vực phòng thủ yếu trong phòng tuyến của Nga và phát động một cuộc tấn công với 15.000 quân được hỗ trợ bởi xe tăng và pháo binh, nhưng họ đã không tận dụng được cơ hội này một cách quyết đoán. Lực lượng Nga không bị kéo căng quá mức như Ukraine hy vọng, và các phòng tuyến của họ vẫn tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa, khả năng nhanh chóng hỗ trợ khu vực bằng pháo binh và không quân của Nga cuối cùng đã áp đảo lực lượng Ukraine.

4. Lực lượng dự bị

Một thành phần quan trọng của một cuộc phản công phòng thủ thành công là bên phản công phải có sẵn lực lượng dự bị để khai thác khoảng trống trong đội hình của đối phương. Nhưng Ukraine lại thiếu lực lượng dự bị như vậy. Điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng đưa lực lượng mới vào để khai thác bất kỳ thành công nào trong cuộc phản công.

5. Sự thay đổi động lực

Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ cuộc phản công nào là chuyển động lực từ đối phương sang lực lượng phòng thủ. Nếu thực hiện tốt, điều này có thể buộc bên tấn công từ bỏ cuộc tấn công hoặc thậm chí rút lui. Tuy nhiên, tại Kursk, cuộc phản công của Ukraine đã không đạt được mục tiêu này. Thay vì đảo ngược tình thế, Ukraine liên tiếp mất thêm lãnh thổ tại mặt trận miền Đông.

Thắng lợi về chiến thuật của Nga

Cuộc tấn công vào Kursk đến nay chỉ là một chiến thắng tuyên truyền ngắn ngủi cho Ukraine. Thất bại của Kiev tại mặt trận này làm nổi bật bản chất vượt thời gian của các nguyên tắc chiến lược trong chiến tranh. Đó là chìa khóa cho thành công của một cuộc phản công nằm ở việc hiểu được điểm yếu của đối phương, khai thác điểm yếu một cách chính xác đồng thời đảm bảo có đủ các nguồn lực và lực lượng dự bị cần thiết để tận dụng thành công. Đây cũng là lời nhắc nhở với giới lãnh đạo quân sự rằng, dù cho tham vọng như thế nào, thành công trong chiến tranh đều đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng đến thực tế chiến trường. Trong khi đó, về phía Nga, việc giành lại Kursk là một thắng lợi về mặt chiến thuật.

Trong khi việc Ukraine rút quân khỏi hầu hết khu vực Kursk diễn ra nhanh chóng, các chuyên gia quân sự cho biết động thái này diễn ra sau nhiều tháng Nga tấn công và ném bom, làm xói mòn dần chỗ đứng của các lực lượng Kiev trong khu vực và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế, cuối cùng buộc họ phải rút lui.

Ông Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự người Áo đã đến thăm vùng Sumy của Ukraine trên biên giới với Kursk vào tháng trước để nói chuyện với các chỉ huy Ukraine, cho biết: “Những gì đã xảy ra trong vài tháng qua là một hoạt động định hình tạo điều kiện cho một cuộc tấn công thành công”.

Bắt đầu từ tháng 12, Nga đã tăng cường lực lượng tới Kursk và phát động nhiều cuộc tấn công vào sườn của vùng lồi do Ukraine kiểm soát ở khu vực. Đến giữa tháng 2, quân đội Nga đã tiến vào trong phạm vi 8 km của các tuyến đường tiếp tế chính của Ukraine cho thị trấn chiến lược Sudzha, cho phép họ nhắm mục tiêu vào các con đường bằng máy bay không người lái (UAV).

Để hỗ trợ cho chiến dịch phản công tại Kursk, Moscow đã triển khai tới đây đơn vị UAV tinh nhuệ hàng đầu, thuộc Trung tâm Thử nghiệm Rubikon, với nhiệm vụ làm gián đoạn tuyến hậu cần và chặn đường rút lui của đối phương. UAV Nga xuất hiện với số lượng lớn, nhắm vào mọi phương tiện di chuyển trên đường, khiến hoạt động tiếp tế của Ukraine trở nên cực kỳ khó khăn. Các đơn vị Ukraine gần như không thể sơ tán thương binh và luân chuyển quân, trong khi binh sĩ mắc kẹt suốt nhiều tuần trong chiến hào.

Theo chuyên gia Michael Kofman tại viện nghiên cứu có tên Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, phòng tuyến Ukraine ở Kursk bắt đầu đổ vỡ khi quân đội Nga tái kiểm soát khu dân cư Sverdlikovo gần biên giới vào ngày 14/2. Moscow sau đó tiến hành chiến dịch phản công lớn, thần tốc giành lại hàng loạt ngôi làng.

Đặc biệt, cuộc đột kích táo bạo của hàng trăm binh sĩ Nga vào thành phố chiến lược Sudzha thông qua một đường ống dẫn khí đốt không còn hoạt động đã trở thành một huyền thoại. Trong điều kiện vô cùng khó khăn khi phải di chuyển 15 km trong đường ống rộng chỉ hơn 1,4m, các binh sĩ Nga đã xâm nhập hậu phương của Ukraine tại Kursk, khiến đối phương hoảng loạn và tháo chạy.

"Khi các chiến sĩ của chúng tôi tiếp cận các chiến hào, đối phương đã hoàn toàn bối rối, họ hỏi 'Các anh là ai? Các anh là ai?' Người của chúng tôi ngay lập tức chiếm giữ tất cả các công sự mà không chịu một tổn thất nào. Điều đáng nói là các chiến sĩ của chúng tôi xuất hiện gần như không có mũ bảo hiểm, không áo giáp, không gì cả với cơ thể đen nhẻm, khuôn mặt và tay đen xì, mặc đồng phục đen, cầm súng máy, tiến ra và chiếm giữ các công sự này. Trong lịch sử tất cả các cuộc chiến, chưa từng có một chiến dịch huyền thoại nào được thực hiện như vậy."

Anh Krestniy - Binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Akhmat, Nga

Tiếp đó, trong một động thái thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới quan sát quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/3 đã bất ngờ xuất hiện tại Kursk, yêu cầu quân đội nước này nhanh chóng giải phóng hoàn toàn khu vực.

"Nhiệm vụ của chúng ta là trong tương lai gần nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể, đánh bại hoàn toàn kẻ thù đã đào hầm trên lãnh thổ vùng Kursk và vẫn đang tiến hành các hoạt động quân sự ở đây, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ vùng Kursk, khôi phục tình hình dọc theo đường biên giới quốc gia."

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Không chỉ đơn thuần là một chuyến thị sát khu vực tiền tuyến, sự kiện này, đặc biệt là hình ảnh nhà lãnh đạo Nga xuất hiện trong bộ quân phục dã chiến tại sở chỉ huy tiền phương đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng, vừa truyền đi lời hiệu triệu tới hàng nghìn binh sĩ Nga đang chiến đấu, khẳng định quyết tâm của Moscow trong việc bảo vệ lãnh thổ, vừa mang tính răn đe với đối phương. Chỉ vài giờ sau chuyến thị sát của ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát hoàn toàn Sudzha, đô thị lớn nhất Ukraine từng giành được trong chiến dịch Kursk.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 14/3 tuyên bố, quân đội Ukraine đã “hoàn thành mục tiêu” trong chiến dịch tấn công tỉnh Kursk. Ông Zelensky không cho biết liệu các đơn vị Ukraine đã rút hoàn toàn khỏi tỉnh Kursk hay chưa, nhưng giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là một trong những dấu hiệu cho thấy chiến dịch của Kiev đang đi đến hồi kết.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã đánh cược vào việc cải thiện thế cờ của mình trong các cuộc đàm phán ngừng bắn trong tương lai, bằng cách có thể đổi đất ở Nga để lấy lại đất ở Ukraine. Tuy nhiên, canh bạc đó đã thất bại. Theo giới quan sát, trước các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 18/3, ông Zelensky đã không còn quân bài nào để mặc cả nữa.

Trong khi đó, theo giới quan sát, việc Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Nga đã thảo luận về việc chia sẻ một số “tài sản” nhất định như một phần trong nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine, là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhiều quyết định đã được đưa ra - có hoặc không có Ukraine. Và ông Trump, người từng tuyên bố sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột Nga – Ukraine, có thể sẽ hy sinh lợi ích của Kiev để đạt được một thỏa thuận tốt hơn với Moscow.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này

Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.

Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.